Ám ảnh kinh hoàng từ những trận bão lũ Giáp Thìn | Hà Nội tin mỗi chiều

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.

Đến nay, tròn 120 năm xảy ra trận bão kinh hoàng ở vùng Gò Công xưa, dân gian thường gọi là Năm Thìn bão lụt. Đó là ngày 1/5/1904, tức ngày 16/3 năm Giáp Thìn. Tâm bão là vùng ven biển Gò Công, nhưng khu vực bị ảnh hưởng nặng thì rất rộng: Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc và Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đọc lại tư liệu xưa thấy nhiều sách báo nói về trận bão kỳ lạ và khủng khiếp này. Kỳ lạ bởi vì bão xảy ra đầu mùa hè, không phải mùa bão lụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

"Thình lình một trận bão thinh không

Nước lụt năm rồng gặp tháng rồng

Giông thổi trốc cây chim khiếp vía

Đất bằng nổi sóng chúng kinh hồn…"

Đó là mấy câu thơ trích đăng trên tờ Nông Cổ Mín Đàm, số ra ngày 9/6/1904.

Làng mạc Gò Công tiêu điều chết chóc sau bão lụt. Ảnh TL.

Theo thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có hơn 5.000 người chết, nhiều vật nuôi bị nhấn chìm, nhà cửa sập đổ la liệt.

Theo các nhà khoa học, trận bão lụt năm Giáp Thìn 1904 là trận sóng thần, địa bàn ảnh hưởng của nó hầu như khắp miền Nam Việt Nam và sang tận Campuchia. Tròn 120 năm trôi qua, Năm Thìn bão lụt vẫn là thiên tai kinh hoàng với người dân Nam Bộ.

60 năm sau, vào năm 1964 - năm Giáp Thìn, đồng bào miền Trung phải hứng chịu trận lũ lịch sử, gây thiệt hại thảm khốc cho các tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Nặng nề nhất là Quảng Nam. Làng Đông An ở xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, là nơi hứng chịu tang thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc.

Đặc biệt, trận lụt đã cuốn gần hết người trong làng, tổng cộng 1.481 người chết, chỉ sống sót được 19 người. Thảm họa này được lưu truyền trong dân gian với tên gọi Đại họa năm Thìn.

Trận đại hồng thủy năm 1964 ở Miền Trung. Ảnh TL.

Năm nay là quy luật 60 năm, chúng ta cần tính toán và không chủ quan. Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới từ hồi tháng 7 vừa qua.

Dù không chủ quan và có sự chuẩn bị, nhưng với những gì đang phải chứng kiến và đương đầu tại miền Bắc, chúng ta không khỏi bàng hoàng vì cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Trong hai ngày 6 - 7/9 năm Giáp Thìn 2024, cơn bão số 3 - bão Yagi đã đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh phía Bắc. Đây là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, thời điểm đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất ở cấp 13 - cấp 14, giật cấp 16 - cấp 17. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão Yagi tạo nên phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ - Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố) gây mưa lớn cho khu vực này, nhất là vùng miền núi phía bắc. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 100 người chết và mất tích do bão lũ.

Trong hai ngày 6 - 7/9 năm Giáp Thìn 2024, cơn bão số 3 - bão Yagi đã đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh phía Bắc.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo, trong 2 - 3 ngày tới, diễn biến mưa lũ ở miền Bắc còn rất phức tạp do sự hình thành một xoáy thấp ngay trên đất liền gây mưa từ 70 - 140mm, có nơi trên 370mm cho khu vực trung du, vùng núi trong hai ngày 10 - 11/9. Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ  ngày 10 - 12/9 mưa từ 120 - 250mm, có nơi trên 600mm.

Miền Bắc đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử do hoàn lưu của siêu bão Yagi, sau đó là liên tiếp những hình thái gây mưa nguy hiểm như dải hội tụ nhiệt đới, xoáy thuận nhiệt đới phát triển ngay trên đất liền. Tổng lượng mưa trong những ngày qua ở vùng núi Bắc Bộ là đặc biệt lớn, nhiều nơi có thể phá vỡ mức kỷ lục trong lịch sử.

Nước sông Hồng lúc 11h30 ngày 10/9/2024. 

Bão năm Thìn từ lâu đã phổ biến trong cộng đồng. Bão năm Thìn được đúc kết thành ca dao: "Gặp đây kẻ mất người còn/ Năm Thìn trận bão khóc mòn con ngươi". Khái niệm năm Thìn được đề cập chính là năm Giáp Thìn. Và người Việt đã hứng chịu ba trận bão khủng khiếp vào năm Giáp Thìn 1904, năm Giáp Thìn 1964 và năm Giáp Thìn 2024.

