Năm 2020, khi được hỏi rằng ông tưởng tượng thế giới như thế nào sau đại dịch do virus Corona gây ra, Michel Houellebecq - nhà văn, nhà phân tích chính trị người Pháp đã trả lời rất khéo léo rằng “cũng vậy, chỉ tệ hơn một chút”. Bạn không cần phải là thầy bói cũng có thể đoán trước được điều gì đó tương tự đang chờ đợi chúng ta trong năm tới.
Ông cũng nhận định rằng, vào năm 2023, thế giới sẽ phải hứng chịu những cuộc xung đột toàn cầu chưa từng thấy kể từ năm 1945, và năm 2024 sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Mặc dù chiến tranh thế giới chưa xảy ra nhưng sự thù địch sẽ lan rộng trên nhiều khu vực. Chủ nghĩa bá quyền đang phân rã và quá trình hậu toàn cầu hóa cùng những toan tính phân chia chiến lợi phẩm còn sót lại của những "đế chế thép" đã bắt đầu. Đây sẽ là một giai đoạn ghi dấu những bước ngoặt của lịch sử nhân loại, tương tự như những năm 1940 hay 1991 của thế kỷ XX.
Nhận định về logic của các cuộc xung đột mang tầm khu vực trong quá trình hậu toàn cầu hóa, tạp chí chính trị UnHerd của Anh cho rằng: "Năm ngoái, 2023 thực sự là một năm khó khăn, đẫm máu và đầy đau khổ của con người. Hành tinh này bị chia cắt bởi vô số xung đột và khủng hoảng. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến chúng ta tin rằng năm 2024 sẽ còn tồi tệ hơn".
Không giống như hai cuộc chiến tranh thế giới đã từng nổ ra, các siêu cường ở thời điểm hiện tại sẽ luôn cố gắng giữ cái đầu lạnh để không trực tiếp đối đầu với nhau bằng một cuộc chiến tranh tổng lực và toàn diện. Tuy nhiên khát vọng bá chủ toàn cầu của các siêu cường như Mỹ đang phải đối diện với những thách thức phi truyền thống. Các thực thể cạnh tranh mới nổi đang từng bước, chậm rãi nhưng chắc chắn, khống chế vùng ảnh hưởng địa chính trị và những quốc gia vệ tinh của các siêu cường mang tham vọng bá quyền. Họ tin rằng các siêu cường ngày nay không có đủ tiềm năng hậu cần hoặc sự ổn định chính trị nội bộ để áp đặt một trật tự thế giới mới theo cách mà tư tưởng bá quyền toàn trị từng được thiết lập trong lịch sử.
Lực lượng quân sự Houthi gần đây đã tuyển mộ và huấn luyện vũ trang cho hàng ngàn người Yemen. Các chiến binh này đã trở nên táo bạo hơn và sẵn sàng tấn công trực tiếp vào các đoàn tàu hải quân của Mỹ. Ảnh: Mohammed Hamoud/Getty Images
Trong những năm cuối của thế kỷ XX, khi ở đỉnh cao của thời kỳ đơn cực, Mỹ đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên hầu hết các khu vực chiến lược địa chính trị của thế giới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì một mạng lưới vệ tinh là các quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng để phục vụ cho chủ nghĩa bá quyền truyền thống do sự phát triển chậm lại của nền kinh tế, những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch, những quan điểm khác biệt về lợi ích quốc gia, những xung đột trong quá trình toàn cầu hoá và cả những mâu thuẫn nội tại trong chính nước Mỹ. Năm 2024, trạng thái cực đoan của các siêu cường sẽ tiếp tục được đẩy lên cao. Nhưng đó cũng là điểm nút thúc đẩy quá trình phân rã của chủ nghĩa bá quyền trên quy mô toàn cầu.
Năm 2024, mối quan tâm lớn nhất của Mỹ sẽ dành cho cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Các kỳ bầu cử gần đây đều chứng kiến những vấn đề bất ổn xảy ra trong nội bộ nước Mỹ.
