Ký ức Tết ngọt ngào qua những bức ảnh Tết gia đình

Thời gian trôi đi, mỗi thành viên trong gia đình sẽ đều thay đổi qua tháng năm. Những bức ảnh gia đình, dù cầu kỳ hay giản dị, dù trang trọng hay thoải mái, tự do chỉ cần lưu lại được những giờ phút hạnh phúc đầm ấm bên nhau là tuyệt lắm rồi!

Ký ức Tết ngọt ngào qua những bức ảnh gia đình

Tản văn của Bảo Hân

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về Tết là những lần cả gia đình cùng nhau chụp ảnh trong ngày đầu năm mới. Trải qua hàng chục năm duy trì đều đặn, chụp ảnh gia đình dịp Tết đã trở thành một thói quen, một nếp văn hóa có tính truyền thống của gia đình.

Giờ đây, trong cuốn album mà tôi gìn giữ, nhiều bức ảnh đã cũ, ngả vàng theo thời gian nhưng, với tôi, chúng vẫn luôn là “cả một trời thương nhớ”. Trong những ngày Tết này, ngắm nhìn những bức ảnh xưa, lòng tôi lại trào dâng một niềm cảm xúc bồi hồi, bâng khuâng khó tả. Bao nhiêu ký ức đẹp, ấm áp tình thân lại ùa về.

Giá trị của những tấm ảnh Tết gia đình

Những ngày này, sức sống tươi vui của một mùa xuân mới đang ngập tràn trên khắp các phố phường, làng xóm. Trong không khí đầm ấm của cảnh đoàn viên, được sum vầy, quây quần bên người thân, tôi thường có thói quen lật giở cuốn album của gia đình để ngắm những bức hình mà cả gia đình tôi đã cùng nhau chụp vào mỗi dịp Tết xuân về và hồi tưởng lại những dấu ấn, những kỷ niệm đẹp mà chúng tôi đã may mắn trải qua.

Hồi ấy, năm nào cũng vậy, cứ sáng mồng 3 Tết, cả đại gia đình tôi từ ông bà, các bác các cô, chú, dâu, rể, con cháu đều tập trung trên nhà ông nội để chụp ảnh. Có năm thì thuê thợ ảnh đến nhà chụp. Có năm thì phải gọi đến 6, 7 chiếc xích lô trở mọi người lên Bờ Hồ chụp ảnh. Lúc đó, tôi còn nhỏ, cứ được mặc quần áo mới, được đi chơi, được người lớn mở hàng, mừng tuổi là thích lắm rồi, nay lại được đi xích lô, được chụp ảnh thì đúng là vui như Tết.

Các hiệu ảnh nổi tiếng quanh hồ Gươm dịp này đều chật kín khách. Hồi đó không có dịch vụ đặt lịch hẹn trước như bây giờ nên ai đến trước chụp trước, ai đến sau thì phải xếp hàng, tất cả đều rất quy củ, trật tự. Tuy đông khách, nhưng các bác thợ đều làm việc rất có tâm, không hề chụp ẩu cho xong hòng thu tiền của khách. Để có bức ảnh đẹp, các bác phó nháy “hành” cả gia đình tôi khá mệt, nào là phải đứng thế này, phải tạo dáng thế kia. Thời ấy ảnh mới chỉ là đen trắng nên khâu “sắp xếp”còn nhanh, sau này có ảnh mầu thì cứ gọi là thôi rồi, bác thợ ảnh bắt chúng tôi đảo chỗ tít mù vì màu quần áo của mọi người rất lôm côm, chẳng có kiểu dáng, phong cách nào thống nhất. Cầu kỳ là vậy nhưng những bức ảnh đó nếu so với bây giờ thì vẫn “một trời một vực”, lý do là bởi lúc đó điều kiện kinh tế khó khăn, xã hội còn chưa hội nhập, gu thẩm mỹ còn hạn chế, chưa kể ai cũng gầy nhẳng nên nhìn rất buồn cười. Chụp xong rồi nhưng phải vài ngày sau mới được lấy ảnh.

Thời ấy chụp ảnh khá đắt nên cả đại gia đình chúng tôi chỉ dám chụp vài kiểu rồi rửa ra nhiều tấm phát cho mỗi nhà cất làm kỷ niệm. Những bức ảnh viền răng cưa hay hoa dây được cài trền nền giấy cứng, chống dính bằng lớp giấy nến nhờ nhờ lúc đó sao mà quý giá thế.

Sau này, khi ông nội mất, gia đình tôi vẫn giữ thói quen này. Có lần tôi hỏi bố là sao phải đợi đến Tết mới chụp ảnh cả gia đình mà không phải là khi khác, thì bố tôi giải thích: “Cái gì đúng lúc, đúng thời điểm mới quý. Giá trị của những bức ảnh Tết chính là chỗ nó đánh dấu một mốc thời gian đặc biệt khi mà tất cả các thành viên đều toàn tâm, toàn ý hướng về nhau. Những tấm ảnh này sẽ nhắc nhở các con rằng không gì quý bằng tình cảm gia đình, gia đình là quan trọng nhất đối với mỗi con người”.

Hàng năm, cứ mỗi dịp gần Tết cha mẹ tôi lại mang tập album cất kỹ trong đáy chiếc tủ lệch ra để phủi bụi, hong nắng cho khỏi mốc và cho chúng tôi xem lại từng bức ảnh. Lúc này được nhìn thấy lại ông bà qua từng cái Tết, từ lúc hai cụ đầu mới điểm bạc đến khi tóc bạc trắng, chúng tôi mới bắt đầu hiểu được giá trị của những bức ảnh sum vầy của cả gia đình.

Mẹ tôi bảo, xem lại ảnh gia đình chụp mỗi dịp Tết mẹ thích nhất là những bức khi anh em tôi còn nhỏ, mỗi lần ngắm chúng là mẹ như thấy lại quãng thời gian anh em tôi thơ dại, trứng gà trứng vịt, ríu rít mỗi dịp Tết về.

Những kỷ vật còn tồn tại mãi

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vụt cái, mà mấy mươi năm đã trôi qua, tôi trưởng thành, lập gia đình riêng, có con và rồi có cháu…giờ đây tôi mới thấy lời bố mẹ nói là đúng. Ngắm lại những bức ảnh hàng chục năm trước đôi khi cũng thấy buồn cười. Có tấm thì cả nhà, từ ông bà, bố me, con cái đều như ốm đói. Có tấm tôi ngượng nghịu khi lần đầu được mặc bộ quần vest “ăn sái” từ bố. Có tấm các chị em tôi lụng thụng trong bộ áo dài mượn của dì, của mẹ. Nhiều tấm chúng tôi nhìn “tẩm” và “quê một cục” dù đã diện những bộ quần áo đúng mốt thời đó… Nhờ những bức ảnh gia đình ngày Tết mà chúng tôi may mắn còn giữ được ký ức về tuổi thơ về ông bà, về những ngôi nhà - nơi mà chúng tôi đã được sinh ra, lớn lên đầy hạnh phúc.

Hiểu được giá trị tinh thần to lớn của những tấm ảnh Tết xưa nên tôi luôn nâng niu, cất giữ chúng như vật gia bảo. Tôi sắm hẳn một chiếc hộp chống ẩm chuyên dụng để bảo quản ảnh. Thỉnh thoảng, nhất là dịp Tết lại lấy ra ngắm. Nhiều bức ảnh đã theo tôi gần nửa thế kỷ. Một số bức dù đã nhuốm màu thời gian, nước ảnh đã cũ, sắc ảnh đã mờ nhưng vẫn luôn khơi lại cho tôi những ký ức đẹp vẹn nguyên thuở khốn khó nhưng vô cũng đầm ấm. Một vài bức có “giá trị lịch sử” nhất, đầy đủ các thành viên nhất, được tôi phóng to, in trên nền ghỗ treo trang trọng trong phòng khách. Quyển album của gia đình ngày một dày thêm, trên tường mỗi năm lại thêm một khung ảnh Tết mới. Những bức ảnh này sẽ là những kỷ vật tồn tại mãi, đồng hành cùng gia đình tôi từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để rồi mỗi khi ngắm lại, mọi thành viên đều sẽ nhớ về những quãng thời gian hạnh phúc được ở bên nhau.

Thời gian trôi đi, mỗi thành viên trong gia đình sẽ đều thay đổi qua tháng năm. Ông bà, cha mẹ tóc bạc dần theo năm tháng. Những đứa con ngày một khôn lớn, trưởng thành, nhiều thành viên mới được thêm vào, những đưa cháu, chắt kháu khỉnh được ra đời, gia đình sau mỗi cái Tết lại ngày càng mở rộng. Ngắm nhìn lại những bức ảnh ta mới thấy tình cảm gia đình và cuộc đời thật ý nghĩa biết bao. Những bức ảnh gia đình, dù cầu kỳ hay giản dị, dù trang trọng hay thoải mái, tự do  chỉ cần lưu lại được những giờ phút hạnh phúc đầm ấm bên nhau là tuyệt lắm rồi!

Tết Giáp Thìn này chắc chắn chúng tôi vẫn sẽ lại cùng nhau chụp những bức ảnh đổng đủ cả nhà. Với chúng tôi đây chính là cách đơn giản, dễ thực hiện nhất để vun đắp tình cảm, hạnh phúc của gia đình.

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái se lạnh ngày đông, mọi người hối hả, háo hức đi chọn cho gia đình một cành hoa.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đình, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội.

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.