Thuỵ Điển tiến gần trên con đường trở thành thành viên NATO

Sau hơn 20 tháng trì hoãn, tuần này Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề nghị kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mở đường cho Thụy Điển tiến gần hơn tới việc trở thành thành viên thứ 32 của liên minh. Tuy nhiên, tư cách thành viên của Thụy Điển vẫn cần chờ quyết định chính thức từ Hungary.

Con đường gia nhập NATO gập ghềnh của Thụy Điển

Thụy Điển đứng ngoài các liên minh quân sự trong hơn 200 năm qua và từ lâu đã từ chối việc trở thành thành viên NATO. Không liên kết về mặt quân sự được coi là cách tốt nhất để tránh tạo ra căng thẳng với Nga, nước láng giềng hùng mạnh ở khu vực Biển Baltic. Nhưng cách đây hai năm, Stockholm đã quyết định từ bỏ chính sách không liên kết lâu đời và nộp đơn xin gia nhập NATO cùng nước láng giềng Phần Lan. Nga cho biết động thái này ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh ở Bắc Âu, nơi mà họ cho rằng "trước đây là một trong những khu vực ổn định nhất trên thế giới".

Sau hơn 20 tháng trì hoãn, tuần này Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề nghị kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mở đường cho Thụy Điển tiến gần hơn tới việc trở thành thành viên thứ 32 của liên minh.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật bị trì hoãn lâu nay liên quan đến nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/1 đã thông qua một dự luật bị trì hoãn lâu nay liên quan đến nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Sau phiên tranh luận kéo dài 4 giờ đồng hồ, dự luật đề nghị kết nạp Thụy Điển vào NATO đã được thông qua với 287 phiếu thuận và 55 phiếu chống, “bật đèn xanh” cho Thụy Điển đến với liên minh quân sự này

Theo quy định, để chính thức trở thành thành viên của NATO cần được toàn bộ các quốc gia thành viên liên minh phê chuẩn. Trong khi Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4/2023, thì quá trình gia nhập của Thụy Điển đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cản trở.

Lý do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là quan ngại Stockholm sẵn sàng chứa chấp những phần tử mà Ankara coi là khủng bố. Đáng chú ý, đầu năm 2023, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trở nên căng thẳng khi nhà chức trách quốc gia Bắc Âu cho phép một cuộc biểu tình phản đối Ankara mà trong đó xảy ra việc đốt kinh Koran của người Hồi giáo.

Áp lực từ Mỹ và các đồng minh NATO khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm loại bỏ sự phản đối của nước này đối với tư cách thành viên của Thụy Điển dường như không có tác dụng. Mọi việc chỉ trở nên sáng sủa hơn khi ông Erdogan tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái rằng ông sẽ gửi tài liệu tới Quốc hội để phê duyệt.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters.

Việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật cho phép Thụy Điển gia nhập NATO cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách của nước này với NATO và các nước Bắc Âu, đồng thời cũng cho thấy Tổng thống Erdogan đã gần như đạt mục tiêu. Trong hơn hai thập kỷ lãnh đạo, ông Erdogan đã liên tục điều phối chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mang lại lợi ích cho vị thế chính trị trong nước của mình, đồng thời tận dụng tư cách thành viên NATO của Ankara để thúc đẩy các cuộc mặc cả cứng rắn với các đồng minh

Phó Giáo sư Rikard Bengtsson - Đại học Lund, Thụy Điển chia sẻ: “Quá trình phê chuẩn đã diễn ra khá lâu. Theo tôi, chủ yếu là do vấn đề tư cách thành viên của Thụy Điển đã gắn liền với mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu của Mỹ. Vì vậy, việc Thụy Điển gia nhập NATO được sử dụng như một chiến lược mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ."

