Rồng là linh vật đặc biệt tiêu biểu...
...xuất hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc
Khi ngọn gió đông đầu tiên len lỏi qua những thanh âm thường nhật cuối cùng của năm, lặng lẽ băng ngang dòng sông Hồng để kịp báo tin xuân tới chốn “thượng đô kinh sư”; vẻ trầm mặc, uy nghiêm của mảnh đất Thăng Long lại hiện lên rõ nét cùng những lớp trầm tích văn hoá được bồi đắp qua rất nhiều thế hệ. Những dấu tích Hoàng thành Thăng Long kiêu hùng ẩn mình trong cát. Những cao ốc rực rỡ đèn màu tạc khắc sắc màu đương đại lên nền trời đêm cuối Chạp. Những cuộc đời vội vã đến rồi đi trên mảnh đất này, nhẹ nhàng như thiếng thở của cả ngàn năm lịch sử dân tộc…
Ẩn đằng sau những lớp trầm tích đó là hình thế vững chãi của vùng đất địa linh nhân kiệt được tạo dựng từ ngàn năm lịch sử - thế rồng bay lên - một biểu tượng gắn với uy uyền, với sự uyển chuyển và hài hoà trong minh triết phương Đông.
Trong phiên bản emagazine đặc biệt này, Đài Hà Nội xin kính mời quý độc giả cùng chiêm ngưỡng và giải mã tạo hình biểu tượng rồng qua các thời kỳ lịch sử theo nét vẽ và góc nhìn của một hoạ sĩ trẻ 9x với đam mê bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Kể từ buổi bình minh của lịch sử đất nước là thời đại Đông Sơn, linh vật rồng đã xuất hiện và mang một vị thế trang trọng trong văn hoá. Người Đông Sơn để lại dấu ấn cho tới ngày nay là những cổ vật đồng có trình độ chế tác tinh xảo đặc biệt là trống đồng và vũ khí.
Nhắc đến đồ đồng Đông Sơn, bên cạnh chim Lạc là hình tượng rồng. Rồng thời Đông Sơn thường xuất hiện theo cặp và có tạo hình như một loài bò sát bốn chân có sừng và phần đuôi xoắn. Đôi lúc tạo hình mang hơi hướng cá sấu, có tạo hình lại hơi hướng của chồn hoặc cáo… trên các hiện vật Đông Sơn nổi tiếng như trống Kính Hoa, trống Hoà Bình, trống Phú Xuyên, trống Đào Xá, qua đồng núi Voi...
Rồng là một sinh vật huyền thoại xuất hiện trong nhiều nền văn minh cổ xưa, ban đầu hiện lên như một loài thuỷ quái đáng sợ. Hình tượng rồng khi xuất hiện trong văn hoá của người Đông Sơn có lẽ đã được đồng hoá với loài cá sấu cũng như các động vật khác ngoài thực tế.
Rồng xuất hiện trên các vũ khí như kiếm và hộ tâm, ngoài việc thể hiện khí thế uy vũ đáng sợ của nó, cũng là thể hiện sự cao quý và quyền lực của chủ nhân. Việc thể hiện rồng trên Trống đồng, vật cao quý biểu hiện cho quyền lực còn trở thành truyền thống tiếp tục cho tới thời Lý Trần, Lê Nguyễn. Ngày nay, hiện vật trống đồng có niên đại các thời kỳ này vẫn còn được lưu giữ.
