Mở rộng tấn công Rafah, Israel bị quốc tế cô lập

Trong tuần qua, xe tăng của quân đội Israel đã tiến vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Việc Israel mở rộng tấn công vào thành phố đông dân này được cảnh báo sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại Gaza, đẩy Israel vào thế bị cô lập trên chính trường quốc tế, đồng thời khiến mối quan hệ với đồng minh Mỹ ngày càng rạn nứt sâu sắc.

Israel tiếp tục mở rộng tấn công vào Rafah

Theo thông tin của các hãng truyền thông, xe tăng của Israel đã chiếm giữ con đường chính phân chia hai nửa phía Đông và phía Tây của Rafah, bao vây toàn bộ phía Đông thành phố và kiểm soát cửa khẩu Rafah nối giữa Dải Gaza với bán đảo Sinai của Ai Cập. Cùng lúc, lực lượng IDF tiếp tục không kích vào các mục tiêu ở thành phố Rafah.

Lực lượng IDF tiếp tục không kích vào các mục tiêu ở thành phố Rafah.

Quân đội Israel cho biết đã xác định được một số đường hầm và chiến đấu ở cự ly gần với các nhóm Hamas. Các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Israel với các thành viên của phong trào Hamas và nhóm thánh chiến Hồi giáo Jihah cũng đã được ghi nhận ở phía Đông và Đông Bắc Rafah.

Các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Israel với các thành viên của phong trào Hamas và nhóm thánh chiến Hồi giáo Jihah đã được ghi nhận ở phía Đông và Đông Bắc Rafah.

Trong khi đó, Hamas thông báo đã phục kích xe tăng Israel gần một đền thờ Hồi giáo ở phía Đông Rafah.

Hamas thông báo đã phục kích xe tăng Israel gần một đền thờ Hồi giáo ở phía Đông Rafah.

Quân đội Israel hôm 12/5 tiếp tục yêu cầu người dân các khu vực xung quanh thành phố Rafah sơ tán khẩn cấp, báo hiệu sự mở rộng đáng kể của các hoạt động quân sự mà Tel Aviv tuyên bố là nhằm tiêu diệt Hamas. Israel cho rằng có 4 tiểu đoàn Hamas đang hoạt động tại Rafah và tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến cho đến khi đánh bại Hamas và giành chiến thắng trong cuộc chiến bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Hamas khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ Rafah.

Mối quan hệ Mỹ - Israel xuống mức thấp nhất

Trước kế hoạch tấn công bộ binh vào Rafah của Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra tối hậu thư với Israel, tuyên bố rằng nếu nước này mở cuộc tấn công lớn vào thành phố Rafah thì Mỹ sẽ ngừng cung cấp một số loại vũ khí cho Israel. Tuyên bố của Tổng thống Biden về ranh giới đỏ này cho thấy mối quan hệ Mỹ - Israel, vốn đang có dấu hiệu rạn nứt, giờ đây lại tiếp tục xuống đến mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu nổ ra vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, đồng thời gây ra những làn sóng trong nền chính trị Mỹ, Israel cũng như trên toàn thế giới.

Mỹ tạm ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu nước này mở cuộc tấn công lớn vào thành phố Rafah.

Con số dân thường thiệt mạng ở Gaza đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu và tạo ra áp lực rất lớn đối với Tổng thống Biden ở Mỹ, có nguy cơ làm tan rã liên minh dân chủ của ông Biden khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Vì vậy, trước kế hoạch tấn công Rafah của Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden buộc phải tiếp tục gây áp lực với Israel. Trả lời phỏng vấn hãng CNN, Tổng thống Biden cho biết “nếu Israel tiến vào Rafah, Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí như đã từng cung cấp cho họ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng khẳng định Mỹ tạm ngừng cung cấp vũ khí cho Israel.

Israel không nên tiến hành một cuộc tấn công lớn ở Rafah mà không tính đến việc bảo vệ dân thường. Sau khi đánh giá tình hình, chúng tôi đã quyết định tạm dừng chuyển giao một chuyến hàng đạn dược có trọng tải lớn.

Ông Lloyd Austin - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Giới phân tích cho rằng lời cảnh báo của Tổng thống Joe Biden về việc tạm dừng vận chuyển vũ khí đến nhà nước Do Thái thể hiện nỗi thất vọng của Mỹ đối với cách thực hiện chiến dịch của chính quyền Netanyahu, đánh dấu nỗ lực trực tiếp nhất của Mỹ nhằm kiềm chế đồng minh của mình trong cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia.

Ông Michael Koplow - Giám đốc chính sách của Diễn đàn chính sách Israel, cho rằng lời cảnh báo của Tổng thống Biden đẩy quan hệ giữa Mỹ và Israel xuống đến mức thấp nhất kể từ khi xung độ Gaza nổ ra.

Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoàn tất cuộc tấn công chống lại Hamas.

Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoàn tất cuộc tấn công chống lại Hamas. Thủ tướng Netanyahu khẳng định nước này sẵn sàng hành động độc lập trong trường hợp cần thiết. Đối với ông Netanyahu, việc tiêu diệt Hamas có thể là vấn đề sống còn về mặt chính trị. Những hoạt động quân sự gia tăng tại Rafah những ngày qua cho thấy Israel sẽ không thay đổi kế hoạch của mình.

Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, chúng tôi không có quốc gia nào khác. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết, và tôi nhắc lại - bất cứ điều gì cần thiết, để đạt được mục tiêu.

Ông Yoav Gallant - Bộ trưởng Quốc phòng Israel.

Người phát ngôn của quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho biết các lực lượng vũ trang Israel có đủ đạn dược cho chiến dịch ở Rafah và các hoạt động khác đã được lên kế hoạch.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/5 ra báo cáo chỉ trích Israel có thể đã vi phạm tiêu chuẩn nhân đạo khi dùng vũ khí Mỹ, song cho rằng chưa đủ bằng chứng để ngừng chuyển khí tài. Một quan chức Mỹ nói nước này sẽ tiếp tục giám sát cách Tel Aviv sử dụng vũ khí do Washington sản xuất.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, Mỹ và Israel có mối quan hệ đặc biệt kể từ khi quốc gia Trung Đông tuyên bố độc lập năm 1948. Tính đến năm ngoái, Mỹ đã cung cấp 158,7 tỷ USD cho Israel, trong đó khoảng 124,3 tỷ USD cho quân đội và hệ thống phòng thủ tên lửa. Lô hàng Mỹ ngừng cung cấp cho Israel lần này gồm 3.500 quả bom, trong đó có bom nặng gần một tấn.

Năng lực quân sự lâu dài của Israel trên nhiều mặt trận có thể bị đe dọa nếu Tổng thống Mỹ thực hiện nghiêm túc lời cảnh báo.

Các quan chức và giới phân tích Israel cho rằng những diễn biến mới cho thấy cảnh báo của ông Biden dường như chỉ là thông điệp chính trị trong ngắn hạn, sẽ không ảnh hưởng tới khả năng tiến hành cuộc chiến ở Gaza của Tel Aviv. Song năng lực quân sự lâu dài của Israel trên nhiều mặt trận có thể bị đe dọa nếu Tổng thống Mỹ thực hiện nghiêm túc lời cảnh báo.

Israel sẽ rơi vào thế khó nếu xung đột với Hezbollah ở phía Bắc nước này trở thành chiến tranh tổng lực.

Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc đã bày tỏ sự thất vọng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. Đại sứ Israel Gilad Erdan cho rằng tuyên bố của ông Biden sẽ đem lại hy vọng giành chiến thắng cho các đối thủ hiện nay của Israel là Iran, Hamas và Hezbollah. Israel sẽ rơi vào thế khó nếu xung đột với nhóm Hezbollah ở phía Bắc nước này trở thành chiến tranh tổng lực.

Ông Shalom Lipner - cố vấn lâu năm của nhiều đời Thủ tướng Israel cho rằng động thái của Mỹ thậm chí sẽ là sự khuyến khích đối với Hamas. Ông Lipner cũng cho rằng nếu chính phủ Israel phớt lờ lời cảnh báo từ nhà hỗ trợ quân sự và ngoại giao lớn nhất, điều đó sẽ gây "bất lợi chiến lược" cho Tel Aviv.

Israel rơi vào thế bị cô lập trên chính trường

Theo giới quan sát, việc kiểm soát Rafah có thể cho phép Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố chiến thắng hoàn toàn, rằng Israel đã đạt được mục tiêu đánh bại Hamas, điều ông sẽ rất cần khi đối mặt cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, cái giá mà Israel phải trả trên chính trường quốc tế có thể khá lớn, thậm chí có thể khiến Israel rơi vào thế bị cô lập. Nỗi thất vọng của cộng đồng quốc tế đối với Israel ngày càng lớn khi số dân thường thiệt mạng vì chiến sự đang không ngừng tăng lên, hiện lên tới gần 35.000 người. Nhiều quốc gia và tổ chức lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Israel. Ai Cập cùng một số quốc gia còn kiện Israel lên tòa án quốc tế, gây áp lực buộc Israel ngừng hoạt động quân sự nhằm vào Rafah.

Rafah hiện không chỉ là nơi trú ngụ của 2/3 dân số Gaza mà còn có hai cửa khẩu biên giới - những tuyến đường quan trọng đối với viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Rafah hiện không chỉ là nơi trú ngụ của 2/3 dân số Gaza mà còn có hai cửa khẩu biên giới - những tuyến đường quan trọng đối với viện trợ nhân đạo vào Gaza. Liên hợp quốc cảnh báo rằng cuộc tấn công của Israel sẽ là một thảm họa đối với dân thường.