Trong trường hợp này, việc trì hoãn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển đã giúp ông Erdogan cải thiện vị thế trong nước. Đáp lại yêu cầu của Ankara, Thụy Điển đã đưa ra một dự luật tăng cường chống các thành phần khủng bố. Ông Erdogan cũng liên kết việc chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO với việc Mỹ chấp thuận bán máy bay phản lực F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tới nay, chỉ còn Hungary là quốc gia thành viên NATO duy nhất chưa thông qua việc Thụy Điển gia nhập.  Ngay sau quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Viktor Orban đã tái khẳng định ủng hộ kết nạp Thụy Điển làm thành viên của NATO. Chia sẻ sau khi điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Orban cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi Quốc hội Hungary bỏ phiếu thông qua việc NATO kết nạp Thụy Điển và phê chuẩn ngay trong lần đầu xem xét. Đảng Fidesz của ông Orban chiếm thế đa số áp đảo tại quốc hội. Do đó, việc thông qua đề xuất gia nhập của Thụy Điển hoàn toàn trong tầm tay của ông Orban.

Thủ tướng Viktor Orban sẽ tiếp tục kêu gọi Quốc hội Hungary bỏ phiếu thông qua việc NATO kết nạp Thụy Điển.

Ông Balazs Orban – Cố vấn chính trị của Thủ tướng Hungary cho biết: “Lập trường của chính phủ Hungary đã rõ ràng ngay từ đầu: chúng tôi ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO, đó là lý do tại sao chúng tôi đệ trình lên quốc hội. Khi đó, chúng tôi cũng nói rõ rằng lập trường của chúng tôi không phụ thuộc vào lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Viktor Orban cũng đã nói rõ rằng ông ấy ủng hộ tiến trình này và quốc hội Hungary sẽ triệu tập để ra quyết định.”

Dự kiến quá trình phê duyệt sẽ được hoàn tất ngay khi Quốc hội Hungary mở phiên họp thường kỳ tiếp theo vào cuối tháng 2.

NATO được gì khi kết nạp Thụy Điển?

Đối với Thụy Điển, sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ đã xóa bỏ rào cản lớn nhất cho việc gia nhập NATO. Việc đăng ký làm thành viên NATO đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược của Thụy Điển, đảo ngược hàng thập kỷ giữ thái độ trung lập về quân sự của nước này. Còn đối với NATO, việc Thụy Điển gia nhập sẽ không chỉ củng cố liên minh bằng cách bổ sung thêm một vùng đất Bắc Âu rộng lớn cho các hoạt động quân sự, mà còn tượng trưng cho sự hồi sinh của liên minh.

Việc kết nạp Thụy Điển vào NATO sẽ giúp biên giới của NATO bao quanh biển Baltic, cùng với Phần Lan, vị trí địa lý của Thụy Điển sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của NATO ở khu vực này cũng như sườn phía Đông của khối.

Lực lượng vũ trang Thụy Điển, mặc dù đã giảm mạnh kể từ Chiến tranh Lạnh, nhưng được coi là lực lượng tăng cường tiềm năng cho khả năng phòng thủ tập thể của NATO trong khu vực. Stockholm sở hữu lực lượng không quân lớn nhất Bắc Âu, với ít nhất 100 máy bay chiến đấu. Với nhiều máy bay khác dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong những năm tới, sự tham gia của Thụy Điển sẽ tăng cường đáng kể số lượng máy bay chiến đấu của NATO ở khu vực Baltic và Bắc Cực. Điều này sẽ làm giảm trách nhiệm của các đồng minh lớn như Mỹ trong việc cung cấp sự hiện diện trên không và giám sát trên không trong khu vực, khi các quốc gia thành viên NATO ở Bắc Âu có thể đảm nhận vai trò lớn hơn về phòng thủ trong khu vực của chính họ.

