Ai dạy trẻ làm người?

(HanoiTV) - Đừng phó thác hoàn toàn cho nhà trường hay xã hội, chính cha mẹ, gia đình cần dạy con, đưa cho con những định hướng và lựa chọn. Và quan trọng hơn, cần dạy bọn trẻ biết cách tôn trọng bản thân mình.

 

Từ khi con tôi biết nói, tôi dặn nó, có hai điều con cần nhớ. Thứ nhất, thân thể con là của con - chỉ của con thôi. Bất kỳ ai đụng đến con mà con không muốn, thì con có quyền từ chối. Nếu đó là người thân, như ông bà hay mẹ, mà đánh con, thì con nói: “Con đau ạ, đừng đánh con nữa”. Còn nếu đó là người ngoài, thì con bỏ chạy, hét lớn, để họ không động đến con nữa. Thứ hai, bố là bạn thân nhất của con, có bất cứ điều gì hãy nói với bố. Kể cả khi thế giới này quay lưng với con thì bố vẫn ở cạnh con. Cái này con quên cũng được, nhất thiết phải nhớ điều thứ nhất.

 

Năm 2018 hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, bị tố "lạm dụng tình dục" học sinh nam của trường. Gã sau đó bị xử 8 năm tù.

Nhưng nhìn lại câu chuyện này ở góc độ khác, các cháu cũng không phải là nhi đồng mẫu giáo, là thiếu niên rồi (lớp 8, lớp 9 có đứa to cao hơn người lớn). Nếu cá nhân chưa đủ sức, thì dăm ba đứa hè nhau lại là không ai bắt nạt được chứ đừng nói lạm dụng tình dục. Nhưng lũ trẻ không đứa nào dám phản kháng. Là vì ý thức về giá trị bản thân của các cháu quá thấp. Ý thức giá trị bản thân - từ thể xác đến tinh thần - là thứ phải được dạy dỗ, xây dựng từ nhỏ.

Nói thì dễ, làm không đơn giản. Hãy nghĩ xem bạn có bao giờ cư xử thế này hoặc tương tự thế này với con trẻ chưa:

1/ Đánh con vì cảm xúc cá nhân bộc phát

Tôi không muốn sa vào tranh luận với những người làm cha mẹ theo trường phái thương cho roi cho vọt, nên thôi, coi như nếu quý bạn đọc đánh con sau khi đã suy nghĩ kỹ vì lợi ích của chúng thì không bàn ở đây.

2/ Phạt con những hình phạt mang tính xúc phạm thân thể hoặc tự trọng.

Ví dụ vạch tội con trước nhiều người, bắt sử dụng đồ vật do chúng làm hỏng như một cách rêu rao, thậm chí có người cạo trọc đầu con.

3/ Quay phim chụp ảnh chế giễu, đùa cợt con trẻ rồi đưa lên mạng làm trò cười (dù các cháu biết và không thích điều đó).

4/ Sỉ nhục bằng lời nói

Tệ nhất là đánh giá thấp trí tuệ hay thể chất của trẻ, so sánh chúng một cách thấp kém.

5/ Chế giễu ngoại hình hay tính cách của trẻ

Như trêu chúng béo/ gày. Chê nhát, vụng về, chậm chạp “ Chả được cái tích sự gì!”... Kể cả cách nói "Con đúng là con lợn béo mẹ yêu nhất đời" thì cũng thế thôi.

6/ Vô tình hoặc cố ý đẩy con trẻ vào những thử thách mà chúng không muốn, dẫn đến nguy hiểm.

Ví dụ bắt trẻ xách đồ nặng, trèo cao, đụng vào các con vật mà chúng sợ, nhốt phòng tối...

Tóm lại, 6 cảnh huống ở trên, theo tôi, gây cho trẻ sự tự ti về quyền tự quyết với thân thể, tinh thần của chúng. Thế nhưng tôi thấy rất nhiều phụ huynh mắc phải, không loại trừ chính tôi. Lặp lại mãi như vậy, hậu quả là hoặc trẻ sợ hãi, thiếu tự tin, hình thành tư duy đánh giá thấp bản thân. Hoặc chúng suy luận, người lớn hay kẻ mạnh hơn thì có quyền. Dù thế nào, đó đều là hậu quả xấu.

