Cuộc chiến Ukraine dưới góc nhìn của Tổng thống Nga Putin

Như đã đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson. 2 giờ sáng ngày 9/2/2024 theo giờ Moscow, cuộc phỏng vấn kéo dài 2 tiếng 6 phút này được đăng tải trên trang mạng xã hội X (trước đây là Twitter, bị cấm ở Nga). Cả thế giới lại được chứng kiến sự mẫn tiệp của người đứng đầu Nhà nước Liên bang Nga trong một cuộc phỏng vấn lịch sử có một không hai.

Chỉ sau hai ngày đã có gần 200 triệu lượt người xem trên các trang mạng xã hội khắp thế giới. Và từ “Putin” được nhắc tới hàng triệu lần, thực sự là những con số kỷ lục. Thông qua bài phỏng vấn ông Putin đã đưa ra nhiều tuyên bố lớn về Ukraine, quan hệ với phương Tây và hơn thế nữa.

Đài Hà Nội xin giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn.

T. Carlson: Thưa Tổng thống, xin cảm ơn Ngài rất nhiều. Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Ngài đã phát biểu trước đất nước và nhân dân của mình khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Ngài nói rằng Ngài hành động vì đã kết luận rằng với sự giúp đỡ của NATO, Mỹ có thể tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào đất nước Ngài. Đối với người Mỹ, điều này giống như chuyện hoang tưởng. Tại sao Ngài cho rằng nước Mỹ có thể giáng cú đòn bất ngờ vào Nga? Ngài đi đến kết luận này như thế nào?

Vladimir Putin: Chuyện không phải là nước Mỹ sẽ giáng đòn bất ngờ vào Nga, tôi chưa bao giờ nói như vậy.

Chúng ta đang tham gia chương trình talk show hay là trò chuyện nghiêm túc đây?

T. Carlson: Đây là câu trích dẫn tuyệt vời. Cảm ơn Ngài. Chúng ta đang trò chuyện nghiêm túc.

Vladimir Putin: Theo như tôi hiểu thì chuyên ngành của bạn là Lịch sử, phải không nhỉ?

T. Carlson: Vâng.

Vladimir Putin:  Vậy thì xin phép dành chỉ 30 giây hoặc một phút để kể một chút bối cảnh lịch sử. Bạn có phiền không?

T. Carlson:  Tất nhiên là không, mời ông.

Vladimir Putin: Hãy xem mối quan hệ của chúng tôi với Ukraine bắt đầu như thế nào, nguồn gốc của Ukraine từ đâu?

Nhà nước Nga trở thành một nhà nước tập trung năm 862, đây được coi là năm thành lập nhà nước Nga. Khi đó người dân Novgorod (một thành phố ở phía tây bắc đất nước) - mời Hoàng tử Rurik của người Varangian ở Scandinavia trị vì. Năm 1862, Nga tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm lập quốc và ở Novgorod hiện vẫn có một tượng đài về lễ kỷ niệm 1000 năm lập quốc đó.

Năm 882, người kế vị Rurik là Hoàng tử Oleg đến Kiev, về cơ bản vị này giữ vai trò nhiếp chính cho con trai nhỏ của Rurik, bởi vì vào thời điểm này Rurik đã qua đời.  Ông ta đã loại bỏ quyền lực của hai anh em trai, xét về mọi mặt, đó là những người phò tá Rurik, và như vậy nước Nga bắt đầu phát triển, với hai trung tâm quyền lực: ở Kiev và Novgorod.

Mốc tiếp theo rất quan trọng trong lịch sử nước Nga là năm 988. Đó là Lễ rửa tội của xứ Rus, khi Quận vương Vladimir, chắt của Rurik, rửa tội cho xứ Rus và tiếp nhận Chính thống giáo, hay còn gọi là Cơ đốc giáo phương Đông. Kể từ thời điểm đó, Nhà nước tập trung ở Nga bắt đầu mạnh hơn. Tại sao? Một lãnh thổ duy nhất, những liên hệ kinh tế hợp nhất, một ngôn ngữ và sau lễ rửa tội, xứ Rus có chung một đức tin và chung sự trị vì của Quận vương. Nhà nước Nga tập trung bắt đầu hình thành.

Trở lại thời kỳ Trung cổ, Yaroslav Thông thái đưa ra trật tự kế vị ngai vàng, nhưng sau khi ông băng hà, việc truyền ngôi trở nên rất phức tạp vì những lý do khác nhau. Ngôi báu được truyền không trực tiếp từ cha cho con trai trưởng, mà từ hoàng tử đã khuất cho em trai ông, rồi tiếp đến cho các con trai của ông theo những dòng dõi khác nhau. Tất cả những điều đó đã dẫn đến sự phân mảnh của xứ Rus, một Nhà nước tập trung đang hình thành. Không có gì đặc biệt trong chuyện này, chuyện tương tự cũng diễn ra ở châu Âu. Nhưng Nhà nước Nga bị phân hoá đã trở thành món mồi ngon dễ dàng cho đế chế mà Thành Cát Tư Hãn đã tạo dựng trước đó. Những người kế vị ông như Hãn Bạt Đô (Khan Batu) đã đến xứ Rus, cướp bóc và phá huỷ gần như tất cả các thành phố. Nhân tiện cần nói luôn, phần phía nam, bao gồm cả Kiev và một số đô thị khác, họ đơn giản là mất đi nền độc lập, còn những thành phố phía bắc vẫn duy trì được một phần chủ quyền của mình. Họ cống nạp cho Hãn Quốc Orda (Oát Nhi Đáp) nhưng vẫn giữ lại được một phần chủ quyền của mình. Rồi sau đó một nhà nước Nga thống nhất bắt đầu hình thành với trung tâm là Matxcơva.

Phần phía nam của vùng đất Nga, bao gồm cả Kiev, bắt đầu dần bị hút về một “cực nam châm” khác - hướng về trung tâm đang hình thành ở châu Âu. Đó là Đại Công quốc Litva, còn được gọi là Litva-Nga, bởi người Nga chiếm phần dân số đáng kể ở công quốc này. Cư dân nói tiếng Nga cổ và theo Chính thống giáo. Nhưng sau đó diễn ra cuộc thống nhất - hợp nhất Đại Công quốc Litva và Vương quốc Ba Lan. Vài năm sau, một liên minh tôn giáo khác được ký kết, và một số linh mục Chính thống phục tùng quyền lực của Giáo hoàng La Mã. Như vậy, những vùng đất này đã thuộc Nhà nước Ba Lan-Litva.

Nhưng trong nhiều thập kỷ, người Ba Lan đã tham gia vào quá trình Ba Lan hóa bộ phận cư dân này: họ truyền bá ngôn ngữ của họ đến đó, khiến người ta tin rằng những cư dân này không hoàn toàn là người Nga, rằng vì sống ở rìa ngoài (ukraya) nên những cư dân này là người Ukraine. Xét về nguồn gốc, từ “người Ukraine” có nghĩa là một người sống ở vùng ngoại vi quốc gia, “ở rìa”, hoặc xét theo công việc thực tế là phục vụ vùng biên giới. Như vậy, nó không có nghĩa là một nhóm sắc tộc cụ thể nào đó.

Thế là người Ba Lan đã làm mọi cách để đồng hoá và trên thực tế, họ đối xử với phần đất Nga này khá khắc nghiệt, nếu không nói là tàn nhẫn. Tất cả dẫn đến việc phần đất này của Nga bắt đầu đấu tranh vì quyền của mình. Và dân chúng viết thư tới Vác-sa-va, yêu cầu tôn trọng quyền của họ, để người của họ được tiến cử đến đây, kể cả đến Kiev...

T. Carlson: Việc này xảy ra khi nào, vào những năm nào vậy, thưa Ngài?

Vladimir Putin: Đó là vào thế kỷ 13.

Bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe điều gì đã xảy ra tiếp theo và sẽ nêu mốc ngày tháng để bạn không nhầm lẫn.

Và vào năm 1654, thậm chí sớm hơn một chút, những người nắm quyền lực ở vùng đất Nga này đã kiến nghị với Vác-sa-va, tôi nhắc lại, với yêu cầu tôn trọng quyền của họ và để họ gửi người cai quản gốc Nga và theo tín ngưỡng Chính thống giáo đến chỗ đó. Mà về nguyên tắc, khi Vác-sa-va không trả lời gì và thực tế là bác bỏ những yêu cầu này, họ quay sang Matxcơva để xin Matxcơva tiếp nhận.

Để bạn không nghĩ rằng tự tôi đã bịa đặt điều này, tôi sẽ đưa tài liệu cho bạn xem...

T. Carlson: Tôi không nghĩ là Ngài đang bịa đặt điều gì, không đâu ạ. Những tôi không rõ điều đó có liên quan gì đến sự việc xảy ra cách đây 2 năm.

Vladimir Putin: Dù sao chăng nữa, đây là những tài liệu từ kho lưu trữ, các bản sao. Đây là những bức thư của Bogdan Khmelnitsky, lúc bấy giờ là người kiểm soát quyền lực ở vùng đất Nga mà ngày nay chúng ta gọi là Ukraine. Ông viết thư cho Vác-sa-va yêu cầu bảo đảm quyền của cư dân, và sau khi bị từ chối, ông bắt đầu viết thư cho Matxcơva yêu cầu đặt họ dưới bàn tay mạnh mẽ của Sa hoàng Matxcơva. Đây là bản sao của những tài liệu đó. Tôi sẽ để lại cho bạn làm kỷ niệm. Ở đó có bản dịch tiếng Nga, sau đó bạn có thể dịch sang tiếng Anh.

Nga không đồng ý tiếp nhận họ ngay lập tức, vì cho rằng như vậy sẽ châm ngòi cho cuộc chiến với Ba Lan. Dù vậy, vào năm 1654, Zemsky Sobor – đó là cơ quan đại diện quyền lực của Nhà nước Nga cổ - đã đưa ra quyết định: phần đất Nga cổ này được nhập vào thành phần của vương quốc Matxcơva.

Đúng như dự đoán, cuộc chiến với Ba Lan đã nổ ra. Cuộc chiến kéo dài 13 năm, sau đó hiệp định đình chiến được ký kết. Còn ngay sau khi ký đạo luật năm 1654 này, theo tôi nhớ, 32 năm sau, hiệp ước hòa bình được ký với Ba Lan, “hòa bình vĩnh viễn” như người ta nói lúc đó. Và những vùng đất này, toàn bộ tả ngạn sông Dnepr, bao gồm cả Kiev, đã chuyển về Nga, còn toàn bộ hữu ngạn sông Dnepr vẫn thuộc về Ba Lan.