Lực lượng vũ trang Thụy Điển được coi là lực lượng tăng cường tiềm năng cho khả năng phòng thủ tập thể của NATO

Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2022 với tổng kim ngạch xuất khẩu vật liệu quốc phòng đạt hơn 2 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Thụy Điển thường được xếp ở vị trí thứ 12 - 15 trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới. Khoảng 28.000 người đang làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Điển, con số này có thể sẽ tăng lên khi chính phủ công bố tăng đáng kể ngân sách quốc phòng cho năm 2024, gần gấp đôi ngân sách quốc phòng năm 2020. Đối với NATO vốn đang phải vật lộn để theo kịp đề nghị cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhu cầu cao về sản xuất quốc phòng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Những lợi thế này khiến khối quân sự NATO luôn chào đón Thụy Điển. Ngay sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thúc giục Hungary sớm đưa ra quyết định tương tự, nhấn mạnh việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp liên minh này vững mạnh hơn và an toàn hơn.

Khối quân sự NATO luôn chào đón Thụy Điển.

Mỹ cũng bày tỏ hoan nghênh động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhấn mạnh Thụy Điển là một đối tác quốc phòng mạnh mẽ, có năng lực. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington mong muốn nhận được văn kiện phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt và kỳ vọng Hungary sẽ tham gia tiến trình này.

Về phía Thụy Điển, Thủ tướng Ulf Kristersson tuyên bố quốc gia Bắc Âu đã tiến một bước gần hơn để trở thành thành viên chính thức của NATO và ghi nhận việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO là một động thái tích cực. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom khẳng định nước này sẽ là một thành viên NATO đáng tin cậy, trung thành và tận tâm.

Người dân Thụy Điển cũng hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đề nghị gia nhập NATO, giúp xóa bỏ rào cản lớn nhất trong việc mở rộng liên minh quân sự phương Tây sau gần hai năm trì hoãn.

Con đường dài phía trước của NATO

Với thành viên mới và trợ lực mới, NATO dường như có nhiều tham vọng hơn. Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 năm ngoái đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng: các đồng minh phải nỗ lực để củng cố liên minh, cung cấp hỗ trợ và tư cách thành viên cho những quốc gia thực sự cần an ninh, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác trên toàn thế giới. Dù vậy, theo các chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), để đạt được mục tiêu này, NATO còn rất nhiều điều cần làm phía trước.

Đối với NATO, tăng chi tiêu quốc phòng là mục tiêu dài hạn đòi hỏi sự thúc đẩy chính trị liên tục. Cuộc xung đột Nga-Ukraine và những diễn biến mới nhất giữa Israel-Hamas ở Gaza đã cho thấy sự bất ổn đang gia tăng trên toàn cầu. NATO cần sẵn sàng phòng thủ và ngăn chặn nguy cơ bằng cách tăng cường năng lực của khối. Mục tiêu của NATO là tất cả các thành viên sẽ chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, và đây sẽ là “mức sàn” chi tiêu. Nhưng điều này vẫn khó kiểm soát, nếu không có ý chí chính trị, những nỗ lực tăng chi tiêu có thể sẽ thất bại giống như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ.

Việc đầu tư vào các công nghệ mới nổi, hệ thống vũ khí truyền thống và chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đóng vai trò rất quan trọng. Các cuộc xung đột gần đây đã cho thấy hỏa lực truyền thống và công nghệ tiên tiến cần phải hoạt động song song như thế nào. Hiệu quả của pháo binh, xe tăng và phòng không được bổ sung bằng công nghệ tiên tiến, máy bay không người lái và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Do đó, để tăng cường sức mạnh quân sự, bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào cũng đều cần đầu tư vào cả hai nhóm năng lực: năng lực công nghệ tiên tiến và mới nổi, cũng như sản xuất vũ khí truyền thống.

