Người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp hưu trí | Hà Nội tin mỗi chiều

Người đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí; Hà Nội sắp khởi công cây cầu hơn 16.000 tỷ đồng nối hai bờ sông Hồng; Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ 25 đến 28/4… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Người đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí 

Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất đã đề xuất sửa đổi nhiều chính sách, trong đó có bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội cho những người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu và các loại trợ cấp. Tại Điều 20 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau: đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Chính phủ. Trường hợp công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đồng thời đảm bảo quy định không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Chính phủ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Ảnh minh họa

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số này, khoảng 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với mức bình quân 4,2 triệu đồng/tháng. Khoảng 1 triệu người hưởng trợ cấp người có công; 1,8 triệu người hưởng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi với mức 360.000 đồng/tháng. Như vậy, vẫn còn khoảng trên 8 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng, đây là khoảng trống chính sách.

Để khắc phục những bất cập này, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, quy định này nhằm thể chế hóa một bước chủ trương “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Theo tính toán, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn người.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, xu hướng tại các nước trên thế giới hiện nay quy định, ai có thu nhập thì đều tham gia bảo hiểm xã hội. Vì nếu chúng ta tăng cường quản lý được thu nhập thì sẽ càng có nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội, như vậy càng có nhiều sự chia sẻ hơn. Tuy nhiên, ngoài nguồn lực của nhà nước cũng cần tính đến các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ đóng cho những đối tượng chưa có điều kiện tham gia. Còn theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, mở rộng đối tượng tham gia đối với khu vực không chính thức cũng là nội dung quan trọng để hướng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Hà Nội sắp khởi công cây cầu hơn 16.000 tỷ đồng nối hai bờ sông Hồng

Thủ đô Hà Nội hiện nay có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh đang hàng ngày kết nối đôi bờ Nam – Bắc, kết nối trung tâm thủ đô với các tỉnh. Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có thêm 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng được xây dựng. Những công trình này có nhiệm vụ nối liền các trục vành đai, hướng tâm hoặc đường liên khu vực  có vai trò rất quan trọng với giao thông của Hà Nội.

Thành phố Hà Nội đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 5,6km, bao gồm đường dẫn, dự kiến sẽ khởi công năm 2025 và cơ bản hoàn thành sau hai năm, giúp kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên, góp phần kết nối khu vực đô thị trung tâm với khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng. Và tạo nên một hình ảnh Thủ đô bên sông gắn kết các trung tâm văn hóa, thương mại, vui chơi giải trí, …với các không gian lịch sử, bảo tồn cảnh quan, du lịch…

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Ảnh: BQLDA giao thông Hà Nội

Theo phương án kiến trúc được TP Hà Nội lựa chọn, cầu Trần Hưng Đạo có kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp tạo ra hình tượng vô cực. Cụ thể, cầu Trần Hưng Đạo có dạng cầu vòm thép, mang ý nghĩa Hà Nội không giới hạn. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa Hà Nội cổ kính và hiện đại hai bên bờ sông Hồng thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu tạo nên những vòng kết nối vô tận. Cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp, hai làn xe đạp và vỉa hè cho người đi bộ. Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có hai công viên, tháp ngắm cảnh. Các nút giao cắt tạo sự thuận tiện cho việc tiếp cận phương tiện giao thông.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, việc đầu tư một công trình vượt sông Hồng như cầu Trần Hưng Đạo hết sức cần thiết và khả thi. Công trình này khi được hoàn thành sẽ mở thêm một lối lưu thông, kết nối thẳng vào trung tâm thành phố. Hiện nay, khả năng lưu thông của cầu Chương Dương và Long Biên đã không còn đáp ứng được nhu cầu, ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày trong các giờ cao điểm. Cầu Vĩnh Tuy cách đó không xa cũng đang dần đuối sức trước áp lực giao thông lớn của cửa ngõ phía Bắc Thủ đô.