Toàn bộ tả ngạn sông Dnepr, bao gồm cả Kiev, đã chuyển về Nga, còn toàn bộ hữu ngạn sông Dnepr vẫn thuộc về Ba Lan

Sau đó, dưới thời Nữ hoàng Katerina Đại đế, Nga đã được trả lại toàn bộ vùng đất lịch sử của mình, bao gồm cả miền nam và miền tây. Tất cả điều này tiếp tục cho đến cuộc cách mạng. Còn trước Thế chiến I, lợi dụng ý tưởng Ukraine hóa này, Bộ Tổng tham mưu Áo đã rất ráo riết thúc đẩy ý tưởng Ukraine và Ukraine hóa. Để làm gì thì mọi chuyện đều dễ hiểu: bởi vì trước ngưỡng chiến tranh thế giới, tất nhiên họ mong muốn làm suy yếu kẻ thù tiềm tàng, và bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mình ở vùng biên giới. Và ý tưởng này, từng xuất hiện ở Ba Lan, rằng những cư dân sống trên lãnh thổ này không hoàn toàn là người Nga, mà là một nhóm sắc tộc đặc biệt gọi là người Ukraine, bắt đầu được Bộ Tổng tham mưu Áo thúc đẩy.

Cũng xuất hiện cả những lý thuyết gia kêu gọi độc lập cho Ukraine ngay từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, thật ra, tất cả những “trụ cột” nền độc lập của Ukraine đều nói rằng nước này cần có quan hệ rất tốt với Nga, họ kiên quyết như vậy. Nhưng sau cuộc cách mạng năm 1917, những người Bolshevik đã cố gắng khôi phục Nhà nước, và Nội chiến nổ ra, bao gồm cả chiến tranh với Ba Lan. Hiệp ước hòa bình với Ba Lan đã được ký kết vào năm 1921, theo đó hữu ngạn sông Dnepr một lần nữa được trả lại cho Ba Lan.

Năm 1939, sau khi Ba Lan cộng tác với Hitler, và Hitler đề xuất - chúng tôi có tất cả tài liệu trong kho lưu trữ - ký kết với Ba Lan một hiệp ước hữu nghị và liên minh, nhưng đổi lại, họ đòi hỏi Ba Lan cắt cho Đức cái gọi là Hành lang Danzig, nối phần rộng lớn của nước Đức với Königsberg và Đông Phổ. Sau Thế chiến I, phần lãnh thổ này được trao cho Ba Lan và thay vào chỗ Danzig đã xuất hiện thành phố Gdansk. Hitler yêu cầu họ trao vùng đất đó một cách thân thiện nhưng người Ba Lan đã từ chối. Nhưng họ vẫn cộng tác với Hitler và cùng nhau chia cắt Tiệp Khắc.

T. Carlson: Xin được hỏi? Ngài nói rằng một phần Ukraine, miền đông Ukraine, thực ra vốn là đất của Nga từ hàng trăm năm. Vậy tại sao Ngài không lấy lại vùng đất đó khi Ngài trở thành Tổng thống 24 năm trước? Ngài cũng đã có vũ khí hạt nhân, còn họ thì không. Tại sao Ngài lại phải chờ lâu như vậy?

Vladimir Putin: Tôi sẽ nói tới việc đó. Tôi đã hoàn thành việc cung cấp thông tin lịch sử. Có lẽ khá nhàm chán, nhưng nó giải thích được rất nhiều điều.

T. Carlson: Không, không hề nhàm chán, không đâu ạ.

Vladimir Putin: Vậy thì tốt. Nếu thế tôi rất vui vì bạn đánh giá cao. Cảm ơn nhiều.

Như vậy, trước Thế chiến II, khi Ba Lan cộng tác với Hitler, tuy từ chối thực hiện các yêu cầu của Hitler, nhưng vẫn cùng tham gia với Hitler chia cắt Tiệp Khắc. Khi người Ba Lan không trao Hành lang Danzig, họ đã đi quá xa, họ đã đẩy Hitler đến chỗ phát động Thế chiến II, bắt đầu bằng việc tấn công chính Ba Lan. Tại sao chiến tranh bắt đầu ngày 1 tháng 9 năm 1939 chính là từ Ba Lan? Ba Lan hóa ra là tay khó bảo. Hitler không còn lựa chọn nào khác khi thực hiện kế hoạch bắt đầu với chính Ba Lan.

Nhân tiện nói luôn, tôi đã đọc các tài liệu lưu trữ, Liên Xô hành xử rất trung thực, và Liên Xô đã xin phép Ba Lan để gửi quân đi qua lãnh thổ Ba Lan đến giúp Tiệp Khắc. Nhưng Ngoại trưởng Ba Lan lúc bấy giờ nói rằng nếu máy bay Liên Xô bay tới Tiệp Khắc qua vùng trời Ba Lan sẽ bị bắn hạ trên lãnh thổ Ba Lan. Nhưng cũng không quan trọng. Điều quan trọng là chiến tranh đã bắt đầu, và giờ đây chính Ba Lan trở thành nạn nhân của chính sách mà nước này theo đuổi chống lại Tiệp Khắc, bởi theo hiệp ước Molotov-Ribbentrop nổi tiếng, một phần lãnh thổ này, bao gồm cả Tây Ukraine, đã được trao cho Nga. Nga, khi đó là Liên Xô, đã giành lại được lãnh thổ lịch sử của mình.

Sau chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, như chúng ta nói là Thế chiến II, tất cả những vùng lãnh thổ này cuối cùng được quy định là thuộc về Nga, về Liên Xô. Còn Ba Lan, theo thủ tục bồi thường, được nhận các vùng lãnh thổ phía tây, ban đầu là của Đức, là phần phía đông của nước Đức, nay là phía tây của Ba Lan. Và hiển nhiên, Ba Lan giành lại được cửa ngõ tiếp cận biển Baltic và Danzig, nay được trả lại tên gọi bằng tiếng Ba Lan. Tình hình diễn biến như vậy.

Vào năm 1922, khi Liên bang Xô-viết đang được thành lập, những người Bolshevik bắt đầu xây dựng Liên Xô và thành lập nước Ukraine Xô-viết, mà trước đó chưa hề tồn tại.

T. Carlson: Đúng vậy.

Vladimir Putin: Trong khi đó, Stalin kiên quyết yêu cầu đưa các nước Cộng hòa vào Liên bang Xô viết tư cách các thực thể tự trị, nhưng vì lý do nào đó, mà người sáng lập Nhà nước Xô-viết là Lenin lại nhất quyết cho rằng họ có quyền tách ra khỏi Liên bang Xô-viết. Và cũng bởi những lý do không rõ, Lenin đã trao cho Ukraine Xô-viết mới hình thành, những vùng đất và người dân sống ở đó, cho dù những vùng đất này trước đó chưa bao giờ được gọi là Ukraine, nhưng vì sao đó, trong quá trình hình thành, tất cả những nơi này đã “dồn” vào thành phần Cộng hoà Xô-viết Ukraine, trong đó gồm toàn bộ khu vực Biển Đen, được tiếp nhận dưới thời Nữ hoàng Katerina II và thực ra chưa bao giờ có bất kỳ liên hệ lịch sử nào với Ukraine.

Ngay cả nếu chúng ta quay trở lại năm 1654, khi những vùng đất này được trả lại cho Đế chế Nga, tại đó có ba hoặc bốn vùng của Ukraine hiện đại, không hề có vùng duyên hải Biển Đen, gần đó cũng không. Đơn giản là không có gì để nói.

T. Carlson: Vào năm 1654?

Vladimir Putin: Đúng, chính thế.

T. Carlson: Ngài có kiến ​​thức bách khoa thật đồ sộ. Nhưng tại sao Ngài không nói đến vấn đề này trong 22 năm đầu làm Tổng thống của mình?

Vladimir Putin: Như vậy, Ukraine Xô-viết đã nhận các vùng lãnh thổ rộng lớn chưa từng liên quan gì đến mình, kể cả khu vực Biển Đen. Ngày xửa ngày xưa, khi Nga tiếp nhận lãnh thổ này theo kết quả chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, nơi này được gọi là “Nước Nga mới” Novorossiya. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là Lenin, người sáng lập nhà nước Xô-viết, đã tạo ra Ukraine theo cách đó. Và trong nhiều thập kỷ, Cộng hoà Xô-viết Ukraine đã phát triển trong khuôn khổ Liên Xô, và những người Bolshevik, cũng không rõ vì lý do nào, đã tham gia vào quá trình Ukraine hóa. Không chỉ bởi trong ban lãnh đạo Liên Xô có nhiều người xuất thân từ Ukraine, mà nhìn chung đã có chính sách như vậy - người ta gọi là “bản địa hóa”. Điều tương tự cũng xảy ra ở các nước Cộng hòa Xô-viết khác. Quá trình này bao gồm việc thúc đẩy ngôn ngữ dân tộc và văn hóa dân tộc, nhìn chung, về nguyên tắc tất nhiên là không tệ. Ukraine Xô-viết đã được tạo ra như vậy.

Đến sau Thế chiến II,  ngoài phần lãnh thổ Ba Lan trước chiến tranh, ngày nay là miền Tây Ukraine, Ukraine còn nhận được cả một phần lãnh thổ Hungary và một phần lãnh thổ Romania. Người ta đã lấy một phần lãnh thổ từ Romania và Hungary, và trao cho Ukraine và cho đến nay vẫn thuộc về Ukraine. Vì thế, tất nhiên, chúng tôi có mọi lý do để nói rằng, Ukraine là một nhà nước nhân tạo, hình thành theo ý chí của Stalin.

T. Carlson: Vậy Ngài có nghĩ rằng Hungary có quyền lấy lại đất đai của mình hay không? Và liệu các quốc gia khác có thể lấy lại phần đất của họ, có thể đưa Ukraine trở lại ranh giới của năm 1654?

Vladimir Putin: Tôi không họ có nên quay lại biên giới năm 1654 hay không. Thời Stalin cầm quyền hay gọi là chế độ Stalin, nhiều người nói từng có nhiều vi phạm quyền của các Nhà nước khác. Tất nhiên, theo nghĩa này, điều đó hoàn toàn có thể, nếu không nói rằng họ có quyền lấy lại những vùng đất đó của mình, thì ít nhất đó cũng là dễ hiểu...

T. Carlson: Vậy Ngài đã nói với ông Victor Orban về chuyện này chưa, rằng ông ấy có thể lấy lại một phần đất của Ukraine?

Vladimir Putin: Tôi chưa bao giờ nói như vậy. Không bao giờ, không lần nào. Ông ấy và tôi thậm chí không có bất kỳ cuộc trò chuyện nào về điều này. Nhưng tôi biết chắc rằng những người Hungary sinh sống ở đó tất nhiên đều muốn trở về quê hương lịch sử của họ.

Hơn thế nữa, bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện rất thú vị, hơi lạc đề chút, đây là chuyện của cá nhân tôi. Đâu đó vào hồi đầu những năm 80, tôi lái ô tô từ Leningrad thời đó, nay là Saint-Peterburg, và thực hiện chuyến đi khắp Liên Xô - qua Kiev, dừng chân ở Kiev, rồi sau đó đến miền Tây Ukraine. Tôi vào thành phố tên là Beregovo, mà ở đó tất cả tên gọi các thành phố và làng mạc đều bằng tiếng Nga và bằng thứ tiếng mà tôi không hiểu được, hoá ra là tiếng Hungary. Bằng tiếng Nga và tiếng Hungary. Chứ không phải bằng tiếng Ukraine nhé, tất cả bằng tiếng Nga và tiếng Hungary. Tôi lái xe qua một làng quê nào đó, bên những ngôi nhà có những người đàn ông mặc bộ quần áo ba mảnh màu đen và đội mũ ống đen đang ngồi. Tôi nói: Đây là các nghệ sĩ à? Người ta nói với tôi: Không, đây không phải là nghệ sĩ, mà là người Hungary. Tôi hỏi: Thế họ làm gì ở đây? Có gì đâu, đây là đất đai của họ, họ sống ở đây. Tất cả các tên gọi bằng tiếng Hungary! Đó là thời Xô-viết, vào những năm 80. Họ bảo tồn ngôn ngữ Hungary, tên gọi và toàn bộ trang phục dân tộc. Họ là người Hungary và cảm thấy mình là người Hungary. Và tất nhiên, ngày nay thì đó là hành vi vi phạm...

T. Carlson: Vâng, tôi nghĩ hay có những chuyện như vậy. Chắc là nhiều nước đã không hài lòng với sự thay đổi về biên giới trong những biến động ở thế kỷ 20 và trước đó. Nhưng việc là ở chỗ, trước đây Ngài không tuyên bố bất cứ điều gì như thế, trước tháng 2 năm 2022. Và Ngài nói rằng Ngài cảm thấy mối đe dọa vật chất từ phía NATO, cụ thể là mối đe dọa hạt nhân, và điều này đã thôi thúc Ngài hành động. Tôi hiểu Ngài như vậy có chính xác không ạ?

Vladimir Putin: Tôi hiểu rằng những lời kể dài dòng của tôi có lẽ không thuộc thể loại phỏng vấn. Chính vì thế tôi đã hỏi bạn ngay từ đầu: chúng ta sẽ trò chuyện nghiêm túc hay là talk show? Bạn đã nói là trò chuyện nghiêm túc. Vì vậy, làm ơn đừng giận tôi nhé.

Chúng ta đã nói đến thời điểm Ukraine Xô-viết được thành lập. Sau đó là năm 1991 - sự tan rã của Liên Xô. Và tất cả những gì mà Nga đã hào phóng ban tặng cho Ukraine, thì Ukraine đều mang theo.

Bây giờ tôi đề cập đến một điểm rất quan trọng của ngày hôm nay. Bởi sự sụp đổ này của Liên bang Xô-viết trên thực tế là do giới lãnh đạo Nga khởi xướng. Tôi không biết điều gì đã thúc giục ban lãnh đạo Nga khi đó, nhưng tôi ngờ rằng ở đó đã có mấy lý do để nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn.

Thứ nhất, tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo Nga khi đó tin rằng những điều cơ bản trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, tên thực tế, có ngôn ngữ chung, hơn 90% cư dân nói tiếng Nga; mối liên hệ gia đình, 1/3 số người đều có những mối liên hệ gia đình hoặc bạn bè thân thiết; văn hoá chung; lịch sử chung; và cuối cùng là tôn giáo chung; sự cùng tồn tại trong một nhà nước duy nhất suốt nhiều thế kỷ; nền kinh tế có ràng buộc tương hỗ chặt chẽ với nhau - tất cả đều là những yếu tố cơ bản. Tất cả những điều đó khiến quan hệ tốt đẹp của chúng tôi là điều tất yếu.

Điều thứ hai rất quan trọng, mà tôi muốn kể cho bạn, một công dân Mỹ và các khán giả của bạn cũng nghe. Ban lãnh đạo Nga trước đây cho rằng Liên Xô đã không còn tồn tại, nênkhông còn đường ranh giới phân chia về tư tưởng nữa. Nga thậm chí còn tự nguyện và chủ động đồng ý với sự sụp đổ của Liên Xô và tin rằng thực tế này sẽ được cái gọi là “phương Tây văn minh” (trong ngoặc kép) hiểu như là lời mời hợp tác và liên kết. Đây là điều mà Nga trông đợi từ cả Mỹ và từ cái gọi là toàn bộ tập thể phương Tây.

Đã có những người thông minh, kể cả ở Đức. Ông Egon Bahr - nhà hoạt động chính trị lớn trong đảng Dân chủ Xã hội - trong các cuộc trò chuyện với giới lãnh đạo Xô-viết trước khi Liên Xô sụp đổ, đã đích thân khẳng định rằng cần phải tạo ra một hệ thống an ninh mới ở châu Âu. Cần giúp thống nhất nước Đức, nhưng cần tạo ra một hệ thống mới bao gồm Mỹ, Canada, Nga và các nước Trung Âu khác. Nhưng không cần mở rộng NATO. Ông ấy đã nói thế này: nếu NATO mở rộng đến gần biên giới Nga hơn, mọi thứ sẽ giống như tình hình Chiến tranh Lạnh. Thế là hết. Ông già thật thông minh. Nhưng chẳng ai lắng nghe ông. Trên thực tế, có lần ông ấy đã nổi giận - cuộc trò chuyện này cũng có trong kho lưu trữ của chúng tôi: ông ấy nói, nếu các vị không nghe tôi, tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến Matxcơva nữa. Ông giận ban lãnh đạo Liên Xô. Ông ấy đã đúng, mọi sự diễn ra đúng như ông nói.

T. Carlson: Vâng, tất nhiên, lời ông ấy đã thành sự thật, Ngài đã nói về chuyện này nhiều lần, tôi cho rằng, như vậy là hoàn toàn công bằng. Và nhiều người ở Mỹ cũng nghĩ rằng quan hệ giữa Nga và Mỹ về cơ bản sẽ tốt sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng đã diễn ra điều ngược lại. Tuy nhiên, Ngài chưa bao giờ giải thích tại sao Ngài cho rằng điều đó lại xảy ra, tại sao lại xảy ra. Đúng, có thể là phương Tây sợ một nước Nga hùng mạnh, nhưng phương Tây đâu có sợ một Trung Quốc hùng mạnh?

Vladimir Putin: Phương Tây sợ một Trung Quốc hùng mạnh hơn là một nước Nga hùng mạnh, bởi vì ở Nga có 150 triệu người, còn Trung Quốc có một tỷ rưỡi dân, và nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhảy vọt - hơn 5% một năm, trước đây thậm chí còn cao hơn. Nhưng như vậy là đủ đối với Trung Quốc. Như Bismarck từng nói: điều quan trọng nhất là tiềm năng. Tiềm năng của Trung Quốc rất to lớn, là nền kinh tế lớn thứ nhất trên thế giới hiện nay xét về sức mua tương đương và quy mô kinh tế. Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ khá lâu và tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh.

Bây giờ chúng ta sẽ không nói ai sợ ai, đừng lập luận kiểu đó nữa. Mà nói về một thực tế là sau năm 1991, khi nước Nga trông đợi được tiếp nhận vào đại gia đình anh em “các dân tộc văn minh” thì chuyện như vậy đã chẳng hề xảy ra. Các vị đã lừa dối chúng tôi - khi tôi nói “các vị”, tất nhiên không có ý chỉ cá nhân bạn, mà là Mỹ - đã hứa hẹn rằng sẽ không mở rộng NATO về phía đông, nhưng điều này đã xảy ra năm lần, năm đợt mở rộng khối liên minh quân sự. Chúng tôi chịu đựng tất cả, chúng tôi đã cố gắng thuyết phục họ, nói rằng, “Không cần, bây giờ, theo cách nói của các bạn, chúng tôi là tư sản, chúng tôi là nền kinh tế thị trường, không có chính quyền của đảng Cộng sản, nào chúng ta hãy thỏa thuận với nhau.”

Hơn thế nữa, tôi cũng đã nói về điều này một cách công khai - bây giờ hãy xem xét thời Yeltsin– đã có lúc bất đồng nảy sinh. Trước đó, Yeltsin đã tới Mỹ, hãy nhớ lại rằng ông ấy đã phát biểu trước Quốc hội và nói những lời tốt đẹp: God bless America - Chúa phù hộ cho nước Mỹ. Tất cả những gì ông ấy nói là những tín hiệu: hãy tiếp nhận chúng tôi.

Không, hãy nhớ lại các diễn biến ở Nam Tư... Trước đó, Yeltsin đã được khen ngợi và ca tụng - ngay khi nổ ra các sự kiện ở Nam Tư và khi ông lên tiếng ủng hộ người Serbia, mà chúng tôi không thể không lên tiếng để bảo vệ người Serbia... Tôi hiểu rằng những tiến trình phức tạp đang diễn ra ở đó, tôi hiểu. Nhưng Nga không thể không lên tiếng ủng hộ người Serbia, bởi vì người Serbia cũng là một dân tộc đặc biệt, gần gũi với chúng tôi, có nền văn hóa Chính thống giáo và v.v… Đó là một dân tộc đã phải chịu đựng đau khổ suốt bao nhiêu thế hệ. Vâng, điều đó không quan trọng, nhưng quan trọng là ông Yeltsin đã bày tỏ sự ủng hộ. Còn Mỹ đã làm gì? Vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, họ bắt đầu ném bom Belgrade.

Mỹ đã thả con quỷ bị giam ra khỏi cái chai. Hơn thế nữa, khi Nga phản đối và bày tỏ sự phẫn nộ thì người ta nói gì? Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế đã lỗi thời. Bây giờ tất cả đều viện dẫn luật pháp quốc tế, nhưng khi đó họ nói rằng mọi thứ đã lỗi thời, mọi thứ cần phải thay đổi.

Quả thực, cần phải thay đổi một số điều, bởi vì cán cân quyền lực đã thay đổi, quả là như vậy, nhưng không phải theo cách này. Đúng vậy, nhân tiện xin nhắc, người ta lập tức ném bùn bẩn vào Yeltsin, rêu rao rằng ông ấy là tay nghiện rượu, không hiểu gì, không biết gì. Tôi cam đoan với bạn rằng ông ấy hiểu tất cả và biết mọi thứ.

