18 bị án được ân giảm án tử hình xuống chung thân | Hà Nội tin mỗi chiều

18 bị án được ân giảm án tử hình xuống chung thân; Xuất khẩu lao động vượt xa mục tiêu trong năm 2023... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

18 bị án được ân giảm án tử hình xuống chung thân

Hôm qua (27/12), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định ân giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án. Quyết định trên thể hiện sâu sắc tính nhân đạo nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.

Việc Chủ tịch nước quyết định giảm án tử hình có tác động xã hội to lớn. Đó không phải là thái độ nương nhẹ đối với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mà là thể hiện tinh thần khoan dung, khoan hồng và nhân đạo của Nhà nước ta. Tinh thần khoan dung là động lực để người bị kết án có cơ hội hối cải, phấn đấu cải tạo trở lại làm con người bình thường, đồng thời, tạo sự đồng thuận xã hội.

Ảnh minh họa

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Nếu được ân giảm, hình phạt tử hình sẽ giảm xuống tù chung thân. Nếu đơn xin ân giảm bị bác, bản án tử hình được thi hành. Ngoài ân giảm án tử hình, Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định đặc xá. Đây là hình thức tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Xét ân giảm án tử hình là một vấn đề rất khó khăn trong công tác thi hành án. Vì quyết định này liên quan đến sinh mệnh con người và tính nghiêm minh của pháp luật. Mặt khác quyết định này luôn là vấn đề nhạy cảm với dư luận xã hội. Vì thế chính sách khoan hồng phải đặt trong bối cảnh thực tế, đảm bảo tính minh bạch từ chủ trương đến quá trình thực hiện, và được nhân dân đồng tình. Trong năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hai lần ký quyết định ân giảm cho tử tù, thể hiện tư tưởng nhân văn và hợp xu thế thời đại.

Tử hình là một hình phạt nghiêm khắc nhất trong hình sự. Vì tính nhân đạo nên nhiều quốc gia đã loại bỏ hình phạt này khỏi bộ luật hình sự ở các nước. Theo Ân xá Quốc tế thì hiện nay có 144 quốc gia đã bãi bỏ hoặc hoãn việc tử hình, 108 quốc gia đã xóa bỏ hoàn toàn án tử hình cho tất cả các loại tội phạm. Trong đó có 104 quốc gia (chiếm 54%) đã bãi bỏ án tử hình cho tất cả các tội danh.

Như vậy, đối với hai lần ký quyết định ân xá của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong năm nay được xem là hợp xu thế. Thứ nhất khẳng định tinh thần nhân đạo trong nhà nước pháp quyền, thứ 2 phù hợp với quan niệm nhân đạo của toàn thế giới. Những người bị kết án tử hình thì không có hình thức đặc xá đối với họ. Vì vậy, quyết định ân giảm là một con đường duy nhất để họ có cơ hội duy trì sự sống, cải tạo bản thân và sửa đổi sai lầm.

Xuất khẩu lao động vượt xa mục tiêu trong năm 2023

Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận của nước ta trong năm 2023, đó là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với gần 160.000 người đi lao động nước ngoài năm 2023, Việt Nam vượt xa kế hoạch đặt ra tới gần 35%, vượt mức kỷ lục của thời điểm trước dịch COVID-19.

Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, tạo cơ hội để tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình họ, đóng góp nguồn ngoại tệ cho đất nước. Hiện Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở một số thị trường lớn. Lớn nhất là thị trường Nhật Bản, khoảng 300.000 người; tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 260.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường châu Âu, Trung Đông và các nước Đông Nam Á.

Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất trong 7 tháng đầu năm.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80%; còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ. Trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Tính chung, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân thu nhập cao hơn từ 5 đến 8 lần so với thu nhập trong nước.Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa. Người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, quan trọng hơn nữa là tay nghề, trình độ của họ cũng trở thành một nguồn lực quý.

Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận thực tế, lao động của Việt Nam hiện vẫn còn những điểm yếu cần phải khắc phục, đó là tình trạng ngoại ngữ kém, thiếu kỷ luật. Các công ty làm dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài chỉ quan tâm vào lợi nhuận đạt được chưa quan tâm đến vấn đề chất lượng, không có các định hướng, đào tạo tiếng và nghề nghiệp một cách bài bản. Vấn đề thứ hai là một số công ty đã ủy thác trách nhiệm cho những cá nhân hoặc chi nhánh thực hiện các hoạt động xuất khẩu, dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

Để nâng cao cái sức cạnh tranh của lao động Việt Nam trên các thị trường quốc tế, điều cần nhất hiện nay là cải thiện trình độ tay nghề và tác phong kỷ luật lao động, bắt đầu từ cải thiện chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động. Thứ nữa là thúc đẩy công tác gắn kết giữa đào tạo và giáo dục nghề nghiệp với các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như thế sẽ chủ động nguồn lao động đã qua đào tạo, rèn luyện, có trình độ tay nghề, có trình độ ngoại ngữ đi làm việc ở nước ngoài.

Việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cũng như tạo điều kiện để cho thanh niên có thể tiếp cận ngành nghề, công nghệ mới, rèn luyện tác phong lao động chuyên nghiệp. Cho nên, vấn đề đặt ra là khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về thì việc tạo môi trường lao động trong nước như thế nào để có thể phát huy nguồn nhân lực này vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đó là một đêm dài với thành phố Hà Nội. Rất nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn và y tế đã được huy động để nỗ lực dập tắt vụ hoả hoạn xảy ra ở số 258 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm. Trước ngọn lửa dữ, đã có nhiều người không thể thoát thân. Một vụ cháy khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót và cả phẫn nộ. Từ sáng sớm tới tận chiều muộn, ở đâu người ta cũng theo dõi tin tức về vụ việc này.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam ta thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò, sức mạnh quân sự Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (có hiệu lực từ 1/1/2025), quy định xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định khí thải hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.

Hơn một tháng nữa, Tết đến xuân về. Những trận mưa phùn cuối tuần trước cộng với tiết trời lạnh đặc trưng của mùa đông, mầm xanh trên cành đào bừng tỉnh, báo hiệu người dân đã sẵn sàng cho vụ Tết đang cận kề. Ở những làng hoa ven đô như Tây Tựu, Ngọc Hà từng tốp người chăng đèn sưởi ấm cho hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội.

Là một người yêu Hà Nội, hẳn chúng ta luôn thấy hạnh phúc vì những thứ mình đang có và cả những thứ Thành phố này đem lại cho mình. Ở Hà Nội, ta sẽ quen với cảm giác được thức giấc bởi tiếng loa phường thân thuộc chào ngày mới "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Câu hỏi đặt ra liệu đâu đó còn những Mr.Pips tương tự như thế nữa không?