Mỗi cây cầu nói chung không chỉ là công trình giao thông mà còn là điểm nhấn của đô thị. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ quan niệm cầu là công trình giao thông và chưa chú ý đến vấn đề kiến trúc trong khi đây là lĩnh vực thế giới rất quan tâm. Đặc biệt là cây cầu bắc qua sông Hồng, qua cây cầu sẽ cảm nhận được đặc trưng của Hà Nội. Vì vậy, cây cầu Trần Hưng Đạo cần phải mang tính biểu tượng của Thủ đô. Xây dựng cầu Trần Hưng Đạo là bước đầu cho quy hoạch lại đô thị hai bên sông Hồng, từ đó mở ra khu đô thị du lịch tương lai. Một thành phố có hàng triệu dân thì cứ 2 – 3 km lại xây dựng một cây cầu là điều tất yếu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Và khi thành phố ven sông xuất hiện và được chỉnh trang đẹp đẽ thì vận tải đường thuỷ và du lịch đường thuỷ chắc chắn đột phá.

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ 25 đến 28/4

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28/4 tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng. Đây là dịp đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tôn vinh và kết nối các di sản, di tích lịch sử - văn hóa, phát triển các sản phẩm du lịch hướng tới du khách, thông qua đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với thủ đô Hà Nội và các địa phương liên kết.

Lễ hội du lịch đặc sắc "Thăng Long-Hà Nội, Thủ đô quyến rũ" sẽ diễn ra vào cuối tháng 4/2024. Ảnh minh họa

Thời gian qua Thủ đô Hà Nội được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế vinh danh là "Điểm đến hàng đầu thế giới 2024" và "Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024". Vì thế, lễ hội sẽ quảng bá nhiều món ăn đặc sắc như: bánh tôm Hồ Tây, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, nem Phùng, bún thang, bún chả, xôi Phú Thượng... Ngoài ra, các địa phương tham gia lễ hội sẽ giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình. Một trong những điểm mới năm nay là Ban tổ chức sẽ thiết kế nhiều không gian sáng tạo để du khách check-in như: Không gian làng nghề ở Làng cổ Đường Lâm, không gian Di sản Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm nay, các gian hàng sẽ được thiết kế mô hình như phố cổ Hà Nội.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang cho biết, Lễ hội Du lịch Hà Nội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương. Tạo điều kiện cho du khách cảm nhận một không gian du lịch đậm văn hóa, bản sắc Thủ đô. Lễ hội có 150 gian hàng với sự tham gia của các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên cả nước và các đơn vị, doanh nghiệp lớn. Tại đây, thành phố Hà Nội huy động và động viên các doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm kích cầu du lịch khuyến mại để du khách có cơ hội được sử dụng dịch vụ tốt với giá hấp dẫn nhất. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ công bố một số sản phẩm du lịch mới là những tour độc lạ mang lại trải nghiệm mới được xây dựng trên cơ sở những điểm di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội và các địa phương. Cùng với nhiều hoạt động trải nghiệm tour du lịch văn hóa, các hoạt động trình diễn quy mô; Ban Tổ chức hy vọng người dân Thủ đô và du khách tham dự Lễ hội sẽ có những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa với chương trình Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2024. Dự kiến, lễ hội sẽ thu hút khoảng 50.000 lượt du khách tới tham quan, mua sắm, trải nghiệm./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Việt Nam thu hút thêm gần 9,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội thu hút gần 1,2 tỷ USD; Nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu dịp nghỉ lễ đang diễn ra tại Hà Nội; Người dân cần cảnh giác chiêu trò lừa đảo dịp lễ là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Có nên phạt nguội đối với người đi xe máy vi phạm luật?; Hệ lụy của tình trạng "chặt chém" khách du lịch; Giá chung cư Hà Nội tăng kỷ lục trong vòng 5 năm qua;... là những nội dung sẽ có trong chương trình hôm nay.

Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP; 95% giao dịch thu phí gửi xe không dùng tiền mặt thành công; Chuẩn bị phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn;… là những nội dung sẽ có trong chương trình hôm nay.

Sở Nội vụ Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tuyển dụng công chức làm việc tại các sở, cơ quan tương đương sở; UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2024 với 215 chỉ tiêu.

Nắng nóng kỷ lục chưa từng ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sẽ diễn ra trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khi kỳ nghỉ hè của học sinh còn chưa bắt đầu; Quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển con người của Việt Nam… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới; Đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; Hanoi On, giải pháp mới ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.