Tết đến cho ký ức trở về

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.

Tản văn của Nguyễn Hùng Sơn

Dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những ấn tượng, kỷ niệm đẹp về những cái Tết Hà Nội thời thơ ấu của mình. Những ký ức ấy, dù trải qua thời gian vẫn đậm sâu, vẹn nguyên trong tâm trí và trái tim tôi.

Thời ấy với tôi, Tết khởi đầu bằng việc được mẹ dắt ra chợ Cửa Nam mua lá mùi già về tắm. Đó là khoảng dăm ngày trước Tất niên, trong rộn ràng âm sắc mùa xuân, khi giá lạnh đã tràn về ngõ phố, làn mưa bụi ẩm ướt làm vương trên không trung những sợi tơ trời, đó là lúc mẹ con tôi đem những mớ mùi già về nhà, chờ đến ngày Tất niên thì đun lên làm nước “tẩy trần” đón Tết.

Chiều Tất niên, sau khi tắm nước lá mùi xong, cả người sực nức hương thơm, vì là con trai lớn trong nhà, tôi liền được mẹ đưa tôi lên phòng thờ để xem và học mẹ cách bao sái ban thờ, bày mâm ngũ quả, sửa soạn mâm cỗ Tết…Dù chẳng giúp mẹ được nhiều nhưng với tôi đó là lần đầu tiên tôi ý thức được về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với gia đình, tổ tiên, dòng tộc. Vừa tự hào, vừa lo, tôi bỗng thấy mình trưởng thành và “oai” hơn hẳn.

Thế rồi cũng đến khoảnh khắc Giao thừa, mẹ thắp ba nén hương thơm, chắp tay tụng niệm, cầu khấn, cung nghinh tổ tiên về ăn Tết và phù hộ độ trì cho con cháu… chẳng hiểu sao những hình ảnh ấy, rất tự nhiên, cứ bám chặt vào tâm trí, tiềm thức của đứa bé mười tuổi là tôi lúc bấy giờ. Để nhiều thập niên sau, chỉ cần nghĩ đến Giao thừa là mũi tôi lại xộc lên vị cay ấm của hương mùi già và mùi thơm nồng của khói nhang trầm bảng lảng.

Mùng một Tết, cả nhà về quê để chúc Tết bà ngoại. Đó là một làng nhỏ nằm ở ngoại ô Hà Nội, cách nhà độ mười cây số nhưng đạp xe cũng mất chừng một tiếng. Bố mẹ đi hai chiếc xe đạp, đèo bốn chị em tôi xúng xính quần áo mới. Tiếng xích xe miết vào vành đĩa kẽo kẹt, kẽo kẹt theo vòng quay của pê-đan. Hai bên ghi-đông treo đủ thứ túi xách. Cũng có năm đi xe buýt từ ga Hàng Cỏ, nhưng thời gian lâu hơn, lại thiếu cơ động, chưa kể còn phải cuốc bộ từ quốc lộ qua cánh đồng mới về đến làng nên chủ yếu gia đình tôi vẫn về Tết bà ngoại bằng xe đạp.

Nhà bà ở cuối xóm, mái ngói năm gian có sân và một khoảng vườn rộng. Bà ở một mình, ông đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1950. Sáng mùng Một, bà thường mặc bộ quần áo nhung the, tóc cuốn thành một nhỏ vòng trên đầu và ngồi bên bậu cửa đợi chúng tôi về. Vì bà chỉ có mẹ tôi là con duy nhất nên gia đình tôi là những gì thân thương nhất của cuộc đời bà.

Đến cửa, nhảy xuống xe, cả bốn đứa cháu chạy ào lên bậc hè ôm lấy bà, miệng thi nhau chúc bà sức khỏe. Bà ôm chúng tôi, từng đứa một, rồi se sẽ: "Nào, hượm đã, để bà ngỏ hàng!" Bà móc trong cái hầu bao cũ kỹ bằng vải, lấy mấy tờ tiền mới để tặng chúng tôi. Trẻ con thích tiền mừng tuổi lắm. Vì sau dịp Tết, từ tiền mừng tuổi, chúng tôi sẽ có khoản kha khá để mua sách vở, dụng cụ học tập hay mua truyện. Nhưng thường, chúng tôi  sẽ lại "gửi mẹ" để mẹ giữ hộ, rồi mẹ lại gom góp chi dùng cho cuộc sống gia đình. Thời bao cấp đời sống thật khó khăn. Chỉ có chị cả tôi, đang học cấp II là được giữ lại tiền mừng tuổi vì "chị lớn, lại là con gái".

Ngày đầu năm mới mà nghe tiếng khóc thì kể cũng lạ, nhưng với chúng tôi đó là chuyện bình thường, thậm chí là quen thuộc. Bởi trong khoảnh khắc đoàn viên ngày đầu năm mới ấy, bà tôi thường khóc khi thành kính đứng trước ban thờ có đôi câu đối sơn son thếp vàng cùng bức hoành phi có bốn chữ "Quốc Ân Gia Khánh". Vào giờ phút ấy, tôi đứng sau cửa bức bàn, nhìn bà với khuôn mặt giàn giụa nước mắt. Và dù còn nhỏ nhưng tôi cũng hiểu tình yêu thương bà dành cho ông vẫn còn nguyên vẹn và sâu nặng vô cùng.

Và đó cũng chính là lý do, dù góa bụa ở tuổi 25, nhan sắc còn rực rỡ nhưng bà không đi bước nữa, nhẹ nhàng và kiên định ở vậy nuôi con. Rồi sau này, chăm sóc cả đám cháu trứng gà trứng vịt là chúng tôi nữa.

Ngày Tết thời gian thường qua nhanh. Ăn cùng bà bữa cơm,  rồng rắn đi thăm họ hàng đến chiều, xong thì cả nhà lại phải ra Hà Nội. Tạm biệt bà, bà cười hiền hậu, ôm từng đứa cháu, dặn nhớ ngoan, học giỏi, không quên nhắc vào bàn thờ chào ông rồi hẵng đi.

Xa bà đã năm cái Tết rồi, nhưng hình ảnh bà vẫn như còn đó. Bây giờ, ngày Tết, chúng tôi về làng, đi trên con ngõ nhỏ cuối xóm tới nơi có ngôi nhà ngói năm gian, có khoảng sân và mảnh vườn rộng, vẫn mong đợi đằng sau cánh cửa kia là bà đang ngồi trên bậu cửa. Trong bộ quần áo nhung the, tóc vấn gọn gàng, đẹp đẽ, hiền hậu, bà đang chờ chúng tôi chạy đến để ôm từng đứa vào lòng. Và chúng tôi lại thèm được nghe tiếng khóc trong ngày mùng Một. Những thanh âm dồn nén, nấc nghẹn, minh chứng cho một tình yêu nồng nàn, trong trẻo của ông bà.

Nay một mùa Xuân nữa lại về, dù không còn háo hức, phấn khích như đưa trẻ ngày nào với ước ao được mặc quần áo mới, được lì xì mừng tuổi, tôi vẫn mong chờ Tết đến để lại được sống với ký ức ấu thơ ngày nào. Để tôi giữ mãi được cho mình những tình cảm gia đình ấm áp, thân thương.

Hà Nội, ngày 8/1/2024

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ cùng mẹ đi xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái giá lạnh ngày đông, những ai cũng hối hả, háo hức đi sắm cho gia đình cành đào Tết.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ giây phút đoàn tụ cùng gia đìnhh, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội .

Không khí ngày Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng, như một cách để lưu giữ những kỷ niệm đẹp, để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội.

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.