Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay, với 462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 93,52 %, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế.

Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế này.

Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp ưu đãi đầu tư phù hợp, làm rõ chế độ ưu đãi thuế với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai đánh giá một cách tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện nay và khẩn trương xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh khẳng định, đồng thời với việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế sẽ không còn hiệu quả trên thực tế để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới của Ban Chấp hành Trung ương.

Ngày 15/11/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 45/BC-CP báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có kiến nghị việc thành lập một quỹ để thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không ban hành một Nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư mà đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 nội dung: “Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bổ sung quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết, với mục tiêu giữ vững an ninh gắn với phòng thủ quốc gia.

Bảo vệ môi trường và phát triển, sử dụng nguồn nhân lực là hai chuyên đề được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến để chọn lấy một chuyên đề sẽ giám sát tối cao trong năm 2025.

Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, hai vấn đề được đưa ra lựa chọn để giám sát là bảo vệ môi trường và phát triển, sử dụng nguồn nhân lực.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng 30/5 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Trước căn bệnh “sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, việc rà soát hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính, không để những điểm mờ, điểm hở, điểm chồng chéo, bất cập khiến cán bộ không dám làm là nhiệm vụ bức thiết hiện nay.

Chiều 29/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy.