Nguy cơ chiến tranh toàn diện ở Trung Đông từ mồi lửa Gaza

Cuộc xung đột ngày càng leo thang giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đang khiến tình hình địa chính trị tại Trung Đông vô cùng căng thẳng. Một loạt diễn biến mới đang đẩy khu vực này vào vòng luẩn quẩn của bạo lực và hỗn loạn, đe dọa an ninh toàn khu vực, làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như đà phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới. Ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông có thể bùng nổ từ mồi lửa ở Dải Gaza.

Những “mồi lửa” mới 

Trung Đông vốn đã sôi sục trong vài tháng qua, do cuộc tấn công của nhóm Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023, kéo theo cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza khiến hơn 24.000 người thiệt mạng, lại tiếp tục phải đối mặt với những "mồi lửa" mới.

Cuộc xung đột Israel - Hamas ngày càng căng thẳng.

Phong trào Hamas mới đây đã thông báo ngừng đàm phán với Israel về một thỏa thuận ngừng bắn mới sau khi Phó Thủ lĩnh phong trào này, ông Saleh Al-Arouri, thiệt mạng trong một vụ tấn công ở Liban vào tối 2/1. Phía Hamas tuyên bố ông Al-Arouri cùng 6 thành viên phong trào này tử vong trong vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Israel nhằm vào một văn phòng của Hamas ở ngoại vi phía Nam Thủ đô Beirut của Liban.

Ông Ismail Haniyeh – Thủ lĩnh phong trào Hamas phát biểu: “Chúng tôi khẳng định rằng vụ ám sát ông Sheikh Saleh Al-Arouri, cùng những người anh em trên đất Liban là hành động khủng bố, vi phạm chủ quyền của Liban, đồng thời là sự mở rộng thái độ thù địch của Israel đối với nhân dân và đất nước chúng ta”.

Ông Ismail Haniyeh – Thủ lĩnh phong trào Hamas.

Ông Al-Arouri (57 tuổi), là Phó Giám đốc Văn phòng Chính trị của Hamas cũng là người sáng lập cánh quân sự của tổ chức này, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam. Theo tờ Thời báo New York, ông Al-Arouri bị cáo buộc là chủ mưu các cuộc tấn công vào Israel và là sợi dây liên hệ chặt chẽ giữa Hamas và Hezbollah, lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite ở Liban.

Vụ Phó Thủ lĩnh Hamas thiệt mạng đã đẩy xung đột giữa quân đội Israel và Hezbollah, một trong những lực lượng chính trị quan trọng nhất ở Liban, lên một nấc thang mới. Sau sự việc Phó Thủ lĩnh Hamas bị ám sát tại Liban, lực lượng Hezbollah đã phóng hàng chục quả tên lửa chống tăng vào các cộng đồng dân cư của Israel ở khu vực biên giới.

Israel cũng điều động máy bay chiến đấu không kích tiêu diệt Wissam al-Tawil, một chỉ huy cấp cao mang quân hàm cấp Tướng của Hezbollah ở miền Nam Liban. Những đòn ăn miếng trả miếng giữa hai bên có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa xung đột.

Trong khi đó, vụ đánh bom kép gần mộ của cựu Giám đốc tình báo Iran Qasem Soleimani khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, mà IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm, đã làm rung chuyển một khu vực vốn đã căng như dây đàn.

Xung đột tại Biển Đỏ.

Đáng lo ngại hơn là những căng thẳng nguy hiểm ở Biển Đỏ đã nổi lên khi lực lượng Houthi ở Yemen không ngừng tấn công các tàu thương mại đi qua một trong những cung đường thương mại huyết mạch của thế giới. Houthi mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động tấn công cho tới khi Israel ngừng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và cho phép phân phối hàng cứu trợ tới dân thường Palestine tại vùng lãnh thổ này.

Trong khi đó, Mỹ đã dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm hải quân gồm 20 quốc gia để bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, đồng thời triển khai các tàu sân bay tới khu vực. Trong tuần trước, Mỹ đã đánh chìm ba tàu của phiến quân Houthi. Một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ còn đề xuất tấn công các vị trí của Houthi ở Yemen sau một loạt vụ tấn công của Houthi vào tàu thương mại. Các cuộc tấn công như vậy có thể làm tăng nguy cơ xung đột trong khu vực, bao gồm cả với Iran, quốc gia đã đưa tàu chiến ra Biển Đỏ.

Đến nay Israel vẫn chưa công khai nhận trách nhiệm về vụ ám sát có chủ đích nhằm vào Phó Thủ lĩnh Hamas Al-Arouri. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ đã xác nhận rằng vụ việc do Israel thực hiện. Theo giới quan sát, diễn biến này dường như đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cuộc chiến của Israel chống Hamas, bởi đây là vụ ám sát đầu tiên mà các lực lượng Israel thực hiện nhằm vào giới lãnh đạo Hamas ở nước ngoài sau nhiều tháng đe dọa.

Israel sẵn sàng cho cuộc chiến trên hai mặt trận

Israel mới đây xác nhận, chiến dịch tấn công của họ tại Dải Gaza đã chuyển sang giai đoạn mới với cường độ thấp hơn. Trong những tuần gần đây, Israel đã giảm quy mô tấn công ở phía Bắc Gaza, trong khi tăng cường tấn công ở phía Nam, nơi phần lớn 2,3 triệu người Palestine ở Gaza bị dồn vào các khu lánh nạn chật hẹp và thiếu thốn.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn khẳng định, cuộc chiến sẽ không kết thúc cho đến khi nước này đạt được các mục tiêu của mình.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn khẳng định, cuộc chiến sẽ không kết thúc.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Cuộc chiến sẽ không được dừng lại cho đến khi chúng tôi đạt được tất cả các mục tiêu đó là loại bỏ Hamas, giải thoát tất cả các con tin và đảm bảo rằng Gaza không còn là mối đe doạ đối với Israel nữa. Mọi cân nhắc khác phải được đặt sang một bên và chúng tôi phải tiếp tục cho đến khi chiến thắng hoàn toàn”.

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, mục tiêu tiêu diệt Hamas mà ông Netanyahu đã đề ra từ sau cuộc tấn công hôm 7/10 là điều không thể. Ảnh hưởng của Hamas vượt xa Gaza, do đó đánh bại hoàn toàn nhóm này là một tham vọng lớn đối với Israel.

Trong khi đó, tại mặt trận Liban, từ nhiều tháng qua, quân đội Israel đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận, điều động binh sĩ và xe tăng dọc biên giới với Liban, và sơ tán ít nhất 70.000 cư dân. Các đơn vị của lực lượng phòng vệ Israel thường xuyên đọ súng với Hezbollah, nhóm chiến binh Liban liên kết với Iran, tuy nhiên các cuộc tấn công và phản công chưa bao giờ lan đến Thủ đô Beirut, cho tới vụ ám sát có chủ đích nhằm vào Phó Thủ lĩnh Hamas.

Với vụ ám sát Phó Thủ lĩnh Hamas, Tel Aviv dường như đang chấp nhận mạo hiểm với một cuộc chiến tranh rộng hơn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/1 cho biết quốc gia Trung Đông này mong muốn khôi phục an ninh trong khu vực, song cũng sẵn sàng chiến tranh với lực lượng Hezbollah ở Liban. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo Tel Aviv sẽ sớm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiến hành chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn chống lại Hezbollah.

Nỗ lực tháo ngòi nổ xung đột

Trong khi cuộc đột kích của Hamas sang Israel cũng như phản ứng của Tel Aviv, vốn đã tàn phá các khu vực dân cư rộng lớn ở Gaza, đã gây ra một loạt sự kiện gắn liền với các đường đứt gãy ở Trung Đông, thì những đợt sóng xung kích tiếp theo đã chấm dứt một thời kỳ tương đối yên bình tại khu vực, khi chính quyền Mỹ và các đồng minh của họ cố gắng tạo dựng mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia vùng Vịnh và Israel.

Tuy vậy, trước những cái giá có thể phải trả khi một cuộc chiến nổ ra tại khu vực với những hệ luỵ khôn lường ở phạm vi toàn cầu, mỗi cường quốc đều có lý do chính đáng để tránh rơi vào miệng hố chiến tranh.

Israel đang trong một cuộc chiến tranh nóng bỏng ở Gaza mà chính phủ nước này cho rằng sẽ kéo dài nhiều tháng. Một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah có thể khiến công dân Israel phải hứng chịu những đợt oanh tạc có khả năng lớn hơn nhiều so với những gì mà các thành phố của Israel phải gánh chịu do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas năm ngoái. Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính Israel đã cảnh báo, với kịch bản cuộc xung đột tại Dải Gaza sẽ có thể kết thúc ngay trong tháng 2/2024, ngân sách của nước này trong năm 2024 vẫn sẽ phải chịu thâm hụt ít nhất gấp ba lần hiện nay. Có thể thấy, Israel cũng đang đứng trước những sức ép phải dần khép lại cuộc xung đột.

Đối với Mỹ, mặc dù Washington đã đưa ra tuyên bố cảnh báo phiến quân Houthi ở Yemen về những hậu quả nếu các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền tiếp tục diễn ra ở Biển Đỏ, tuyến đường biển quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng việc phát động một cuộc tấn công trực tiếp vào các địa điểm phóng tên lửa của Houthi trên đất liền sẽ không chỉ kéo các lực lượng đồng minh lún sâu hơn vào cuộc xung đột mà còn có thể đe dọa một lệnh ngừng bắn đang giúp tạm dừng cuộc nội chiến ở Yemen.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang quay trở lại Trung Đông nhằm tìm biện pháp hoà bình.