Trận bão năm Giáp Thìn 2024 mà chúng ta đang tích cực ứng phó, may mắn rằng bối cảnh xã hội đã khác rất nhiều so với hai trận bão năm 1904 và 1964. Trên cả nước, hầu hết các công trình dân sinh đều xây dựng kiên cố hơn nên tránh khỏi bi kịch nhiều người phải rơi vào tình trạng màn trời chiếu nước. Hơn nữa, nhờ sự cảnh báo, truyền thông và chủ động phối hợp của chính quyền và quần chúng, sự thiệt hại về người sẽ được khống chế ở mức thấp nhất.

Thế nhưng, thiên tai rất khôn lường. Quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu càng khiến diễn biến bão lụt thêm khó dự đoán nên chúng ta không thể chủ quan, lơ là.

Sự chủ động phối hợp phòng chống bão của chính quyền và quần chúng, sự thiệt hại về người sẽ được khống chế ở mức thấp nhất. Ảnh: Báo Chính phủ.

Ngay từ đầu năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai đã đưa ra những dự báo năm nay sẽ có sự chuyển pha liên tục của các hình thái thời tiết.

Sự chuyển pha đột ngột sang La Nina khiến thời tiết sẽ có nhiều biến động và nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhận định số lượng các cơn bão năm nay sẽ nhiều hơn năm 2023. Rất khó để xác định cụ thể có bao nhiêu cơn bão vào Việt Nam vào năm 2024.

Biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên toàn cầu là xu thế không thể đảo ngược. Theo Tiến sĩ Huy, điều cấp bách nhất là mỗi người và mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Người Việt Nam thấy nước lên thì kê cao đồ đạc, be bờ. Chúng ta phải biến nó thành thích ứng có chiến lược, có quy hoạch và dài hạn mới giải quyết triệt để vấn đề.

Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres đã đưa ra cảnh báo rằng kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc và kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến.

Ông Guterres cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động toàn cầu về khí thải, thích ứng với khí hậu và tài chính khí hậu. Gần như ngày nào, tuần nào cũng có tin tức về một nơi nào đó trên hành tinh đang phải gánh chịu một thảm họa nào đó, có thể là lũ lụt, cháy rừng, bão nhiệt đới, hoặc hạn hán.

Sự kiện có thể khác nhau, nhưng đều có các điểm chung là chúng gây ra thiệt hại vô cùng lớn và khiến cho hàng chục, hàng trăm nghìn người phải lao đao khốn khổ. Từ Á sang Âu, từ nước giàu cho tới nước nghèo, thảm họa tự nhiên không chừa bất cứ một mảnh đất nào của hành tinh.

Đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, cần một sự chủ động và có sự vào cuộc của các sáng kiến khoa học.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của người thầy luôn được đề cao và kính trọng như một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nghề gieo những hạt mầm yêu thương lên mảnh đất tâm hồn học trò, để nó nảy mầm thành cây xanh của lòng nhân ái, là một điều thiêng liêng mà không phải ai cũng biết cách làm.

Vốn không hài lòng về chuyện con dâu thuê người giúp việc, Hồng Hà và mẹ chồng lại tiếp tục căng thẳng. Mục đích cuối cùng của mẹ chồng Hồng Hà vẫn là muốn con dâu ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Không ép được con dâu thay đổi, mẹ của Tuấn lại đến tìm con trai vừa thuyết phục vừa nói xấu con dâu, nhưng khi Tuấn tỏ rõ thái độ, bà vô cùng thất vọng.

Nhiều năm về trước, khi Internet mới xuất hiện, blog không phải là một khái niệm quá xa lạ với người dùng. Qua thời gian, Internet phát triển bùng nổ hơn, kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các trang mạng xã hội khiến xu hướng xem blog dần thoái trào. Thế nhưng đến nay, vẫn có những người trẻ tìm đến blog như một nơi để lưu giữ kỉ niệm về một thành phố mà họ yêu.

Lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng tại Việt Nam; Bà Đỗ Thị Nhàn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội; Làm rõ 1.400 tỷ đồng do Xuyên Việt Oil chiếm đoạt;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Để giữ thể diện trước Ngân, Long mua kẹo giúp Hải, một người bán kẹo dạo tỏ ra nghèo khổ. Sau đó, Ngân bất ngờ phát hiện Hải lành lặn, sống trong cùng chung cư và thực chất chỉ giả vờ để lừa gạt người khác. Cuối cùng, Ngân quyết định báo cáo sự việc cho cơ quan công an.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), với nhiều cam kết mạnh mẽ về chống đói nghèo, đánh thuế tỷ phú và tài chính khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không?