Chiến thắng Điện Biên Phủ là hình mẫu của một cuộc chiến tranh nhân dân

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình ký kết Hiệp định Geneve. Vậy thắng lợi lịch sử này tác động cụ thể như thế nào thưa Phó Giáo sư?

Trong số các nước tham dự Hội nghị Geneve, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta là bên thứ 9 được mời và vào phút chót. Đầu tiên là 4 nước lớn: Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp. Sau đó là đến Trung Quốc là nước thứ năm và muốn giải quyết với cuộc chiến tranh ở Đông Dương thì Pháp yêu cầu phải có ba chính phủ thân Pháp ở Hội nghị: đó là Chính phủ quốc gia Việt Nam, của Bảo Đại; Chính phủ Vương quốc Campuchia và Chính phủ Vương quốc Lào.

Quan điểm của Liên Xô, Trung Quốc là muốn giải quyết cuộc chiến tranh này thì phải có Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do đó, chúng ta là bên cuối cùng được mời và được thông báo vào ngày 10/3/1954, tức là chỉ 3 ngày trước khi ta mở màn trận Điện Biên Phủ.

Hội nghị Geneve bắt đầu vào ngày 26/4, các bên ban đầu bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên và theo lịch trình thì đến ngày đến 8/5 mới bàn tới việc giải quyết chiến tranh Đông Dương. Tất nhiên, chúng ta xác định kể cả không được mời dự Hội nghị thì chúng ta cũng sẽ đánh Điện Biên Phủ. Nhưng khi nhận được thông tin là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được mời tham dự, chúng ta nhận thấy, nếu đánh thắng trận Điện Biên Phủ thì thắng lợi này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình đàm phán. Đó là động lực để chúng ta quyết định dồn toàn lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Và vì ngày 8/5 các bên sẽ bàn về chiến tranh Đông Dương nên việc chúng ta giành thắng lợi vào ngày 7/5, ngay trước thời điểm đó 1 ngày, đã có tác động mạnh mẽ đối với Hội nghị, tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình đàm phán của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sa bàn cứ điểm Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

PV: Trong bài “Nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ” (ký bút danh Chiến Sĩ) đăng trên Báo Nhân Dân năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn…”. Phó giáo sư có thể cho độc giả hiểu rõ hơn được tầm ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới?

Chiến thắng Điện Biên Phủ là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới, một quốc gia, một đất nước nhỏ bé, nhược tiểu, đất không rộng, người không đông mà chiến thắng đội quân thực dân Pháp . Bên cạnh đó, 80% chi phí chiến tranh của Pháp là do Mỹ giúp. Tức là chúng ta cùng một lúc, trên thực tế phải chiến đấu với cả Pháp và Mỹ. Vậy mà chúng ta vẫn giành chiến thắng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra một cú sốc thực sự đối với thế giới - khi lần đầu tiên trong lịch sử quân sự, một cường quốc thực dân phương Tây được Mỹ giúp sức mà thất bại hoàn toàn tại một cứ điểm phòng ngự được cả hai đế quốc này khẳng định bất khả xâm phạm. Chúng ta người thì ít, vũ khí trang bị thiếu thốn, kinh nghiệm tác chiến thì cũng chưa nhiều mà đánh bại được pháo đài ấy. Chúng ta còn bắt sống hàng nghìn tù binh. Gần như không có lính Pháp nào của tướng De Castries chạy thoát được và hình ảnh quân đội Việt Minh dẫn giải tù binh từ Điện Biên Phủ về đồng bằng trên những thước phim tài liệu đã gây chấn động thế giới. Người ta sốc vì lần đầu tiên một cường quốc thực dân phương Tây bị một nước chính họ đô hộ hơn 80 năm bắt nhiều tù binh đến như thế.

Thứ hai là như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là một cột mốc bằng vàng trong lịch sử dân tộc, nó đánh dấu nơi chủ nghĩa thực dân cũ lăn xuống dốc và tan rã. Và nhờ nguồn cổ vũ từ chiến thắng Điện Biên Phủ của chúng ta, nhiều nước thuộc địa khác trên thế giới cũng vùng lên đấu tranh và giành được độc lập từ tay các đế quốc thực dân kiểu cũ.

PV: Nhắc đến Điện Biên Phủ là nhắc đến tài năng kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phó giáo sư có thể chia sẻ một vài câu chuyện về niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Ngày 5/1/1954, trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, Bác dặn Đại tướng là "Bác giao cho chú toàn quyền tướng quân tại ngoại - được quyết định trước - báo cáo sau". Điều này thể hiện sự tin tưởng rất lớn của Người đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác dặn thêm: trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Đại tướng đã quán triệt lời dặn ấy và vận dụng rất dũng cảm, sáng suốt trong chỉ đạo chiến dịch để làm nên thắng lợi vĩ đại ở Điện Biên Phủ.

Điều này thể hiện rõ qua việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh ngay trước khi giờ nổ súng. Kế hoạch ban đầu của Tổng quân ủy, của Tổng tham mưu là trận Điện Biên Phủ dự kiến kéo dài 45 ngày với quân số là 42.000 người. Nhưng khi ra mặt trận thì Bộ Chỉ huy chiến dịch lại chọn phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh trong hai ngày ba đêm.

Đại tướng thấy không có cơ sở để giành thắng lợi nhanh chóng như vậy nên sau nhiều ngày theo dõi và cân nhắc, Đại tướng quyết định thay đổi phương châm từ đánh nhanh, thắng nhanh chuyển sang đánh chắc tiến chắc. Mà đã đánh chắc tiến chắc thì phải rút lực lượng, kéo pháo ra để chuẩn bị thêm. Ngày nổ súng dự kiến theo phương án đánh nhanh, thắng nhanh là 26/1 nhưng cuối cùng phải đến 13/3/1954 chúng ta mới nổ súng ở Điện Biên Phủ.

Mặc dù ở thời điểm ra quyết định ấy, lực lượng đã áp sát trận địa rồi, chỉ còn có mấy tiếng nữa là nổ súng. Vậy mà Đại tướng quyết rút hết lực lượng ra để chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo chắc thắng. Rõ ràng việc này thể hiện tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trách nhiệm của ông trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ chiến sĩ tham gia trận Điện Biên Phủ cũng như quán triệt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh  “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ là lần đầu tiên, quân đội của một nước thuộc địa có thể đánh sòng phẳng và đánh thắng quân đội tinh nhuệ của một cường quốc hàng đầu thế giới. Phó giáo sư có thể đánh giá về sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta qua thắng lợi này?

Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã trưởng thành vượt bậc. Có thể so sánh thế này: khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, khởi đầu là ngày 23/9 ở Nam Bộ, lúc đó quân đội ta chỉ có khoảng 5000 bộ đội chính quy. Nhưng đến trận Điện Biên Phủ, chúng ta đã có 290.000 quân, gấp gần 60 lần. Bên cạnh đó, trình độ chỉ huy được nâng lên, trình độ tác chiến của bộ đội cũng được nâng lên và chúng ta có thêm nhiều trang bị sau khi được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ. Thế và lực của cuộc kháng chiến nếu tính từ đầu năm 1945 đến đầu năm 1954 đã khác hẳn. Vì thế, chúng ta có thể đánh sòng phẳng với quân đội thực dân Pháp.

Trước đây phương châm của chúng ta là du kích chiến, là thoắt ẩn, thoắt hiện, phục kích tập kích bất ngờ xong lại di chuyển. Nhưng lần này, khi Pháp lập cứ điểm ở Điện Biên Phủ, ta đã đưa bộ đội lên đối đầu trực tiếp. Chúng ta bao vây quân Pháp thực hiện một trận đánh trận địa - tức là về trình độ, thế và lực của cuộc chiến tranh đã khác rồi. Trước đây chúng ta không bao giờ đối mặt với một tập đoàn cứ điểm mạnh như thế nhưng bây giờ chúng ta tiến thẳng lên chiến tranh chính quy, đánh kiểu trận địa với quân Pháp. Thậm chí, quân Pháp còn ở thế bị động, luôn phải trong trạng thái chờ chúng ta đánh. Sự trưởng thành sau 8 năm kháng chiến của quân đội ta là rất lớn, nên mới có thể trực diện đương đầu với hơn 16.000 quân Pháp tại một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh mà giành thắng lợi.

Tướng De Castries bị bắt tại Điện Biên Phủ.

PV: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Đảng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó, lực lượng dân công đã tham gia với số lượng rất đông đảo và có đóng góp quan trọng. Phó giáo sư có thể phân tích cụ thể hơn về vai trò của lực lượng dân công và đóng góp của nhân dân cả nước đối với chiến thắng Điện Biên Phủ?

Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ta có Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Rồi các khu, liên khu đều có Hội đồng Cung cấp và nhiệm vụ là vận động khai thác lương thực, thực phẩm ở các tỉnh mang lên Điện Biên Phủ với khẩu hiệu "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ". Phục vụ cho hơn 50.000 bộ đội tại chiến trường, chúng ta đã huy động lên Điện Biên Phủ khoảng 262.000 dân công. Đó là số lượng dân công lớn nhất từ trước tới nay,. Trung bình 5 dân công phục vụ 1 bộ đội. Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong mở đường, sửa đường, vận chuyển lương thực thực phẩm và đạn dược, tải thương, cứu thương và thậm chí kéo pháo cùng bộ đội. Dân công làm bất kể công việc gì mà mặt trận cần. Với một lực lượng như thế, trận Điện Biên Phủ chính là hình mẫu của một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia chiến dịch để làm nên chiến thắng, chứ không chỉ riêng bộ đội.

Nhờ huy động sức mạnh toàn dân, chúng ta đã mang lên Điện Biên Phủ tới 27.400 tấn lương thực và đấy là điều mà quân Pháp không bao giờ tưởng tượng nổi. Chúng ta mang qua quãng đường dài bằng tất cả các phương tiện có thế, từ ô tô, xe bò kéo, xe ngựa kéo, xe đạp thồ rồi thuyền, bè, mảng và cả quang gánh. Nhân dân ở các tỉnh ở miền Bắc và nhân dân Thanh Hóa, Nghệ An đóng góp rất lớn cho Điện Biên Phủ, giúp đảm bảo một điều kiện quan trọng đối với thắng lợi là bộ đội được ăn no. Có ăn no thì mới có thể chiến đấu tốt và giành chiến thắng.

PV: Phó giáo sư từng phát biểu “Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng những giá trị lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên”. Vậy trong bối cảnh địa chính trị của thế giới hiện nay, chúng ta có thêm những giá trị gì mới khi nhìn nhận về chiến thắng Điện Biên Phủ?

Bảy mươi năm về trước và ngày nay, bối cảnh địa chính trị khác nhau nhiều lắm. Bối cảnh địa chính trị hiện nay là xung đột ví dụ như xung đột Nga - Ukraina hay xung đột giữa Israel và Hamas. Nó khác với cuộc chiến đấu của một dân tộc bị áp bức, bị thuộc địa vùng lên đánh bại đế quốc thực dân để dành độc lập như chúng ta đánh Pháp.

Bối cảnh khác nhau nhưng Điện Biên Phủ vẫn mang đến một bài học hữu ích trong thời đại hiện nay. Đó là muốn thành công thì phải tập hợp được sức mạnh toàn dân và người dân phải cũng hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo. Muốn tập hợp được như thế, muốn có sự tin tưởng như thế thì phải đề ra đường lối phản ánh được nguyện vọng của người dân, qua đó tạo nên sự đoàn kết và quyết tâm của cả dân tộc. Không làm được điều này thì sẽ rất khó giành thắng lợi. Chẳng hạn, chúng ta thấy Israel đưa quân đội tấn công Dải Gaza để đáp trả Hamas nhưng cũng có nhiều người dân Israel không đồng tình và họ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ.

PV: Theo giáo sư, thế hệ trẻ hiện nay có thể đúc rút ra những gì để làm kim chỉ nam từ thắng lợi lịch sử cách đây 70 năm của thế hệ cha ông?

Trong lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, người nhiều tuổi nhất là đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó mới 43 tuổi. Còn cán bộ chỉ huy thì trẻ hơn. Ví dụ như bố của tôi ( Chính trị viên đội quân y mặt trân phía Đông Điện Biên Phủ - ông Nguyễn Dân ) tham gia đánh trận Điện Biên Phủ lúc ấy mới 29 tuổi. Gần đây, tôi giao lưu với các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, gặp những bác khi ấy mới 25 tuổi đã là cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, còn hầu hết là lứa tuổi dưới 25 hoặc chỉ trên dưới 20. Những người tham gia dân công, thanh niên xung phong cũng còn rất trẻ. Cho nên nói chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch của lớp trẻ là như vậy - những người trẻ tuổi có lòng yêu nước, có nhiệt huyết cách mạng và quyết tâm chiến đấu đã làm nên chiến thắng vĩ đại ấy.

Vậy bài học rút ra cho lớp trẻ ngày nay là gì?  Đó là đối với những công việc quan trọng của đất nước thì phải tham gia với lòng nhiệt tình tận hiến, vận dụng hết năng lực và kiến thức mình được đào tạo thì mới làm nên những thắng lợi như hệ ông cha chúng ta đã làm được cách đây 70 năm. Tất nhiên, nhiệm vụ đánh Điện Biên Phủ là chuyện sống chết về sinh mệnh, còn hiện nay nhiệm vụ xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc gần như không nguy hiểm đến sinh mệnh. Nhưng nó đòi hỏi về sự đóng góp khác, hy sinh khác để xây dựng đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ nhắc nhở thế hệ trẻ hiện nay rằng, trước đây 70 năm cha ông chúng ta cũng là những người trẻ tuổi, trình độ kiến thức không bằng bây giờ nhưng với lòng yêu nước và tinh thần nhiệt tình cách mạng, họ vẫn làm nên chiến công vĩ đại. Vậy thì chẳng có lý do gì thế hệ trẻ ngày nay không làm được những điều lớn lao cho đất nước.

PV: Xin cảm ơn Phó giáo sư về cuộc trò chuyện và chúc ông thật nhiều sức khỏe.

Hùng tráng - choáng ngợp - xúc động - trực quan, đó là cảm xúc của những ai đã chiêm ngưỡng bức tranh Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đây là bức tranh tròn duy nhất tại Việt Nam, được coi là một trong ba bức họa đề tài chiến tranh lớn nhất trên thế giới. Đáp ứng những mong mỏi được chiêm ngưỡng tác phẩm của những người dân chưa thể đặt chân tới Điện Biên những ngày tháng 5 này, Đài Hà Nội trân trọng gửi tới khán giả phiên bản số hóa bằng công nghệ thực tế ảo với những trải nghiệm sống động về bức tranh tái hiện không khí hào hùng của 56 ngày đêm đã làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Thực hiện: Ánh Nguyệt
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cải tổ nội các. Trong khi giữ lại hầu hết các vị trí bộ trưởng quan trọng, nhà lãnh đạo Nga đã đề cử Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belusov làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, thay cho ông Sergei Shoigu.

Trong bối cảnh máy bay không người lái (UAV) xuất hiện với tần suất ngày càng phổ biến trên chiến trường, nhiều quốc gia đã đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí chuyên dụng để khắc chế UAV. Hệ thống Leonidas của Mỹ là một trong số đó. Leonidas được xem là khắc tinh của UAV, bởi hệ thống này có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các đợt tấn công quy mô lớn của các UAV cỡ nhỏ.

Trong tuần qua, xe tăng của quân đội Israel đã tiến vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Việc Israel mở rộng tấn công vào thành phố đông dân này được cảnh báo sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại Gaza, đẩy Israel vào thế bị cô lập trên chính trường quốc tế, đồng thời khiến mối quan hệ với đồng minh Mỹ ngày càng rạn nứt sâu sắc.

Tình trạng nghèo đói và xung đột gia tăng tại nhiều quốc gia châu Mỹ đã khiến số người di cư tăng mạnh. Đây là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực.

Ngọn đuốc Olympic 2024 đã đến thành phố Marseille, chính thức khởi đầu một mùa Thế vận hội sôi động mà Tổng thống Emmanuel Macron hy vọng sẽ thể hiện sự huy hoàng của nước Pháp. Kể từ đây, ngọn đuốc sẽ trải qua hành trình dài 12.000km trên khắp nước Pháp, tới cả các lãnh thổ hải ngoại xa xôi ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

10h sáng 9/5 theo giờ Matxcơva, tức 14h chiều theo giờ Việt Nam, lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày chiến thắng phát xít đã diễn ra trên Quảng Trường Đỏ của Nga. Kể từ năm 2000, các cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng đã trở thành màn trình diễn hàng năm không chỉ của các lực lượng quân sự mà còn của các loại vũ khí, khí tài tối tân nhất của Nga. Những màn trình diễn này cho thấy tiềm lực quốc phòng to lớn của nước này.