Tổng thống Mỹ Biden đang ở trong tình thế khó xử. Ông liên tục bị Đảng Cộng hòa cáo buộc là quá mềm mỏng với Iran và các lực lượng ủy nhiệm nhưng bất kỳ diễn biến nào khiến tình hình khu vực trở nên tồi tệ hơn cũng có thể dẫn đến những tuyên bố của Đảng Cộng hòa rằng vị tổng thống 81 tuổi của Đảng Dân chủ thiếu năng lực lãnh đạo.

Trong bối cảnh ấy, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang quay trở lại Trung Đông trong chuyến công du thứ tư đến khu vực này kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng nổ. Trong khoảng một tuần, ông Blinken đến thăm Israel, Bờ Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập. Những nội dung trọng tâm được thảo luận là các biện pháp tức thời nhằm tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza, yêu cầu Israel hành động nhiều hơn để giảm căng thẳng ở Bờ Tây, đồng thời ngăn chặn xung đột mở rộng sang các nước khác.

Ông Antony Blinken – Ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nhận thấy các nhà lãnh đạo quyết tâm ngăn chặn cuộc xung đột mà chúng ta đang phải đối mặt lan rộng. Làm mọi thứ có thể để ngăn chặn xung đột leo thang và mở rộng”.

Theo giới quan sát, một cuộc chiến ở Trung Đông là kịch bản mà chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng né tránh, đặc biệt là trong năm bầu cử.

Iran cũng không được lợi khi lao vào một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ và Israel, bởi điều đó có thể gây bất ổn về mặt quân sự và kinh tế, đồng thời làm tăng áp lực chính trị đối với các giáo sỹ ở nước này.

Hàng nghìn người phản đối vì xung đột.

Còn với Hezbollah, lực lượng chính trị quyền lực nhất ở Liban, mặc dù có kho vũ khí tên lửa khổng lồ nhằm vào Israel nhưng sức mạnh của lực lượng này sẽ bị suy giảm đáng kể nếu xảy ra chiến tranh toàn diện. Một Hezbollah suy thoái có nghĩa là ảnh hưởng của Iran trong khu vực sẽ bị suy giảm đáng kể. Trong bối cảnh ấy, các nhà quan sát cho rằng Hezbollah cũng sẽ không leo thang xung đột với Israel.

Một chỉ dấu cho điều này là trong bài phát biểu của Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah sau vụ ám sát Phó Thủ lĩnh Hamas, trong khi gọi đây là một tội ác nguy hiểm lớn, nhưng ông Nasrallah không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào về việc leo thang căng thẳng.

Dù một cuộc chiến tranh toàn diện tại Trung Đông là điều không ai muốn xảy ra, nhưng những "mồi lửa" mới vẫn có thể châm ngòi khiến xung đột lan rộng. Liên hợp quốc mới đây cảnh báo rằng vòng luẩn quẩn của bạo lực và bất ổn kéo dài suốt ba tháng qua đã biến Dải Gaza trở thành vùng đất của chết chóc và tuyệt vọng. Cách duy nhất để phá vỡ vòng xoáy này vẫn là thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để các bên ngừng giao tranh, giải quyết những thách thức an ninh trong khu vực nhằm hướng tới một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột được xem là dai dẳng và phức tạp nhất ở Trung Đông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc được đánh giá có ý nghĩa vực dậy một nền tảng đối thoại thay vì đối đầu. Ít nhất, cuộc gặp sẽ thúc đẩy bánh xe hợp tác ba bên tiến lên phía trước.

Sự phát triển nhanh chóng trên mọi phương diện của cuộc sống con người đang gây ra những tác động tiêu cực đến hành tinh Trái đất. Vì vậy, ngày càng nhiều người hướng tới những lối sống xanh, sử dụng sản phẩm và công nghệ xanh để bảo vệ môi trường.

Các “gã khổng lồ” công nghệ như Microsoft, Alphabet, Apple… đua nhau ra mắt các tính năng và công cụ mới tích hợp AI, đầu tư hàng tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo ở nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần, làm sóng bạo lực nhằm vào các chính khách gia tăng cho thấy những chia rẽ chính trị sâu sắc trong lòng châu Âu.

Việc 3 nước châu Âu đồng thời tuyên bố sẽ công nhận nhà nước hợp pháp Palestine, cùng với việc một số nước cho biết sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ thủ tướng Israel nếu tòa án hình sự quốc tế ICC ban hành lệnh là những nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho dải Gaza.

Việc Ukraine không tổ chức bầu cử khi nhiệm kỳ tổng thống đã kết thúc vào ngày 20/5 đang làm dấy lên tranh cãi về tính hợp pháp của Tổng thống Zelensky, đồng thời đặt ra câu hỏi về tương lai chính trị của Ukraine.