Di chuyển từ Hà Nội đến Điện Biên chỉ mất 1 giờ | Hà Nội tin mỗi chiều

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc đang thu hút lượng lớn du khách; Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay; Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc đang thu hút lượng lớn du khách

70 năm trước, cái tên Điện Biên Phủ hiện lên chói lọi trên bản đồ thế giới với chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (07/05/1954 - 07/05/2024). Ngày nay, thành phố Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên được biết đến như một trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc với thế mạnh về du lịch lịch sử, du lịch tâm linh văn hóa, du lịch sinh thái.

Điện Biên đang là điểm thu hút khách du lịch nhất vào thời điểm ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Điện Biên đón khoảng 10.000 lượt du khách từ mọi miền đổ về mỗi ngày. Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội quy mô lớn gắn với kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.  Mục tiêu của Điện Biên trong năm nay là đón 1,3 triệu lượt khách.

Các cựu chiến binh và du khách thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Khiếu Minh

Điện Biên là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta. Trước đây, do điều kiện đường cất - hạ cánh hạn chế, sân bay Điện Biên chỉ đón được máy bay cỡ nhỏ. Sau khi được nâng cấp mở rộng, sân bay Điện Biên đi vào hoạt động trở lại với đường băng dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại. Tổng thời gian bay thẳng Hà Nội - Điện Biên bằng phản lực Airbus chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, trong khi đi bằng đường bộ thường mất từ 9-12 giờ. Đường bay thẳng đã rút ngắn khoảng cách địa lý cho khách du lịch trong nước và quốc tế khi tham quan Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc.

Điện Biên có “báu vật” tầm quốc tế, đó là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đã được trùng tu, tôn tạo từ năm 2004. Song, nhiều chuyên gia nhận định giá trị di tích đặc biệt này chưa được phát huy hết, hầu hết mới chỉ duy trì hoạt động tham quan thuần túy hoặc có hướng dẫn viên thuyết minh mà chưa có các hoạt động trải nghiệm thực tế hóa thân thành nhân vật, hoạt động tham quan hiện đại như xem phim 3D, thuyết minh tự động, thực cảnh.... Do đó, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ không nên chỉ tính toán ngắn hạn mà cần hướng đến mục tiêu lâu dài, không những đối với du khách trong nước mà còn tạo sự ấn tượng sâu sắc đối với du khách quốc tế.

Ngành du lịch được tỉnh Điện Biên chọn làm ngành kinh tế mũi nhọn, nên cần có những giải pháp để tạo ra sự đột phá. Trong đó cần tìm ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt, chỉ có ở Điện Biên. Đồng thời tìm ra những giá trị tiềm ẩn và có cách để những giá trị tiềm ẩn đó được được khơi dậy, tạo thành những giá trị hiệu quả và bền vững.

Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa có quyết định kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam. Thời hạn tiến hành kiểm tra là ba ngày làm việc (từ ngày 7-9/5). Thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1/2024 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra. Đoàn kiểm tra gồm 10 thành viên do ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay tại các hãng hàng không.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian vừa qua tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có). Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Sẽ kiểm tra việc bán vé máy bay của các hãng hàng không. Ảnh: P.V

Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Vận tải chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo Bộ kết quả thực hiện trước ngày 10/5.

Việc giá vé máy bay tăng cao và khan hiếm cục bộ ở một số chặng ngay trước đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã gây ra nhiều biến động cho thị trường, tác động từ doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch, cho tới người dân cần đi lại hàng ngày. Biến động của ngành này, có thể là cơ hội cho ngành khác. Việc một bộ phận người dân chuyển từ hàng không sang đường bộ hoặc đường sắt chưa hẳn đã xấu. Nhưng nếu giá vé nội địa tăng cao so với giá vé quốc tế như hiện nay thì lại là chuyện khác. Sẽ có nhiều người Việt Nam lựa chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc còn hơn đi Phú Quốc, Nha Trang vì hiện giá vé máy bay xấp xỉ nhau, thậm chí bay nội địa còn đắt hơn đi một số nước ASEAN.

Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn tại Hà Nội

Thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là chủ đề nóng trong những ngày qua. Thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, khoảng gần 2 tấn lườn vịt, nầm lợn đông lạnh, không có hóa đơn chứng từ vừa bị lực lượng chức năng thu giữ khi đang tập kết để chuẩn bị tuồn ra thị trường tiêu thụ.

Sau một quá trình theo dõi, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội phối hợp đội Quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở tập kết kinh doanh thực phẩm tại thôn Kỳ Thuỷ, xã Bích Ngọc, huyện Thanh Oai. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ gần 2 tấn lườn ngỗng, lườn vịt, đùi vịt. Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận đã mua số thực phẩm này trên thị trường; sau đó, tập kết tại kho đông lạnh ở xã Bích Ngọc, chuẩn bị đem đi “đổ buôn” tại một số khu vực của Hà Nội và các tỉnh lân cận thì bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.

Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện lượng lớn thực phẩm bẩn.

Một số loại thực phẩm đông lạnh bị thu giữ được dán tem nhãn mác nước ngoài.Sau khi nhập về kho, chủ hàng xé nhãn mác, đóng chung vào các thùng xốp chuẩn bị sẵn, giả là thực phẩm trong nước để đem đi tiêu thụ. Các đối tượng còn thuê địa điểm tập kết tại khu vực hoang vắng, xa khu dân cư ít người qua lại. Đồng thời lắp đặt camera cảnh giới xung quanh, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Các mặt hàng này đang được mua bán, trao đổi mạnh trên thị trường online, các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch và tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn tại Hà Nội.

Cùng ngày, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế, đã phối hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại LK04 No7D khu dịch vụ Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông phát hiện, thu giữ hơn 100kg lạp sườn và lườn ngỗng không có hóa đơn chứng từ. Hiện lực lượng chức năng đang mở rộng xác minh các cơ sở, điểm kinh doanh, nhà hàng đã nhập các mặt hàng này về bán cho người tiêu dùng, củng cố tài liệu xử lý vi phạm theo quy định. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vừa qua, vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại Đồng Nai làm hơn 550 người phải nhập viện đang khiến dư luận rúng động, hiện vẫn tiếp tục ghi nhận thêm số trường hợp phải vào bệnh viện. Các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy các bệnh nhân có nhiễm khuẩn E.coli, nhiễm trùng đường ruột. Nguyên liệu của cửa hàng Băng được mua từ chợ và các sơ sở nhỏ lẻ. Những cửa hàng như Băng được xác định là nhỏ lẻ, nhưng bán ra tới hơn 1.100 ổ bánh mỗi ngày. Các thau đựng đồ chín, đồ sống chưa được phân loại riêng biệt. Bạn thử nghĩ xem, nếu một ngày nào đó, nhân viên chỉ cần lãng đãng bỏ nhầm đồ chín vào thau đồ sống, là tới cả nghìn người có nguy cơ nhập viện. Hậu quả như vậy có còn là nhỏ lẻ?

Khi một vài người bỗng mang trách nhiệm phục vụ ăn uống cho cả nghìn người mỗi ngày, họ có tầm tác động lớn tới cộng đồng. Những người này, nếu không có đủ khả năng và kiến thức, phải bị ngăn chặn để tránh gây hậu quả xấu cho xã hội./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội sẽ có thêm hai quận mới; Công ty vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông lãi tăng vọt nhờ đâu?; Hà Nội hỗ trợ tới 100% phí phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Tăng lương giáo viên lên mức cao nhất; Hà Nội nỗ lực khôi phục vùng sen bách diệp; Cụ bà 6 lần chuyển 18 tỷ cho 'công an rởm'… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bộ Công an đề xuất phạt tới 500 triệu đồng nếu để lộ thông tin cá nhân; Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tới 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; Xuất khẩu nông sản đã mang về cho ngành Nông nghiệp Thủ đô hơn 1,35 tỷ USD... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Người Hà Nội yêu hoa bằng lăng hơn vàng; Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số; Sau trận mưa lớn kéo dài ngày 12/5, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu và gây sạt lở đất ở Ba Vì… là những nội dung số trong chương trình hôm nay.

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1; Hà Nội thí điểm quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm; Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của World Travel Awards 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.