Tết trong miền ký ức tuổi thơ

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Có lẽ ai cũng có những ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp về ngày Tết bên gia đình. Tôi cũng vậy. Nếu có một điều ước, tôi ước được một lần quay về tuổi thơ.

Đôi vai cha mẹ thêm nặng trĩu

Những ngày cuối năm có chút nắng vàng ươm, chút mưa phùn, chút gió lành lạnh, tiết trời đỏng đảnh như thiếu nữ vừa chớm biết yêu. Đường phố ngập tràn sắc màu, dòng người tấp nập, hối hả ngược xuôi.

Từng tờ lịch cũ trên tường cứ mỏng dần theo mỗi ngày, báo hiệu một năm nữa lại sắp đi qua. Con người và thời gian vào những thời khắc cuối cùng của năm cũ như đang có cuộc chạy đua. Nhìn dòng người xuôi ngược, những hồi ức về Tết xưa trong tôi lại trỗi dậy, rưng rưng với bao kỷ niệm ngọt ngào.

Mâm cơm ngày Tết nhà chúng tôi chỉ là mấy món ăn đơn giản như thịt heo kho dưa, canh xương hầm củ cải trắng, dĩa bánh chưng. Mẹ tôi nói: "Lễ bạc lòng thành"

Lúc nhỏ, tôi rất thích Tết. Tết đến, chị em tôi sẽ có áo quần, giày dép mới, được thoải mái ăn bánh kẹo, gói bánh chưng, bánh tét. Nhưng tôi đâu biết để có những điều đó, cha mẹ phải lo toan, nhọc nhằn nhiều hơn. Nhà nghèo, con đông, ngày thường lo miếng cơm manh áo cho 6 miệng ăn đã khó. Tết về đôi vai cha mẹ lại thêm nặng trĩu.

Cận Tết, mẹ tôi gồng gánh buôn bán thêm mớ rau; cha làm thuê đủ việc, kiếm thêm ít đồng lo cho các con một cái Tết tươm tất nhất có thể. Nhà nghèo nên chẳng bao giờ thấy cha mẹ mua cây mai, cây đào về chưng.

Năm nào khá lắm, chúng tôi xin mẹ mua gói hoa mai giả, chặt nhánh cây thật đẹp rồi hớn hở ngồi đính lên bỏ vào chậu. Sau một buổi sáng hì hục, chúng tôi cũng hoàn thiện cây hoa mai giả. Nhìn cây mai ngỡ như Tết đã về, gương mặt ai cũng tươi vui hẳn.

Quây quần bên nhau

Sáng 29 Tết, chúng tôi dậy thật sớm, lăng xăng, háo hức chờ đợi cùng mẹ đi chợ. Đứa nào cũng vui vẻ, cười nói hồn nhiên như những chú chim non nhảy nhót trên cành. Đây là dịp đặc biệt, bởi hiếm khi chúng tôi được mẹ cho đi chợ, tha hồ ngắm hàng hóa đầy màu sắc.

Quê nghèo, đa số người dân làm nghề nông, quanh năm chân lấm tay bùn. Vậy nên, chợ Tết là những thứ hàng hóa được làm ra bởi chính bàn tay của họ. Năm nào cũng vậy, mẹ cho đi chợ Tết là để mua sắm cho chúng tôi đứa đôi dép, đứa bộ quần áo mới. Mỗi người chỉ được chọn một thứ, áo quần hoặc giày dép. Thế nhưng, không đứa nào dám than vãn. Ngược lại, chúng tôi thấy vui sướng, hạnh phúc khi được ướm thử đôi dép mới, mặc thử bộ quần áo may sẵn.

Ngày đó, cứ đến ngày 29 Tết, trong căn nhà nhỏ cũ kỹ, chúng tôi ngồi quây quần trên một manh chiếu. Xung quanh là lá chuối, lá dong cùng với gạo nếp và nhân đậu xanh đã được mẹ chuẩn bị từ đêm trước, cả nhà cùng gói bánh chưng, bánh tét. Cha tôi rất khéo tay, gói từng chiếc bánh rất vuông vức, đẹp mắt.

Mẹ tôi cùng chị gái ngồi làm món dưa kiệu, củ hành muối chua. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong 3 ngày Tết. Những miếng cà rốt, su hào, đu đủ được mẹ và chị cắt tỉa thành những bông hoa rất đẹp mắt. Chị tôi vì bóc vỏ củ hành cay quá mà mắt đỏ hoe, nước mắt đầm đìa, bị chúng tôi trêu chọc, cả nhà lại tràn ngập tiếng cười.

Tối 29 Tết, cả nhà ngồi bên bếp củi canh nồi bánh chưng. Cha tôi kể về những ngày Tết của ông lúc còn nhỏ. Chúng tôi ngồi nghe, thi thoảng lại nhìn nhau, bật cười.

Ngày 30 Tết, dưới bếp, mẹ và chị tất tả nấu mâm cơm rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Cha sắp xếp lại bàn thờ, dọn mâm ngũ quả. Tôi chạy ra chạy vào gian bếp, hít hà mùi thơm của thịt cá, thứ đồ ăn xa xỉ mà lâu lâu chúng tôi mới được ăn.

Sau bữa cơm trưa, mẹ tôi đi quanh vườn hái đủ loại lá như bưởi, sả, tía tô, kinh giới... rửa sạch. Mẹ đun một nồi nước thật to cho cả nhà tắm rửa để rửa bỏ những điều xui rủi trong năm cũ, hy vọng sang năm mới gặp nhiều may mắn.

Khoảnh khắc thiêng liêng chính là thời khắc giao thừa. Sau khi thắp nén hương lên bàn thờ, cha gọi cả nhà dậy rồi lì xì cho chị em chúng tôi. Số tiền không nhiều nhưng là cả gia tài của chị em tôi lúc bấy giờ. Sáng mùng 1, chúng tôi mặc áo quần mới, chạy vào chạy ra, chờ mọi người đến chúc Tết để khoe…

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Thời gian trôi nhanh nhưng những ký ức về Tết xưa bên gia đình còn in mãi trong tâm trí tôi. Đó là miền ký ức đẹp, gợi cho tôi nhớ về cội nguồn và tuổi thơ êm đềm bên gia đình.

Giờ đây, tôi đã trưởng thành, được đón rất nhiều cái Tết với mâm cao cỗ đầy nhưng không có bữa ăn nào ngon bằng bữa cơm ngày 30 Tết mẹ nấu năm ấy. Nhiều lúc thèm lắm, nhớ lắm hương vị của Tết xưa, tôi chỉ ước được quây quần, sum họp bên bữa cơm cùng gia đình nhưng khó quá. Chị em chúng tôi giờ đây mỗi người một ngả, ai cũng có mái nhà riêng. Mái nhà chung ngày ấy giờ chỉ còn cha mẹ mong ngóng đàn con trở về đón Tết.

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái se lạnh ngày đông, mọi người hối hả, háo hức đi chọn cho gia đình một cành hoa.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đình, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội.

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.