Ai hưởng lợi từ cuộc chiến leo thang ở Trung Đông?

Cuộc xung đột Israel - Hamas đã góp phần thúc đẩy thị trường vũ khí toàn cầu, với doanh số bán hàng tăng vọt.

Cuộc xung đột Israel - Hamas đã kéo dài hơn 10 tháng qua, phá hủy nhiều khu vực rộng lớn, cướp đi sinh mạng của gần 40.000 người tại Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Phần lớn các nước liên quan đến xung đột ở Dải Gaza đều hứng chịu ảnh hưởng ở mức độ nào đó, song cũng có không ít bên hưởng lợi từ tình hình căng thẳng hiện nay. Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột Israel - Hamas đã góp phần thúc đẩy thị trường vũ khí toàn cầu, với doanh số bán hàng tăng vọt.

Mỹ phê chuẩn gói vũ khí trị giá 20 tỷ USD cho Israel

Mỹ hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nước này hôm 13/8 đã chấp thuận các hợp đồng bán tiêm kích, tên lửa, đạn pháo và xe cơ giới cho Israel để củng cố sức mạnh của đồng minh.

Các hợp đồng này bao gồm hơn 50 chiếc tiêm kích F-15, tên lửa không đối không tầm trung hiện đại (AMRAAM), đạn 120 mm cho xe tăng, đạn pháo có sức nổ lớn và phương tiện cơ giới chiến thuật cho Israel.

Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết nước này đã phê duyệt khả năng bán 50 máy bay phản lực F-15 và thiết bị trị giá gần 19 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ cũng chấp thuận việc bán 33.000 hộp đạn xe tăng và 50.000 hộp đạn súng cối nổ trị giá khoảng 774 triệu USD và các phương tiện quân sự trị giá 583 triệu USD. Các loại đạn xe tăng gần như sẽ có sẵn để giao hàng ngay. Các máy bay chiến đấu F-15 do Boeing sản xuất dự kiến sẽ chỉ xuất xưởng từ năm 2029.

Tiêm kích F-15 do Mỹ sản xuất. Ảnh: Không quân Mỹ.

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Israel và điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ Israel phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng”. Việc bán đạn xe tăng “sẽ cải thiện khả năng của Israel trong việc đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai của kẻ thù, tăng cường phòng thủ quê hương và đóng vai trò ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực”.

Thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD kể trên là một phần trong danh sách vũ khí lớn được gửi đến Israel kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra hồi tháng 10/2023. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington đã gửi 6,5 tỷ USD viện trợ an ninh cho Israel từ đầu xung đột đến nay.

Thỏa thuận bán vũ khí được công bố giữa giai đoạn xung đột tại Dải Gaza có nguy cơ leo thang và mở rộng, sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát vào ngày 31/7 ở Tehran. Iran cùng đồng minh thời gian qua nhiều lần công khai đe dọa đáp trả Israel, dù Tel Aviv đến nay vẫn không nhận trách nhiệm vụ tấn công.

Dư luận thế giới đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden cắt đứt việc chuyển giao vũ khí cho Israel, cáo buộc rằng điều này khiến Mỹ trở thành đồng lõa trong việc tàn phá Gaza.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, có nhiều lí do khiến các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ duy trì sự ủng hộ vô điều kiện đối với Israel, bất chấp các hành động gây tranh cãi của nước này trong xung đột với người Palestine. Sự ủng hộ này không chỉ thể hiện qua hỗ trợ kinh tế, quân sự và chính trị mà còn qua việc bảo vệ Israel trên trường quốc tế.

Kể từ khi nhà nước Israel được thành lập, Washington đã cam kết hỗ trợ từ ngày 14/5/1948, gần như đồng thời với việc chính quyền Mỹ công nhận quốc gia này.

Trong 75 năm (tính đến năm 2022), Mỹ đã cung cấp cho Israel hơn 158 tỷ USD viện trợ quân sự và hơn 102 tỷ USD viện trợ kinh tế, đồng thời đóng góp thêm khoảng 10 tỷ USD vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, trong đó có Iron Dome (Vòm sắt).

Một tổ hợp Iron Dome khai hỏa. Ảnh: CNN.

Theo Reuters, trong vòng một thập niên qua, hàng năm Mỹ đều cung cấp cho Israel gói viện trợ quân sự trị giá khoảng 3,8 tỷ USD. Đợt tháng 3 vừa qua, Mỹ đã gửi 1.800 quả bom MK-84 và 500 quả bom MK-82 tới Israel.