Khi nói đến hình tượng rồng thời Đông Sơn, không thể không nói đến truyền thuyết khai sinh dân tộc: Chuyện Hồng bàng thị hay thường được biết đến như là Con rồng cháu tiên. Câu chuyện ghi lại với thần tích người cha rồng thần Lạc long quân cùng người mẹ tiên Âu Cơ kết duyên và sinh ra một trăm trứng nở ra một trăm người con, rồi trở thành vua quan và con dân của đất nước Văn Lang. Dù là chuyện thần thoại và bị phủ lên nhiều tầng lớp màu sắc của các thời kỳ lịch sử sau này, câu chuyện Con rồng cháu tiên vẫn hàm chứa các chi tiết thần thoại cổ đại và yếu tố khai sinh dân tộc làm gốc trọng tâm. Việc tôn thờ và trang trí rồng thần, chim thần là thực tế trên cổ vật Đông Sơn, có thể nhận định rằng một phần câu chuyện này có lẽ thực sự đã xuất hiện từ thời đại lập nước và truyền khẩu đời đời cho đến khi được ghi chép lại trong Lĩnh Nam Chích Quái.
Thời Lý là nét son đầu tiên của nước Đại Việt độc lập tự chủ. Là triều đại kế thừa nền móng độc lập từ các thời kỳ Khúc chủ, Ngô Vương rồi Đinh Tiền Lê. Thời Lý đem rồng tôn vinh như là biểu tượng cao quý đại diện cho hoàng gia. Trong chiếu dời đô, vua Thái Tổ đặt thành Thăng Long làm kinh đô trung tâm chính trị của đất nước. Từ quan điểm của Nho học, rồng là đại diện cho hoàng quyền và nhà vua. Kinh Dịch có quẻ càn là chỉ rồng, Hào Cửu ngũ tôn quý nhất trong quẻ hàm nghĩa Phi Long tại thiên cũng chính là để chỉ bậc đế vương. Việc đem rồng làm biểu tượng cho kinh đô mới của đất nước cũng chính là thể hiện niềm tự tôn đầy kiêu hãnh của triều đình nhà Lý. Cũng từ đây, rồng gắn liền với mảnh đất Thăng Long Hà Nội, nơi thượng đô, kinh sư mãi muôn đời.
Ở Hoàng thành thăng long ngày nay, từ công cuộc nghiên cứu khảo cổ những năm 2000 phát lộ ra một hệ thống nền móng di chỉ cung điện phức tạp và đồ sộ có niên đại trải dài suốt từ thời Đại La, Đinh Tiền Lê cho đến Lý Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Các hiện vật rồng phượng thời Lý Trần ở đây khi được công bố tới người dân thực sự đã tạo ra một sự chấn động và kinh ngạc. Long phượng thành trong chính sử hiện lên từ các hiện vật có kích thước lớn và trình độ mỹ thuật thượng phẩm. Tạo hình rồng Lý Trần có những yếu tố thẩm mỹ đặc trưng không lẫn vào bất kỳ đâu, đã trở thành ấn tượng về dấu ấn rồng Việt Nam trong mắt nhiều người.
Rồng thời Lý còn là biểu tượng của Phật giáo. Kinh điển phật giáo có nhắc đến thiên long bát bộ, long thần hộ pháp, chính là nói đến những sự bảo hộ của tự nhiên và con người đối với Phật giáo. Vua Lý Công Uẩn vốn xuất thân từ cửa chùa, các vị vua sau của nhà Lý cũng đều rất sùng kính đạo Phật. Triều đình đem rồng vốn là đại diện hoàng gia tới bảo hộ cho Phật giáo, bất cứ chỗ nào có chùa là chỗ đó có rồng. Trên rất nhiều các hiện vật khảo cổ thời Lý Trần, phần nhiều đến từ các tự viện Phật giáo, hình tượng rồng hiện ra uốn lượn khéo léo, vờn mây đạp nước vô cùng tỉ mỉ sống động. Các công trình chùa tháp thời Lý rất nhiều, tiêu biểu phải kể đến chùa Báo Thiên, chùa Phật tích, chùa Dạm, chùa Diên Hựu… Đôi rồng ở chùa Dạm là chạm khắc nổi vô cùng khoẻ khoắn oai phong vẫn còn lại đến ngày nay, thân rồng có vảy hoa, đầu rồng có sừng, chân rồng có đủ năm móng, chính là hình tượng tiêu biểu nhất có thể tham khảo và hình dung về rồng thời Lý.
