Ai đang đi mua vàng?

Ngoài những người có nhu cầu thực, nhiều người đến chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước để mua vàng chỉ vì theo tâm lý đám đông, thậm chí có các đối tượng mua vàng để bán lại ăn chênh lệch.

Sáng nay (12/6), tại các chi nhánh của Vietcombank ở Hà Nội không còn cảnh người dân chen chúc đến mua vàng như những ngày trước đó khi ngân hàng này thông báo chỉ bán vàng cho người đặt trước qua online. Tuy nhiên, dòng người lại đổ về các các chi nhánh của ba ngân hàng thương mại nhà nước gồm BIDV, Agribank, Vietinbank tại các phố Bà Triệu, Phố Huế để tìm kiếm cơ hội mua vàng với giá “bình ổn”.

Người dân xếp hàng rất đông trước cửa một ngân hàng để mua vàng hôm 11/6.

Trong dòng người đội nắng chờ đến lượt mua giới hạn 1 lượng vàng tại cửa hàng của Công ty SJC trên “phố vàng” Trần Nhân Tông, phóng viên Đài Hà Nội quan sát thấy có khá nhiều người đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam.

Trong số này có nhiều người lớn tuổi đi mua vàng với mục đích tích trữ khi không còn cơ hội kinh doanh và xem đây như kênh “cất giữ an toàn”, đề phòng rủi ro. Một số người cho biết họ mua để trả những khoản vay nợ bằng vàng trước đó. Vàng thực tế vẫn đang được sử dụng trong một số loại hình giao dịch cá nhân, nhất là ở ở các vùng nông thôn.

“Tôi muốn mua 2 cây để trả nợ số vàng đã vay hai năm trước”, anh Lê Văn Dũng ở Phú Thọ nói. Anh đến xếp hàng tại chi nhánh của Vietinbank tại phố Bà Triệu từ 2 giờ sáng. Hai ngày xếp hàng song người đàn ông 35 tuổi này vẫn chưa mua được lượng vàng nào. Anh nói “sẽ xếp hàng đến cuối tuần đến khi mua được mới thôi”.

Lặn lội gần 60 km từ huyện Yên Thế, Bắc Giang về Hà Nội xếp hàng mua vàng tại chi nhánh ngân hàng Agribank ở phố Láng Hạ, bà Nguyễn Thị Vui cho biết muốn mua một lượng vàng để làm quà cưới cho con gái.

Những trường hợp kể trên đều là người mua xuất phát từ nhu cầu thực. Tuy nhiên, trong đám đông người chen chúc tại các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, chúng tôi bắt gặp nhiều người đi mua vàng do xuất phát từ “tâm lý đám đông”, hay còn gọi là hội chứng “sợ bị bỏ lỡ cơ hội” (FOMO). Những người này không có nhu cầu tích trữ hay dùng trong các giao dịch dân sự nhưng mua vàng chỉ vì thấy người xung quanh… đi mua vàng.

“Vài ngày trước đi qua các địa điểm bán vàng, thấy người ta xếp hàng đông nên tôi cũng vào xem rồi xếp hàng chờ mua”, anh Lê Anh Quân, ở quận Hà Đông, Hà Nội nói và cho rằng thấy mức giá “hợp lý” thì mua với số lượng nhỏ. Nhưng sau một hồi xếp hàng mà không được phát số, anh đã bỏ cuộc giữa chừng.

Trong một tuần ghi nhận tình hình mua bán vàng ở nhiều địa điểm, chúng tôi còn bắt gặp một số người được thuê mua vàng để chờ bán lại ăn chênh lệch. Theo tìm hiểu của PV Đài Hà Nội, các nhóm thuê người đi mua vàng xuất phát từ mạng xã hội, họ trả công người đi mua với thù lao 1,5 triệu đồng/người mỗi ngày nếu mua được 2 lượng vàng.

Tin nhắn rủ nhau đi mua vàng.

Nhiều chuyên gia nhận định có hiện tượng thuê người đi mua vàng. Những người này gom mua thật nhiều vàng hay còn gọi là mua vét. Mục đích của là chờ đến khi NHNN không đủ lực sẽ tung vàng SJC ra bán với giá cao để ăn chênh lệch.

Ngân hàng nhà nước xác định, kể từ ngày bắt đầu bán vàng bình ổn thông qua các NHTM, tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

NHNN cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công an, CAHN, CATPHCM kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường.

Sau khi Vietcombank thay đổi phương thức sang bán vàng online, người dân dồn về các ngân hàng còn lại trong nhóm bốn ngân hàng TMNN và công ty SJC để xếp hàng mua vàng.

Không thể phủ nhận một thực tế: nhu cầu tích trữ vàng của người dân luôn lớn, dù ở thời điểm nào. Thế nhưng những gì diễn ra tại các điểm bán vàng bình ổn tại Hà Nội cho thấy một thực tế: bên cạnh nhu cầu thực tế, vẫn có nhiều người đến mua vàng "không vì mục đích gì"; lại có những nhóm người đi mua vàng với "nhiều mục đích". Chính điều này đang khiến cho thị trường của loại hàng hóa không thiết yếu như vàng trở nên phức tạp và khó lường. Sự vào cuộc của cơ quan công an là cần thiết trong trường hợp này, như đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, nhằm trả lại sự minh bạch, lành mạnh cho thị trường vàng và những người có nhu cầu chính đáng đối với kim loại quý này.

Hôm nay là ngày thứ 8, các ngân hàng TMNN và công ty SJC bán vàng cho người dân, sau khi mua vàng trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng miếng SJC bốn ngày nay đứng yên ở mức 76,98 triệu đồng. Trong khi đó giá vàng thế giới biến động khá thường xuyên, đến hôm nay theo giá quy đổi vào khoảng 71 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trong nước khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Công Thương vừa yêu cầu bảo đảm cung - cầu hàng hoá, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hội Nông dân tỉnh Hà Giang vừa phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức phiên giao dịch giới thiệu, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hà Giang, tại Trung tâm hỗ trợ nông dân Hà Nội vào sáng 21/11.

Tối 21/11, tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) đã tổ chức khai mạc Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024.

Hiện nay, việc thực hiện công khai ngân sách nhà nước là bắt buộc đối với các cấp ngân sách nhà nước (NSNN), đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) có sử dụng vốn NSNN.

Giá Bitcoin tiến sát ngưỡng 100.000 USD khi các nhà đầu tư đặt cược rằng cách tiếp cận quản lý thân thiện hơn của Mỹ đối với tiền điện tử dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ mở ra kỷ nguyên bùng nổ cho loại tài sản này.

Danh sách VNTAX 200 vừa được công bố nhằm ghi nhận đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp, bao gồm mọi loại hình từ nhà nước, tư nhân đến nước ngoài.