Sóng gió ở Biển Đỏ gây bất ổn kinh tế thế giới

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ kể từ giữa tháng 11/2023 đã khiến một trong những tuyến thương mại chính của thế giới gần như phải ngừng hoạt động. Việc đóng cửa tuyến đường thủy nối với Kênh đào Suez có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá hàng hóa sản xuất tăng cao vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Nguy cơ gia tăng lạm phát, bất ổn kinh tế toàn cầu

Kể từ khi xung đột giữa Israel-Hamas ở Dải Gaza leo thang vào tháng 10 năm ngoái, lực lượng Houthi đóng tại Yemen đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ nhầm gây sức ép với Israel. Trong hơn một tuần qua, Mỹ và Anh đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhắm vào hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen, nhằm đối phó với mối đe dọa đặt ra đối với quyền tự do hàng hải ở một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới. Tuy nhiên, Houthi vẫn tiếp tục phóng tên lửa tấn công các tàu chở hàng đi về phía Kênh đào Suez.

Mỹ và Anh đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhắm vào hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen.

6 trong số 10 Công ty vận tải container lớn nhất thế giới, bao gồm Maersk, MSC, Hapag-Lloyd, CMA CGM, ZIM và ONE, đang tránh đi qua Biển Đỏ vì mối đe dọa từ Houthi. Mối nguy hiểm đối với thủy thủ đoàn, hàng hóa và tàu thuyền đã buộc các hãng vận tải phải định tuyến lại các tàu đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, dẫn đến sự chậm trễ lên tới hai, ba tuần. Giám đốc điều hành Maersk Vincent Clerc cho rằng việc thiết lập lại tuyến đường an toàn qua Biển Đỏ có thể mất vài tháng, đồng thời nhận định tình hình hiện nay có khả năng gây ra những hậu quả khá đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông Joshua Hutchinson - Công ty quản lý rủi ro hàng hải toàn cầu Ambrey cho biết: “Hiện nay, chúng tôi thấy khoảng 1/5 số tàu thương mại đã chuyển hướng đi qua Mũi Hảo Vọng. Khi tình trạng căng thẳng tiếp diễn, chúng ta sẽ thấy có thêm nhiều công ty vận tải đưa ra quyết định như vậy.”

Tesla đang tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất tại nhà máy ô tô điện khổng lồ ở Đức vì các cuộc tấn công đã làm gián đoạn nguồn cung cấp linh kiện. Các nhà bán lẻ đang cảnh báo về tình trạng giao hàng chậm trễ và chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ngày càng tăng.

Giá dầu cũng đang tăng cao.

Giá dầu cũng đang tăng cao. Dầu Brent và dầu thô Mỹ tăng khoảng 3% vào cuối tuần trước do lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực có thể làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu. Hãng dầu khí đa quốc gia Shell đã cho tạm dừng tất cả các tàu chở hàng lưu thông qua Biển Đỏ. Thị trường năng lượng đang đối mặt nhiều nguy cơ, sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Oman hôm 11/1. Có dự đoán cho rằng giá dầu thô quốc tế có thể tăng ít nhất 10 USD/thùng và giá khí đốt tự nhiên tăng 25%.

Ông Tamas Varga – Nhà phân tích tại Công ty giao dịch dầu khí PVM Oil phát biểu: “Câu hỏi đặt ra là liệu xung đột kéo dài thì nguồn cung dầu có bị ảnh hưởng hay không? Ở Trung Đông có một vùng đệm, có thể bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt dầu thô nào trong trường hợp gián đoạn. Vùng đệm nguồn cung đó khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày, nhưng nó chỉ có ở Trung Đông, như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nếu họ bị lôi kéo vào cuộc xung đột này thì năng lực dự phòng sẽ không có, và điều đó sẽ có tác động tàn khốc đến cân bằng cung cầu, ảnh hưởng đến giá cả. Nếu tình hình tiếp tục leo thang, tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy giá dầu tiếp tục tăng cao.”

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng sự gián đoạn đối với các tuyến đường vận chuyển quan trọng đang làm xói mòn mạng lưới cung ứng và làm tăng khả năng xảy ra tắc nghẽn do lạm phát. Trong bối cảnh xung đột leo thang, nguồn cung cấp năng lượng cũng có thể bị gián đoạn đáng kể, dẫn đến giá năng lượng tăng đột biến. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đáng kể đến giá cả hàng hóa khác, làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó có thể làm giảm đầu tư và khiến tăng trưởng suy yếu hơn nữa.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức cho biết thương mại toàn cầu đã giảm 1,3% từ tháng 11 đến tháng 12/2023, nguyên nhân là do hậu quả của các cuộc tấn công vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ.