Thời Trần là thời kỳ Đại Việt trải qua nhiều biến động nhưng cũng là một triều đại có những nét sử đầy tự hào. Binh biến xảy ra từ đầu triều khi triều đình đứng trước thảm hoạ diệt vong từ cuộc xâm lược của Nguyên Mông cho đến cuối triều dưới nạn cướp phá từ Chiêm Thành. Dưới bối cảnh chiến loạn rối ren như vậy, một phần là do quốc lực suy yếu, một phần là do mất đi đội ngũ nghệ nhân chuyên chế, các tạo tác thời Trần không còn giữ được nét thẩm mỹ tỉ mỉ cầu kỳ của thời Lý.
Tuy trong các kiến trúc cung điện ở Thăng Long hay Thiên Trường, các tạo tác rồng phượng vẫn rất cầu kỳ cao cấp, nhưng ở các địa phương tạo hình đã mang nhiều nét phóng khoáng. Được giải phóng khỏi bố cục chặt chẽ và quy luật cầu kỳ, tạo hình rồng thời Trần tuy vẫn là những cấu tạo từ rồng Lý nhưng toát lên dáng vẻ khoẻ khắn mạnh mẽ với phần phân dầy và ngắn hơn, thần thái cũng mang nét cường điệu và khí khái hơn.
Rồng thời Trần trên các hiện vật cửa chùa Phổ Minh, chạm khắc chùa Thái Lạc hay các bệ đá thời Trần xuất hiện khắp các tỉnh miền Bắc chính là những đại diện tiêu biểu khi muốn tìm hiểu về hình tượng này.
Thời Lê sơ, sau cuộc kháng chiến chống quân Minh vô cùng gian nan vất vả, Lê Thái Tổ lên ngôi quốc chủ dựng lại nền độc lập. Phải xây dựng lại một nước nhà tan nát sau 20 năm bị dày xéo và huỷ diệt văn hoá có chủ đích, rõ ràng triều đình rất muốn chấn hưng lại phong khí nước nhà. Rồng thời Lê sơ là một tạo tác mang hàm ý như vậy.
Triều đình nhà Lê muốn mang giá trị đế vương trở lại và tôn vinh ý nghĩa này của rồng mạnh mẽ hơn. Ngày triều đình trở lại Thăng Long, vua dựng điện Kính Thiên ngay trên nền cũ cung điện Lý Trần, rồi dựng đôi rồng đá chầu thềm vẫn còn đến ngày nay. Hình tượng rồng thời Lê sơ có vài điểm khác với rồng Lý Trần khi có thay đổi ở những phần mũi, trán, môi. Phần vòi đặc trưng rồng Lý Trần được thay bằng phần mũi thú, môi trên giờ không bị vòi giới hạn nên chìa ra , phần trán cũng dô ra trước. Các chi tiết khác trên thân như chân, móng, vây tua lông cũng có vài phần khác. Tựu chung, tạo hình rồng Lê Sơ là một nhận dạng mới khác biệt hẳn với hình rồng thời trước nhưng vẫn toát lên dáng vẻ uy quyền có và phần khí chất hơn.
Trên hiện vật bia Vĩnh lăng, rồng mới thời Lê sơ được dựng ở trán bia với vị thế trung tâm và trang trọng, rồng Lý Trần không hề bị bỏ quên mà vẫn tiếp tục được kế thừa khi xếp thành đường diềm quanh bia. Ngày nay, rồng thời Lê sơ được biết đến nhiều nhất từ các hiện vật đồ gốm xuất xứ từ các lò gốm Chu đậu với tạo hình mạnh mẽ và tinh tế không khác đồ vật trong cung đình. Rồng thời Lê sơ là một dấu ấn đặc biệt đánh dấu sự thay đổi lớn trong tạo hình rồng Việt Nam, cũng là hình mẫu tiếp tục được các triều đại sau tôn vinh và duy trì.
Thời Lê Trung Hưng hay thời Lê Trịnh, Nam bắc triều là thời kỳ các địa phương ở đàng ngoài có sự phát triển mạnh mẽ. Đây là thời kỳ giao thương giữa các vùng được cởi mở, chưa kể triều đình còn cho thông thương với nước ngoài. Chế độ làng xã có yếu tố tự chủ ổn định dần dần sinh ra nhu cầu xây dựng các công trình đại diện cho kinh tế và quyền lực địa phương như đình và chùa làng. Các làng nghề và các hiệp thợ chuyên ngành sinh ra theo nhu cầu đáp ứng việc xây dựng số lượng lớn các công trình này. Rồng thời Lê Trung Hưng là tạo hình trang trọng thường được tạo tác trong các đình chùa, với thẩm mỹ lúc này, các trang trí tua lông, vân mây của rồng càng ngày được cường điệu và trở thành chủ thể chính của bố cục, che lấp cả thân rồng. Thường được các nhà nghiên cứu gọi với tên hoa văn đao mác, tên gọi này khá đúng khi tạo hình vân mây và tua lông tạo ra các đường vân dài sắc nhọn trông giống như vũ khí phổ biến của thời đại này.
Với bố cục thể hiện thẩm mỹ cầu kỳ có phần rườm rà, khách lấn át chủ, rồng thời Lê Trung hưng vẫn giữ các cấu tạo của rồng Lê sơ nhưng thể hiện phong thái phồn thịnh của dân gian, là dấu ấn xuất hiện trên khắp mảnh đất đàng ngoài, từ dẻo đất Quảng Ninh cho tới vùng Thanh Nghệ đều còn dấu tích các ngôi đình chùa gìn giữ dấu ấn mỹ thuật thời kỳ này.
Thời Nguyễn là thời kỳ thống nhất hai miền, quốc thổ rộng lớn chưa từng có. Quân chủ nhà Nguyễn tự hào là người thừa kế và bảo toàn nền văn hoá Nho học toàn vẹn hơn cả nhà Thanh. Hình tượng rồng thời Nguyễn vẫn mang ý nghĩa cao quý độc tôn của hoàng đế, vẫn là những ý nghĩa tốt lành thịnh vượng như các triều trước. Các hiện vật cung đình nhà Nguyễn quý hiếm vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay như sắc phong, ấn chương, y quan mũ miện, vàng ngọc… cho chúng ta thấy hình tượng rồng thời này vẫn tiếp tục những cấu trúc của rồng thời Lê, nhưng tạo tác mỹ thuật lại có những nét đặc trưng. Biểu cảm của rồng linh hoạt, phần mắt thường trố ra, thân dáng đa dạng, tua lông xếp đều đặn bắt mắt và đặc biệt phần lông đuôi xoắn lại. Hình tượng rồng đặc biệt tiêu biểu của nhà Nguyễn là Long mã tải thư thể hiện tư tưởng tôn vinh văn hiến và nho học, ngày nay vẫn còn được thịnh hành ở các địa phương miền Trung.
Ở góc độ kiến trúc, từ hoàng thành Huế cho đến các hành cung và trị sở. đình chùa ở địa phương, ở khắp 3 miền, hình tượng rồng Nguyễn đều mang một nét chung rất đồng bộ. Góc độ mỹ nghệ cũng như vậy, từ những nét vẽ, đắp chạm ở các địa phương tuy có vài nét khác biệt nhỏ nhưng phong thái của rồng cũng không khác gì cung đình. Rồng thời Nguyễn vẫn tiếp tục là đại diện cho niềm tự hào của người dân Đại Nam.
Bài viết: Minh Hiệu
Thiết kế: Thanh Nga
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội