



Lời tòa soạn: Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, ngay trong tháng 12, các bộ ngành phải hoàn thành xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Mục tiêu phấn đấu là các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hoàn thành trong quý I/2025. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được triển khai với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để bộ máy mới tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt đông ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…
Xung quanh chủ đề này, Đài Hà Nội tổ chức tọa đàm chủ đề “Tinh gọn bộ máy: Vừa chạy, vừa xếp hàng”, với sự tham gia của của TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương; TS. Hoàng Mạnh Đoàn, giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.



Quyết định ai đi, ai ở lại sau khi sắp xếp, tinh gọn phụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của bộ máy mới và thông qua tổng rà soát, đánh giá chất lượng nhân sự có thể đáp ứng công việc trong tình hình mới. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra góc nhìn về vấn đề này trong cuộc toạ đàm “Tinh gọn bộ máy: Vừa chạy, vừa xếp hàng” do Đài Hà Nội tổ chức.

Thưa ba vị khách mời. Một vấn đề được dư luận quan tâm là cán bộ công chức “ai đi - ai ở” sau khi tinh gọn bộ máy. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tinh giản biên chế những năm qua chưa đạt mục tiêu khi tinh giản chủ yếu là người sắp về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chứ chưa xuất phát từ đánh giá kỹ năng và kết quả hoàn thành công việc. Vậy lần này, làm thế nào để chọn đúng người đi, người ở lại bộ máy?
TS. Thang Văn Phúc: Đây là vấn đề lớn. Chúng ta lâu nay vẫn cứ lăn tăn chuyện ai ở lại, ai phải ra đi hoặc ai được điều chuyển. Giải pháp rất quan trọng là sau khi rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của bộ máy, phải tổng rà soát đội ngũ cán bộ, công chức. Người nào đáp ứng được vị trí đã được xác định rồi thì giữ, còn người thiếu tiêu chuẩn phải được đưa vào diện sắp xếp.
Để làm được điều đó trước hết phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu vì họ chịu trách nhiệm phân công và kiểm soát công việc. Thứ hai, cần một hội đồng đánh giá nhân sự thuộc diện tinh giản hay sắp xếp thật sự khách quan. Ngoài ra, cần có phương án “đầu ra”cho người thuộc diện tinh giản. Nếu được như vậy, chúng ta mới có thể làm được hai việc cùng lúc là tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.
Mỗi tổ chức, đơn vị cần làm rõ được sản phẩm của mình là gì. Nếu điều đó được minh bạch, có lẽ cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản sẽ đồng tình thôi. Tôi nghĩ rằng, trong thể chế quản trị mới cũng phải thay đổi cách đánh giá cán bộ, công chức một cách minh bạch.

Ông Nguyễn Đức Hà: Nhìn vào các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, ngành nào cũng vậy, có người bận bịu tối ngày không hết việc nhưng cũng có người đủng đỉnh. Ai cũng thấy câu chuyện đó, những người làm việc đủng đỉnh phải được đưa vào diện tinh giản.
Nhưng tinh giản ai thì gốc vấn đề vẫn ở chức năng, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ lại liên quan vị trí việc làm. Công việc như vậy cần bao nhiêu người là vừa, nhân sự trình độ nào. Chìa khóa của vấn đề là công khai, minh bạch, dân chủ. Khi đưa ra tập thể bàn, phải xác định được vị trí việc làm với yêu cầu, tiêu chuẩn trình độ, năng lực, phẩm chất cụ thể. Tập thể bàn, thậm chí bỏ phiếu dân chủ thì sẽ chọn được người chính xác. Không bao giờ hết những cái nể nang nhưng rõ ràng vấn đề đó hiện đã giảm đi nhiều.
TS. Hà Mạnh Đoàn: Yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm là tinh gọn bộ máy để giảm bớt cồng kềnh. Bộ máy sắp tới gọn nhưng phải tinh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn trước đây. Muốn được như vậy thì phải chọn được cán bộ có năng lực và có cơ chế trọng dụng, giữ chân người tài, đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý.
Trước đây, chúng ta nói mỗi người làm việc bằng hai nhưng bây giờ thì không còn “hai” nữa đâu, phải bằng ba, bằng bốn. Cho nên, những năm tới, việc chọn hay giữ được cán bộ có năng lực hết sức quan trọng. Nếu làm tốt việc này, tôi nghĩ chất lượng bộ máy tinh gọn sẽ được nâng lên.
Khi tinh gọn bộ máy sẽ có nhiều lãnh đạo dôi dư, nhiều người từ cấp trưởng xuống làm cấp phó. Thực tế, có nhiều người thuộc diện này không thể tiếp tục công việc chỉ đạo nhưng nếu xuống làm công việc của nhân viên cũng không xong. Theo ông Nguyễn Đức Hà, cần giải pháp nào cho vấn đề đó?
Ông Nguyễn Đức Hà: Nếu gọi dôi dư thì người ta hơi tự ái một chút. Tôi gọi đó là cán bộ cần phải sắp xếp lại và số lượng này khá lớn. Tôi biết Bộ Nội vụ cũng đã nghiên cứu chính sách đối với cán bộ phải sắp xếp lại, trong đó có việc bảo lưu chế độ phụ cấp trách nhiệm hoặc tạo cơ chế để họ nghỉ hưu trước tuổi 1-2 năm.
Với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tất cả đều phải phải được quan tâm chú ý. Ở đây có trách nhiệm của cả tổ chức và cá nhân, vì sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nên họ mới thuộc diện phải sắp xếp lại. Do vậy, không nên đổ dồn trách nhiệm vào một người, một cá nhân chịu tác động của tinh giản, sắp xếp. Tôi nghĩ chúng ta đã có rất nhiều bài học về giải quyết chế độ cho những trường hợp này. Mỗi người suy nghĩ, hiến kế và chịu thiệt một chút thì việc lớn như thế mới có khả năng thực hiện.
TS. Hà Mạnh Đoàn: Trong quá khứ, chúng ta tinh giản biên chế, sáp nhập bộ máy đã có những bộ ngành, cơ quan có tới 7-9 cấp phó. Việc sắp xếp vị trí cho các cấp phó nói như ông Nguyễn Đức Hà là không dễ đâu, liên quan nhiều vấn đề lắm. Cán bộ cấp phó dôi dư đã là vấn đề, mà đây còn là cấp phó dưới ông trưởng thì càng khó sắp xếp. Làm thế nào để hợp lý, hợp tình, không gây xáo trộn tư tưởng là vấn đề cần tính đến.
Tuy đây không phải công việc có thể làm một sớm một chiều, song lộ trình phải khẩn trương chứ không thể kéo dài vài năm như trước đây.

