10 ngày, cả nước xử lý hơn 30.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn | Hà Nội tin mỗi chiều

Cả nước xử lý hơn 30.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 10 ngày; Rủi ro tiềm ẩn từ mua thuốc online... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Cả nước xử lý hơn 30.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 10 ngày

Thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 11 đến 21/1/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý gần 30.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đợt cao điểm này sẽ được cảnh sát giao thông cả nước thực hiện đến ngày 9/3/2024.

Cảnh sát giao thông khuyến cáo dịp cuối năm sẽ diễn ra các buổi tổng kết, thường có liên hoan bia rượu. Người dân cần tuân thủ nghiêm quy định đã uống rượu bia không lái xe. Tất cả những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết: “Năm qua đã xử lý hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn chiếm 23,04% tổng số vi phạm, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang. Việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn là cơ sở góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân trong quá trình tham gia giao thông. Những con số vừa nêu cũng là kết quả từ quyết tâm, nỗ lực của lực lượng CSGT trên địa bàn cả nước; góp phần rất tích cực trong kéo giảm tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan tới hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu, bia nói riêng - hành vi vốn là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tài xế.

Hiện mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện nay không phải là thấp, thậm chí ở mức cao so với các nước trong khu vực, do đó đã phần nào có sức răn đe. Cụ thể, theo Nghị định 100, mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất, được phân ra ba mức phạt tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế. Mức phạt này giao động từ 80.000 đồng đến 800.000 đồng, với người điều khiển xe đạp; từ 2 triệu đồng đến là 8 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng, với người điều khiển xe gắn máy; từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng với người điều khiển xe ôtô.

Mặc dù biết sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vì ham vui, cả nể vẫn uống và cố tình lái xe. Dù với lý do gì, cá nhân sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho bản thân họ và người khác. Thực tế, các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng chỉ giúp giải quyết “phần ngọn”, là giải pháp phù hợp với những thời điểm cụ thể. Vấn đề căn cốt và mang tính lâu dài chính là ý thức tự giác chấp hành của mỗi công dân khi tham gia giao thông. Mỗi người cần hình thành thói quen văn hóa giao thông “đã uống rượu bia không lái xe”, “đã lái xe thì không uống rượu bia”, vì sự an toàn của bản thân, cộng đồng và xã hội.

Rủi ro tiềm ẩn từ mua thuốc online

Có lẽ chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe như thuốc chữa bệnh lại được mua bán dễ dàng như hiện nay, thông qua qua mạng xã hội hoặc các phiên livestream. Nhiều tài khoản mạng xã hội đang tổ chức bán thuốc với giỏ hàng đa dạng, từ thuốc trị cảm cúm đến hỗ trợ điều trị ung thư để người dân không cần đơn thuốc của bác sỹ vẫn mua được dễ dàng, trong khi nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của thuốc thì chưa được kiểm chứng. Thời gian qua hàng nghìn loại thuốc giả đã bị phát hiện và thu giữ trước khi được tiêu thụ trên thị trường thông qua mạng xã hội. Một đối tượng làm thuốc giả khi bị bắt giữ đã khai nhận quy trình sản xuất hết sức đơn giản. Đó là lên mạng tự tìm hiểu công thức và nhờ in, giao dịch qua mạng để nhận làm ra sản phẩm, mua viên C sủi về rồi dán nhãn.

Bước đi tiếp theo của các sản phẩm thuốc giả này là tung lên các nền tảng mạng xã hội, trong những livestream với đủ hình thức để tiếp cận người tiêu dùng. Họ sử dụng hình ảnh các cá nhân, người nổi tiếng, tự khoác lên tấm áo blouse trắng giống như dược sĩ, bác sỹ... khiến người tiêu dùng tin tưởng vào các loại thuốc được chào bán. Vậy là, mỗi ngày có hàng nghìn đơn thuốc được các "thần y" hay dược sĩ "tự xưng" chuyển đến tay người tiêu dùng mà không thông qua bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào về chất lượng. Do đó, có không ít người "tiền mất, tật mang" vì tin theo những lời quảng cáo mua thuốc trên mạng xã hội để tự điều trị tại nhà.

Ảnh minh họa

Việc bán các mặt hàng y tế, nhất là thuốc trên mạng xã hội hay livestream khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát về nguồn, chất lượng sản phẩm. Chỉ có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc mới xác định độ thật - giả. Tuy nhiên, việc này cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các mặt hàng được mua bán công khai trên các trang mạng dẫn tới người mua, người tiêu dùng lựa chọn sử dụng thuốc mà không thông qua bác sỹ kê đơn; đôi khi tự tra cứu tên thuốc, công dụng của thuốc rồi tự đặt mua thuốc dẫn tới vô hình chung đã tiếp tay cho việc tiêu thụ cũng như lan truyền thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong khi đó, những đường dây sản xuất thuốc có hoạt động tinh vi, địa bàn rộng lớn, thậm chí đặt máy chủ tại nước ngoài nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Các đối tượng rao bán không rõ địa chỉ cụ thể nào, các thông tin, địa điểm, cơ sở giả nên để cơ quan chức năng để truy nguyên ra đối tượng không phải dễ nên các đối tượng không chỉ lừa một lần mà còn nhắm tới nhiều người, nhiều lần, thu lợi bất chính số tiền rất lớn mà chưa bị phát hiện.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Hà Nội, dù hiện đã có các quy định về điều kiện bán thuốc, tư vấn, đặc biệt là không được phép bán thuốc kê đơn online nhưng thực tế rất khó để kiểm soát vấn đề này. Để quản lý tốt quy trình này cần có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông vào các khâu của việc phân phối thuốc đến người tiêu dùng. Đòi hỏi công tác quản lý không chỉ có ngành đơn lẻ mà phải có sự phối hợp, phải có các tổ liên ngành và cơ chế phối hợp mới có thể xử lý được. Bán thuốc trên không gian mạng tất yếu sẽ diễn ra và trong tương lai sẽ càng phổ biến, vấn đề là công tác quản lý, bố trí lực lượng để thẩm tra, kiểm tra, xác minh ra sao. Chúng ta phải hoàn thiện chính sách để đảm bảo phát hiện kịp thời và kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này. Bộ Y tế cần có quy định rõ ràng hơn đối với những danh mục sản phẩm, thông tin sản phẩm bày bán trên sàn thương mại điện tử.

Thuốc được quy định là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó, không phải ai và qua hình thức nào cũng có thể bán thuốc. Vấn đề là đã đến lúc cần có các giải pháp để tăng cường quản lý hình thức bán hàng này hiệu quả hơn, giúp bảo vệ sức khỏe người dân. Và người dân, đủ hiểu biết và tỉnh táo dể quay lưng với mọi hình thức mua bán thuốc điều trị bệnh trên mạng./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người Hà Nội yêu hoa bằng lăng hơn vàng; Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số; Sau trận mưa lớn kéo dài ngày 12/5, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu và gây sạt lở đất ở Ba Vì… là những nội dung số trong chương trình hôm nay.

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1; Hà Nội thí điểm quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm; Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của World Travel Awards 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dự kiến dành hơn 17 nghìn tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở; Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt để cảnh báo cho người dân; Hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi vừa bị lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép tạng thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp, sự sống tính bằng giờ; Mỗi năm Việt Nam cần hàng nghìn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia; Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của người phụ nữ Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.