Thanh niên bị rối loạn thích ứng vì chơi lan lỗ 20 tỷ

Do chơi lan đột biến bị thua lỗ 20 tỷ đồng, nam thanh niên 30 tuổi ở Hà Nội đã hai lần muốn tự tử. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài.

Chơi lan đột biến bị thua lỗ 20 tỷ đồng, một người đàn ông 30 tuổi ở Hà Nội muốn tìm đến cái chết. Người nhà phát hiện anh uống thuốc diệt cỏ nên đã đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Nam thanh niên nghề nghiệp công an, vốn sống vui vẻ, sức khỏe bình thường. Theo người nhà cho biết, ba tháng trước, anh chơi lan đột biến thua lỗ 20 tỷ đồng. Từ đó anh rơi vào trạng thái buồn chán, lo lắng, mệt mỏi, thất vọng, không muốn làm việc hay tiếp xúc với ai, chỉ ở trong phòng một mình, nhiều lần có suy nghĩ tìm đến cái chết "để giải thoát". Lần này anh uống thuốc diệt cỏ, được người nhà phát hiện đưa vào Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu. Sau khi ổn định, bệnh nhân được chuyển đến Viện Sức khỏe tâm thần điều trị tiếp, bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài.

BSCK2 Vũ Thị Lan (ở giữa) trong buổi chia sẻ về biện pháp điều trị bệnh nhân rối loạn sự thích ứng

BSCK2 Vũ Thị Lan - Đơn nguyên liên quan đến rối loạn tâm thần stress - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân được người nhà phát hiện sử dụng dao nhọn để cắt tay, vết thương chảy máu. Sau đó bệnh nhân được nhân viên y tế sơ cứu chuyển chuyên khoa ngoại xử lý vết thương, rồi chuyển Viện sức khỏe tâm thần điều trị tiếp. Sau hơn 40 ngày điều trị bệnh nhân đỡ buồn chán, không còn ý tưởng tự sát, đêm ngủ được, đi lại vận động nhiều hơn, bớt suy nghĩ bi quan tiêu cực hơn, bệnh nhân chủ động giao tiếp và tuân thủ điều trị, bệnh nhân được điều trị ngoại trú.

TS.BS  Dương Minh Tâm, Trưởng Đơn nguyên liên quan đến rối loạn tâm thần stress -Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết các triệu chứng rối loạn sự thích ứng bắt đầu trong vòng ba tháng kể từ khi tác nhân gây căng thẳng xuất hiện. Stress được xem là yếu tố tác động trực tiếp đến rối loạn sự thích ứng. Nếu không có stress thì rối loạn này không xảy ra. "Rối loạn sự thích ứng thường xuất hiện sau một hoặc nhiều yếu tố sang chấn", bác sĩ Tâm nói thêm rằng yếu tố nguy cơ gây bệnh là người bệnh trải qua căng thẳng đáng kể trong thời thơ ấu hoặc có vấn đề sức khỏe tâm thần khác, hoàn cảnh sống khó khăn, bị lạm dụng hoặc tấn công thể chất hoặc tình dục, gia đình tan vỡ khi còn nhỏ hay được bao bọc quá mức. Các vấn đề stress khác thường gặp dẫn đến rối loạn sự thích ứng là ly hôn hoặc thay đổi hoàn cảnh (nghỉ hưu, sinh con hoặc đi học xa), mất việc làm, mất người thân, gặp vấn đề về tài chính, mắc bệnh... Như bệnh nhân 30 tuổi, bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do thất bại trong làm ăn và dẫn đến nợ nần tiền bạc. Và có thể do bệnh nhân có suy nghĩ tiêu cực mạnh khi cho rằng bản thân là công an nhưng vẫn bị lừa.

TS.BS  Dương Minh Tâm, Trưởng Đơn nguyên liên quan đến rối loạn tâm thần stress -Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo các bác sĩ tỷ lệ mắc bệnh ước tính 2-8% dân số. Phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này gấp đôi nam giới. Các rối loạn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên. Ngoài ra, những người mắc bệnh dễ rơi vào trạng thái rối loạn sự thích ứng. Theo một phân tích tổng hợp quy mô lớn gần đây, rối loạn sự thích ứng gặp ở 15,4% người trưởng thành mắc bệnh ung thư điều trị tại các cơ sở chăm sóc giảm nhẹ.

Bệnh lý các rối loạn sự thích ứng thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tác nhân gây sang chấn và các triệu chứng chiếm ưu thế. Hầu hết trường hợp rối loạn sự thích ứng tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi xảy ra sang chấn. Một số trường hợp, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên, có thể chịu những ảnh hưởng lâu dài do chứng rối loạn này gây ra.

Những ảnh hưởng lâu dài của rối loạn sự thích ứng bao gồm mất ngủ, cách ly xã hội, xung đột hôn nhân hoặc gia đình, suy giảm khả năng làm việc, nghiện rượu, sử dụng ma túy, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, tự hủy hoại, ý tưởng và hành vi tự sát. Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi có các biểu hiện lâm sàng của bệnh, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Các triệu chứng như giảm khả năng tập trung và suy nghĩ, mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi vị giác, có hành vi tự sát; lo âu, hồi hộp, vã mồ hôi, khó thở; thường xuyên cáu giận, đổ lỗi cho người khác, có thái độ hận thù... Phương pháp điều trị rối loạn sự thích ứng bao gồm liệu pháp tâm lý, hóa dược hoặc cả hai. Hiện tại, tâm lý trị liệu vẫn là cách điều trị được lựa chọn cho các rối loạn sự thích ứng.

Stress là nguyên nhân cơ bản dẫn tới rất nhiều loại bệnh, ở mức độ nặng sẽ dẫn tới nhiều triệu chứng hết sức nguy hiểm.  Stress không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn gây tác hại đến gia đình và xã hội, do đó cần được điều trị đúng cách để tránh những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Qua đây, TS.BS. Dương Minh Tâm đưa ra lời khuyên: mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên chỉ nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ, quan tâm để không xảy ra hệ lụy đáng tiếc./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, vừa ban hành các quyết định công bố gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với gần 130 loại sản phẩm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua thành phố ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với tuần trước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bệnh tim mạch là nguyên nhân dẫn đến 40% số ca tử vong ở châu Âu, tương đương với 10.000 ca tử vong/ngày.

"Huyết áp trên 140/90, đừng “lười” hỏi bác sĩ" - đó là thông điệp được đưa ra tại lễ phát động chương trình Tháng 5 kiểm soát huyết áp, sinh hoạt khoa học, những cập nhật quan trọng về tăng huyết áp do Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa tổ chức.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phê duyệt các vaccine ngừa sốt xuất huyết, zona thần kinh và phế cầu 23 từ ngày 15/5.

Bộ Y tế vừa có Công văn số 2461gửi các sở y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về hướng dẫn tiêm vaccine Covid-19.