Hiện tại, chi phí vận chuyển đã tăng cao và cuối cùng có thể ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Mohamed A. El Erian, nhà kinh tế trưởng tại Allianz, cho rằng sự gián đoạn càng kéo dài thì tác động của lạm phát đình trệ đối với nền kinh tế toàn cầu càng mạnh. Nếu xung đột Israel-Hamas leo thang thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, hoặc lực lượng Houthi quyết định chuyển hướng tấn công vào các tàu chở dầu và tàu vận chuyển nguyên liệu thô quan trọng như quặng sắt, ngũ cốc và gỗ, thì hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

Theo Capital Economics, mối đe dọa đối với giá năng lượng là rủi ro lớn nhất. Các chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn này nhận định, mặc dù bản thân sự gián đoạn vận chuyển hiện tại khó có thể phá vỡ xu hướng giảm lạm phát toàn cầu, nhưng sự leo thang rõ rệt của xung đột quân sự tiềm ẩn có thể thúc đẩy giá năng lượng tăng, và người tiêu dùng sẽ phải gánh hậu quả cuối cùng về chi phí.

Oxford Economics cũng dự báo lạm phát sẽ tiếp tục giảm nhưng vẫn có nguy cơ tăng giá. Ben May, giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu của công ty, cho hay nếu chi phí vận tải container duy trì ở mức hiện tại, tức gần gấp đôi mức đầu tháng 12, thì điều này có thể đẩy lạm phát thế giới lên khoảng 0,6 điểm phần trăm.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn

Mặc dù sự gián đoạn vận chuyển hiện nay vẫn chưa nghiêm trọng như những gì từng xảy ra trong đại dịch Covid-19, nhưng tình trạng tắc nghẽn ở tuyến thương mại Biển Đỏ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Phân tích từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức cho thấy số lượng container đi qua Biển Đỏ đã giảm 60% trong tháng 12. Việc đi đường vòng khiến thời gian giao hàng bị chậm trễ và tăng thêm chi phí. Cùng với đó là chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Một số nhà sản xuất ô tô châu Âu đã chuyển hướng tuyến đường vận chuyển hàng đi qua Mũi Hảo Vọng.

Một số nhà sản xuất ô tô châu Âu đã chuyển hướng tuyến đường vận chuyển hàng đi qua Mũi Hảo Vọng. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết điều này dẫn đến chi phí cao hơn và sự chậm trễ khoảng hai tuần. Các nhà bán lẻ như Công ty nội thất Thụy Điển Ikea đã cảnh báo về sự chậm trễ trong vận chuyển và có thể thiếu hụt một số sản phẩm. Tương tự, nhà bán lẻ quần áo Next của Anh thông báo những khó khăn trong việc tiếp cận Kênh đào Suez có thể gây ra một số chậm trễ trong việc giao hàng đầu năm nay.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tuần tới khi lượng hàng hóa vận chuyển từ Trung Quốc tăng vọt trước khi các nhà máy đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán. Philip Damas, người đứng đầu Công ty Tư vấn Chuỗi Cung ứng Drewry, cho rằng thời điểm từ nay đến Tết Nguyên Đán vào ngày 10/2 tới sẽ rất khó khăn đối với các chủ hàng và hãng vận chuyển. Giá cước vận chuyển trên tuyến Thượng Hải - Châu Âu hiện đã tăng 8,1% so với một tuần trước, trong khi giá cước đến Bờ Tây nước Mỹ, dù không bị ảnh hưởng bởi xung đột, cũng tăng 43,2%.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tuần tới khi lượng hàng hóa vận chuyển tăng vọt trước khi các nhà máy đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngoài việc tăng giá cước vận chuyển, các hãng vận tải đang tính thêm các khoản phụ phí khẩn cấp. Theo ước tính của Công ty Logistics Freightos, mỗi container vận chuyển trên các tuyến thương mại chính xuất phát từ châu Á hiện có giá từ 5.000 đến 8.000 USD, cao gấp 2,5 đến 4 lần mức bình thường.

Sự gián đoạn vận chuyển cũng dẫn đến tình trạng thiếu container rỗng. Ở thời điểm hiện tại, các cảng lớn ở Châu Âu và Mỹ – bao gồm Cảng Rotterdam, Cảng Los Angeles và Cảng New York và New Jersey, đều đang ít nhiều chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ. Ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ không biến mất trong ba hoặc bốn tuần nữa. Ngay cả khi các cuộc tấn công dừng lại bây giờ, cho phép hầu hết các tàu đi qua Biển Đỏ, thì những tác động trước đó vẫn có thể còn ảnh hưởng trong một thời gian tới. Sự gián đoạn và chậm trễ trong thương mại sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để giải quyết.

Người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp

Ngoài việc cản trở đà phục hồi kinh tế thế giới, căng thẳng ở Biển Đỏ cũng đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Cư dân ở các thành phố cảng gặp khó khăn do nguồn cung nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm và tăng giá, hoặc bị hạn chế tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, trong khi các quốc gia phụ thuộc vào thương mại hàng hải gặp phải thách thức lớn trong phát triển kinh tế.