Còn theo The Times of Israel, từ khi cuộc xung đột Hamas - Israel nổ ra vào tháng 10 năm ngoái cho đến nay, Mỹ đã chuyển ít nhất 14.000 quả bom MK-84, 6.500 quả bom 500 pounds, 3.000 tên lửa không đối đất dẫn đường chính xác Hellfire, 1.000 quả bom xuyên boongke, 2.600 quả bom đường kính nhỏ thả từ trên không và các loại đạn dược khác.

Bom dẫn đường Mark 84 (MK-84) JDAM. Nguồn: AA.

Ngoài quân sự, Mỹ cũng ủng hộ và hỗ trợ Israel trong nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, kinh tế công nghệ, thương mại quốc tế.

Không chỉ có vậy, hầu hết các dự thảo nghị quyết lên án Israel trong các cuộc xung đột với thế giới Hồi giáo đều bị Mỹ phủ quyết. Sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel đã không ít lần "cứu giúp" họ thoát khỏi những "đòn trừng phạt" từ các quốc gia Ả Rập láng giềng. Xét về mọi mặt thì nhà nước Israel tồn tại được trong 75 năm qua một phần lớn nhờ vào tài trợ từ Mỹ, đặc biệt là trong những năm đầu đi lên gần như từ "con số không".

Tại sao phương Tây lại ủng hộ Israel?

Giáo sư Muhittin Ataman tại Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội Ankara, Tổng biên tập của tờ "Insight Turkey" mới đây nhận định, trong nhiều thập kỷ qua, phương Tây đã duy trì một mối quan hệ hỗ trợ vô điều kiện đối với Israel, bất chấp các hành động gây tranh cãi của quốc gia này trong xung đột với người Palestine.

Sự ủng hộ này không chỉ thể hiện qua các hỗ trợ về mặt kinh tế và quân sự mà còn thông qua việc bảo vệ Israel trên trường quốc tế. Vậy tại sao các chính phủ phương Tây lại duy trì lập trường này? Có một số lý do chính cho sự ủng hộ này.

Một trong những lý do quan trọng khiến phương Tây ủng hộ Israel là do liên quan đến di sản thuộc địa. Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là những nước có lịch sử thuộc địa sâu rộng lớn như Anh và Pháp, đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhà nước Israel vào đầu thế kỷ XX.

Israel được coi là một dự án thuộc địa phương Tây và sự hình thành của nước này là kết quả của các chính sách thực dân và khai thác tài nguyên ở khu vực Trung Đông. Sự liên kết này đã tạo ra một động lực lớn để các nước phương Tây tiếp tục hỗ trợ Israel, vì điều này liên quan đến lợi ích và ảnh hưởng của chính họ trong khu vực.

Lý do thứ hai khiến phương Tây ủng hộ Israel chính là sự kiểm soát tài chính và quyền lực. Sự kiểm soát của các nhóm quyền lực ủng hộ Israel trong lĩnh vực tài chính là một yếu tố không thể bỏ qua. Các nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các chính trị gia và quyết định chính trị ở nhiều nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ.

Các chính trị gia phương Tây thường phải cân nhắc đến sự ủng hộ của các nhóm này vì lợi ích bầu cử và sự tái đắc cử của họ. Ví dụ, hệ thống bầu cử tại Mỹ cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel, khiến nhiều chính trị gia phải ủng hộ chính sách của Israel để duy trì sự hỗ trợ từ các nhóm này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Getty.

Lý do thứ ba chính là sự tiếp nối của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Nhiều người phương Tây, mặc dù không trực tiếp liên quan đến các hoạt động thực dân trong quá khứ, vẫn được hưởng lợi từ sự khai thác tài nguyên của các quốc gia không phải phương Tây. Sự hỗ trợ vô điều kiện đối với Israel có thể được coi là một phần của sự tiếp nối chính sách khai thác này, nơi các lợi ích kinh tế và chính trị của phương Tây được ưu tiên hơn các quyền cơ bản và lợi ích của các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, sự kiểm soát chính trị cũng là nguyên nhân khiến Israel nhận được sự ủng hộ của phương Tây. Sự kiểm soát của các nhóm ủng hộ Israel không chỉ giới hạn ở lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến chính trị.

Nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm cả Vương quốc Anh và Mỹ, đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị và phân cực mạnh mẽ. Sự phụ thuộc vào các nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel có thể khiến các chính trị gia không dám thực hiện các chính sách trái ngược với lợi ích của những nhóm này, dẫn đến sự ủng hộ liên tục đối với Chính phủ Israel, bất chấp những hành động gây tranh cãi của họ.

Sự kiểm soát của các nhóm ủng hộ Israel đối với các nền tảng truyền thông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ của phương Tây đối với Israel. Các phương tiện truyền thông chính thống thường trình bày sự kiện theo quan điểm của Israel và làm giảm hoặc bỏ qua những hành động của quốc gia này. Điều này tạo ra một hình ảnh khác và đôi khi có lợi cho Israel.

Cũng theo quan điểm của giáo sư Ataman, sự ủng hộ của phương Tây đối với Israel là kết quả của một sự kết hợp phức tạp giữa các lý do lịch sử, chính trị, tài chính và truyền thông. "Quân bài" Israel đã phát huy tác dụng cực kỳ to lớn trên bàn cờ địa chiến lược, địa chính trị của phương Tây, đặc biệt là Mỹ ở vùng Trung Đông.

Vì sao Iran trì hoãn đáp trả Israel?

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến lò lửa trung Đông, trong khi Mỹ và đồng minh Israel đang ráo riết chuẩn bị các phương án ứng phó việc Iran trả đũa sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran cách đây hai tuần, thì Tehran dường như vẫn cân nhắc về mức độ và cách thức thực hiện đòn tấn công của mình.

Giới chức Iran mặc dù vẫn công khai tuyên bố tiếp tục cảnh báo về đòn trả đũa mạnh mẽ để "trừng phạt" Israel, nhưng trong những cuộc họp riêng với lãnh đạo các lực lượng dân quân trong "Trục Kháng chiến", giới chức Iran vẫn kêu gọi họ thận trọng, tìm cách cân bằng, hạn chế mọi động thái phô trương sức mạnh nhằm tránh khiến xung đột toàn diện bùng phát trong khu vực.

Trong các cuộc họp gần đây, Iran đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ họ sập "bẫy xung đột" nếu tung đòn tập kích quy mô lớn vào Israel. Tel Aviv có thể lấy lý do xung đột toàn diện làm cái cớ để tấn công chương trình hạt nhân nước này, và về cơ bản vô hiệu hóa năng lực răn đe hạt nhân của Tehran. Israel cũng đã nhiều lần công khai tuyên bố sẽ tập kích cơ sở hạt nhân Iran nếu xung đột nổ ra.

Một cuộc xung đột khu vực sẽ khiến Iran lâm vào tình thế bị cô lập hơn nữa và làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế tại nước này. Việc Iran đối đầu trực diện với Israel trong bối cảnh Israel nhận được hậu thuẫn hùng mạnh từ Mỹ và phương Tây cũng khiến Iran cần phải cân nhắc thận trọng trong mọi đường đi, nước bước của mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều bộ đàm do lực lượng Hezbollah sử dụng lại tiếp tục phát nổ ở nhiều thành phố tại Liban vào chiều tối nay (giờ địa phương). Hiện chưa có báo cáo thương vong.

Phong trào Hezbollah của người Shiite có trụ sở tại Liban vừa tuyên bố sẽ đáp trả Israel vì vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin khiến 11 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Anh Jaan Roose, một vận động viên người Estonia đã hoàn thành chuyến đi thăng bằng trên dây dài hơn 1.000 m, phía trên cây cầu Bosphorus nối liền châu Âu và châu Á.

Một trường nầm non ở Dubai đã sử dụng các công cụ công nghệ cao, được tích hợp trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công việc giảng dạy cho giáo viên, giúp kích thích trí tưởng tượng và tăng khả năng tiếp thu của trẻ nhỏ.

Lệnh sơ tán một phần đã được ban hành tại Toropets, một thị trấn có 11.000 dân ở phía Tây Bắc Moskva, do các mảnh vỡ của một máy bay không người lái Ukraine bị bắn hạ gây ra hỏa hoạn.

Sau khi Trung Quốc công bố loạt số liệu kinh tế không mấy tốt vào cuối tuần vừa rồi, giới phân tích đã cắt giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng cả năm nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.