Một cuộc tấn công vào Rafah sẽ là một sai lầm chiến lược, một thảm họa chính trị và một cơn ác mộng nhân đạo. Tôi kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng ở Israel hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp ngăn chặn thảm kịch này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Các quan chức Mỹ cho rằng một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào Rafah sẽ làm suy yếu vị thế của Israel trong các cuộc đàm phán về con tin với lực lượng Hamas.

Liên hợp quốc cảnh báo rằng cuộc tấn công của Israel sẽ là một thảm họa đối với dân thường.

Một chiến dịch đổ bộ vào Rafah, nếu không được tính toán cẩn thận, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp khó lường với an ninh toàn khu vực Trung Đông, làm gia tăng căng thẳng giữa Israel – Ai Cập. Kênh truyền hình Al-Arabiya đưa tin, Ai Cập, nước láng giềng của Israel đã nhiều lần cảnh báo nước này sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Israel nếu Tel Aviv tấn công thành phố biên giới Rafah. Hôm 11/5, Ai Cập tuyên bố không hợp tác với Israel trong công tác chuyển hàng cứu trợ nhân đạo từ Ai Cập vào Dải Gaza. Động thái của Ai Cập đã khẳng định lập trường phản đối quyết liệt cuộc tấn công của quân đội Israel vào Rafah. Nhà chức trách Ai Cập cho rằng Israel cũng cần phải chịu trách nhiệm cho tình hình ngày càng xấu đi tại Dải Gaza.

Ai Cập hôm 12/5 cho biết sẽ chính thức tham gia cùng Nam Phi trong vụ kiện Israel tại Tòa án công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu Israel rút ngay lập tức, ngừng cuộc tấn công quân sự ở Rafah và thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo hỗ trợ cho người dân Gaza.

Tổng thống Colombia Petro hôm 10/5 đã kêu gọi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu.

Trong khi đó, nguy cơ khiến hàng nghìn người Palestine thiệt mạng cũng có thể khiến viễn cảnh Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt các quan chức cấp cao của Israel, trong đó có Thủ tướng Netanyahu, trở thành hiện thực một cách dễ dàng hơn.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Colombia Petro hôm 10/5 đã kêu gọi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu. Trước đó, Colombia đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, tố cáo lãnh đạo quốc gia Trung Đông phạm tội ác "diệt chủng" trong chiến dịch Gaza.

Các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố đã trở thành sự kiện hàng tuần tại Israel.

Tại Israel, áp lực ngày càng gia tăng đối với Thủ tướng Netanyahu khi có số lượng đáng kể người Israel tin rằng ông đang đặt sự sống còn chính trị của mình lên trên lợi ích của đất nước. Điều này thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel.

Các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố đã trở thành sự kiện hàng tuần, thu hút hàng chục nghìn người Israel yêu cầu chính phủ làm nhiều hơn nữa để đưa các con tin bị Hamas bắt giữ về nhà và kêu gọi ông Netanyahu từ chức.

Tờ Thời báo Israel cho biết nội các chiến tranh của Israel đã thông qua quyết định mở rộng có chừng mực các hoạt động của quân đội nước này tại Rafah. Israel dự tính khởi động các chiến dịch riêng biệt tại những khu vực khác nhau ở Rafah thay vì tấn công ồ ạt cùng lúc vào thành phố. Theo đánh giá của giới quan sát, quyết định này của Israel được xem là mũi tên trúng hai đích khi vừa thực hiện kế hoạch tiêu diệt lực lượng Hamas, mà vẫn không vượt qua “lằn ranh đỏ” mà chính quyền Mỹ đặt ra. Mặc dù vậy, hoạt động mở rộng tấn công vào Rafah của Israel vẫn là bước leo thang nguy hiểm, bị cộng đồng quốc tế cực lực lên án, khiến số thương vong tiếp tục tăng lên, hàng trăm nghìn người Palestine phải sơ tán trong nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, được coi là vựa vải lớn nhất Trung Quốc và cũng là lớn nhất thế giới, với sản lượng vải đạt 620.000 tấn năm 2023, chiếm 1/5 sản lượng thế giới.

Nhiều phát minh và sáng kiến thú vị đã được ứng dụng giúp con người có cuộc sống lành mạnh hơn, cải thiện sức khỏe và tinh thần.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc được đánh giá có ý nghĩa vực dậy một nền tảng đối thoại thay vì đối đầu. Ít nhất, cuộc gặp sẽ thúc đẩy bánh xe hợp tác ba bên tiến lên phía trước.

Sự phát triển nhanh chóng trên mọi phương diện của cuộc sống con người đang gây ra những tác động tiêu cực đến hành tinh Trái đất. Vì vậy, ngày càng nhiều người hướng tới những lối sống xanh, sử dụng sản phẩm và công nghệ xanh để bảo vệ môi trường.

Các “gã khổng lồ” công nghệ như Microsoft, Alphabet, Apple… đua nhau ra mắt các tính năng và công cụ mới tích hợp AI, đầu tư hàng tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo ở nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần, làm sóng bạo lực nhằm vào các chính khách gia tăng cho thấy những chia rẽ chính trị sâu sắc trong lòng châu Âu.