Đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc - châu Âu

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Chủ tịch Tập Cận Bình là một phần trong nỗ lực đảo ngược chính sách cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) về giảm rủi ro từ Trung Quốc, đặc biệt giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai bên chưa giảm. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – châu Âu.

Trung Quốc - châu Âu củng cố quan hệ đối tác chiến lược

Pháp là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm ba bên với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Cuộc gặp được giới quan sát đánh giá là khá thẳng thắn, khi các bên đều không ngần ngại bày tỏ rõ quan điểm của mình, đặc biệt là về việc phát triển quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm ba bên với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Tình hình quốc tế hiện nay đòi hỏi cuộc đối thoại giữa châu Âu và Trung Quốc hơn bao giờ hết. Như tôi đã từng nói trong một phát biểu mới đây, châu Âu và Trung Quốc đang ở một bước ngoặt trong lịch sử, đòi hỏi chúng ta phải đối mặt và vượt qua những khó khăn mang tính cơ cấu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Có chung nhận định, Chủ tịch Ủy ban châu Âu – bà Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu và Trung Quốc muốn có mối quan hệ tốt đẹp. Sự hợp tác của hai bên sẽ là chìa khóa để tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh xem EU là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của nước này.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh xem EU là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của nước này.

Trung Quốc luôn nhìn nhận mối quan hệ với châu Âu từ góc độ chiến lược và lâu dài. Châu Âu là một hướng đi quan trọng trong chính sách ngoại giao với các nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc và là đối tác quan trọng của Trung Quốc trên con đường hiện đại hóa. Tôi hy vọng quan hệ Trung Quốc - Pháp và quan hệ Trung Quốc - châu Âu sẽ thúc đẩy lẫn nhau và cùng phát triển.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhân dịp chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Pháp đã ký 18 thỏa thuận hợp tác liên ngành bao gồm hàng không, nông nghiệp, phát triển xanh, hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, lãnh đạo Pháp - Trung Quốc nhất trí xây dựng sự đồng thuận lớn về hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực như ứng phó với khí hậu, đa dạng sinh học và cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Liên quan đến các vấn đề quốc tế, lãnh đạo hai nước kêu gọi tất cả các bên nỗ lực đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện ở Gaza cũng như ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân Iran.

Trung Quốc và Pháp đã ký 18 thỏa thuận hợp tác liên ngành bao gồm hàng không, nông nghiệp, phát triển xanh, hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ và các lĩnh vực khác.

Bên cạnh những cam kết hợp tác, báo Le Monde (Pháp) cho rằng, cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu vẫn chưa thực sự tìm ra được tiếng nói chung về vấn đề thương mại cân bằng và dư thừa sản xuất – một trong những mục tiêu chính của chuyến thăm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo tương lai của châu Âu sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc một cách cân bằng. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận định mối quan hệ này đang bị thách thức bởi các bên liên quan đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường không bình đẳng và sự phụ thuộc trong chuỗi cung ứng.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận định: “những sản phẩm được trợ cấp bởi Trung Quốc như xe điện hoặc thép đang tràn ngập thị trường châu Âu. Kết hợp với nhu cầu trong nước không tăng, thế giới không thể hấp thụ được sản lượng dư thừa của Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi mong rằng chính phủ Trung Quốc giải quyết tình trạng dư thừa mang tính cấu trúc này. Châu Âu sẽ không lùi bước trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn và công cụ phòng vệ cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và an ninh của mình".

Giới truyền thông nhận xét, thông qua các cuộc gặp, có rất ít dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ lớn về thương mại. Trung Quốc chỉ cam kết tạm thời không áp đặt thuế quan nhập khẩu. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các nhãn hiệu rượu mạnh sang trọng của Pháp, trong một động thái được đánh giá là nhằm đối trọng với khả năng thúc đẩy một “cuộc chiến tranh thương mại toàn diện” từ phía EU.

Giới truyền thông nhận xét, thông qua các cuộc gặp, có rất ít dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ lớn về thương mại.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng, quan điểm cứng rắn của Trung Quốc về thương mại còn thể hiện rõ ở lịch trình chuyến thăm. Chủ tịch Trung Quốc không có lịch trình đến thăm Brussels (trụ sở của EU), như một chuyến thăm châu Âu theo mong đợi. Ngay sau chuyến thăm Pháp, nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung vào Serbia và Hungary - hai quốc gia có xu hướng ngả về trục ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc - Serbia đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới

Sau Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Serbia - quốc gia thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Serbia lần thứ 2 của Chủ tịch Tập Cận Bình sau 8 năm, không chỉ được xem là cơ hội củng cố vị thế của Trung Quốc là đối tác chính ở khu vực Tây Balkan, mà còn đánh một dấu mốc quan trọng trong việc cải thiện và nâng cấp quan hệ hai nước. Bằng chứng là cách đây một năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi Serbia là “người bạn sắt son” của Trung Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Serbia – ông Aleksandar Vucic khi ông Vucic ở Bắc Kinh tham dự diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba vào tháng 10/2023. Còn lần này, khi vừa đến thủ đô Belgrade, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định ông sẵn sàng hợp tác với Serbia để vạch ra kế hoạch chi tiết mới cho sự phát triển quan hệ song phương.

Rạng sáng 8/5 (theo giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã đến sân bay Nikola Tesla ở thủ đô Belgrade, Serbia.

Rạng sáng 8/5 (theo giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã đến sân bay Nikola Tesla ở thủ đô Belgrade, Serbia trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước kéo dài hai ngày. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, phu nhân Tamara Vucic và các quan chức cấp cao trong chính phủ đã tổ chức lễ đón tiếp trọng thể nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trái ngược với những lo ngại về một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với EU trong chặng dừng chân đầu tiên, chuyến thăm tới Serbia lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ đưa hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới.

chuyến thăm tới Serbia lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ đưa hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Trung Quốc là đối tác tốt nhất có thể của Serbia. Hy vọng thông qua chuyến thăm, chúng tôi có thể mang lại những kết quả tốt nhất vì lợi ích chung của người dân Trung Quốc và Serbia.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.

Serbia - quốc gia đang ứng cử để trở thành thành viên EU, có quan hệ thương mại ngày càng thân thiết với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Aleksandar Vucic. Mặc dù EU là đối tác kinh tế hàng đầu của Serbia, nhưng khoảng 10,3 tỷ euro đầu tư của Trung Quốc đã đổ vào nước này từ năm 2009 đến năm 2021. Tháng 10-2023, Trung Quốc và Serbia đã ký hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh và thương mại song phương. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Trung Quốc ký kết với một quốc gia thuộc khu vực Trung và Đông Âu. Gần đây nhất, Serbia đã công bố thỏa thuận thu hút 2 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời và sản xuất hydro. Trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về khoản đầu tư hàng tỷ USD của Trung Quốc vào Serbia và bổ sung các thỏa thuận mới khác.

Trong một tuyên bố ngay khi vừa đến Serbia, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc và Serbia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống sâu sắc, đã vượt qua thử thách của hoàn cảnh quốc tế nhiều biến động, trở thành tấm gương cho mối quan hệ giữa các quốc gia.  Chủ tịch Tập Cận Bình lưu ý kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vào năm 2016, quan hệ giữa Trung Quốc và Serbia đã phát triển nhảy vọt và đạt được những thành tựu lịch sử. Nhân dịp này, hai bên sẽ thảo luận về việc nâng cấp mối quan hệ,  mở ra một giai đoạn hợp tác mới.

Hungary - “cửa ngõ châu Âu” của Trung Quốc 

Chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Hungary. Giống như Serbia, Hungary được đánh giá là quốc gia thân thiện với Bắc Kinh, cũng là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai - Con đường, và thúc đẩy hợp tác khu vực Trung và Đông Âu. Thậm chí, Hungary còn được đánh giá là cửa ngõ của Trung Quốc vào châu Âu, vì nước này là thành viên của cả hai khối đa phương quan trọng là Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Với ít nhất 16 thỏa thuận song phương được ký kết trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, mối quan hệ Trung Quốc - Hungary đang đứng trước những cơ hội mới quan trọng, khi hai nước kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay.

Mối quan hệ Trung Quốc - Hungary đang đứng trước những cơ hội mới quan trọng, khi hai nước kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay.

