Hà Nội: Phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045. Trong đó Hà Nội định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô và nêu vị trí dự kiến xây dựng sân bay thứ hai.

 Tại tờ trình, thành phố Hà Nội đưa ra nhiều nội dung trong định hướng phát triển không gian toàn đô thị với đô thị trung tâm. Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội định hướng xây dựng hai thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây.

Theo định hướng, thành phố phía Tây trực thuộc Thủ đô Hà Nội là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với hướng hiện đại; thành phố phía Bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) nghiên cứu chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài.

Vị trí đề xuất trung tâm thành phố, dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vị trí thuận lợi gần các trung tâm lớn như Smart City, TT Hội chợ triển lãm quốc gia, Khu Di tích Cổ Loa…

Theo tờ trình của UBND TP, thành phố phía Tây, phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với hướng hiện đại, sinh thái, cao - thấp tầng.

Định hướng của thành phố Hà Nội cũng thể hiện, khu vực nội đô lịch sử sẽ được bảo tồn, tôn tạo, cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng xã hội, phát triển mới, đề xuất phát triển một số khu vực theo mô hình đô thị nén, mô hình TOD.

Với đô thị Long Biên, Gia Lâm, thành phố sẽ nghiên cứu mô hình phát triển gắn kết với các đô thị tỉnh, thành phố lân cận, là cửa ngõ logistics phía Đông kết nối hướng các tỉnh, thành phố ven biển; nghiên cứu quy hoạch phát triển mới, đề xuất một số khu vực đô thị nén, mô hình TOD, liên kết không gian ngầm, công trình cao tầng, mật độ xây dựng thấp, tăng quy mô diện tích không gian xanh, tăng cường tiện ích đô thị.

Trong quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội cũng đề xuất 2 địa điểm để xây dựng sân bay thứ hai.

Về định hướng quy hoạch Cảng hàng không thứ 2 của thủ đô, thành phố cho biết, có 2 phương án dự kiến đề xuất trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô.

Phương án 1, sân bay có diện tích 1.300 ha thuộc địa bàn của 4 xã (Tân Ước, Thanh Vân của huyện Thanh Oai; Tiền Phong, Tân Minh của huyện Thường Tín). Khi xây dựng sẽ giải phóng mặt bằng 2 khu dân cư xã Thanh Vân với hơn 52 ha và khoảng 5.000 người ảnh hưởng. Đường điện 500 kV cũng phải di chuyển khỏi ranh giới sân bay.

Ưu điểm của phương án này là khoảng cách vào trung tâm thành phố 20 - 30 km; gần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1A, QL21B, đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; gần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài.

Tuy nhiên, nếu chọn phương án này sẽ gặp phải một số nội dung cần giải quyết. Cụ thể là việc có thể phải điều chỉnh hướng tuyến của đường trục kinh tế phía Nam, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Đông đi qua sân bay mới để kết nối trung tâm đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Với phương án 2 là khu vực thuộc địa bàn 5 xã: Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường và Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) với diện tích xây dựng sân bay 1.700 ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người.

Ưu điểm của phương án 2 là có trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay. Tuy nhiên, nếu chọn vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32 km và di chuyển đường điện 500 kV ra khỏi ranh giới sân bay.

Đồng thời, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn sẽ chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn.

Với mong muốn sân bay thứ hai của thủ đô là sân bay quốc tế, tại tờ trình, UBND TP Hà Nội lưu ý cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô là cảng hàng không nội địa, nhưng đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết. Công suất sân bay khoảng 30-50 triệu hành khách/năm, diện tích 1.300-1.500ha, sẽ triển khai sau năm 2030.

Theo kế hoạch, tờ trình sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 7 này.

Tổng hợp

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, trong đó nội dung quan trọng nhất là phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các "Thành phố trong Thủ đô”.

70% khó khăn của thị trường bất động sản được cho liên quan tới các vướng mắc pháp lý. Vì vậy Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực sớm sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản, những khoảng trống pháp lý dần được khỏa lấp, gieo hi vọng về một chu kỳ mới tích cực hơn.

UBND Thành phố vừa có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Sài Đồng, tỷ lệ 1/500 tại một phần ô đất ký hiệu NO18 và một phần ô đất ký hiệu CQ1.

Hiện nay, xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp lớn cùng hợp tác làm nhà ở cho người thu nhập thấp với kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ tốt hơn, đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Khi có hiệu lực sớm, nhiều quy định mới trong Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ là công cụ pháp lý ngăn chặn tình trạng chưa hoàn tất pháp lý đã mở bán dự án, huy động vốn của khách hàng.

Luật Đất đai 2024 sẽ mang đến những thay đổi mang tính đột phá, tạo cơ sở pháp lý để thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh hơn. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành các Nghị định liên quan để Luật sớm đi vào cuộc sống.