Theo tôi, để giải quyết hiệu quả, nhanh gọn thì nên khuyến khích, động viên cán bộ cấp phó hoặc dôi dư tự nguyện chuyển sang công việc khác, thậm chí chuyển sang lĩnh vực tư hoặc nghỉ hưu sớm nếu thời gian công tác chỉ còn 1-2 năm. Đối với đội ngũ cán bộ chưa về hưu, nên chăng giữ nguyên chế độ phụ cấp cho họ, trước hết là đến hết nhiệm kỳ. Sau khi họ hết nhiệm kỳ, lại phải tính theo chế độ hiện hành đối với người sử dụng lao động hoặc tuyển dụng lao động.
Thứ hai là phải có chế độ, chính sách thỏa đáng với đóng góp của họ lúc đương chức. Thứ ba, trong đội ngũ cấp phó trước khi tinh gọn có rất nhiều người có trình độ, năng lực tốt. Bây giờ lại có thêm năm, bảy ông cấp phó nữa thì phải có cơ chế giữ chân họ hoặc luân chuyển phù hợp để tránh lãng phí nhân lực tài năng.
TS. ThangVăn Phúc: Thực ra, nhiều cấp phó trong cơ quan sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành. Tôi tìm hiểu kinh nghiệm của Trung Quốc, khi hai vụ trưởng ghép lại với nhau thì một người sẽ trở thành chuyên gia song vẫn ăn lương vụ trưởng. Chính sách đầu ra như thế vẫn đảm bảo hài hòa, không để duy trì cùng lúc có một cấp trưởng và một người từng là cấp trưởng.
Trước đây, chúng ta nhập 6-7 bộ làm một, nhiều bộ trưởng thành thứ trưởng. Một số vị sau này gặp tôi nói rằng ban đầu cũng thấy khó khăn một chút nhưng đúng là phải như vậy. Có lẽ hiện thực khách quan đòi hỏi họ phải nhận thức được vấn đề. Về đại trà, cần tổng rà soát công khai, minh bạch và đánh giá từng vị trí. Như vậy, những người thuộc diện tinh giản, sắp xếp chắc sẽ tâm phục, khẩu phục thôi. Thứ hai là xử lý “đầu ra”, phải tính hết các chính sách “đầu ra” cho người thuộc diện tinh giản.


Về mặt chính sách, nhà nướccần thực hiện phương án hỗ trợ thế nào đối vớingười thuộc diện tinh giản, chuyển đổi công việc từ công sang tư hoặc tình nguyện ra khỏi bộ máy sau sáp nhập?
TS. Thang Văn Phúc: Không phải bây giờ, từ đầu những năm 2000, chúng tôi đã thảo luận vấn đề này. Quá trình phát triển kinh tế thị trường đã hình thành rất nhiều khu vực: công, tư, liên doanh nước ngoài. Tất cả hình thành một thị trường lao động và buộc công chức cũng phải tham gia.
Tôi thấy rất nhiều tổ chức, nhất là doanh nghiệp tư rất cần nhân sự đã qua bộ máy nhà nước. Họ cần hiểu bộ máy nhà nước vận hành thế nào để áp dụng vào khu vực tư. Nhưng mặt khác, theo đề xuất của tôi, nhân sự khu vực tư cũng có thể tham gia khu vực công. Có thể bằng cách nào đó tuyển chọn được người có năng lực ở khu vực tư vào cơ quan nhà nước và tạo ra cuộc cạnh tranh cho các vị trí lãnh đạo. Họ có thể thi vào làm lãnh đạo luôn, chứ không phải vào từ công chức. Việc tuyển chọn thông qua thi cử công khai, minh bạch, giống như cha ông xưa kia đã làm. Đích thân vua còn tuyển chọn, bổ nhiệm vị trí quan lại.
Đối với một số vị trí quan trọng, các vị lãnh đạo có thể trực tiếp tham gia quá trình tuyển chọn nhân sự công khai. Tôi nghĩ có lẽ ai được bổ nhiệm trong điều kiện đó cũng thấy trách nhiệm, tự hào, vinh dự về vị trí đảm trách. Chúng ta đang cần người có đủ tâm - đức - tài, ba yếu tố phải có trong hành trình mới này.

TS. Hà Mạnh Đoàn: Việc hỗ trợ cán bộ thuộc diện tinh giản đã được nêu trong Nghị quyết 18 của Trung ương và Nghị định 29 rồi. Ngoài hỗ trợ theo quy định chung, một số địa phương còn đề xuất hỗ trợ thêm dựa trên căn cứ tình hình ngân sách. Tôi lấy ví dụ TP.HCM đề xuất hỗ trợ 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi hay hỗ trợ 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm hỗ trợ một nửa tháng lương. Trong khi đó, Nghệ An dự kiến số cán bộ dôi dư hơn 1.300, nên cũng xem xét khoản ngân sách 76 tỷ đồng để chi hỗ trợ. Làm tốt việc hỗ trợ sẽ giải quyết được vấn đề tư tưởng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của những người thuộc diện tinh giản, sắp xếp.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo bộ máy tinh gọn mới phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống thời gian. Vậy, làm thế nào để đạt được những yêu cầu này?
TS. Thang Văn Phúc: Khi sáp nhập tổ chức hay bộ, ngành thì phải bắt tay ngay vào việc lựa chọn người đứng đầu. Khi có người đứng đầu thì đã hình thành luôn bộ máy vận hành. Tôi nghĩ rằng quá trình này hoàn toàn đồng bộ, còn chính sách đầu ra có thể làm chậm một chút.
Khi có quyết định chính thức, bộ máy mới có thể vận hành luôn. Điều này không quá lo, mà lo nhất là không chọn được người đứng đầu xứng đáng. Lo thứ hai là không hình thành được cơ cấu bên trong bộ máy để vận hành đồng thời với việc lựa chọn người đứng đầu bộ phận. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, tôi nghĩ hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này.
Khối lượng công việc ở phạm vi bộ ngành không quá lớn, mà lớn ở trên toàn bộ hệ thống. Song tôi nghĩ vẫn có thể xử lý vấn đề này nhanh chóng như cách Tổng Bí thư Tô Lâm nói là “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Chúng ta cứ phải thực hiện, bộc lộ vấn đề thì vẫn còn thời gian để điều chỉnh.
TS. Hà Mạnh Đoàn: Để hoạt động ngay, hoạt động chất lượng, những tổ chức, bộ máy được lựa chọn để sắp xếp, sáp nhập phải tương đồng. Tất nhiên, thời gian đầu sẽ trục trặc một chút, nhưng sau sẽ nhanh hơn nhờ sự tương đồng đó. Thứ hai là phải tuyển lựa người có chuyên môn, trình độ cao để vận hành bộ máy mới nhịp nhàng, không bị ngắt quãng.
Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi lại nghĩ rằng, vấn đề chúng ta phải tập trung giải quyết là làm sao để bộ máy mới hoạt động tốt hơn trước, hiệu quả hơn trước, nhanh hơn trước, không ảnh hưởng người dân và doanh nghiệp. Chất lượng hoạt động của bộ máy mới là quan trọng, chứ tôi không quá lo việc bỏ trống địa bàn, ngắt quãng công việc. Chức năng, nhiệm vụ đã có rồi, làm sao bỏ trống được. Cái chính là sau khi kiện toàn, chất lượng bộ máy tinh gọn phải được nâng lên theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham dự tọa đàm do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức.
Chỉ đạo nội dung: Nguyễn Kim Khiêm
Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Trung Sơn
Tổ chức sản xuất: Minh Hoàn
Biên tập: Minh Hoàn - Quang Hưng - Hồng Phúc
Ảnh: Văn Tuyến
Thiết kế: Thanh Nga - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội