Dâng sao có giải được hạn? | Hà Nội tin mỗi chiều

Dâng sao có giải được hạn?; Giữ gìn nét đẹp truyền thống Tết Nguyên tiêu... là những nội dung chính trong chương trình hôm

Dâng sao có giải được hạn? 

Sau Tết Nguyên đán, hàng ngàn Phật tử và người dân tập trung tại các chùa để dâng sao giải hạn. Không hiểu tại sao người dân lại chọn chùa để giải hạn và tại sao nhà chùa lại làm lễ giải hạn, một điều hoàn toàn xa lạ với giáo lý Phật giáo.

Nhắc tới dâng sao giải hạn có lẽ người dân Thủ đô không ai là không biết tới ngôi chùa Phúc Khánh. Hàng chục năm nay, ngôi chùa được xây từ thời Hậu Lê này luôn đón hàng nghìn người dân, phật tử về cầu an, dâng sao giải hạn mỗi dịp đầu năm.  Có thời điểm cả ngàn người đã tràn xuống lòng đường để vái vọng vì sân chùa không còn đủ sức chứa. Trước yêu cầu chấn chỉnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Phúc Khánh đã không còn niêm yết công khai giá tiền làm lễ dâng sao giải hạn và tổ chức nhiều khóa lễ cầu an cho hết tháng Giêng.

Nam La Hầu, nữ Kế Đô, Thái Bạch mất sạch cửa nhà… đây là những quan niệm truyền miệng trong dân gian, cho rằng mỗi người có một vì sao ứng mệnh, có sao xấu sao tốt tùy theo từng năm. Cho đến nay, chưa nhà thiên văn học nào chứng minh có sự xuất hiện 9 ngôi sao chiếu mệnh con người trên bầu trời. Dâng sao giải hạn chỉ là nghi lễ tâm linh giúp một số người cảm thấy an tâm. Nhưng khi quá tin vào những thứ mơ hồ như sao xấu, sao tốt hay ngày giờ đẹp thì con người dễ bị ám ảnh bởi nỗi bất an. Bởi lẽ nếu cứ bỏ tiền ra cúng bái, giải trừ vận hạn mà có hiệu quả thực sự thì cuộc đời không còn nỗi khổ, niềm đau. Niềm tin thực hiện nghi thức cúng sao có thể giúp giải được tai ương, xui xẻo đã khiến nhiều người bỏ không ít tiền bạc để làm lễ cúng sao “hoành tráng”. Hiệu quả giải hạn đến đâu chưa rõ, chỉ biết hệ luỵ từ những khoản chi tốn kém cho việc soạn lễ, bỏ thời gian chôn chân tại cơ sở tín ngưỡng là có thật. Hơn tất cả, việc làm thiếu hiểu biết này đã khiến cho nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm bị méo mó.

Ảnh minh họa

Từ nhiều năm nay, dâng sao giải hạn đã trở thành dịch vụ thương mại ở không ít ngôi chùa, nhất là chùa ở miền Bắc. Tùy vào địa điểm và tiếng tăm của ngôi chùa mà giá cả cũng khác nhau. Hội đồng giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều lần lên tiếng là trong giáo lý nhà Phật không có hoạt động dâng sao giải hạn và hướng dẫn cơ sở thờ tự và Phật tử không thực hành mê tín dị đoan. Nhưng người ta vẫn cứ đến chùa, vẫn cứ dâng sao giải hạn trong chùa. Một niềm tin của Đạo giáo bị những người mê muội và thiếu hiểu biết đem thực hành trong chùa của Phật giáo. Đến chùa dâng sao giải hạn, tưởng là tôn vinh Đức Phật, mà không biết rằng đang đi ngược tư tưởng, giáo lý của đạo Phật. Xã hội ngày càng phát triển văn văn minh, tại sao mê tín dị đoan vẫn còn đất sống? Đó là vì còn có những cá nhân, tổ chức muốn tạo ra các hoạt động mê tín, ru ngủ những người mê muội để làm giàu.

Trước mỗi mùa lễ hội đầu xuân, Thủ tướng Chính phủ thường ra công điện yêu cầu đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan. Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ và yêu cầu các bộ ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải xử lý nghiêm các hoạt động biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi như: dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ. Khi Thủ tướng đã chỉ rõ các hoạt động vừa nêu là mê tín dị đoan, chúng ta cùng hy vọng sẽ có các biện pháp cụ thể, rõ ràng để xử lý vấn đề được coi là rất nhạy cảm này.

Niềm tin tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, càng những khi cuộc sống gặp khó khăn, con người lại càng tìm đến điểm tựa tâm linh để chiêm nghiệm, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm tưởng. Tuy nhiên, khi đức tin bị đặt sai chỗ, bị lợi dụng thì nó lại tạo ra những mặt trái hoặc cũng có thể gây ra khủng hoảng cho chính người đó và dễ bị đẩy lên đến mức thái quá, trở thành mê tín dị đoan cùng nhiều biến tướng tiêu cực. Nếu giàu có, khỏe mạnh cứ cầu mà được, cứ lễ mà có thì hóa ra thần, phật dễ tính quá. Chỉ khi chúng ta nhìn đời bằng con mắt tích cực và luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn thì vận hạn sẽ qua và bình an sẽ đến. Tâm an vạn sự thành!

Giữ gìn nét đẹp truyền thống Tết Nguyên tiêu 

Ngày mai là ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn, ngày Rằm tháng Giêng, ngày rằm đầu tiên trong năm. Ông cha ta vẫn gọi là Tết Nguyên Tiêu, hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Người xưa có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng". Rằm tháng Giêng là thời điểm người dân hoan hỷ đến chùa lễ Phật, sắp lễ tại ban thờ gia tiên để cầu gia đạo bình an và may mắn. Không khí của ngày rằm tháng giêng này thật không khác gì những ngày còn trong Tết, là một điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Dịp này, người dân thường chọn đến chùa, đền, miếu, di tích lịch sử để bày tỏ lòng thành kính, khát vọng của mình với tự nhiên; còn trong gia đình đó là nghi thức trang nghiêm để nhớ công đức của các bậc sinh thành, nhớ về cội nguồn. Hoạt động đặc trưng trong Tết Nguyên tiêu là thả hoa đăng, treo đèn lồng và làm thơ.

Người dân thả đèn hoa đăng vào ngày Tết Nguyên Tiêu.

Nghi thức xưa, tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên. Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất. Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ rồi chơi tam cú, tổ tôm. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt.

Từ xưa đã có rất nhiều văn nhân thi sĩ yêu trăng như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… làm nhiều bài thơ hay về Nguyên tiêu. Ở thời cận đại, xuân Mậu Tý, năm 1948, tại núi rừng chiến khu Việt Bắc, nhà thơ Hồ Chí Minh, mặc dù rất bận việc quân, việc nước, nhưng trước xuân trăng dạt dào thi hứng, Người đã viết bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán. Và từ năm 2003, Hội nhà văn chọn rằm tháng Giêng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Đây là một hoạt động văn hóa lớn, được tổ chức thường niên vào Tết Nguyên tiêu. Việc có một ngày hội tôn vinh thơ ở đất nước “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, yêu thi ca quả là một sự độc đáo. Thơ ca luôn có vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Năm nay, với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/2/2024, tại Hoàng thành Thăng Long.

Mục “Đường thơ” trong Ngày thơ Việt Nam ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Quang

Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã cải biến nhiều phong tục của người Việt. Rằm tháng Giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp. Trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho người dân và đất nước. Dù là tôn giáo hay tín ngưỡng nào, việc giữ được nét văn hóa truyền thống luôn là điều đáng phát huy và gìn giữ. Với tinh thần dân tộc của người dân Việt, những lời cầu nguyện luôn hướng tới con người, quê hương, đất nước rồi mới đến những lời cầu nguyện cá nhân. Sự tiếp biến văn hóa này là một nét đặc sắc mà không phải nơi nào cũng có được.

Dù mỗi địa phương, dòng họ có cách thức tổ chức khác nhau nhưng tục cúng lễ ngày Rằm tháng giêng đã thực sự trở thành một nghi thức quen thuộc trong đời sống tâm linh từ bao đời nay của người dân Việt Nam. Đó là cách mà mỗi người nhớ về nguồn cội với cả tấm lòng thành kính, tri ân và hướng tới những điều may mắn, an lành trong năm mới./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Học sinh lại bị bỏ quên trên xe đừng để những lời hứa gió bay; Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp kiểm soát tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội quy định cụ thể chỉ tiêu dân số cho nhà chung cư; Khuyến khích người dân gửi hình ảnh vi phạm luật qua Zalo; Tốc độ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hiện thực hoá khát vọng phát triển Hà Nội; Hà Nội đã có 373 phiếu lý lịch tư pháp được cấp qua VNeID; Trẻ mầm non 5 tuổi ở các trường công lập được miễn học phí... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Thành tựu phòng chống tác hại thuốc lá 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ; Thêm hai sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội; Hà Nội có thêm khu công nghiệp Phụng Hiệp gần 3.000 tỷ đồng... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm sẽ hoạt động cả quân sự và dân dụng; Quy hoạch Thủ đô - văn hóa là nền tảng và động lực phát triển; Hà Nội thành lập 6 tổ công tác “đặc biệt” rà soát phòng cháy chữa cháy… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ kiểm tra PCCC của 100% nhà trọ trước 15/6 ; Hiệu quả đến từ 5 tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.