8,5 triệu đẻ thành 8,8 tỉ và đạo đức kinh doanh của Eximbank

Câu chuyện một khách hàng ở Quảng Ninh vay tín dụng tiêu dùng từ một chi nhánh ngân hàng Eximbank với số tiền ban đầu 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm số nợ phải trả là hơn 8,8 tỉ đồng đang là đề tài gây bão trên cộng đồng báo chí, trong dư luận xã hội. Nhiều chuyên gia, luật sư am hiểu lĩnh vực đầu tư tài chính, từ nhiều góc nhìn đã bày tỏ quan điểm về vụ việc đang thành sự kiện này.

Đúng, sai; ai đúng ai sai trong câu chuyện này cần có thời gian; cần những chứng cứ tin cậy từ hai phía, và hơn hết, cần sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí của cơ quan chức năng khác…

Trong thời buổi kinh tế thị trường, với xu thế hội nhập sâu rộng trên nền tảng số, có mấy ai không là khách hàng của các thực thể tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại? Không là khách hàng trên thực tế thì cũng là khách hàng tiềm năng. Có người nói vui, đố ai, thời buổi này, không một lần “qua lại” với ngân hàng!

Có người nói vui, đố ai, thời buổi này, không một lần “qua lại” với ngân hàng

Với mọi loại hình kinh doanh thương mại, nhà kinh doanh luôn tâm niệm khách hàng là thượng đế. Khách hàng là cơ hội, là nguồn sống của mỗi doanh nghiệp. Không có khách hàng, làm sao có động lực phát triển, nguồn thu và lợi nhuận! Vậy nên, các nhà kinh doanh luôn quan tâm xây dựng chiến lược thu hút khách hàng bằng sự thân thiện, tin cậy. Những doanh nghiệp ăn nên làm ra, phát triển bền vững, lớn mạnh không ngừng luôn đề cao chữ tín, coi “chữ tín hơn vàng”. Không một doanh nghiệp nào dựa vào thủ đoạn kinh doanh thiếu minh bạch, lừa dối khách hàng, thậm chí chăng dây gài bẫy trục lợi từ khách hàng mà thành danh, mà nên thương hiệu bền lâu.

Trở lại với sự kiện từ 8,5 triệu thành hơn 8,8 tỉ sau gần 11 năm của một khách hàng với chi nhánh Eximbank.

Eximbank và câu chuyện "lãi mẹ đẻ lãi con" đang là chủ đề nóng trên internet những ngày gần đây. Ảnh: Hiệp hội ngân hàng Việt Nam

Không ít người đã thử làm con tính: Với số tiền 8,5 triệu đồng, mang gửi tiết kiệm, với lãi suất cao nhất qua từng giai đoạn, sau 11 năm sẽ thành bao nhiêu? Kết quả cho một con số rất khiêm tốn.

Vấn đề là tiền gửi để lấy lãi và tiền cho vay để ăn lời.

Vấn đề là cách tính.

Eximbank tận dụng triệt để cách tính lãi chồng lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, thêm lãi cháu, lãi chắt. Khách hàng có vô tình quên hay cố ý quên, thì ngân hàng cũng chẳng có gì phải động lòng. Họ có cây gậy là bản hợp đồng chứa đựng không ít những tình tiết lắt léo mà chỉ có họ mới hiểu hết. Bút sa gà chết. Càng kéo dài thời gian, nợ càng chồng nợ, lãi tăng thêm lãi, chỉ có lợi cho phía ngân hàng, và tất nhiên bất lợi cho phía “thượng đế”.

Quan sát cách tính lãi này, thấy thấp thoáng hình bóng của những quỹ tín dụng ngoài xã hội, mà ta thường gọi là “quỹ tín dụng đen”.

Có phải mọi ngân hàng thương mại đều ứng xử với khách hàng như chi nhánh Eximbank kia?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng tỏ sự hoài nghi: “Ngay cả khi tính lãi kép, tức là lãi mẹ đẻ lãi con cộng cả lãi phạt, tôi không thấy cách tính nào để lên con số tiền “khủng” như vậy. Đặc biệt, món nợ sau khoảng 90 ngày mà khách hàng không trả nợ thì ngân hàng đã ngừng hạch toán lãi rồi. Trong khi Eximbank vẫn tính lãi. Tôi không hiểu ngân hàng làm vậy có đúng luật hay không? Tôi rất mong ngân hàng nhà nước công bố kết quả để mọi người đều biết”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe người đứng đầu Chính phủ nhắn gửi tới giới kinh doanh, các nhà đầu tư về triết lý “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Trong câu chuyện ứng xử giữa chi nhánh Eximbank với khách hàng cụ thể kia, có yếu tố nào thể hiện khái niệm “hài hòa”, “chia sẻ”?

Chuyện phải - trái, sai - đúng, chưa luận bàn. Nhưng chuyện được - mất thì đã lộ diện. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm: “Riêng bản thân tôi, không bao giờ tôi dùng thẻ tín dụng. Có tiền mặt thì tôi sẽ sử dụng, hết tiền chấp nhận nhịn đói chứ không dùng thẻ tín dụng”.

Đó là phản ứng xã hội thông thường, không phải cá biệt, dù có phần cực đoan.

Vụ việc có tính sự kiện liên quan đến thẻ tín dụng ở chi nhánh ngân hàng Eximbank còn chưa có hồi kết. Vụ việc tạo ra một cú sốc trong mối quan hệ giữa khách hàng với doanh nghiệp, nhưng đồng thời sẽ là cơ hội khiến khách hàng và doanh nghiệp kịp nhận ra bài học rất đáng giá.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tính đến hiện tại, đã có 18 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Techcombank tạm dẫn đầu, đứng sau lần lượt là MB, ACB, HDBank và SHB.

Hôm nay, giá vàng trong nước và vàng thế giới tăng trở lại. Hiện vàng SJC giao dịch ở mức 82-84,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tính đến sáng ngày 25/4, đã có 14 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Trong đó, VPBank, BVBank và OCB là ba ngân hàng mới công bố lợi nhuận với nhiều số liệu đáng chú ý.

Hôm nay, vàng trong nước lại quay đầu tăng sốc sau khi giảm nhiệt vào hôm qua. Tăng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/lượng ở cả chiều bán ra và chiều mua vào.

Tính đến hôm nay 24/4, đã có 11 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Trong đó, có 6 ngân hàng đã cung cấp báo cáo tài chính, 5 ngân hàng còn lại thông báo trong Đại hội đồng cổ đông hoặc qua các phương tiện truyền thông.

Ngân hàng Nhà nước đã bán 110 triệu USD khi tỷ giá trên liên ngân hàng chủ yếu giao dịch quanh mức 25.450/USD trong ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành viên liên ngân hàng. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm 40 đồng mỗi chiều.