 
 

Trẻ cần được uốn nắn dạy dỗ, đúng vậy. Và chính phụ huynh, gia đình có vai trò quyết định trong việc dạy trẻ làm người, chứ không phải là giao phó cho nhà trường và xã hội. Nhưng cái đích mà mọi phụ huynh muốn, là một đứa trẻ tự lập bằng bản lĩnh và chính kiến. Còn đứa trẻ sẽ thành cái gì, là do thiên tư của chúng quyết định. Vậy nên, cần đưa cho trẻ những lựa chọn, và định hướng để chúng tự có lựa chọn tốt.

Trở lại với câu chuyện trường phổ thông Dân tộc nội trú là nơi gã hiệu trưởng hoành hành kể trên. Chúng ta nên biết rằng, một đứa trẻ được nuôi dạy bởi đồng bào dân tộc thiểu số, cực khó để trở nên hèn nhát. Thiếu niên H'mong chẳng hạn, theo truyền thống thì 14-15 tuổi đã làm lễ trưởng thành, tự làm được khẩu súng kíp, tự rèn được con dao đi rừng, dũng mãnh mà thượng võ. Không chỉ tự vệ, đứa trẻ sẽ còn bảo vệ bạn bè mình. Vậy ở đây rõ ràng có một vấn đề trong quá trình rèn giũa, giáo dục trẻ hiện nay, khi mà chúng ta thiên về dạy chữ mà thiếu những kỹ năng sống, nhận thức về giá trị bản thân, mới dẫn đến những miếng mồi ngon cho bọn ô trọc.

 
 

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, một người lăn lộn cả đời để tìm hiểu và gìn giữ các giá trị văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số chia sẻ: "Tôi từng đến khoảng 40 cộng đồng tộc người khác nhau trên đất nước này. Tôi nhận thấy, trong xã hội bản tộc, trẻ em dân tộc thiểu số luôn được coi là báu vật. Chúng rất ít khi bị cha mẹ đánh chửi, càng không bị người ngoài xâm phạm thân thể. Bà con quan niệm rằng, trẻ con có lỗi, là do người lớn dạy dỗ chưa nghiêm. Vì thế, nếu thấy đứa trẻ nào chưa ngoan, người ta sẽ báo cho bố mẹ chúng biết để bảo ban. Bọn trẻ cũng được giáo dục về giới tính từ khá sớm. Vì thế, ngay ở các tộc người cho phép quan hệ tình dục trước hôn nhân, cũng ít xảy ra tình trạng có thai trước ngày cưới”.

Ngày 1/6, nhân việc những đứa trẻ vị thành niên đang làm dấy lên tranh cãi dữ dội về vấn nạn bạo lực học đường, xin được lan man một chút về những bất cập trong dạy dỗ trẻ em về sự tôn trọng bản thân mình. Biết tôn trọng bản thân, thì người khác mới không thể xem nhẹ mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong chương trình công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, động viên các lực lượng đang thi công các dự án đường bộ cao tốc tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.

Khoảng 400 ha rừng tràm sản xuất tại huyện Giang Thành, thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9 quản lý, đang cháy lớn. Hơn 550 chiến sĩ được huy động dập lửa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Trong thắng lợi vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của đội dân công cùng những chiếc “xe đạp thồ” ngày đêm âm thầm ra trận phục vụ chiến dịch.

Chương trình hoạt động của Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về việc đảng viên đăng ký đảm nhận nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đã tạo đột phá. Nhiều việc mới được hoàn thành, những việc khó tồn tại nhiều năm đã được các đảng viên đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Để kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vào ngày 2/5 tới đây, Đài Hà Nội sẽ tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt mang tên "Từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội". Chương trình sẽ được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô và được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, kênh phát thanh FM96, ứng dụng Hanoi On và các nền tảng số của Đài Hà Nội. Công tác chuẩn bị, tập luyện cho chương trình đang được tích cực triển khai.

Hiện các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước đưa vận tải đường sắt đô thị vào hoạt động. Điều này đã thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng của người dân, góp phần từng bước giải quyết nhiều vấn đề giao thông tồn tại.