5 sự kiện nổi bật thị trường bất động sản 2024
3 luật mới liên quan đến BĐS đi vào thực thi
Nổi bật nhất và có tác động lớn nhất đến thị trường BĐS phải kể đến việc Quốc hội cho phép ba luật mới liên quan đến BĐS có hiệu lực sớm hơn 5 tháng. Từ 1/8/2024, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được thực thi, đánh dấu mốc quan trọng, định hướng thị trường BĐS từng bước phát triển lành mạnh bền vững.
Thống kê cho thấy, có tới 70% những vướng mắc gặp phải trên thị trường BĐS liên quan đến vấn đề pháp lý. Việc thực thị các luật mới được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường được khơi thông với những quy định mới, bắt kịp với xu thế phát triển hiện nay.
Luật Đất đai mới giúp minh bạch, khơi thông thủ tục pháp lý, góp phần giảm giá BĐS. Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi nhiều qui định mới bảo vệ quyền lợi người mua nhà, sàng lọc nhà đầu tư, minh bạch thị trường. Luật Nhà ở với nhiều qui định mới thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030
Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng.
Theo đó, Quy hoạch xác định sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù: đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đô thị khoa học công nghệ, đô thị sân bay, đô thị du lịch...
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội được xác định theo mô hình: 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực phát triển - 5 vùng kinh tế, xã hội - 5 vùng đô thị. Hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô.
Để thị trường BĐS trở lại lành mạnh và phát triển
"Đầu cơ", "thổi giá", "giá ảo", "giao dịch ảo",… những cụm từ này xuất hiện ngày càng nhiều khi nói về thị trường BĐS năm 2024. Nó cho thấy thị trường đang thiếu lành mạnh. Trong suốt năm qua, Đài Hà Nội đã triển khai nhiều tuyến bài phản ánh, phân tích, bình luận về các vấn đề đang còn bất ổn của thị trường.
Diễn đàn quy mô quốc gia với chủ đề "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển" được Đài Hà Nội chủ trì tổ chức ngày 16/11/2024. Tại diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận những vấn đề tồn tại, bất cập của thị trường; nguyên nhân đến từ thể chế chính sách, các điểm nghẽn được tháo gỡ, qua đó thống nhất các giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; trong đó, lũng đoạn thị trường BĐS phải coi là tội phạm kinh tế bởi hành vi này không chỉ gây hậu quả về kinh tế mà còn để lại hệ lụy khôn lường đối với đời sống xã hội.
Nhiều chiêu trò tiêu cực, lũng đoạn đấu giá đất
Ngày 10/8/2024, phiên đấu giá đất tại Thanh Oai với mức trúng giá cao nhất lên tới 100,5 triệu đồng/m² đã mở đầu cho một loạt các phiên đấu giá đất với nhiều chiêu trò tiêu cực. Sau đó, liên tiếp các cuộc đấu giá đất tại Hoài Đức, Hà Đông, Phúc Thọ, Sóc Sơn… đều xuất hiện hành vi thao túng, gây nhiễu loạn thị trường. Điển hình là việc trả giá cao, tạo sốt ảo rồi bỏ cọc.
Đỉnh điểm là hành vi phá đấu giá đất tại xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Tại cuộc đấu giá được tổ chức ngày 29/11/2024, 3 thửa đất đã được 1 cá nhân trả giá cao không tưởng: 30 tỷ đồng/1m². Công an Thành phố đã bắt tạm giam 5 đối tượng để điều tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản. Vụ án đã bộc lộ rõ nhất những hành vi cấu kết, thao túng đấu giá đất để trục lợi. Chỉ trong 4 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai công điện để chấn chỉnh.
Có thể thấy, việc cố ý đẩy giá đất đấu giá lên mức cao bất thường rồi phá hỏng kết quả đấu giá được cho là hành động phá hoại nguyên tắc công khai, minh bạch - yếu tố cốt lõi trong quản lý tài sản nhà nước. Hệ lụy từ hành vi này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực pháp lý mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Khi giá đất bị thao túng, giá trị thực của tài sản không còn được phản ánh đúng, dẫn đến các giao dịch tiếp theo trở nên khó khăn và thiếu tin cậy. Điều này cũng tạo ra mặt bằng giá ảo, khiến các nhà đầu tư chân chính gặp khó khăn trong việc tham gia vào thị trường.
Nhiều dự án NƠXH được triển khai
Trong những tháng cuối năm 2024, thị trường BĐS bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực khi nhiều dự án được khơi thông, quay trở lại thị trường. Đặc biệt, một số dự án nhà ở xã hội được khởi công càng hứa hẹn về một bức tranh tươi sáng của thị trường BĐS khi nguồn cung nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp được bổ sung.
Ngày 05/12/2024, dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 Hạ Đình khu đô thị Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì được khởi công, khi hoàn thành sẽ cung cấp 440 căn hộ.
Ngày 17/12/2024, Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng tổ chức khởi công Dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh với quy mô 466 căn hộ. 4 dự án khác cũng được Thành phố cấp phép xây dựng và chuẩn bị khởi công trong năm 2025 sẽ giúp công nhân lao động, người có thu nhập thấp thêm cơ hội an cư, lạc nghiệp.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) với tổng diện tích nghiên cứu khoảng 31,6 ha; bao gồm 23 công trình chung cư.
Sau gần 14 tiếng đồng hồ, phiên đấu giá 26 thửa đất tại thôn Yên Quán, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai đã thành công. Thửa có giá trúng cao nhất là 76,7 triệu đồng/m2, gấp khoảng 16 lần giá khởi điểm và thấp nhất là 40,7 triệu đồng/m2.
Những ngày qua, cư dân sinh sống tại các tòa chung cư Mulberry Lane và Seasons Avenue (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) rất bức xúc khi Ban quản lý tòa nhà tăng phí gửi xe từ 1,2 triệu đồng lên tới 1,85 triệu đồng/tháng.
Năm 2025, dự kiến, khu vực Hà Nội và vùng vệ tinh sẽ cung cấp khoảng 37.000 sản phẩm, trong khi TP. Hồ Chí Minh và vùng ven sẽ đạt khoảng 18.000 sản phẩm.
Việc cải tạo chung cư cũ thành công trước hết sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, cải thiện bộ mặt đô thị và xa hơn là giải pháp góp phần bình ổn thị trường.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đã có nhiều nội dung nhằm điều chỉnh những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá.
0