À ơi khúc hát ru hời

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn vì có một tuổi thơ lớn lên trong những lời hát ru ngọt ngào. Biết bao những yêu thương vô bờ, chan chứa và cả những khát vọng sâu kín đều được thế hệ các bà, các mẹ chúng tôi gìn giữ và gửi gắm trọn vẹn vào những câu hát ầu ơ da diết. Mỗi khi tiếng hát ru cất lên, những đứa trẻ chúng tôi lại được chìm sâu vào những giấc ngủ ngon lành và mơ về những giấc mơ cổ tích. Để rồi sau này, cho dù có đi đến đâu, khi nhớ về những ngày tháng ấy, chúng ta như được vỗ về và an ủi sau những ngày tháng nhọc nhằn mưu sinh.

Những lời ca mộc mạc sâu lắng mà mỗi một lần tôi vô tình nghe được đều đem tôi trở về với biết bao nỗi niềm khắc khoải rưng rưng khi nhớ về nơi quê hương yêu dấu. Tôi nghe cồn cào trong dạ những thèm thuồng lâu ngày cái mùi vị ngai ngái của đất bùn, mùi thơm thoang thoảng của cánh đồng lúa chín nơi đồng nội, cho tới mùi hương quen thuộc của những giàn hoa thiên lý. Tôi cũng thao thiết nhớ nhung những dáng lưng cong gầy của những người phụ nữ giống như mẹ tôi, sống trọn một đời tần tảo, hi sinh với tình yêu thương con cái vô bờ.

Quay trở về với thời khắc những trưa hè oi nồng, nằm trên cánh võng đung đưa, lắng tai nghe những lời ru trong trẻo, ở một nơi xa lạ nơi xứ người, tôi đã bất giác thầm gọi hai tiếng, “mẹ ơi”…  xen lẫn trong những tiếng à ơi, da diết… thân thương.

Tất cả những xúc cảm thiêng liêng nhất, trọn vẹn và tinh túy nhất được gói gọn trong mỗi lời hát ru. Sau này, theo nhịp bước trưởng thành, chúng tôi có thể được lắng nghe và yêu thích thêm nhiều giai điệu, ca từ, thể loại khác nhau, thế nhưng những giai điệu hát ru thì chẳng có bài ca nào có thể thay thế, và tất nhiên cũng chẳng có ca sĩ nào có thể khiến cho ta xúc động như khi được nghe tiếng hát của bà, của mẹ trong những tháng ngày thơ ấu.

Biết bao những yêu thương vô bờ, chan chứa và cả những khát vọng sâu kín đều được thế hệ các bà, các mẹ gìn giữ và gửi gắm trọn vẹn vào những câu hát ầu ơ da diết.

Tiếng ru đã đi qua nhiều thế hệ của những người dân trên đất nước tôi. Đó là biết bao lắng đọng chắt chiu những yêu thương chan chứa của tình mẫu tử thiêng liêng, của nhớ nhung nguồn cội. Cứ mỗi lần, những tiếng ru quen thuộc ấy được cất lên, tôi đều cảm thấy trong sâu thẳm nghèn nghẹn có một thứ cảm xúc đặc biệt khó lòng mà diễn tả. Khúc nhạc trầm bổng ngân nga, có đôi lúc là những giai điệu trong trẻo khoan thai, nhưng cũng có những lúc lại chan chứa biết bao những nỗi niềm tâm sự. Để rồi từng lời ca tiếng hát ấy đã trở thành những giai điệu đầu tiên và cũng là những giai điệu khó quên nhất trong cuộc đời mỗi người.

Cái cò mà đi ăn đêm.

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.

Ông ơi! ông vớt tôi nao.

Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.

Những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng luôn chứa đựng cả những bài học đạo đức làm người. Để rồi, chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành từ những khúc hát ru, những hình ảnh đọng lại là cánh cò, cánh vạc, giếng nước, gốc đa. Trong lời ru mênh mang và da diết ấy, cũng có đôi khi ta chợt thảng thốt nhận ra, rồi một lúc nào đó, ta sẽ vĩnh viễn không còn được nghe thấy giọng hát ru ngọt ngào của mẹ. Sau những tháng ngày nhọc nhằn, bươn chải, ta lại khao khát tìm về với những giản dị và bình yên nơi lòng mẹ. Những khúc hát ru đã trở thành biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng. Một thứ tình cảm khởi nguồn cho mọi điều đẹp đẽ nhất trên thế gian này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong những giấc mơ hồi trẻ thơ, có một người thường nghe thấy tiếng sóng biển rì rầm, những ngọn sóng xanh mơn man bờ cát, nên ước ao một lần được nhìn thấy biển. Những câu chuyện mà ba cô thường hay kể cho chị em cô nghe mỗi khi rảnh rỗi, càng làm cô nôn nao những mơ ước về biển.

Vào một ngày giữa thu lộng gió, có một người bỗng thèm ly cà phê trứng nóng, nhớ cái hương vị đắng đót với béo ngọt ngầy ngậy đan nhau thành thức uống đặc trưng của Thủ đô. Cô nhớ cái không gian đượm mùi phố cổ - chật chội và xưa cũ, mùi cà phê quyện với mùi người, mùi của tường vôi trắng hòa trong những sợi nắng vàng hơn rót mật.

Chuyến bay đầu ngày từ thành phố Hồ Chí Minh hạ cánh xuống Nội Bài lúc ngoài trời vừa hửng nắng. Đón xe qua phố cổ trong cái háo hức như thể sắp gặp lại người bạn cũ, tim một người bất chợt rộn ràng nhanh hơn cả tốc độ vụt qua của cảnh vật bên ngoài cửa kính. Những con đường rộng rãi nối liền trục chính, rồi từ vô vàn ngã rẽ lại vẽ ra biết bao lối nhỏ vào đời thân thương mà ai đến đây lần đầu cũng đều khắc sâu ấn tượng.

Có những nỗi nhớ sẽ luôn tìm cớ trở về. Giữa những bộn bề của cuộc sống, trái tim luôn biết chắt lọc những thương nhớ thẳm sâu. Giữa những nhung nhớ ấy có một dòng sông quê lấp lánh.

Mỗi lần nghĩ đến lời hẹn về Thủ đô, có một người lại có cảm giác mình đang mắc nợ. Hà thành nhẫn nại đợi chờ, Hà thành chẳng bao giờ cất tiếng đòi cô phải thực thi món nợ đã kéo dài suốt hai thập niên. Nhưng cô lại thấy mình như kẻ thất hứa.

Tan làm về muộn, tôi đi chầm chậm qua những con đường thoáng rộng của Hà Nội, ngắm nhìn vẻ đẹp tĩnh lặng và sâu lắng của Thủ đô, vẻ đẹp mà ban ngày tôi không thể nhìn thấy. Hít hà hương bao loài hoa nhẹ nhàng thoang thoảng đâu đây, cảm nhận một thoáng heo may lướt nhẹ qua bờ vai, tôi biết, mùa thu đã về.