Cảng Hodeidah bên bờ Biển Đỏ là kênh quan trọng đưa thực phẩm và nhu yếu phẩm vào Yemen, nơi gần 21 triệu người, tương đương gần 70% tổng dân số trong vùng lân cận, cần hỗ trợ nhân đạo để sống sót. Gần đây, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đã đình chỉ phân phối lương thực ở các khu vực do Houthi kiểm soát do thiếu kinh phí và thiếu an toàn. Giới chuyên gia và người dân lo ngại khu vực này sẽ ngày càng bất ổn, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen.

Trong khi đó, cảng chiến lược Aden ở miền nam Yemen đang phải vật lộn với tình trạng lưu lượng vận chuyển liên tục sụt giảm. Aden, nằm ở phía đông eo biển Bab Al-Mandab, là cảng trung tâm quan trọng ở khu vực Trung Đông. Do gần với các tuyến vận tải quốc tế lớn, cảng Aden đã được nhiều công ty vận tải quốc tế sử dụng để vận chuyển và bổ sung hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, lưu lượng vận chuyển tại Aden sụt giảm đáng kể và ảnh hưởng xấu đến một số cảng lân cận, dẫn đến tình trạng một lượng lớn công nhân cảng bị mất việc làm và giá lương thực tăng cao.

Ông Abdul Hakim Al-Hakimi - Giám đốc Công ty vận chuyển địa phương cho hay: “Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá vận chuyển. Chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng từ 150% đến 200%, và rủi ro gia tăng liên quan đến việc di chuyển tàu thuyền ở Biển Đỏ đã khiến phí bảo hiểm hàng hóa tăng tới 100%. Những yếu tố này đã dẫn đến giá hàng hóa giao đến Yemen tăng cao.”

Còn tại Jordan, quốc gia có thương mại phụ thuộc nhiều vào Biển Đỏ, xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Ước tính tổng kim ngạch nhập khẩu của Jordan đạt khoảng 27,3 tỷ USD vào năm 2022, một phần ba trong số đó được thực hiện qua Biển Đỏ. Trong khi đó, 54% hàng hóa xuất khẩu chính của Jordan, bao gồm phân bón và khoáng sản, được vận chuyển qua Biển Đỏ. Sự leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Jordan nói chung.

Những diễn biến leo thang mới nhất tại Biển Đỏ báo hiệu nguy cơ về một cuộc khủng hoảng mới đang nhen nhóm tại một trong những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng cũng như đẩy giá dầu và lạm phát đi lên, vào thời điểm mà tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc. Nếu các bên liên quan không sớm tìm được tiếng nói chung, nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm gánh nặng và có nguy cơ đối mặt với những làn sóng bất ổn mới trong năm 2024 này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cải tổ nội các. Trong khi giữ lại hầu hết các vị trí bộ trưởng quan trọng, nhà lãnh đạo Nga đã đề cử Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belusov làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, thay cho ông Sergei Shoigu.

Trong bối cảnh máy bay không người lái (UAV) xuất hiện với tần suất ngày càng phổ biến trên chiến trường, nhiều quốc gia đã đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí chuyên dụng để khắc chế UAV. Hệ thống Leonidas của Mỹ là một trong số đó. Leonidas được xem là khắc tinh của UAV, bởi hệ thống này có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các đợt tấn công quy mô lớn của các UAV cỡ nhỏ.

Trong tuần qua, xe tăng của quân đội Israel đã tiến vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Việc Israel mở rộng tấn công vào thành phố đông dân này được cảnh báo sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại Gaza, đẩy Israel vào thế bị cô lập trên chính trường quốc tế, đồng thời khiến mối quan hệ với đồng minh Mỹ ngày càng rạn nứt sâu sắc.

Tình trạng nghèo đói và xung đột gia tăng tại nhiều quốc gia châu Mỹ đã khiến số người di cư tăng mạnh. Đây là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực.

Ngọn đuốc Olympic 2024 đã đến thành phố Marseille, chính thức khởi đầu một mùa Thế vận hội sôi động mà Tổng thống Emmanuel Macron hy vọng sẽ thể hiện sự huy hoàng của nước Pháp. Kể từ đây, ngọn đuốc sẽ trải qua hành trình dài 12.000km trên khắp nước Pháp, tới cả các lãnh thổ hải ngoại xa xôi ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

10h sáng 9/5 theo giờ Matxcơva, tức 14h chiều theo giờ Việt Nam, lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày chiến thắng phát xít đã diễn ra trên Quảng Trường Đỏ của Nga. Kể từ năm 2000, các cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng đã trở thành màn trình diễn hàng năm không chỉ của các lực lượng quân sự mà còn của các loại vũ khí, khí tài tối tân nhất của Nga. Những màn trình diễn này cho thấy tiềm lực quốc phòng to lớn của nước này.