Những người di cư chờ được lực lượng biên phòng Mỹ tiếp nhận sau khi vượt bức tường biên giới với Mexico. Mỹ hiện đang phải đối diện với rất nhiều thách thức liên quan tới chính sách nhập cư cũng như an sinh xã hội khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Ảnh: Go Nakamura / Reuters
Lửa cháy tại thành phố Kiev. Trong ngày đầu năm, Ukraine đã phải hứng chịu những đợt tấn công tên lửa dồn dập từ phía Nga. Ảnh: Yevhen Kotenko / Reuters
Đạn pháo do Mỹ và phương Tây cung cấp tiếp tục được binh lính Ukraine khai hỏa về phía quân đội Nga trên chiến trường Donetsk. Ảnh: Sofiia Gatilova / Reuters
Ông nội ôm cháu gái Arina (6 tuổi) trong khi nói lời tạm biệt để sơ tán khỏi thành phố tiền tuyến Bakhmut - Ukraine khi Nga mở đợt tấn công vào vùng Donetsk. Ảnh: Oleksandr Ratushniak / Reuters.
Tâm trạng của một người Palestine sau cuộc tấn công của Israel vào ngôi làng Rafah, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Sami Abu Tabak / Reuters
Vợ của một người lính Israel ôm con trong lễ tang của chồng tại nghĩa trang quân sự Mount Herzl. Trung sĩ Elisha Yehonatan Lober (24 tuổi) hy sinh tại miền nam Gaza khi tham gia chiến dịch trên bộ của Israel. Ảnh: Ronen Zvulun / Reuters.
Ánh mắt hoảng sợ của người dân Palestine tại bệnh viện Nasser sau các cuộc tấn công của Israel ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Ibraheem Abu Mustafa / Reuters
Từ Biển Đỏ đến Donbass, từ rừng rậm Nam Mỹ đến vùng Viễn Đông, các cơ quan an ninh Mỹ đang khá vất vả để dập tắt các đám cháy cục bộ có nguy cơ leo thang thành một biển lửa. Các vấn đề phát sinh trong quá trình hậu toàn cầu hoá đang trực tiếp thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Chủ nghĩa bá quyền theo cách của Mỹ hiện đang phân rã trong một trật tự đa cực hình thành mạnh mẽ cùng với các cuộc xung đột vũ trang, xung đột khai thác tài nguyên của nhân loại, xung đột kinh tế - văn hoá và xung đột địa chính trị diễn ra hàng ngày tại khắp các châu lục.
Cho dù mọi chuyện tồi tệ đến đâu thì chúng vẫn luôn có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. Chỉ sáu tháng trước, ngay sau cuộc nổi loạn nhanh chóng và bất ngờ của ông chủ công ty quân sự tư nhân Prigozhin, các cơ quan an ninh Nga đã thảo luận sôi nổi về khả năng tấn công hạt nhân vào Ukraine như một lời cảnh báo đối với phương Tây, hoặc tấn công trực tiếp vào phương Tây. Cảm giác khủng hoảng trên bình diện toàn cầu và các khu vực đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân thông qua các tin tức tiêu cực với tần suất thông tin cao, lặp đi lặp lại, khiến công chúng không còn nhiều "cảm xúc" đối với cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân leo thang tới mức nguy hiểm nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Đây là bằng chứng cho thấy vị thế kiểm soát toàn cầu của Mỹ đang suy yếu. Nỗi lo hạt nhân bùng lên trong thời gian ngắn, khi Điện Kremlin phải đối mặt với cả mối đe dọa chưa từng có từ bên trong lẫn nguy cơ thất bại trên chiến trường Ukraine, khi phương Tây đang chờ đợi vào kết quả của một cuộc phản công tổng lực của Zelensky vào mùa hè năm 2023. Nhưng "cuộc phản công mang tính quyết định" đó, như chúng ta biết hiện nay, đã đảo ngược mọi kỳ vọng và trở thành một thất bại đau đớn cho Ukraine. Để tháo gỡ tình thế hiện tại, Kiev sẽ buộc phải trả một cái giá rất cao.
Cuộc chiến tranh uỷ nhiệm trên đất Ukraine hiện tại đang giống như một ván cờ khó hiểu giữa một bên là Mỹ và phương Tây, một bên là Nga. Giới tuyến trong cuộc chiến ở Ukraine vào đầu năm nay hầu như không thay đổi. Nhưng những kỳ vọng của Mỹ và phương Tây đã không còn như trước nữa.
Ở thời điểm một năm trước, Mỹ và phương Tây tin tưởng rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt là một thất bại chiến lược của Putin. Theo niềm tin đó, quân đội Nga đã tỏ ra kém hiệu quả một cách bất ngờ trên chiến trường và sụp đổ dưới các đợt tấn công dữ dội của lực lượng vũ trang Ukraine cùng với sự hỗ trợ của Mỹ và Phương Tây. Khi năm 2022 kết thúc, người ta cho rằng trong cuộc phản công tổng lực vào mùa hè năm 2023, quân đội Ukraine sẽ xuyên thủng hàng phòng vệ của Nga, đe dọa quyền kiểm soát của Putin đối với Crimea và khu vực Biển Đen, gây ra sự bất ổn tại Liên bang Nga và xóa tan những giá trị Nga mà Putin đã tạo dựng được trong những năm qua. Sau đó hình tượng Putin sẽ bị hạ bệ và nước Nga sẽ buộc phải tham gia một cuộc đàm phán hòa bình trong thế bất lợi. Cùng với đó, NATO không những không sụp đổ do những bất đồng nội bộ mà còn tìm ra mục tiêu mới là đoàn kết chống lại mối đe dọa từ Nga đã được thổi phồng khi cuộc chiến tranh Ukraine bắt đầu.
Thế nhưng trên thực tế, bước nhảy vọt về các biện pháp viện trợ tài chính cùng vũ khí, đạn dược mà phương Tây hứa hẹn vì một chiến thắng của Zelensky trước Putin đã không bao giờ thành hiện thực. Và Nga không chỉ chuyển nền kinh tế sang trạng thái thời chiến một cách hiệu quả mà còn đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng nhiều biện pháp khôn ngoan khiến nền kinh tế của Mỹ và phương Tây suy yếu trong điều kiện chiến tranh leo thang và kéo dài. Một năm qua, Nga đã tăng cường khả năng tấn công gây sức ép trên mặt trận, đồng thời tạo ra những bước đột phá về việc phát triển kinh tế sau khi Mỹ và phương Tây thắt chặt các hoạt động bao vây, cấm vận. Phương Tây đã mang lại cho Nga một động lực phát triển mà chính nước này đang cần, khi mà chủ nghĩa bá quyền đang cố gắng kìm kẹp người khổng lồ bằng những nước cờ địa chính trị và một cuộc phiêu lưu bằng súng đạn trên một quốc gia láng giềng của Nga.
Khói lửa bốc lên trong thành phố Kiev một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ảnh: Pierre Crom / Getty Images
Một người lính Ukraine chia tay bạn gái trước khi lên chuyến tàu di chuyển đến Dnipro để tham gia cuộc chiến. Ảnh: Dan Kitwood / Getty Images
Ánh mắt của một người lính Ukraine trong lúc trở về điểm đóng quân sau cuộc giao tranh ác liệt gần Bakhmut. Ảnh: Kai Pfaffenbach / Reuters
Pháo binh Ukraine khai hỏa về phía quân đội Nga trong một cuộc giao tranh ác liệt gần Bakhmut. Ảnh: Kai Pfaffenbach / Reuters
Binh sĩ Nga tại nhà hát Mariupol. Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã mở các đợt tấn công với hỏa lực mạnh nhằm vào thành phố cảng chiến lược của Ukraine. Ảnh: Alexander Nemenov / Getty Images.
Tình nguyện viên đang hỗ trợ y tế cho các quân nhân Ukraine bị thương tại mặt trận trước khi đưa lên xe buýt để sơ tán về tuyến sau ở Dnipro. Ảnh: Kai Pfaffenbach / Reuters
Oleksandr, 45 tuổi, chỉ huy một đơn vị pháo binh Ukraine đang viết tên người đồng đội đã hy sinh lên một quả đạn pháo trước khi khai hỏa tại mặt trận Donetsk. Ảnh: Alina Smutko / Reuters
Năm 2023 kết thúc, cuộc phiêu lưu của Mỹ và phương Tây trên mảnh đất Ukraine đã có nhiều dấu hiệu thất bại. Niềm tin về con đường dẫn tới chiến thắng của Zelensky đã không còn xuất hiện một cách tự tin trong phát ngôn của các chính khách Mỹ và phương Tây như một năm trước đây nữa, mặc dù vẫn còn các "cam kết" sát cánh cùng Ukraine trong các thông điệp ngoại giao.
Dọc biên giới phía bắc và phía sau chiến tuyến ở khu vực miền đông, quân đội Ukraine đang vội vã dựng lên các tuyến phòng thủ, với hy vọng kìm chân quân đội Nga. Việc này được thực hiện sau các cuộc phản công thất bại của quân đội Ukraine, kéo theo sự xóa sổ của hàng loạt lữ đoàn thiết giáp và bộ binh được huấn luyện dưới sự bảo trợ của NATO. “Núi thép” vũ khí được phương Tây hào phóng tài trợ không thể là nguồn tài nguyên vô tận cho người Ukraine. Làn sóng tình nguyện viên nhiệt tình ra mặt trận đã lắng xuống và được thay thế bằng những người lính nghĩa vụ bắt buộc. Kiev hiện đang có kế hoạch huy động nửa triệu người chỉ để giữ chắc các phòng tuyến trên mặt trận chứ chưa có phương án phản công hiệu quả.
Khi Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny, bác bỏ những dự báo quá lạc quan của Zelensky về sự kết thúc của chiến sự, đồng thời khẳng định tình trạng chiến trường hiện tại là “bế tắc” thì cũng là lúc nội bộ chính trị của Kiev đã bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Những thực tế phũ phàng này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của Tổng thống Zelensky.
Giờ đây quyền chủ động trên chiến trường đã thuộc về người Nga. Tình thế buộc Zelensky phải đàm phán hòa bình gần như đã rõ ràng. Trong tình hình hiện tại, Moscow tự tin vào khả năng của mình và không tỏ ra quan tâm tới đàm phán, trừ khi Ukraine đưa ra những nhượng bộ về lãnh thổ và chính trị. Điều này nếu xảy ra có nghĩa là Zelensky chấp nhận thua cuộc.
Các cố vấn cấp cao của Zelensky coi việc lật đổ Putin là con đường dẫn đến chiến thắng đã tiết lộ quy mô thực sự của mối đe dọa đang rình rập Kiev. Nếu không trông chờ vào sự cứu rỗi thần kỳ dưới hình thức đảo chính ở Điện Kremlin, thì trong năm 2024, Ukraine buộc phải giữ vững các tuyến phòng thủ hiện tại, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, đồng thời cũng phải duy trì sự thống nhất chính trị nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Trong khi Kiev vẫn còn lúng túng, thì Mỹ một lần nữa bị phân tâm bởi Trung Đông, nơi nước này đã sa lầy trong nhiều thập kỷ và lãng phí rất nhiều nguồn lực. Israel phụ thuộc vào Washington cả về mặt ngoại giao và quân sự, nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến ý chí của ông Netanyahu ở Dải Gaza. Đại sứ Mỹ yêu cầu Israel kiềm chế các hành động quân sự của mình. Nhưng Netanyahu ngay lập tức tuyên bố sẽ mở rộng chiến dịch thù địch nhắm vào Dải Gaza. Các chiến lược gia Mỹ đang lo ngại kho vũ khí quý giá của họ sẽ cạn kiệt vì Ukraine, trong khi Israel đang sử dụng số vũ khí do Mỹ viện trợ với tốc độ đáng báo động.
Cho đến khi Washington có thể tăng cường tốc độ sản xuất đạn dược để bù đắp cho kho vũ khí đang bị thâm hụt của mình (mà việc này có thể mất nhiều năm) thì mọi quả đạn pháo bắn vào Gaza hoặc miền đông Ukraine đều làm suy yếu sức mạnh răn đe quân sự của Mỹ. Điều đó dẫn đến sự mất cân đối trong sức mạnh quốc phòng của Mỹ vì các nguồn lực dự trữ có thể không đủ để quốc gia này duy trì sự hiện diện quân sự một cách hiệu quả trên toàn thế giới. Sự thâm hụt kho vũ khí đạn dược và các nguồn lực quốc phòng sẽ trao cho các đối thủ của Mỹ một cơ hội hiếm có để trực tiếp thách thức siêu cường bằng một cuộc chiến tranh trực diện có cường độ cao và kéo dài.
Việc sản xuất, cung ứng vũ khí - khí tài kèm các gói viện trợ tài chính khổng lồ của Mỹ cho cuộc chiến ở Gaza và đi cùng nó là sự phẫn nộ của người dân Mỹ trong điều kiện nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại sẽ buộc Mỹ phải nhanh chóng tìm giải pháp cho cuộc xung đột này. Ngược lại, logic của cuộc chiến tại Trung Đông cho thấy chiến sự sẽ leo thang hơn nữa trong thời gian tới.
Tên lửa phát nổ ở Thành phố Gaza trong cuộc không kích của Israel vào ngày 8 tháng 10 năm 2023. Ảnh: Mahmud Hams / Getty Images
Khói lửa bốc lên cuồn cuộn sau khi lực lượng Israel tấn công một tòa tháp cao tầng ở thành phố Gaza, ngày 7/10. Ảnh: Ashraf Amra / Reuters
Trẻ em Palestine hoảng sợ trước các cuộc không kích chết chóc của Israel hướng về Dải Gaza để trả đũa việc nhóm chiến binh Hamas phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel từ Gaza bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng và khoảng 2.800 người bị thương. Ảnh: Ahmad Hasaballah / Getty Images
Lực lượng Hamas bắn tên lửa vào Israel. Ảnh: Mohammed Salem / Reuters
Một thanh niên người Palestine reo hò bên cạnh chiếc xe Israel vừa trúng đạn tại Gaza. Ảnh: Mahmoud Issa / Reuters
Một người đàn ông tại Khan Yunis – phía nam Dải Gaza vừa mất toàn bộ người thân khi ngôi nhà của ông bị trúng bom trong cuộc không kích của Israel vào ngày 16/10/2023. Ảnh: Ahmad Hasaballah / Getty Images
Nguy cơ xung đột lan sang Lebanon không hề giảm. Israel đang nỗ lực bằng mọi cách có thể để phát động một cuộc chiến tranh toàn diện ở biên giới phía bắc. Hàng nghìn thường dân Israel đã rời bỏ nhà cửa do các cuộc pháo kích giao tranh liên tục với Hezbollah tại khu vực biên giới này. Việc phong tỏa tuyến vận chuyển hàng hải tại Biển Đỏ của phong trào Houthi cho thấy các nước phương Tây đang phải gánh chịu tổn thất trực tiếp cho việc ngày càng ủng hộ Israel. Và, các quốc gia trong khu vực thì ngày càng tự tin thách thức trực tiếp với ý chí bá quyền của Mỹ. Khi biết rằng Mỹ không muốn bị lôi kéo tham gia sâu vào một cuộc xung đột quy mô lớn tại Trung Đông, lực lượng Houthi đã trở nên táo bạo hơn và sẵn sàng tấn công trực tiếp vào các đoàn tàu hải quân của Mỹ.
Chiến dịch của Israel ở Dải Gaza khiến ngay cả các đồng minh NATO thân cận nhất của Mỹ cũng đang chọn cách giữ khoảng cách với những nỗ lực của Washington nhằm bảo vệ Biển Đỏ. Hải quân Mỹ hiện cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để đảm bảo an ninh cho các tuyến vận tải thương mại hàng hải, vốn là hoạt động thường xuyên duy trì vị thế của một đế chế toàn cầu. Vì Mỹ đã cố gắng tránh đối đầu trực tiếp ngay cả với Hezbollah hoặc Houthi, nên khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào Iran (từng được coi là mục tiêu quá tham vọng ngay cả khi Mỹ đang ở đỉnh cao quyền lực) là cực kỳ khó xảy ra. Những gì Mỹ đang thể hiện ở Biển Đỏ ở thời điểm hiện tại cũng chính là chỉ dấu cho cách mà Mỹ sẽ hành xử ở Thái Bình Dương trong tương lai, nếu có xảy ra một cuộc xung đột mang tầm khu vực.
Mặc dù Mỹ vẫn mạnh hơn tất cả các đối thủ riêng lẻ của mình ở thời điểm hiện tại, nhưng siêu cường này sẽ không thể chịu đựng được đồng thời ba cuộc xung đột lớn với hàng loạt các đối thủ hùng mạnh trên bàn cờ quân sự toàn cầu. Trong tình hình chính trị hiện nay, nếu Mỹ tham gia sâu vào các cuộc xung đột leo thang chưa có điểm dừng đó để duy trì vị thế ảnh hưởng toàn cầu của một siêu cường như trước đây, Mỹ sẽ càng nhanh suy yếu. Các đối thủ của Mỹ sẽ càng gia tăng các hành động đối đầu tại các vùng biên địa chính trị. Chủ nghĩa bá quyền kiểu Mỹ sẽ càng nhanh phân rã và trật tự thế giới đa cực kiểu mới sẽ càng được thúc đẩy.
Khi còn ở đỉnh cao quyền lực của một trật tự đơn cực toàn cầu hóa, khi các đối thủ của Mỹ bị khuất phục và chia rẽ, Mỹ đã tự đặt cho mình nhiệm vụ đảm bảo an ninh toàn cầu. Vào thời điểm đó, mục tiêu này dường như rất dễ dàng với Mỹ. Nhưng về lâu dài, nó sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây suy yếu nền kinh tế và công nghiệp của Mỹ. Dường như người Mỹ đã nhận ra rằng trách nhiệm đảm bảo an ninh toàn cầu mà họ tự nhận trong quá khứ là một lựa chọn sai lầm. Chính vì thế trong những năm gần đây, Mỹ đã chuyển sang chế độ phòng thủ trong nỗ lực bảo vệ những lợi ích quốc gia mang giá trị Mỹ, những thành tựu của nền dân chủ Mỹ cùng với những khẩu hiệu quay về nước Mỹ hay làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Trong điều kiện các đối thủ mới đang trỗi dậy mạnh mẽ nhằm phân mảnh hệ giá trị toàn cầu hóa và những ảnh hưởng của chủ nghĩa bá quyền Mỹ trên toàn thế giới, siêu cường này đang phải đối diện với 2 thách thức lớn là duy trì trật tự của chủ nghĩa bá quyền và duy trì sự hùng mạnh của bản thân nước Mỹ. Trên thực tế, những hành động để giải quyết 2 thách thức này thường mâu thuẫn trực tiếp với nhau.
Trong điều kiện nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại, ở vào mỗi thời điểm cụ thể, Mỹ sẽ buộc phải cân nhắc lựa chọn một trong hai mục tiêu: duy trì trật tự thế giới theo tinh thần bá quyền kiểu Mỹ hoặc giữ ổn định nội bộ để các giá trị của nền dân chủ Mỹ được đảm bảo trong chính nước Mỹ. Ảnh: David McNew / Getty Images
Tuy nhiên, không giống như Nga, Iran hay Trung Quốc, hệ thống dân chủ của Mỹ khuyến khích việc lập kế hoạch ngắn hạn trong từng nhiệm kỳ và trao cho các nhà lãnh đạo cơ hội chuyển trách nhiệm về thất bại cùng những thách thức cần phải giải quyết cho những người kế nhiệm. Chính quyền của tổng thống Biden đang đi vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ. Những thách thức với tham vọng bá quyền của một siêu cường sẽ nối dài sang tới nhiệm kỳ mới vào cuối năm 2024.
Ở giai đoạn đầu của lịch sử Hoa Kỳ, người ta coi việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra suôn sẻ, đảm bảo tính liên tục trong việc duy trì các mục tiêu chiến lược của quốc gia là điều hiển nhiên. Nhưng vào năm 2024, có quá nhiều minh chứng thực tế khiến người ta không thể tin tưởng vào sự liên tục như vậy. Cả hai lần bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đều được đánh dấu bằng làn sóng bất ổn dân sự và bất ổn chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Cả hai đảng và phe phái của họ trong bộ máy đều thách thức tính hợp pháp của nhau. Trong năm 2024, nước Mỹ có thể sẽ bị rung chuyển từ bên trong bởi sự bất hòa chính trị chưa từng có, và phần còn lại của thế giới sẽ đóng băng trong bóng tối của các cuộc xung đột nhằm giành giật chiến lợi phẩm từ sự phân rã của chủ nghĩa bá quyền cũng như quá trình hình thành một trật tự đa cực đương đại.
Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, một nhóm người ủng hộ Donald Trump đã nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử tổng thống 2020 bằng cách tiến vào Washington, D.C. để xâm chiếm Điện Capitol. Ảnh: Shannon Stapleton / Reuters
Trong cuộc biểu tình này, những người ủng hộ Donald Trump muốn truyền tải thông điệp phản đối việc chứng nhận phiếu bầu cử tri của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ảnh: Shannon Stapleton / Reuters
Jacob Anthony Angeli Chansley, được biết đến với biệt danh QAnon Shaman, được nhìn thấy tại cuộc bạo loạn Điện Capitol. Ảnh: Brent Stirton / Getty Images
Những người ủng hộ Tổng thống Trump tràn vào Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Stephanie Keith / Reuters
Việc những kẻ bạo loạn tràn vào bên trong Tòa nhà Quốc hội đập phá để thể hiện quan điểm phản đối cho thấy những bất ổn nội tại của nước Mỹ trong những cuộc bầu cử gần đây. Các giá trị của nền dân chủ Mỹ đã bị xâm phạm bởi chính tinh thần dân chủ trong các cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Ba ngày 5 tháng 11 năm 2024, là cuộc bầu cử tổng thống thứ 60 liên tiếp 4 năm 1 lần trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh: Brent Stirton / Getty Images
Cuộc chiến giành quyền lực ở Washington trong năm 2024 sẽ quyết định không chỉ số phận của Ukraine mà còn của toàn bộ liên minh NATO. Trong năm bầu cử ở Mỹ, ông Netanyahu có động cơ kéo dài cuộc chiến của mình lâu hơn hoặc thậm chí mở rộng nó thành một cuộc xung đột mang tầm khu vực. Sự thận trọng của chính phủ Biden trong việc tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông đang là một cơ hội lớn để Iran, Hezbollah hay cả Houthi leo thang tầm ảnh hưởng để đạt được mục đích của mình trong khu vực. Rất nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với siêu cường Mỹ cũng đang chờ sự phân tâm của Washington trong thời gian tới để trỗi dậy. Rất nhiều điểm nóng xung đột khác cũng đang chờ sự phân rã của chủ nghĩa bá quyền để bùng lên nhằm thiết lập một trật tự mới theo hình dung của mỗi thực thể trong một thế giới đa cực hậu toàn cầu hóa.
Thế giới đang phải đối mặt với thời điểm nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ. Sự đứt gãy của các mối quan hệ liên minh, tính logic của những sự kiện khủng hoảng địa chính trị đang là chỉ dấu cho những bước leo thang xung đột và căng thẳng kéo dài theo nhiều hình thức mới. Sự chuyển dịch này đặt ra những thách thức ở quy mô toàn cầu và rất nhiều bài toán cần giải cho mỗi quốc gia trong năm 2024.
Biên tập: Ngô Hoàn
Thiết kế: Thanh Nga
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội