Oreshnik - tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân
Oreshnik - tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Xã hội Dân sự và Nhân quyền Nga hôm 10/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik sẽ giảm thiểu nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân xuống mức thấp nhất.
“Điều chúng ta cần bây giờ không phải là cải thiện học thuyết hạt nhân mà là nâng cấp Oreshnik. Bởi vì, nếu nhìn vào thực tế, với một số lượng đủ lớn các hệ thống hiện đại này, chúng ta sẽ gần như không cần sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin cho biết, Nga không thắt chặt mà đang nâng cấp học thuyết hạt nhân, liên quan đến những cập nhật gần đây về học thuyết hạt nhân của nước này. Ông giải thích rằng Nga cần cải thiện hệ thống tên lửa mới hơn là học thuyết hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Nga đã cảnh báo việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ “thay đổi đáng kể bản chất” của cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh các hệ thống vũ khí tinh vi như vậy không thể được vận hành nếu không có sự tham gia trực tiếp của lực lượng NATO.
Vào tháng 11, Nga đã chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo tài liệu này, Moscow có quyền triển khai kho vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường nếu cuộc tấn công đó gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga”.
Học thuyết hạt nhân được cập nhật nêu rõ rằng, một cuộc tấn công của một quốc gia bên ngoài không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn, vào Nga cũng bị coi là một cuộc tấn công chung vào Nga.
Vào tháng 11, Nga đã phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả các vụ tấn công của Kiev bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào Nga. Oreshnik được cho là có tầm bắn 3.000 - 5000 km. BBC dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng với tầm bắn như vậy, Oreshnik có thể vươn đến hầu hết châu Âu, nhưng chưa thể tới Mỹ.
Tổng thống Putin ngay sau đó cho biết đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến. Tên lửa này có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến nó gần như không thể đánh chặn. Ông nói thêm, Oreshnik có khả năng mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa có thể nhắm mục tiêu vào những công trình được bảo vệ tốt, nằm sâu trong lòng đất, giúp nó trở nên hiệu quả trước các mục tiêu kiên cố như boong-ke. Mặc dù không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Oreshnik vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt lớn mà không cần sử dụng năng lượng hạt nhân.
Việc Nga sử dụng hệ thống tên lửa thử nghiệm này chống lại Ukraine gần như chắc chắn nhằm đưa ra thông điệp chiến lược sau khi Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matviyenko nhấn mạnh, phương Tây chắc chắn đã nhận được thông điệp từ vụ phóng Oreshnik cùng các tuyên bố của Tổng thống Putin.
Mổ xẻ ‘siêu tên lửa’ của Nga
Đối với phương Tây, sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik là bất ngờ lớn. Sự quan ngại mạnh mẽ về những gì đã xảy ra sau vụ tấn công đầu tiên của tên lửa Oreshnik được thể hiện rõ ràng qua các tiêu đề của các hãng tin: “Oreshnik đã thay đổi luật chơi”, “Phương Tây chưa bao giờ nhận một hành động răn đe như vậy”...
Vấn đề quan trọng hơn là tới tận khi Oreshnik được sử dụng trong thực chiến, không có bất kỳ thông tin nào về nó được công bố, kể cả qua các báo hay dữ liệu thử nghiệm vũ khí. Chính vì thế tên lửa Oreshnik được coi là ẩn số lớn và giới chuyên gia quân sự phương Tây.
Ông Jeffrey Lewis - giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế học Middlebury ở bang California - mới đây đã có một số quan sát về cách tên lửa Oreshnik hoạt động.
“Tên lửa được phóng đi, mang theo mọi thứ vào không gian. Lớp đầu tiên của tên lửa tách ra, rồi đến động cơ thứ hai của tên lửa cũng rơi ra. Và rồi bạn chỉ còn thấy lớp bus (lớp cuối cùng trong giai đoạn phóng của tên lửa đạn đạo, thường là lớp thứ ba hoặc thứ tư) của tên lửa trôi dạt trong không gian”, ông Lewis mô tả quá trình tên lửa Oreshnik được phóng lên.
Cũng theo ông Lewis, phần lớn nhất của mảnh vỡ thu được là phần đầu đạn ở lớp bus. Các phần còn lại của lớp này bao gồm phần dẫn đường, bình nhiên liệu và các thiết bị điện tử khác. Lớp bus này gồm nhiều đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), trong đó mỗi MIRV mang theo một đầu đạn con và có thể bắn trúng một mục tiêu riêng biệt.
“Khi tên lửa bay qua không gian, các động cơ đẩy của nó sẽ khai hỏa, xoay lớp bus để thả các đầu đạn xuống nhiều vị trí khác nhau. Về cơ bản, chúng ta có thể thấy lớp bus có thể mang theo sáu đầu đạn và mỗi đầu đạn chứa thêm sáu đầu đạn con”, ông Lewis phân tích.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), tên lửa Oreshnik có thể có nguồn gốc từ tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) RS-26 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Ông Lewis cho rằng bản thiết kế mới của Oreshnik có thể đã loại bỏ lớp đẩy của tên lửa RS-26 - thứ làm giảm tầm bắn của tên lửa này. Nói cách khác, tên lửa siêu vượt âm mới của Nga là sự tổng hòa của các công nghệ cũ.
Với lập luận này, giới chuyên gia phương Tây muốn chứng minh Nga không có đột phá trong công nghệ phát triển tên lửa, nhưng lại không giải thích được tại sao với công nghệ cũ, Moscow lại có thể tạo ra những loại vũ khí vượt trội. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây lại đang vật lộn với các thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm mới và đang bị coi là tụt hậu so với Nga và Trung Quốc.
Cùng với đó, nhiều diễn đàn quân sự quốc tế cho rằng việc sử dụng IRBM Oreshnik tại cuộc xung đột Ukraine giống như “giết gà dùng dao mổ trâu” do giá thành đắt đỏ của các loại vũ khí đạn đạo. Tuy nhiên, với các cáo buộc Nga có thể sử dụng ICBM trong xung đột thì việc sử dụng một phiên bản đơn giản hóa của RS-24 Yars như Oreshnik hoàn toàn có lợi ích về mặt tài chính, nhưng vẫn đảm bảo khả năng răn đe mọi đối thủ tiềm tàng.
Oreshnik là vũ khí “thay đổi cuộc chơi”?
Bỏ qua những đánh giá chủ quan của các nhà bình luận phương Tây, sự thể hiện các đặc điểm kỹ-chiến thuật vượt trội của tên lửa Oreshnik có thể biến nó thành vũ khí “thay đổi cuộc chơi” tại Ukraine.
Yếu tố đầu tiên chính là tốc độ bay của tên lửa. Tên lửa Oreshnik có thể đạt tốc độ siêu vượt âm. Tên lửa có thể vươn tới tầm bắn tối đa trong khoảng 15-20 phút. Theo đánh giá của Ukraine và phương Tây, Oreshnik có thể đạt tốc độ bay Mach 10, tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh.
Yếu tố thứ 2 chính là thiết kế mang đa đầu đạn có khả năng tự dẫn hướng độc lập - MIKV. Hiện tại vẫn chưa thế xác định được Oreshnik có thể mang được bao nhiêu đầu đạn, nhưng trong hình ảnh vụ tấn công đầu tiên, tên lửa Nga mang theo 6 khối đầu đạn với nhiều đạn con được giải phóng khi tiếp cận mục tiêu.
Hình ảnh tại hiện trường vụ tấn công tại Nhà máy Yuzhmash (Ukraine) cho thấy, các đầu đạn Oreshnik mang theo tấn công khá chính xác với sai số lệch mục tiêu nằm ở mức chấp nhận được với các vũ khí tấn công đạn đạo, thậm chí là khá cao khi so với các loại vũ khí cùng loại của Mỹ và phương Tây. Trong kịch bản, nhiều tên lửa Oreshnik tấn công với vũ khí phi chiến lược cũng đảm bảo phá hủy mục tiêu với động năng cực mạnh của đầu đạn.
Ví dụ, khi 6 tên lửa IRBM Oreshnik được phóng đi, một khu vực mục tiêu sẽ bị 36 đầu đạn tấn công cùng một lúc. Khả năng ngăn chặn đòn tấn công gần như là bất khả thi với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
“Các hệ thống phòng không hiện đại hiện có trên thế giới và các hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ triển khai ở châu Âu không đánh chặn được những tên lửa như Oreshnik”, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình sau vụ tấn công bằng tên lửa Oreshnik hôm 24/11.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga hoàn toàn có cơ sở khi “lá chắn tên lửa” khó có thể đáp ứng khả năng ngăn chặn cùng lúc tới 36 mục tiêu bay với vận tốc siêu vượt âm. Kể cả có phát hiện và khóa mục tiêu, các hệ thống cũng khó có đủ đạn tên lửa trực chiến trên bệ để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn.
“Hàng chục đầu đạn tự tách tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10. Nhiệt độ của đầu đạn sau khi hồi quyển lên tới 4.000 độ C. Nếu trí nhớ của tôi chính xác, nhiệt độ trên bề mặt mặt trời là từ 5.500 đến 6.000 độ C. Như vậy, mọi vật chất ở tâm vụ tấn công về cơ bản sẽ trở thành cát bụi hay các hạt cơ bản”, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh.
Ông chủ Điện Kremlin tuyên bố, việc sử dụng rộng rãi tên lửa Oreshnik kể cả với đầu đạn thông thường cũng có sức mạnh tương đương với việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cùng với đó, động năng lớn của đầu đạn có thể tấn công và phá hủy các mục tiêu được bảo vệ, nằm sâu dưới lòng đất.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga đang lựa chọn các mục tiêu ưu tiên tấn công. Chúng có thể là cơ sở quân sự và doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng như các trung tâm ra quyết định ở Kiev. Vì lý do nhân đạo, phía Nga sẽ thông báo để dân thường sơ tán, đồng thời yêu cầu công dân của các quốc gia thân thiện ở đó rời khỏi khu vực bị tấn công.
Theo các chuyên gia quân sự Nga Trong trường hợp sử dụng đầu đạn hạt nhân, Oreshnik là vũ khí đáng sợ. Tên lửa đạn đạo mới Oreshnik của họ có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá lớn nhất lên đến 900 kiloton, tương đương 45 quả bom nguyên tử Little Boy được Mỹ thả xuống Hiroshima vào tháng 8/1945. Điểm đặc biệt của Oreshnik là quỹ đạo bay cao lên tới 2.000km để tạo thế năng khi các đầu đạn hồi quyển. Điều này giúp giải thích tại sao các đầu đạn của tên lửa khi tấn công có đạn đạo gần như thẳng đứng, giáng xuống mục tiêu.
Nga hiện có lợi thế chiến lược lớn so với NATO
Hệ thống Oreshnik đã gây bất ngờ cho các chuyên gia quân sự phương Tây. Việc thử nghiệm những vũ khí này trên chiến trường ở Ukraine cho thấy hiệu quả của chúng trong việc bắn trúng mục tiêu được giao một cách chính xác và quân đội Ukraine hoàn toàn không có khả năng đánh chặn.
Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik là kết quả của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Đạn đạo Tầm trung (INF) vào năm 2019 dưới nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Donald Trump. Đây có lẽ là một sai lầm lớn của Washington, vì điều đó đã cho phép Nga đạt được lợi thế chiến lược lớn, trừ khi Mỹ cũng bí mật phát triển hệ thống của riêng mình.
Tác động của hệ thống Oreshnik đối với chiến tranh trong tương lai là các mục tiêu có thể bị phá hủy trên chiến trường mà không gây ra thiệt hại phụ thảm khốc như vũ khí hạt nhân. Hệ thống Oreshnik có thể bảo toàn tính mạng của dân thường, nhưng sẽ phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của đối phương, các cơ sở hàng không và cảng, các khu tập trung quân, các tuyến đường linh hoạt và hậu cần, cũng như các mục tiêu chính trị, nếu cần.
Nếu một hệ thống như vậy được sử dụng trước khi phóng hạt nhân, thì khả năng răn đe hạt nhân có thể trở nên không hiệu quả trong các tình huống chiến tranh chiến thuật. Trong tình hình hiện tại của Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã có một lựa chọn thay thế cho chiến tranh hạt nhân, mà cho đến trước khi phát triển Oreshnik, Nga vẫn chưa có được. Năng lực như vậy của quân đội Nga sẽ khiến các nhà lãnh đạo quân sự NATO phải thận trọng. Nếu đầu đạn hạt nhân được sử dụng với hệ thống này, các đòn tấn công tàn khốc có thể được thực hiện vào các mục tiêu của NATO, mà lực lượng NATO không có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy.
Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các hệ thống siêu thanh tầm trung như vậy có thể khiến các hệ thống đạn đạo liên lục địa trở nên lỗi thời. Các hệ thống tầm trung như hệ thống Oserhnik có thể tàn phá cơ sở hạ tầng quân sự của các quốc gia trước khi họ có thể sử dụng tên lửa đạn đạo. Chẳng hạn, đối với các quốc gia như Australia, tàu ngầm hạt nhân AUKUS sẽ không có tác dụng gì trước các mối đe dọa tiềm tàng mà các hệ thống siêu thanh tầm trung có thể gây ra.
Trong tương lai, việc một lực lượng dự định tấn công nhận thức rằng họ có thể bị đối phương tiêu diệt ngay lập tức trước khi hành động sẽ là động lực ngăn cản xung đột. Trong bối cảnh ấy, hệ thống tên lửa Oreshnik có thể thay đổi học thuyết chiến tranh trong tương lai.
Các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga tiếp tục cuộc tấn công, kiểm soát các khu định cư Daryino và Plyokhovo ở Khu vực Kursk, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin. Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 200 quân ở khu vực Kursk trong ngày qua.
Giới chức Sudan cho biết đã có ít nhất 176 người thiệt mạng trong 2 ngày giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự trên khắp lãnh thổ nước này.
Các quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ với NBC News rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc xóa tên tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa nêu nhận định về thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra, khi Warsaw chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào tháng 1/2025.
Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc. Người dân Hàn Quốc tự hỏi ai sẽ là người điều hành chính phủ và cả quân đội vào thời điểm Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên và hoạt động ngoại giao tế nhị cần thiết với đồng minh Mỹ khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần.
Cơ quan quản lý cải tạo Hàn Quốc cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun đã cố gắng tự tử tại cơ sở giam giữ ở phía đông Seoul nhưng bất thành.
0