Ký ức ngày Tết

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Tản văn của Hạ Nhiên

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Tết có thực sự nhạt không? Cũng không ai rõ. Chỉ là khi nhắc đến ký ức ngày Tết, ai ai cũng kể lại với sự hân hoan. Tết trong họ từng lung linh và tuyệt vời như thế.

Ký ức ngày Tết trong tôi là được mẹ cho mấy chục nghìn đồng, cùng mấy đứa bạn trong xóm đi chợ Tết mua đồ. Có mấy chục thôi và lượn cả ngày trong chợ, cầm lên lại đặt xuống, trả giá như người lớn.

Ở nhà bố mẹ chuẩn bị Tết thì mình cứ lăng xăng vì được ăn đồ ngon hơn ngày thường, được mặc đẹp hơn, được mừng tuổi.

Là những ngày còn nhỏ ba mẹ không có tiền nhưng vẫn cố gắng lo cho con một cái Tết đầy đủ. Là những đêm 30 nằm ôm bộ quần áo mới đi ngủ rồi sáng dậy thật sớm mặc khoe hàng xóm. Là những chiều cuối năm đứng cổng đợi mẹ đi chợ về, sáng 30 chưa thấy bố gói bánh chưng là nơm nớp sợ năm nay không có Tết. Là đêm Giao thừa, cả nhà ra giữa sân ngửa cổ lên xem pháo hoa, lẹt đẹt vài quả thôi mà rạo rực cả lòng.

Năm đó, cha mua cho cái quần bò mặc Tết. Chiều 29 đem ra giặt, đến chiều 30 vẫn chưa khô, ngồi khóc dấm dứt. Tối ngó qua bếp, thấy cha vừa nấu bánh, vừa lấy chiếc quần hơ lửa cho khô, để con gái có quần đi chơi Tết.

Năm nào, mẹ cũng đợi đến chiều muộn ngày 30 mới đưa đàn con đi mua áo mới. Mẹ bảo, tầm đó họ bán rẻ hơn. Thế là, cả tuổi thơ của mấy chị em dành cho việc lo sợ Tết phải mặc quần áo cũ đi chơi.

Giờ thì chẳng cần Tết cũng quần áo mới đầy nhà nhưng không hiểu sao vẫn nhớ da diết ngày ấy.

Ký ức ngày Tết trong tôi là mùi pháo hoa nồng nàn, mùi thịt kho thơm phức, mùi nếp bánh chưng, mùi hương hoa cúc…

Nhưng tôi nhớ nhất là mùi trầm hương trên ban thờ. Thoang thoảng mà ấm áp. Có lần tôi hỏi mẹ: “ngày Tết tại sao phải để đèn và thắp hương suốt đêm hả mẹ?”. Mẹ bảo: “để các cụ sáng sủa về ăn Tết nhà mình”. Tôi lạnh sống lưng nhưng bỗng nhiên lại có cảm giác an toàn kỳ lạ, như đang có người bảo vệ cả gia đình.

Năm đó, bố mẹ cãi nhau vào 30 Tết, bố bỏ nhà đi. Mẹ xoa đầu tôi an ủi: “yên tâm, con vẫn có Tết”. Cả chiều, một mình mẹ hỳ hục gói bánh, bắc bếp, trông bánh chưng. Tôi nằm cuộn tròn trong đống rơm cạnh bếp lò, giả vờ ngủ nhưng biết thừa mẹ đang rơi nước mắt. Tôi chỉ ước, lát nữa người ta đừng đốt pháo.

Nửa đêm, bố mò về, mặt phờ phạc. Tôi tưởng mẹ phải giận lắm, nào ngờ bà chỉ cười: “về là tốt rồi”. Bố dang tay ôm lấy mẹ, ôm cả tôi, cả nhà lại quây quần đón Tết.

Nụ cười hiền của mẹ đêm đó theo tôi đến mãi sau này, nhắc nhở tôi hãy biết bao dung, tha thứ.

Tết đầu tiên bố tôi đốt pháo hoa nhưng thằng con là tôi lại chơi dại, ôm quả pháo đã châm ngòi vào lòng. Rồi nó nổ tung, còn tôi bỏng cả một cánh tay. Đêm giao thừa, tôi được cả nhà vây quanh, người thổi, người chườm đá. Bà chị gái ngày thường đanh đá như phù thủy hôm đó cũng xuống nước, hứa ngày mai sẽ cho tôi lì xì phần hơn. Riêng bố, cứ ngồi im trên sập gỗ.

Năm đó, tôi chẳng biết đau là gì, còn bố thì không bao giờ đốt pháo nữa.

Ký ức ngày Tết hằn sâu trong tôi là mùi hoa ly thơm ngào ngạt. Bố không chơi quất, không chơi đào, cũng chẳng thích mai, chỉ thích mỗi hoa ly.

Năm nào, chiều 30 Tết tôi với bố cũng đi sắm ly. Bố hay chọn một chậu ly 3 cành để đầu hè, rồi lại mua bó ly to về cắm lọ để trên bàn, còn tìm cách chăm sóc cho ly tươi lâu. Có lần mẹ trêu: “người yêu cũ bố mày tên Ly đấy nên giờ mới thích hoa ly”. Bố đùa lại: “xưa tôi tán bà, chẳng phải toàn tặng hoa ly sao?”. Tôi bật cười.

Bố mất 3 năm rồi, mẹ vẫn không dám cắm một cành ly nào trong nhà, dù là ngày Tết. Mẹ biết bố thích ly nhưng lại sợ mùi hương khiến mẹ nhớ. Mẹ bảo tôi: “cho mẹ xin thêm thời gian nữa”.

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái se lạnh ngày đông, mọi người hối hả, háo hức đi chọn cho gia đình một cành hoa.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đình, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội.

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.