Tỉ lệ đột quỵ ở nam giới cao gấp 1,5 lần nữ giới

Theo kết quả nghiên cứu với sự tham gia của 10 trung tâm đột quỵ lớn trên toàn quốc, thì độ tuổi đột quỵ trung bình ở người Việt là 65. Trong đó tỉ lệ đột quỵ ở nam giới tại Việt Nam cao hơn gấp 1,5 lần so với nữ giới.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Đột quỵ quốc tế năm 2022 với chủ đề "Thách thức và cơ hội" diễn ra ngày 5/11 tại Hà Nội.

Đột quỵ não đang là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng của các quốc gia. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và căn nguyên gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới.

Hội nghị năm nay được tổ chức với mục đích cập nhật liên tục các kiến thức mới-kỹ thuật mới trong điều trị đột quỵ để hội nhập với sự phát triển của chuyên ngành này trên thế giới. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thành Dương)

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh trong những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các bệnh lưu hành và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Các báo cáo khoa học hàng năm cho thấy hằng năm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% các ca tử vong nói chung, đây là một con số rất lớn trong điều kiện kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển.

Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là các bệnh/nhóm bệnh gây ra những hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế khá cao.

Theo Hội Đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.

"Con số này thật đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tỉ lệ đột quỵ ở nam giới cao gấp 1,5 lần nữ giới

Đặc biệt, trong hội nghị này, PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã công bố nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại Việt Nam gồm 10 Trung tâm đột quỵ lớn trên toàn quốc. Đây là nghiên cứu lớn có số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất từ trước đến nay của chuyên ngành đột quỵ với 2.310 người.

PGS. TS Mai Duy Tôn công bố kết quả nghiên cứu về tình hình đột quỵ tại Việt Nam.

Kết quả bước đầu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, trong đó độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ. "Số liệu này khác hoàn toàn với nước ngoài là nữ giới bị đột quỵ nhiều hơn nam giới" - PGS Tôn cho biết.

Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76%, còn chảy máu não là 24%. Yếu tố nguy cơ hàng đầu vẫn là tăng huyết áp, theo số liệu sơ bộ thì 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp. 

"Như vậy ở Việt Nam tỷ lệ chảy máu não khi bị đột quỵ cao hơn so với nước ngoài, đặc biệt đáng lưu ý là tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chỉ chiếm 50%, còn chảy máu não chiếm đến 46%. Ở người trẻ, tỷ lệ chảy máu não gia tăng rất nhiều"- PGS.TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong vòng 6h đầu hiện nay mới đạt được khoảng 33%. So với nước ngoài tỉ lệ này rất thấp. 

Theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ nam giới bị đột quỵ cao gấp 2,5 lần so với nữ giới.

"Khi bệnh nhân đến trong 6h đầu thì sẽ có cơ hội điều trị tái tưới máu. Trong nghiên cứu của chúng tôi thì chỉ có 14% trong tổng số 33% bệnh nhân đến sớm đã được điều trị tái tưới máu bằng kĩ thuật tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc sử dụng các dụng cụ lấy huyết khối đường động mạch. Ở nước ngoài thì đến 50% số bệnh nhân đến sớm được điều trị tái tưới máu." - PGS. TS Mai Duy Tôn thông tin. 

 PGS. TS Mai Duy Tôn cho biết có những bệnh nhân tới cấp cứu mới có 11 tuổi. Đối với những bệnh nhân đột quỵ trẻ, đặc biệt là đột quỵ chảy máu não thì có một tỷ lệ liên quan đến tăng huyết áp. Tuy nhiên rất nhiều trong số đấy liên quan đến những bất thường về mạch máu vốn có tiềm ẩn từ trước mà người bệnh không được phát hiện, và đột quỵ là hậu quả cuối cùng ở thời điểm mạch máu bị vỡ ra. Chính vì vậy, những bệnh nhân có người nhà có tiền sử bất thường về mạch máu, ví dụ như dị dạng động tĩnh mạch, các khối phình động mạch não thì nên tầm soát người trong gia đình để phát hiện sớm các trường hợp có yếu tố nguy cơ, từ đó có các biện pháp phòng ngừa vỡ các mạch máu gây ra đột quỵ chảy máu não. 

"Từ kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho chiến lược điều trị, đầu tiên đó là vấn đề về cấp cứu chung, ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để làm sao có thể mang được nhiều cơ hội cho người bệnh cấp cứu đột quỵ có thể được điều trị tái tưới máu trong khoảng thời gian cửa sổ từ 4,5 - 6h. Đồng thời cần thay đổi lối sống để kiểm soát chỉ số huyết áp tốt, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai." - PGS Tôn lưu ý.

Các chuyên gia trả lời tại buổi họp báo. (Ảnh: Thành Dương)


Hội nghị Đột quỵ thế giới năm 2022 có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, cùng với 1500 hội thảo viên từ khắp mọi miền đất nước. 

Cũng nhân dịp này, Trường Đại học Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội công bố quyết định thành lập Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não được xây dựng trên cơ sở Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, đây là Bộ môn đào tạo chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên trên cả nước.

Đồng thời, hội nghị cũng là dịp Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai được nhận chứng nhận Kim Cương lần thứ 7 của tổ chức Đột quỵ thế giới và cá nhân PGS. TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh 2022.

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em trên toàn quốc bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Bộ Y tế dự kiến, sẽ có hơn 6 triệu trẻ trên toàn quốc được uống bổ sung Vitamin A đợt này.

Thuốc lá điện tử gây ra nguy cơ bệnh tật cao hơn, thậm chí là những tác hại sớm hơn so với thuốc lá truyền thống. Không ít trường hợp bệnh nhân chịu tổn thương não vĩnh viễn.

Toàn thành phố Hà Nội tổ chức cho gần 382.000 trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A trong chiến dịch đợt 1 của Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2024.

Với thông điệp "Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại", Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện thị xã Sơn Tây vừa phối hợp với Viện Huyết học truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện tại xã Xuân Sơn.

Ở lâu trong ô tô đóng kín, nhất là khi xe đỗ dưới trời nắng nóng có thể khiến bất kỳ ai cũng phải đối mặt với nguy cơ ngạt thở, sốc nhiệt, thậm chí là tử vong. Nếu may mắn, người được cứu sống có thể bị tổn thương não, chịu di chứng thần kinh suốt đời.

Sau ba ngày đi theo ông Thích Minh Tuệ, người đàn ông 47 tuổi bị sốc nhiệt, được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu nhưng đã tử vong.