Bên cạnh đó, các đồng minh phải phối hợp tốt hơn để tăng hiệu quả đầu tư quốc phòng. Hoạt động mua sắm xuyên Đại Tây Dương và xuyên biên giới được coi là chìa khóa để xây dựng lại kho vũ khí của phương Tây. Chẳng hạn, thỏa thuận mua tàu ngầm hạt nhân AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, hay Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu nhằm xây dựng một hệ thống phòng không tích hợp trên mặt đất của 19 quốc gia châu Âu, là những ví dụ điển hình. Gần đây, NATO cũng đang nỗ lực cải tiến hoạt động với việc ra mắt Quỹ Đổi mới và Sáng kiến Máy gia tốc đổi mới quốc phòng cho Bắc Đại Tây Dương (DIANA). Song các chuyên gia nhận định NATO vẫn chưa làm tốt việc tiến hành mua sắm chung để thu hút thêm vốn tư nhân vào hệ sinh thái và tăng cường khả năng tương tác trong liên minh.

Các Hội nghị thượng đỉnh NATO đều quy tụ các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao nhất, nhưng Hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7 năm ngoái lại không tập hợp được những người tham gia ngành công nghiệp quốc phòng có liên quan. Hội nghị thượng đỉnh Washington vào tháng 7 năm nay được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà hoạch định chính sách cấp cao và các nhà quản lý ngành công nghiệp quốc phòng cùng gặp nhau và đưa ra những quyết định, cam kết chung để cùng nhau hợp tác, cũng như là nơi để các thành viên NATO thống nhất về các sáng kiến chung trong tương lai.

Chỉ còn nửa năm nữa là diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, sự kiện quan trọng mang tính biểu tượng đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự này. Để đảm bảo hội nghị thượng đỉnh tiếp theo thành công, NATO cần phải đạt được những tiến bộ đáng chú ý, trong đó có việc kết nạp thêm thành viên mới là Thụy Điển. Tuy nhiên, tư cách thành viên của Thụy Điển vẫn cần chờ quyết định chính thức từ Hungary. Dự kiến thủ tướng Thuỵ Điển và Thủ tướng Hungary sẽ gặp mặt tại Hội đồng Châu Âu ở Brussels vào ngày 1/2 tới để thảo luận về vấn đề này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cải tổ nội các. Trong khi giữ lại hầu hết các vị trí bộ trưởng quan trọng, nhà lãnh đạo Nga đã đề cử Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belusov làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, thay cho ông Sergei Shoigu.

Trong bối cảnh máy bay không người lái (UAV) xuất hiện với tần suất ngày càng phổ biến trên chiến trường, nhiều quốc gia đã đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí chuyên dụng để khắc chế UAV. Hệ thống Leonidas của Mỹ là một trong số đó. Leonidas được xem là khắc tinh của UAV, bởi hệ thống này có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các đợt tấn công quy mô lớn của các UAV cỡ nhỏ.

Trong tuần qua, xe tăng của quân đội Israel đã tiến vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Việc Israel mở rộng tấn công vào thành phố đông dân này được cảnh báo sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại Gaza, đẩy Israel vào thế bị cô lập trên chính trường quốc tế, đồng thời khiến mối quan hệ với đồng minh Mỹ ngày càng rạn nứt sâu sắc.

Tình trạng nghèo đói và xung đột gia tăng tại nhiều quốc gia châu Mỹ đã khiến số người di cư tăng mạnh. Đây là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực.

Ngọn đuốc Olympic 2024 đã đến thành phố Marseille, chính thức khởi đầu một mùa Thế vận hội sôi động mà Tổng thống Emmanuel Macron hy vọng sẽ thể hiện sự huy hoàng của nước Pháp. Kể từ đây, ngọn đuốc sẽ trải qua hành trình dài 12.000km trên khắp nước Pháp, tới cả các lãnh thổ hải ngoại xa xôi ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

10h sáng 9/5 theo giờ Matxcơva, tức 14h chiều theo giờ Việt Nam, lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày chiến thắng phát xít đã diễn ra trên Quảng Trường Đỏ của Nga. Kể từ năm 2000, các cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng đã trở thành màn trình diễn hàng năm không chỉ của các lực lượng quân sự mà còn của các loại vũ khí, khí tài tối tân nhất của Nga. Những màn trình diễn này cho thấy tiềm lực quốc phòng to lớn của nước này.