Phát triển tiềm năng các làng nghề

Thủ đô Hà Nội là 'vùng đất trăm nghề', hội tụ trên 1.350 làng nghề. Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, các làng nghề xưa vẫn còn in dấu ấn lịch sử văn hoá cho tới ngày nay. Để tận dụng được những tiềm năng này, Hà Nội vẫn luôn có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển và bảo tồn các làng nghề tại Thủ đô.

Từ một làng nghề trồng dâu nuôi tằm có tiếng của thủ đô, ít ai biết được nghề dệt ở Phùng Xá đã từng có thời gian mai một. Song, nhờ nỗ lực của nghệ nhân Phan Thị Thuận, nghề dệt nơi đây đã hồi sinh. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, thay vì dệt lụa, các hộ đã chuyển sang dệt khăn mặt, khăn tắm, hoặc các sản phẩm may mặc từ tơ sen, được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, làng nghề tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân.

"Sợi tơ sen rất thuần khiết và nếu chúng ta biết phát hiện, khai thác nó thì sẽ tạo việc làm, thu nhập cho nông dân, từ đó tôi nghiên cứu làm tơ sen. Ban đầu thất bại nhiều, khi làm được rồi, tôi làm các sản phẩm khăn quàng cổ, khăn mặt từ tơ sen." - nghệ nhân Phan Thị Thuận, làng dệt Phùng Xá - Mỹ Đức chia sẻ.

Thay đổi, thích ứng để phù hợp với thị hiếu của thị trường cũng là câu chuyện của nhiều làng nghề trên địa bàn thủ đô, trong đó có làng nghề thêu xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Các nghệ nhân, thợ thủ công nơi đây cũng đã tích cực thay đổi mẫu mã cho các sản phẩm truyền thống, tạo ra các sản phẩm thêu có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực kế cận cũg được chú trọng, để nghề truyền thống không bị mai một.

"Chúng tôi sáng tạo mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu của khách trong nước và khách nước ngoài, đặc biệt giá thành, tính ứng dụng cao hơn. Chúng tôi đào tạo nghề cho thế hệ măng non…" - một nghệ nhân khác tại làng nghề thêu tay xã Thắng Lợi - huyện Thường Tín chia sẻ.

Tham gia Festival làng nghề truyền thống cũng là cơ hội tốt để các làng nghề giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thủ công tới khách hàng, người tiêu dùng thủ đô. Với quy mô 300 gian hàng, hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, như: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; gốm Chu Đậu...; các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, đặc sản của các tỉnh, thành trên cả nước.

Hà Nội là địa phương tập trung nguồn tài nguyên du lịch của vùng Bắc Bộ, với 1.205 lễ hội, 1.350 làng nghề và làng có nghề. Đây chính là tiềm năng thúc đẩy du lịch làng nghề, phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố. Để tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh này, các làng nghề ở Hà Nội cũng đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua các hợp tác xã. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng như hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đã thực sự góp phần thúc đẩy hơn tiềm năng, thế mạnh để phát triển và vươn xa, đưa thương hiệu các sản phẩm làng nghề made in Việt Nam đến với bạn bè quốc tế./..

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nghệ nhân Nguyễn Viết Lợi sinh ra và lớn lên tại làng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. Tuổi thơ của anh gắn với hình ảnh những pho tượng thờ bằng gỗ, bằng đất… và nghề tạc tượng, chạm khắc đồ thờ truyền thống của gia đình.

Sinh ra trong một gia đình làm nghề đậu bạc truyền thống tại làng Định Công (Hà Nội), nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh đã được truyền đạt những bí quyết, kỹ thuật nghề đậu từ cha của mình - nghệ nhân Quách Văn Trường. Bằng sự sáng tạo cùng đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Tuấn Anh đã tạo nên những tác phẩm hiện đại và độc đáo, góp phần làm nên danh tiếng cho làng nghề Định Công.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã tìm ra cách dệt lụa mới bằng việc biến con tằm thành… “những người thợ dệt trung thành”, cũng là người tiên phong dệt lụa thành công từ những cuống sen bỏ đi.

Ngày 16/4, tại khu phố Đông Khê (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế khánh thành Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ. Đây được ví như là địa chỉ đỏ trong bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

Làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) là làng rèn nổi tiếng và lâu đời. Mặc dù nghề rèn truyền thống đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ bị mai một nhưng ở đó, với đôi bàn tay tài hoa của mình, nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến vẫn bền bỉ ngày đêm “giữ lửa” cho chiếc lò rèn.

Với khát khao tạo nên những sản phẩm gốm khác biệt, một vài nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng kiên trì theo đuổi cách làm gốm thủ công, trong đó có nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh. Đôi bàn tay của Tuấn Minh đã đã tạo tác những sản phẩm gốm đặc biệt.