Hungary từ lâu đã ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhằm xây dựng các cảng, đường sắt và nhà máy điện trên khắp thế giới như một cách thúc đẩy quyền lực mềm và tăng trưởng kinh tế. Năm 2015, Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên ký văn kiện hợp tác Vành đai và Con đường với Trung Quốc. Năm 2017, hai nước tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Những năm gần đây, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Hungary liên tục tăng, đáng chú ý là dự án nhà máy ô tô điện đầu tiên của Trung Quốc ở châu Âu đang được xây dựng ở Hungary, với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ USD.

Hungary còn được truyền thông nhận xét là người bạn của Trung Quốc trong khối EU, khi thường xuyên lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trên các diễn đàn và hội nghị của khối. Mới đây nhất, giới chức Hungary đã phản đối các cuộc điều tra của EU về trợ cấp xe điện của Trung Quốc. Bộ ngoại giao Hungary nhấn mạnh Budapest sẽ tham gia nhiều hơn vào việc cải thiện quan hệ EU - Trung Quốc.

Tình trạng dư thừa công suất không tồn tại. Đây là một ngành công nghiệp mới. Nhu cầu về ô tô điện mới là rất lớn. Do đó, nói về tình trạng dư thừa công suất là một điều gì đó xa rời thực tế và nó chỉ là một tuyên bố mang tính chính trị.

Ông Peter Szijjarto - Bộ trưởng Ngoại giao Hungary.

Trong chuyến thăm đến Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto từng bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là câu trả lời cho sự nỗ lực của Hungary và Trung Quốc để cải thiện mối quan hệ song phương. Với sự quan tâm và định hướng chiến lược của lãnh đạo hai nước, sự kết nối Trung Quốc - Hungary sẽ ngày càng sâu sắc, hợp tác thực chất ngày càng phát triển.

Theo các nhà quan sát, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình là chương quan trọng trong tính toán chiến lược của Trung Quốc, thể hiện sự điều hướng khéo léo để cân bằng giữa việc thúc đẩy các nhu cầu kinh tế và duy trì quan hệ ngoại giao thân thiện, thậm chí củng cố tầm ảnh hưởng ở một số khu vực. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình lựa chọn thăm Pháp, Serbia và Hungary theo thứ tự cũng là một tính toán kỹ lưỡng, không chỉ nhằm hóa giải những mâu thuẫn tiềm tàng, mà còn củng cố mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, điều đặc biệt quan trọng giữa lúc bức tranh địa chính trị toàn cầu đang có những thay đổi lớn. Do đó, dù chuyến công du lần này khó có thể ngay lập tức thay đổi động lực phát triển hiện tại giữa EU và Trung Quốc, nhưng chắc chắn đây sẽ là cầu nối giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với châu Âu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc được đánh giá có ý nghĩa vực dậy một nền tảng đối thoại thay vì đối đầu. Ít nhất, cuộc gặp sẽ thúc đẩy bánh xe hợp tác ba bên tiến lên phía trước.

Sự phát triển nhanh chóng trên mọi phương diện của cuộc sống con người đang gây ra những tác động tiêu cực đến hành tinh Trái đất. Vì vậy, ngày càng nhiều người hướng tới những lối sống xanh, sử dụng sản phẩm và công nghệ xanh để bảo vệ môi trường.

Các “gã khổng lồ” công nghệ như Microsoft, Alphabet, Apple… đua nhau ra mắt các tính năng và công cụ mới tích hợp AI, đầu tư hàng tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo ở nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần, làm sóng bạo lực nhằm vào các chính khách gia tăng cho thấy những chia rẽ chính trị sâu sắc trong lòng châu Âu.

Việc 3 nước châu Âu đồng thời tuyên bố sẽ công nhận nhà nước hợp pháp Palestine, cùng với việc một số nước cho biết sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ thủ tướng Israel nếu tòa án hình sự quốc tế ICC ban hành lệnh là những nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho dải Gaza.

Việc Ukraine không tổ chức bầu cử khi nhiệm kỳ tổng thống đã kết thúc vào ngày 20/5 đang làm dấy lên tranh cãi về tính hợp pháp của Tổng thống Zelensky, đồng thời đặt ra câu hỏi về tương lai chính trị của Ukraine.