Video: Tổng thống Putin: quan hệ của Nga và Ukraine (nguồn: Sputnik)

Vâng, tôi trở thành Tổng thống vào năm 2000. Tôi đã nghĩ: được rồi, thế là xong, vấn đề Nam Tư đã kết thúc, cần cố gắng khôi phục quan hệ, dù sao cũng mở lại cánh cửa mà Nga đang cố gắng đi qua. Và hơn nữa, tôi đã nói về điều này một cách công khai, tôi có thể nhắc lại, tại Điện Kremlin với Tổng thống Bill Clinton sắp mãn nhiệm, ngay cạnh đây, ở căn phòng bên, tôi đã nói với ông ấy, nêu một câu hỏi: “Bill, nếu Nga đề nghị gia nhập NATO, ông nghĩ sao, điều đó có khả thi không?” Bất chợt ông ấy nói: “Ngài biết đấy, điều này thật thú vị, tôi nghĩ là có”. Rồi buổi chiều, khi chúng tôi gặp nhau trong bữa tối, ông ấy nói: “Ngài biết không, tôi đã nói chuyện với người của tôi– hoá ra không được, bây giờ chuyện đó là không thể”. Bạn có thể hỏi lại ông ấy, tôi nghĩ Bill cũng sẽ theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng ta và xác nhận điều đó. Tôi không bao giờ nói những điều như thế nếu như chuyện đó chưa từng xảy ra. Thế đấy, chuyện đó bây giờ là không thể.

T. Carlson: Lúc đó Ngài có thành thật không? Ngài thật sự muốn gia nhập NATO hay sao?

Vladimir Putin: Nghe này, tôi đã nêu câu hỏi: “điều đó có khả thi hay không?” Và tôi nhận được câu trả lời: không. Nếu như tôi không thành thật trong nguyện vọng tìm hiểu lập trường của nhà lãnh đạo...

T. Carlson: Thế giả dụ ông ấy nói “Có”, thì Nga có gia nhập NATO không?

Vladimir Putin: Nếu ông ấy nói “Có”, thì sẽ bắt đầu quá trình xích lại gần nhau, và cuối cùng điều đó có thể diễn ra nếu như chúng tôi nhìn thấy nguyện vọng chân thành của các đối tác trong việc thực hiện. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Được thôi, không là không, cũng tốt.

T. Carlson: Theo Ngài nghĩ thì tại sao? Động cơ của việc này là gì? Tôi cảm thấy Ngài có vẻ cay đắng về chuyện đó, tôi hiểu. Nhưng theo Ngài thì tại sao khi đó phương Tây lại từ chối Ngài? Ở đâu ra sự thù địch như vậy? Tại sao sự kết thúc Chiến tranh Lạnh không cải thiện được quan hệ? Động cơ của thái độ này là gì, theo quan điểm của Ngài?

Vladimir Putin: Bạn cho rằng tôi cảm thấy cay đắng vì câu trả lời. Không, đó không phải là cay đắng gì cả, chỉ đơn giản là xác nhận thực tế. Chúng ta đâu phải là cô dâu và chú rể, sự cay đắng, oán giận không phải là thứ có chỗ trong những trường hợp như vậy. Đơn giản là chúng tôi đã hiểu ra rằng ở đó họ không chào đón chúng tôi, thế thôi. Cũng tốt, được thôi. Nhưng chúng ta hãy cùng xây dựng quan hệ theo cách khác, hãy tìm kiếm quan điểm chung, trong lĩnh vực khác. Tại sao chúng tôi lại nhận được phản hồi tiêu cực như vậy, chuyện này bạn hãy về hỏi các lãnh đạo của nước mình. Tôi chỉ có thể đoán tại sao: đất nước quá lớn với quan điểm ​​riêng và v.v... Còn Mỹ, thì như tôi đã thấy, các vấn đề được giải quyết ở NATO như thế nào...

Bây giờ tôi sẽ đưa ra một ví dụ nữa liên quan đến Ukraine. Ban lãnh đạo Mỹ gây sức ép và tất cả các thành viên NATO đều ngoan ngoãn bỏ phiếu, ngay cả khi có điều gì đó mà họ không thích. Bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe về những gì đã xảy ra với Ukraine năm 2008, mặc dù vấn đề này đang được thảo luận nhưng tôi sẽ không tiết lộ cho bạn bí mật hay điều gì mới đâu.

Dù sao chăng nữa, sau đó, chúng tôi đã cố gắng xây dựng mối quan hệ theo những cách khác. Ví dụ, có những sự kiện ở Trung Đông, ở Iraq, chúng tôi đã xây dựng quan hệ với Mỹ một cách rất nhẹ nhàng và cẩn trọng.

Tôi đã nhiều lần đề nghị Mỹ không ủng hộ chủ nghĩa ly khai hay chủ nghĩa khủng bố ở Bắc Kavkaz. Nhưng họ vẫn tiếp tục làm điều đó. Cả hỗ trợ chính trị, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tài chính, thậm chí hỗ trợ quân sự đều đến từ phía Mỹ và các vệ tinh của họ, dành cho các nhóm khủng bố ở Kavkaz.

Một lần tôi từng nêu câu hỏi này với người đồng cấp của mình, cũng là Tổng thống Mỹ. Ông ấy nói: Không thể thế được, ông có bằng chứng không? Tôi nói: Có. Tôi đã chuẩn bị cho cuộc nói chuyện về vấn đề đó và đưa cho ông ấy bằng chứng. Ông ấy xem và bạn biết ông ấy nói gì không? Tôi xin lỗi, nhưng chuyện là như vậy, tôi sẽ dẫn nguyên văn, ông ấy nói: “Thế thì tôi sẽ cho họ mấy cú đá đít”. Chúng tôi chờ đợi và chờ đợi phản ứng – rồi chẳng có phản ứng nào cả.

Tôi nói với Giám đốc FSB: anh hãy viết thư cho CIA, cuộc nói chuyện với Tổng thống có mang lại kết quả gì không? Viết một lần, hai lần rồi sau đó nhận hồi đáp. Chúng tôi đang có câu trả lời này trong kho lưu trữ. Câu trả lời đến từ CIA: “Chúng tôi đã làm việc với phe đối lập ở Nga; chúng tôi cho rằng như vậy là đúng và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với phe đối lập”. Nực cười. Thôi được. Chúng tôi hiểu ra rằng điều đó sẽ không thể xảy ra.

T. Carlson: Trao đổi với phe đối lập với Ngài?Ngài có nghĩ là CIA đang cố gắng lật đổ chính phủ của Ngài không?

Vladimir Putin: Tất nhiên, trong trường hợp này ý nói đến những kẻ ly khai, khủng bố đã đấu với chúng tôi ở Kavkaz. Chuyện là như vậy đấy. Họ gọi đó là phái đối lập. Đây là điểm thứ hai.

Những tay súng khủng bố thuộc nhóm "Tiểu vương quốc Kavkaz" tại Nga.

Điểm thứ ba, rất quan trọng, là thời điểm thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (ABM). Lúc bắt đầu. Chúng tôi mất một thời gian dài thuyết phục Mỹ không làm như vậy. Hơn nữa, sau khi ông Bush-Cha mời tôi đến thăm trên biển, đã có cuộc trò chuyện rất nghiêm túc diễn ra ở đó với Tổng thống Bush và ê-kip của ông ấy. Tôi đề xuất rằng Mỹ, Nga và Châu Âu cùng nhau tạo lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung mà chúng tôi cho rằng nếu hệ thống này lập ra đơn phương thì sẽ đe dọa an ninh của chúng tôi, mặc dù theo tuyên bố chính thức của Mỹ thì hệ thống tạo lập để chống lại mối đe dọa tên lửa từ phía Iran. Đây cũng là cơ sở biện minh cho việc tạo lập hệ thống phòng thủ tên lửa. Tôi đề nghị phương thức ba bên hợp tác cùng nhau – Nga, Mỹ, Châu Âu. Họ nói rằng đề xuất rất thú vị. Họ hỏi tôi: Ông có nghiêm túc không? Tôi nói: Tuyệt đối nghiêm túc.

T. Carlson: Đó là khi nào, vào năm nào, thưa Ngài?

Vladimir Putin: Tôi không nhớ. Chuyện này dễ dàng tìm thấy trên Internet khi tôi sang thăm Mỹ theo lời mời của ông Bush-Cha. Bây giờ thậm chí còn dễ tìm hiểu hơn từ người mà tôi sẽ cho bạn biết tên.

Người ta nói với tôi: đề xuất này rất thú vị. Tôi nói: Hãy tưởng tượng nếu chúng ta cùng nhau giải quyết một thách thức chiến lược toàn cầu như vậy trong lĩnh vực an ninh. Thế giới sẽ thay đổi. Có lẽ chúng ta sẽ có tranh chấp, có thể là về kinh tế và thậm chí cả về chính trị, nhưng chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn tình hình trên thế giới này. Ông ấy đáp lại: Đúng. Người ta hỏi tôi: Ông nghiêm túc đấy chứ? Tôi nói: Tất nhiên. Chúng tôi cần suy nghĩ về điều này, người ta bảo vậy. Tôi nói: Xin mời, hãy suy nghĩ.

Sau đó Bộ trưởng Quốc phòng [Robert] Gates, cựu Giám đốc CIA và Ngoại trưởng [Condoleezza] Rice đã đến đây, trong văn phòng này, nơi chúng ta đang nói chuyện. Ở đây, bên bàn này, đối diện, bạn thấy cái bàn này chứ, họ ngồi ở phía bên này. Tôi, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga – ngồi phía bên kia. Họ nói với tôi: Vâng, chúng tôi đã suy nghĩ, chúng tôi đồng ý. Tôi nói: Ơn Chúa, tuyệt lắm. - “Nhưng có một số ngoại lệ”.

T. Carlson: Vậy là Ngài đã hai lần mô tả cách các Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định nào đó, rồi tiếp đến ê-kip của họ đã làm khác đi?Nghe có vẻ như ngài đang nói đến một hệ thống được vận hành không phải bởi những người mà nhân dân đã bầu ra, theo cách nói của ngài.

Vladimir Putin: Đúng vậy. Đúng vậy. Cuối cùng họ đẩy chúng tôi xa hơn. Tôi sẽ không kể chi tiết vì tôi cho rằng điều đó không đúng, dù sao thì đó cũng là cuộc đối thoại cần được bảo mật. Nhưng sự thật là đề xuất của chúng tôi đã bị khước từ.

Khi đó, chính lúc đó tôi đã nói: hãy nghe này, nhưng khi đó chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện biện pháp đối phó. Chúng tôi sẽ tạo ra các tổ hợp tấn công chắc chắn có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa. Câu trả lời là như sau: “Chúng tôi không làm điều đó để chống lại ông còn ông cứ làm những gì ông muốn, chỉ cần xuất phát từ chỗ không chống lại chúng tôi, không chống lại Mỹ.” Tôi nói: Được.

Vâng, chuyện là như vậy. Và chúng tôi đã chế tạo các hệ thống siêu thanh có tầm bắn xuyên lục địa, chúng tôi đang tiếp tục phát triển chúng. Hiện nay chúng tôi vượt trước tất cả trong việc chế tạo các hệ thống tấn công siêu thanh: vượt cả Mỹ và các nước khác, các tổ hợp đó được chúng tôi cải tiến từng ngày.

Nhưng không phải chúng tôi khơi mào, chúng tôi đã đề xuất đi theo con đường khác còn họ đẩy chúng tôi qua một bên.

Video: Ông Putin giải thích trường hợp nào Nga có thể gia nhập NATO (nguồn: sputnik)

NATO ngày càng mở rộng sát đường biên giới với Nga.

Bây giờ về chuyện NATO mở rộng về phía đông. Thì họ hứa hẹn: sẽ không có NATO ở phía đông, không tiến một ly nào về phía đông, như người ta nói với chúng tôi. Nhưng tiếp theo là cái gì? Họ nói: Thì đâu có ghi nhận trên văn bản, nên chúng tôi sẽ mở rộng. Năm lần mở rộng, lôi kéo vào đó cả các nước vùng Baltic, và toàn bộ Đông Âu, v.v…

Bây giờ tôi chuyển sang vấn đề chính: cuối cùng họ đã đến tận Ukraine. Năm 2008, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest, họ tuyên bố rằng cánh cửa gia nhập NATO khi đó đã mở ra cho Ukraine và Gruzia.

Cựu tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko đứng cạnh cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest 2008 (Ảnh: AP)

Bây giờ ta hãy xem, các quyết định được đưa ra ở đó như thế nào. Đức và Pháp dường như phản đối, cũng như một số nước châu Âu khác. Nhưng khi đó, sau này mới biết là Tổng thống Bush, mà ông ấy vốn là tay cứng rắn, một chính trị gia cứng rắn, người ta nói với tôi sau này rằng, ông ấy đã gây áp lực với chúng tôi, và chúng tôi buộc phải đồng ý. Thật nực cười, cứ như ở lớp mẫu giáo. Đảm bảo ở đâu? Kiểu lớp mẫu giáo gì vậy, đằng sau những người này là ai, họ là ai? Bạn thấy đấy, họ đã bị “ép” và phải đồng ý. Rồi sau đó họ nói: Ukraine sẽ không gia nhập NATO, bạn biết đấy. Tôi nói: Tôi không biết; tôi biết các vị đã đồng ý vào năm 2008, nhưng tại sao lại không đồng ý trong tương lai? “Vì họ ép chúng tôi”. Tôi nói: nếu ngày mai họ không gây áp lực cho các vị và các vị sẽ lại đồng ý lần nữa.

Nhảm nhí thế. Nói chuyện với ai ở đó, tôi đơn giản là không hiểu. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại. Nhưng với ai? Đâu là sự đảm bảo? Không có đảm bảo gì hết.

Có nghĩa là họ đã bắt đầu phát triển đến lãnh thổ Ukraine. Dù sao chăng nữa, tôi cũng lý giải lai lịch lãnh thổ này như thế nào, nó đã phát triển như thế nào và đã có quan hệ ra sao với Nga. Một nửa, 1/3 người ở đó luôn luôn có mối quan hệ nào đó với Nga. Và trong cuộc bầu cử ở nước Ukraine độc ​​lập chủ quyền, theo Tuyên ngôn Độc lập, mà nhân tiện phải nói luôn, tuyên ngôn đó viết rằng Ukraine là một quốc gia trung lập, còn vào năm 2008, bỗng nhiên cánh cửa, hay cánh cổng để vào NATO bất ngờ được mở ra cho Ukraine. Thế đấy! Chúng tôi đã không thoả thuận như thế. Vì vậy tất cả các Tổng thống lên nắm quyền ở Ukraine dựa vào những cử tri, cách này hay cách khác đều có thái độ tốt với Nga. Ở miền đông-nam của Ukraine, có số lượng lớn cư dân. Và rất khó để can ngăn những cử tri có thái độ tích cực với Nga.

Ông Viktor Yanukovich lên nắm quyền, bằng cách nào: lần đầu ông ấy giành chiến thắng sau Tổng thống Kuchma, họ tổ chức vòng thứ ba, dù không được quy định trong Hiến pháp Ukraine. Đó là một cuộc đảo chính. Hãy thử tưởng tượng xem, có ai đó ở Mỹ không thích chuyện này.

Xem Thêm: Ukraine và cuộc đối đầu giữa các nước lớn

T. Carlson: Đó là năm 2014.

Vladimir Putin: Không, không, đó là chuyện xảy ra sớm hơn nữa. Sau thời Tổng thống Kuchma, ông Viktor Yanukovich giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng đối thủ của ông ấy không công nhận chiến thắng này. Mỹ ủng hộ phe đối lập và vòng bầu cử thứ ba được ấn định. Điều ấy có nghĩa gì? Đó là một cuộc đảo chính. Mỹ ủng hộ điều đó, và người giành thắng lợi trong vòng bầu cử thứ ba lên nắm quyền. Hãy tưởng tượng điều này cũng giống như nếu ở Mỹ có người không thích điều gì đó và vòng bầu cử thứ ba, dù không được quy định trong Hiến pháp Mỹ, được tổ chức. Tuy nhiên, họ đã làm như vậy ở Ukraine. Được rồi, lên nắm quyền là Viktor Yushchenko, người được coi là một chính trị gia thân phương Tây. Tốt thôi, chúng tôi cũng đã thiết lập quan hệ với ông ấy, ông ấy đã sang thăm Matxcơva, và chúng tôi cũng đã thăm Kiev. Tôi cũng đã sang thăm Kiev. Chúng tôi đã gặp nhau tại một cuộc gặp không hình thức. Nếu ông ấy thân phương Tây, thì hãy cứ như vậy đi. Cũng tốt thôi, mọi người hãy cứ làm công việc của họ. Mọi việc nên diễn ra bên trong đất nước Ukraine độc ​​lập. Do dưới thời ông Kuchma tình hình xấu đi và cuối cùng ông Viktor Yanukovich lên nắm quyền.

Có thể ông ấy không phải là Tổng thống và chính trị gia giỏi nhất, tôi không biết, tôi không muốn đưa ra phán xét, nhưng đã nảy sinh câu hỏi về mối liên hệ với Liên minh Châu Âu. Chúng tôi luôn rất khoan dung với điều này: xin mời, cứ việc. Nhưng khi đọc thỏa thuận liên kết đó, hóa ra đây là vấn đề đối với chúng tôi, bởi vì chúng tôi với Ukraine có khu vực thương mại tự do, mở cửa biên giới hải quan, còn theo thoả thuận này thì Ukraine phải mở biên giới của mình trước châu Âu, như vậy tất cả sẽ chảy tràn vào thị trường của chúng tôi.

Chúng tôi nói: Không, như thế không ổn, nếu vậy khi đó chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới hải quan của mình với Ukraine. Ông Yanukovich bắt đầu tính toán Ukraine sẽ thắng bao nhiêu và thua bao nhiêu, đồng thời tuyên bố với các đối tác ở châu Âu rằng: Tôi cần suy nghĩ lại trước khi ký. Ngay khi ông ấy nói ra điều này, liền bắt đầu những hành động phá hoại của phe đối lập được phương Tây ủng hộ, và mọi sự đã dẫn đến Maidan và cuộc đảo chính ở Ukraine.

T. Carlson: Tức là Ukraine có quan hệ thương mại với Nga nhiều hơn là với Liên minh châu Âu?

Vladimir Putin: Tất nhiên. Đó không chỉ là chuyện khối lượng giao dịch. Đó còn là các mối quan hệ hợp tác giúp toàn bộ nền kinh tế Ukraine đứng vững. Mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước đã rất mật thiết từ thời Liên Xô, khi một doanh nghiệp có thể sản xuất linh kiện để lắp ráp ở cả Nga và Ukraine và ngược lại. Đã có những mối liên hệ rất chặt chẽ.

Họ đã thực hiện một cuộc đảo chính, nhưng bây giờ tôi sẽ không đi vào chi tiết vì tôi cho rằng đó là điều không đúng lắm. Mỹ đã nói với chúng tôi rằng “hãy trấn an Yanukovich, còn chúng tôi sẽ xoa dịu phe đối lập; hãy để mọi việc đi theo con đường giải quyết chính trị.” Chúng tôi nói: “Được thôi, đồng ý, ta hãy làm theo cách đó.”

Như người Mỹ đã yêu cầu chúng tôi, ông Yanukovich đã không sử dụng lực lượng vũ trang hay cảnh sát, nhưng phe đối lập vũ trang ở Kiev lại tiến hành đảo chính. Phải hiểu chuyện đó như thế nào? Anh nghĩ anh là ai?, tôi những muốn hỏi lãnh đạo Mỹ đương nhiệm lúc bấy giờ.

T. Carlson: Chuyện xảy ra với sự hỗ trợ của ai?

Vladimir Putin: Tất nhiên là với sự hỗ trợ của CIA. Một tổ chức mà như tôi biết hồi nào đó bạn từng muốn đến làm việc. Có lẽ nên tạ ơn Chúa vì họ đã không nhận bạn. Mặc dù đây là tổ chức nghiêm túc. Tôi hiểu, vì trước đây tôi đã từng làm việc tại Tổng cục I, tức là cơ quan tình báo Liên Xô. Họ luôn là đối thủ của chúng tôi. Công việc là công việc.

Về mặt kỹ thuật, họ đã làm đúng mọi thứ, đạt được điều họ muốn – đó là thay đổi chính quyền. Nhưng từ góc độ quan điểm chính trị thì đây là sai lầm cực lớn. Chắc chắn đó là sự tính toán sai lầm của giới lãnh đạo chính trị. Đáng lẽ họ phải nhận ra điều đó sẽ dẫn đến cái gì.

Vậy là vào năm 2008, cánh cửa gia nhập NATO đã mở ra cho Ukraine. Năm 2014, người ta thực hiện cuộc đảo chính, trong đó có những người không công nhận cuộc đảo chính này bắt đầu bị truy bức đàn áp, và đó thực sự là một cuộc đảo chính, họ đã tạo ra mối đe dọa đối với Crimea mà chúng tôi buộc phải bảo vệ. Họ bắt đầu cuộc chiến ở Donbass vào năm 2014, sử dụng không quân và pháo binh chống lại dân thường. Rốt cuộc mọi chuyện bắt đầu như vậy. Có đoạn video ghi lại cảnh máy bay giáng đòn tấn công Donetsk từ trên cao. Họ đã thực hiện một chiến dịch quân sự quy mô lớn, rồi lại thêm một chiến dịch khác. Khi thất bại, họ lại chuẩn bị cho chiến dịch tiếp theo, vẫn trong bối cảnh phát triển quân sự của lãnh thổ này và mở cửa vào NATO.

Như vậy, làm sao chúng tôi có thể không lo ngại về những gì đang xảy ra? Từ phía chúng tôi, đó có thể là một sự sơ suất đáng trách. Đơn giản là ban lãnh đạo chính trị Mỹ đã đẩy chúng tôi đến cực hạn mà chúng tôi không thể vượt qua, vì điều đó sẽ hủy diệt chính bản thân nước Nga. Ngoài ra, chúng tôi không thể bỏ mặc những người đồng tôn giáo của mình và trên thực tế là một bộ phận nhân dân Nga bị nghiền nát dưới cỗ máy quân sự này.

T. Carlson: Vậy đó là những gì xảy ra từ tám năm trước khi bắt đầu cuộc xung đột. Điều gì đã kích động gây ra cuộc xung đột này khi Ngài quyết định rằng dù sao vẫn cần thực hiện bước đi đó?

Vladimir Putin: Trước tiên, chính cuộc đảo chính ở Ukraine đã kích động xung đột.

Cũng cần nói thêm rằng, khi đó đại diện của ba nước châu Âu gồm Đức, Ba Lan và Pháp đã đến. Họ là những người bảo lãnh cho thỏa thuận đã ký giữa Chính phủ Yanukovich và phe đối lập. Họ đã đặt chữ ký của mình như những người bảo lãnh. Nhưng bất chấp điều đó, phe đối lập đã tiến hành đảo chính và tất cả các nước này đều làm ra vẻ không nhớ gì về chuyện họ là người bảo đảm cho giải pháp hòa bình. Họ liền ném văn kiện có chữ ký vào bếp lò, không một ai còn nhớ.

Tôi không rõ liệu ở Mỹ có biết gì về thỏa thuận giữa phe đối lập và chính quyền cũng như về ba nước bảo lãnh, những người thay vì đưa toàn bộ quá trình này trở lại quỹ đạo chính trị thì lại ủng hộ cuộc đảo chính hay không. Mặc dù vậy, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa, xin hãy tin tôi. Bởi vì Tổng thống Yanukovich đã đồng ý với mọi điều kiện, ông ấy sẵn sàng tổ chức cuộc bầu cử sớm mà ông ấy rõ ràng không có cơ may chiến thắng, thành thật mà nói, ông ấy không có cơ hội nào. Mọi người đều biết điều đó.

Nhưng tại sao lại đảo chính, tại sao phải có nạn nhân? Tại sao lại đe dọa Crimea? Tại sao sau đó bắt đầu chiến dịch ở Donbass? Đây là điều tôi không hiểu. Đây chính là tính toán sai lầm. CIA đã làm công việc của mình để hoàn thành cuộc đảo chính. Mà theo tôi nhớ, một trong những Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã nói rằng họ thậm chí đã chi ra một số tiền lớn cho việc này, gần 5 tỷ USD. Nhưng sai lầm chính trị là rất to lớn. Tại sao họ cần làm chuyện này? Tất cả những điều đó đều có thể được thực hiện một cách hợp pháp, mà không có bất kỳ nạn nhân nào, không cần phát động chiến dịch quân sự và không gây thiệt hại cho Crimea. Và chúng tôi hẳn sẽ chẳng động một ngón tay nếu không có sự kiện đẫm máu Maidan.

Bởi vì chúng tôi đã thoả thuận rằng sau khi Liên Xô tan rã, biên giới của chúng tôi sẽ nằm dọc theo biên giới của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Chúng tôi đã đồng ý với điều đó. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ đồng ý với việc mở rộng NATO, càng không bao giờ đồng ý rằng Ukraine sẽ gia nhập NATO. Chúng tôi không đồng ý với việc sẽ có căn cứ của NATO ở đó mà không cần bất kỳ cuộc đối thoại trao đổi nào với chúng tôi. Chúng tôi đã đề nghị suốt hàng chục năm liền: đừng làm điều này, đừng làm như vậy.

Còn nguyên nhân của những sự kiện gần đây là gì? Thứ nhất, ban lãnh đạo hiện tại của Ukraine đã tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện các thỏa thuận Minsk, như bạn biết, đã được ký kết sau các sự kiện năm 2014 ở Minsk nhằm vạch ra kế hoạch giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng ở Donbass. Nhưng ban lãnh đạo Ukraine hiện nay, Ngoại trưởng, tất cả các quan chức khác, rồi sau đó là chính Tổng thống Ukraine đã tuyên bố rằng họ không thích bất cứ điều khoản nào trong các thỏa thuận Minsk. Nói cách khác, họ sẽ không tuân thủ. Còn các cựu lãnh đạo của Đức và Pháp cách đây một năm hoặc một năm rưỡi đã nói thẳng, nói thật với cả thế giới rằng đúng vậy, họ đã ký các thỏa thuận Minsk này, nhưng chưa bao giờ có ý định thực hiện. Đơn giản là, họ chỉ định dắt mũi chúng tôi.

Binh lính Ukraine ở Donetsk sử dụng vũ khí được tài trợ bởi Mỹ và các nước Châu Âu.

T. Carlson: Khi đó liệu có ai sẵn sàng nói chuyện không? Liệu Ngài đã nói với Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ rằng nếu họ tiếp tục quân sự hoá Ukraine bằng các lực lượng NATO thì chúng tôi sẽ hành động chưa?

Vladimir Putin: Chúng tôi thường xuyên nói về vấn đề này. Chúng tôi kêu gọi ban lãnh đạo Mỹ và các nước châu Âu đình chỉ quá trình này ngay lập tức và đảm bảo rằng các thỏa thuận Minsk sẽ được thực thi. Thành thật mà nói, tôi không biết chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó như thế nào, nhưng tôi sẵn sàng thực hiện. Những thoả thuận này phức tạp đối với Ukraine, chúng bao gồm rất nhiều yếu tố về nền độc lập của các vùng lãnh thổ Donbass. Đúng. Tuy nhiên, tôi thực sự tin chắc rằng, nếu chúng tôi thuyết phục được người dân Donbass - và chúng tôi đã phải tích cực thuyết phục họ quay trở lại khuôn khổ nhà nước Ukraine - thì dần dần các vết thương sẽ được chữa lành. Dần dần, khi phần lãnh thổ này tái hoà nhập với đời sống kinh tế, môi trường xã hội chung, khi lương hưu, phúc lợi xã hội lại được trả, thì mọi thứ sẽ dần dần quay trở lại đúng quỹ đạo của chúng.

Nhưng không, chẳng ai muốn điều này, tất cả họ chỉ muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự. Nhưng chúng tôi không thể để điều đó xảy ra.

Và tất cả đã lên tới đỉnh điểm khi Ukraine tuyên bố: “Không, chúng tôi sẽ không thực hiện bất cứ điều khoản gì.” Họ cũng bắt đầu chuẩn bị cho hoạt động quân sự. Chính họ đã bắt đầu cuộc chiến vào năm 2014. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn cuộc chiến này. Và không phải chúng tôi đã bắt đầu cuộc chiến vào năm 2022, mà đó là nỗ lực để chặn đứng cuộc chiến của họ.

T. Carlson: Ngài có nghĩ rằng bây giờ Ngài đã thành công trong việc ngăn chặn được cuộc chiến ấy? Ngài đã đạt được mục tiêu của mình chưa ạ?

Vladimir Putin: Chưa, chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu, bởi vì một trong những mục tiêu là phi phát-xít hóa. Tức là cấm ngặt mọi phong trào phát-xít mới. Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi từng thảo luận trong cuộc đàm phán đã kết thúc ở Istanbul hồi đầu năm ngoái. Nhưng đó không phải là sáng kiến ​​của chúng tôi, bởi vì các nước châu Âu đã nói với chúng tôi rằng “cần phải tạo điều kiện để cuối cùng có thể ký kết các văn bản”. Những người đồng nhiệm của tôi ở Pháp và Đức nói: “Làm sao ngài có thể tưởng tượng được họ đang ký một hiệp ước với một khẩu súng dí vào mang tai? Nên rút quân khỏi Kiev”. Tôi nói: Được. Chúng tôi đã đưa quân ra khỏi Kiev.

Cuộc chiến kéo dài ở Ukraine khiến nhiều dân thường phải thiệt mạng hoặc rời khỏi nhà cửa của họ.

Nhưng ngay sau khi chúng tôi rút quân khỏi Kiev, các nhà đàm phán Ukraine đã lập tức ném vào thùng rác tất cả các thỏa thuận mà chúng tôi đạt được ở Istanbul và chuẩn bị cho cuộc đối đầu vũ trang kéo dài với sự giúp đỡ của Mỹ và các chư hầu của Mỹ ở Châu Âu. Mọi việc đã diễn ra như vậy, và thế là có hiện trạng như bây giờ.

T. Carlson: Phi phát-xít hoá là gì? Điều đó nghĩa là như thế nào?

Vladimir Putin: Đúng lúc bây giờ tôi muốn nói về điều này. Đây là vấn đề rất quan trọng.

Phi phát-xít hoá. Sau khi giành được độc lập, Ukraine bắt đầu - như một số nhà phân tích ở phương Tây nói - tìm kiếm bản sắc của mình. Và họ không thể nghĩ ra điều gì tốt hơn ngoài việc tôn vinh những nguỵ anh hùng từng cộng tác với Hitler lên hàng đầu trong cái gọi là bản sắc này.

Tôi đã nói rằng vào đầu thế kỷ 19, khi xuất hiện các nhà lý luận về độc lập và chủ quyền của Ukraine, họ đã xuất phát từ thực tế rằng một nước Ukraine độc ​​lập cần có quan hệ thân thiện và tốt đẹp với Nga. Nhưng do sự phát triển của lịch sử, những vùng lãnh thổ này từng là một phần của Đại Công quốc Litva-Ba Lan, nơi người dân Ukraine bị đàn áp, bóc lột một cách khắc nghiệt và cư xử rất tàn nhẫn, nên người ta đã cố gắng tiêu diệt bản sắc này. Tất cả những điều đó vẫn in hằn trong ký ức của người dân. Khi bắt đầu Thế chiến II, một số người thuộc tầng lớp tinh hoa theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này bắt đầu cộng tác với Hitler, vì tin rằng Hitler sẽ mang lại tự do cho họ.

Quân Đức, thậm chí cả quân SS, đã giao cho những kẻ cộng tác với Hitler công việc bẩn thỉu nhất là tiêu diệt cư dân Ba Lan, cư dân Do Thái. Từ đây mà xảy ra những vụ thảm sát tàn bạo giết hại người Ba Lan, người Do Thái và cả người Nga. Đứng đầu công việc này là những nhân vật khét tiếng như Bandera, Shukhevich. Những đối tượng này đã được tôn vinh là anh hùng dân tộc. Đó chính là vấn đề. Và người ta luôn nói với chúng tôi: chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tân Quốc xã tồn tại cả ở những nước khác. Đúng, đã có những mầm mống, nhưng chúng tôi đã nhổ chúng đi, và các nước khác cũng chống lại chúng. Còn ở Ukraine thì không, ở Ukraine những kẻ này được tôn vinh thành anh hùng dân tộc, dựng tượng đài tưởng niệm, chân dung treo trên những lá cờ, danh tính được những đám đông hô vang khi diễu hành với ngọn đuốc, giống như thời Đức Quốc xã trước kia. Đó là những kẻ đã tiêu diệt người Ba Lan, người Do Thái và người Nga. Cần phải chấm dứt hành vi này và ngăn chặn việc phổ biến khái niệm này.

Tôi nói rằng người Ukraine là một phần của dân tộc Nga. Họ nói, “Không, chúng tôi là một dân tộc riêng biệt.” Tốt. Nếu họ coi mình là một dân tộc riêng biệt thì họ có quyền làm như vậy, nhưng không phải dựa trên chủ nghĩa Quốc xã và hệ tư tưởng phát-xít.

T. Carlson: Ngài có hài lòng với lãnh thổ mà nước Ngài đang có hiện nay không?

Vladimir Putin: Tôi sẽ kết thúc ngay bây giờ. Bạn đã nêu ra câu hỏi về chủ nghĩa tân Quốc xã và sự phi quốc xã hóa.

Tổng thống Ukraine đã đến Canada, có chuyện này nhiều người biết rõ nhưng được giữ kín ở phương Tây. Đó là tại Quốc hội Canada, người ta đã giới thiệu một nhân vật, mà như Chủ tịch Quốc hội nói, từng chiến đấu chống người Nga trong Thế chiến II. Vậy ai đã chiến đấu chống lại người Nga trong Thế chiến II? Chính là Hitler và tay sai. Hóa ra người đàn ông này từng phục vụ trong đội quân SS, đã đích thân giết người Nga, người Ba Lan và người Do Thái. Đội quân SS hình thành từ những đối tượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine chuyên đảm nhận công việc bẩn thỉu này. Tổng thống Ukraine cùng với toàn thể Quốc hội Canada đã đứng dậy vỗ tay chào mừng người này. Làm sao có thể tưởng tượng cảnh đó? Nhân tiện phải nói luôn, bản thân Tổng thống Ukraine cũng là một người Do Thái theo đặc điểm sắc tộc.

T. Carlson: Thực tế, câu hỏi của tôi là, Ngài sẽ làm gì với chuyện này? Hitler đã chết 80 năm, nước Đức Quốc xã không còn tồn tại, đó là sự thật. Ngài nói rằng Ngài muốn dập tắt hay ít nhất là kiểm soát chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Vậy làm thế nào được?

Vladimir Putin: Hãy nghe tôi. Câu hỏi của bạn rất tế nhị... Và tôi có thể nói những gì tôi nghĩ chứ? Bạn sẽ không thấy bị xúc phạm chứ?

T. Carlson: Tất nhiên là tôi sẽ không giận.

Vladimir Putin: Câu hỏi này có vẻ tế nhị, nhưng rất phản cảm.

Bạn nói Hitler đã không còn trên đời này bao nhiêu năm rồi, 80 năm. Nhưng hệ tư tưởng của Hitler vẫn còn. Những kẻ đã tiêu diệt người Do Thái, người Nga và người Ba Lan vẫn còn sống. Và một Tổng thống, Tổng thống đương nhiệm của Ukraine ngày nay, đã đứng dậy chào mừng đối tượng ấy tại Quốc hội Canada, dành cho người này sự hoan nghênh nhiệt liệt! Lẽ nào chúng ta có thể nói rằng đã nhổ bỏ hoàn toàn, tận gốc rễ hệ tư tưởng này nếu vẫn còn những gì chúng ta đang thấy xảy ra hiện nay? Đây chính là ý nghĩa của việc phi phát-xít hóa theo nhận thức của chúng tôi. Cần loại bỏ những người duy trì khái niệm này, ủng hộ cách làm này cũng như cố gắng bảo tồn nó - đó chính là phi phát-xít hoá. Đó là những gì chúng tôi muốn nói.

T. Carlson: Được rồi. Tất nhiên, tôi không bảo vệ chủ nghĩa Quốc xã. Nhưng câu hỏi của tôi là trên bình diện thực tế: Ngài không kiểm soát toàn bộ đất nước, và tôi cho rằng dường như Ngài không muốn kiểm soát tất cả. Nhưng làm thế nào Ngài có thể nhổ bỏ được tận gốc hệ tư tưởng, văn hóa, những tình cảm nào đó, lịch sử ở một đất nước mà Ngài không kiểm soát? Làm thế nào để đạt được điều này?

Vladimir Putin: Vậy bạn có biết không, cho dù điều đó đối với bạn có vẻ kỳ quặc, nhưng trong các cuộc đàm phán ở Istanbul, chúng tôi đã đồng ý  – tất cả đều ở dạng văn bản – rằng chủ nghĩa tân Quốc xã sẽ không được tồn tại ở Ukraine, bao gồm cả việc nó sẽ bị cấm ở cấp độ lập pháp.

Ông Carlson, chúng tôi đã thoả thuận về điều này. Hóa ra, có thể thực hiện điều này trong quá trình đàm phán. Và ở đây chẳng có gì đáng xấu hổ đối với Ukraine với tư cách là một quốc gia văn minh hiện đại. Chẳng lẽ có Nhà nước nào cho phép quảng bá chủ nghĩa Quốc xã? Không có quốc gia nào như vậy, phải không ? Đó chính là vấn đề.

T. Carlson: Sẽ có đàm phán chứ ạ? Và tại sao cho đến nay vẫn chưa có cuộc thương lượng nào như vậy – đàm phán hòa bình – theo nội dung giải quyết xung đột ở Ukraine?

Vladimir Putin: Đã có những cuộc đàm phán như vậy, khi các bên đã đạt đến mức độ nhất trí rất cao về quan điểm trong một tiến trình phức tạp, và tiến trình đàm phán đã gần như kết thúc. Nhưng sau khi chúng tôi rút quân ra khỏi Kiev, như tôi đã nói, thì phía bên kia, Ukraine, đã vứt bỏ tất cả những thỏa thuận này và chấp nhận tuân theo chỉ thị của các nước phương Tây – của Châu Âu và Mỹ - là chiến đấu với Nga “ đến thắng lợi cuối cùng ”

Và còn hơn thế nữa: Tổng thống Ukraine đã ban hành đạo luật cấm đàm phán với Nga. Ông ta đã ký sắc lệnh cấm tất cả không được tiến hành thương lượng với Nga. Vậy chúng tôi sẽ đàm phán thế nào nếu ông ấy cấm bản thân và tất cả mọi người đàm phán? Chúng tôi biết rằng ông ấy có đưa ra một số ý tưởng nào đó về cách giải quyết. Nhưng để thoả thuận được điều gì đó, thì cần tiến hành cuộc đối thoại, phải vậy không?

T. Carlson: Đúng, nhưng Ngài sẽ không nói chuyện với Tổng thống Ukraine, Ngài sẽ nói chuyện với Tổng thống Mỹ. Lần gần đây nhất Ngài nói chuyện với ông Joe Biden là khi nào?

Vladimir Putin: Tôi không còn nhớ mình đã nói chuyện với ông ấy khi nào. Tôi không nhớ, bạn có thể tra cứu.

T. Carlson: Ngài không nhớ sao?

Vladimir Putin: Không, mà sao tôi phải nhớ hết mọi thứ nhỉ? Tôi có công việc của mình. Chúng tôi còn có những công việc chính trị nội bộ.

T. Carlson: Nhưng ông ấy đang tài trợ cho cuộc chiến mà Ngài là một bên tiến hành.

Vladimir Putin: Đúng, ông ấy tài trợ, nhưng khi tôi nói chuyện với ông ấy, tất nhiên là trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, tôi sẽ không đi vào chi tiết, tôi không bao giờ làm vậy - nhưng khi đó tôi đã nói với ông ấy rằng “ Tôi tin rằng ông đang mắc sai lầm lớn với lịch sử khi ủng hộ mọi thứ đang xảy ra ở đó, ở Ukraine, đối chọi với Nga. ” Tôi đã nói với ông ấy về điều này, và không chỉ nói một lần. Tôi nghĩ về chuyện này tôi nên dừng lại ở đây.

T. Carlson: Thế ông ấy đã nói gì ạ?

Vladimir Putin: Bạn làm ơn về hỏi ông ấy chứ. Đối với bạn điều đó thật dễ mà: bạn là công dân Mỹ, hãy về hỏi ông ấy. Tôi không tiện bình phẩm về cuộc trò chuyện của chúng tôi.

T. Carlson: Nhưng Ngài đã không nói chuyện với ông ấy kể từ sau tháng 2 năm 2022?

Vladimir Putin: Không, chúng tôi không nói chuyện. Nhưng chúng tôi có những liên hệ nhất định. Bạn nhớ chứ, tôi đã nói với bạn về đề xuất của tôi về việc hai nước hợp tác cùng nhau phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ấy mà?

T. Carlson: Vâng.

Vladimir Putin: Bạn có thể hỏi tất cả mọi người - ơn Chúa, tất cả đều còn sống khỏe. Cả cựu Tổng thống, cả bà Condoleezza Rice đều còn sống khỏe, và theo tôi, ngài Gates và ngài Burns - Giám đốc hiện tại của Cơ quan Tình báo Trung ương, khi đó là đại sứ Mỹ tại Nga, theo cách nhìn của tôi, là vị đại sứ rất thành công. Họ đều là nhân chứng của những cuộc trò chuyện này. Hãy hỏi họ nhé.

Cũng tương tự, nếu bạn quan tâm về những gì ngài Tổng thống Biden trả lời tôi, thì hãy hỏi chính ông ấy. Dù sao đi chăng nữa, ông ấy và tôi đã nói về chủ đề này.

T. Carlson: Tôi thực sự rất quan tâm đến điều này, nhưng nhìn từ bên ngoài, đối với người quan sát bên ngoài, có vẻ như tất cả những điều này có thể dẫn đến tình huống là cả thế giới sẽ đứng trên bờ vực chiến tranh, thậm chí có thể xảy ra những cuộc tấn công hạt nhân. Vậy tại sao Ngài không gọi điện cho ông Biden và nói: Nào ta hãy giải quyết vấn đề bằng cách nào đó?

Vladimir Putin: Giải quyết cái gì? Mọi thứ đều rất đơn giản. Tôi nhắc lại, chúng tôi có liên hệ theo tuyến các cơ quan khác nhau. Tôi sẽ cho bạn biết những gì chúng tôi đang nói về điều này và những gì chúng tôi truyền đạt tới ban lãnh đạo Mỹ: “ nếu các vị thực sự muốn chấm dứt chiến sự, các vị cần phải ngừng cung cấp vũ khí – tất cả sẽ kết thúc chỉ trong vòng vài tuần, vậy thôi, và khi đó các vị có thể thoả thuận về những điều kiện nào đó, trước khi làm vậy, thì hãy ngừng cung cấp vũ khí. ”

Còn gì đơn giản hơn? Sao tôi phải gọi cho ông ấy? Nói về chuyện gì hay là cầu xin gì? Chẳng lẽ cần trình bày “Ngài định cấp vũ khí như thế cho Ukraine à? Ôi, tôi sợ, tôi sợ lắm, làm ơn đừng giao vũ khí nữa”. Có gì để nói đâu?

T. Carlson: Liệu Ngài có cho rằng NATO lo ngại tình hình có thể leo thang thành cuộc chiến tranh toàn cầu hoặc thậm chí là xung đột hạt nhân?

Vladimir Putin: Trong mọi trường hợp, họ đang nói về điều đó và họ ra sức hăm dọa cư dân của mình bằng nguy cơ đe doạ tưởng tượng từ phía Nga. Đây là sự thật hiển nhiên. Và những người biết suy nghĩ - không phải người bình thường, mà là những người biết suy nghĩ, những nhà phân tích, những người tham gia thực sự vào chính trị, đơn thuần là những người thông minh - hoàn toàn hiểu rõ rằng đây là sự giả mạo. Mối đe dọa từ Nga đang bị thổi phồng.

T. Carlson: Ý Ngài muốn nói là mối đe dọa về cuộc xâm lược của Nga, chẳng hạn vào Ba Lan hay Latvia phải không? Ngài có khi nào hình dung ra kịch bản, khi Ngài phái đội quân Nga đến Ba Lan?

Vladimir Putin: Chỉ trong một trường hợp: nếu có cuộc tấn công vào Nga từ phía Ba Lan. Tại sao ư? Bởi chúng tôi chẳng có lợi ích gì ở Ba Lan, Latvia – hay bất cứ nơi nào khác. Tại sao chúng tôi làm điều đó? Đơn giản là chúng tôi không có bất kỳ lợi ích nào cả. Đó chỉ là những lời đe dọa.

T. Carlson: Tôi nghĩ Ngài biết rõ lập luận của họ là thế này: Nga đã xâm lược Ukraine và có mục tiêu lãnh thổ trên toàn châu lục. Ngài có thể nói dứt khoát rằng Ngài không có mục tiêu như vậy chứ?

Vladimir Putin: Điều này hoàn toàn bị loại trừ. Bạn không cần phải là một nhà phân tích nào đó, việc tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn cầu nào đó là đi ngược lại lẽ thường. Và một cuộc chiến tranh toàn cầu sẽ đưa toàn thể nhân loại đến bờ vực diệt vong. Đó là điều quá rõ ràng.

Tất nhiên là có phương tiện răn đe kiềm chế. Người ta cứ luôn hăm doạ: ngày mai Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, ngày mai họ sẽ sử dụng thứ đó, không thì ngày kia. Rồi sao? Đó chỉ đơn giản là câu chuyện kinh dị đối với người dân bình thường, nhằm moi thêm tiền từ túi những người đóng thuế ở Mỹ và những người đóng thuế ở châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga trên chiến trường Ukraine. Mục tiêu là làm nước Nga suy yếu nhiều nhất.

T. Carlson: Hôm qua, một trong những thượng nghị sĩ cấp cao của Mỹ là ông Chuck Schumer đã nói: chúng ta cần tiếp tục tài trợ cho Ukraine, nếu không cuối cùng lính Mỹ sẽ phải chiến đấu ở Ukraine thay vì người Ukraine. Ngài đánh giá thế nào về lời tuyên bố như vậy?

Vladimir Putin: Đây là sự khiêu khích, một sự khiêu khích rẻ tiền. Tôi không hiểu tại sao lính Mỹ lại phải chiến đấu ở Ukraine. Ở đó có lính đánh thuê đến từ Mỹ. Phần lớn lính đánh thuê đến từ Ba Lan, tiếp đó là lính đánh thuê từ Mỹ rồi Gruzia. Nếu ai đó có nguyện vọng gửi quân chính quy, thì chắc chắn điều này sẽ đẩy nhân loại đến bờ vực của cuộc xung đột toàn cầu rất nghiêm trọng. Rất rõ ràng như vậy.

Mỹ có cần đến điều này không? Để làm gì chứ? Cách xa lãnh thổ quốc gia hàng nghìn km! Các vị chẳng có việc gì để làm nữa hay sao? Chỗ các vị có cả đống vấn đề về biên giới, vấn đề với người di cư, vấn đề với nợ quốc gia - hơn 33 nghìn tỷ USD. Chẳng có việc gì để làm nữa nên cần phải chiến đấu ở Ukraine ư?

Chẳng lẽ không tốt hơn là đi đến thỏa thuận với Nga? Để đi đến thỏa thuận, đã hiểu rõ tình hình đang phát triển hiện nay, hiểu rằng Nga sẽ chiến đấu đến cùng vì lợi ích quốc gia của mình, và trên thực tế, hiểu được điều này, rồi trở lại với tư duy tỉnh táo, bắt đầu với việc tôn trọng đất nước chúng tôi, tôn trọng lợi ích của Nga và tìm kiếm giải pháp nào đó? Tôi cho rằng như vậy thông minh hơn và hợp lý hơn nhiều.

Xem thêm: Kịch bản xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024

T. Carlson: Ai đã phá nổ đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc"?

Vladimir Putin: Tất nhiên là bạn. (Cười).

T. Carlson: Hôm đó tôi bận. Tôi không làm nổ "Dòng chảy phương Bắc".

Vladimir Putin: Cá nhân bạn có thể có bằng chứng ngoại phạm, nhưng CIA thì không có bằng chứng ngoại phạm như vậy.

T. Carlson: Vậy Ngài có bằng chứng cho thấy NATO hay CIA đã làm việc này hay không?

Vladimir Putin: Bạn biết chứ, tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết, nhưng trong những trường hợp như vậy người ta luôn nói: “ hãy tìm xem ai quan tâm ”. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không chỉ cần tìm người quan tâm mà còn phải tìm người có thể làm được việc đó. Bởi có thể là người quan tâm thì nhiều nhưng không phải ai cũng có thể lặn xuống đáy biển Baltic và thực hiện vụ nổ. Cần kết nối hai yếu tố này: ai quan tâm và ai có thể.

T. Carlson: Nhưng tôi không hiểu lắm. Đây là vụ khủng bố công nghiệp lớn nhất trong tòan bộ lịch sử và hơn thế nữa là có lượng phát thải CO2 lớn nhất vào khí quyển. Nhưng nếu giả dụ Ngài và các cơ quan tình báo của Ngài có bằng chứng, tại sao Ngài không trình ra những bằng chứng đó và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh tuyên truyền này?

Vladimir Putin: Rất khó để đánh bại Mỹ trong cuộc chiến tuyên truyền, bởi Mỹ kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông thế giới và rất nhiều phương tiện truyền thông châu Âu. Người hưởng lợi cuối cùng từ các phương tiện truyền thông lớn nhất châu Âu là các Quỹ của Mỹ. Bạn không biết điều đó sao? Vì vậy, chúng tôi có thể làm điều đó, nhưng như thế sẽ rất tốn kém. Chúng tôi chỉ có thể đơn giản là tiết lộ các nguồn thông tin của mình, mà kết quả vẫn không đạt tới. Cả thế giới đã rõ chuyện gì đã xảy ra và ngay cả các nhà phân tích Mỹ cũng nói thẳng về điều đó. Thật vậy.

T. Carlson: Đúng, nhưng câu hỏi đặt ra là Ngài từng làm việc ở Đức, điều này ai cũng biết, còn người Đức hiểu rõ rằng các đối tác NATO của họ đã làm chuyện này, tất nhiên, như vậy giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Đức, nhưng tại sao người Đức lại im lặng? Thực tế này làm tôi lúng túng: tại sao người Đức không hề nói gì về vụ này?

Vladimir Putin: Chuyện này cũng làm tôi ngạc nhiên. Nhưng ban lãnh đạo Đức hiện nay không theo chỉ đạo của lợi ích quốc gia mà phục vụ lợi ích của tập thể phương Tây, nếu không thì rất khó giải thích logic hành động hay không hành động của họ. Rốt cuộc, không chỉ có “Dòng chảy phương Bắc -1” bị nổ tung và “Dòng chảy phương Bắc -2“ bị hư hại mà một đường ống vẫn hoạt động và có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu nhưng Đức không mở. Chúng tôi thì luôn sẵn sàng, xin mời.

Còn thêm một tuyến đường ống khác đi qua Ba Lan, được gọi là Yamal - Châu Âu, cũng là một đường ống dẫn khí đốt lớn. Ba Lan đã đóng đường ống này, nhưng Ba Lan lại moi tiền của người Đức. Họ nhận tiền từ các quỹ Liên châu Âu mà nhà tài trợ chính cho các quỹ ấy chính là Đức. Ở một mức độ nhất định, Đức đang nuôi sống Ba Lan. Còn Ba Lan cứ nhận và đóng đường ống đến Đức. Để làm gì? Tôi không hiểu.

Đức cung cấp vũ khí và tài chính cho Ukraine. Nhà tài trợ tài chính thứ hai cho Ukraine sau Mỹ là Đức. Có hai tuyến đường ống khí đốt chạy qua lãnh thổ Ukraine. Họ đã đóng một tuyến, người Ukraine đấy. Hãy mở tuyến đường thứ hai và nhận khí đốt từ Nga. Họ không mở.

Tại sao người Đức không nói: “Này các bạn, chúng tôi cấp cho các bạn tiền và vũ khí. Hãy tháo van ra để khí đốt Nga chảy về cho chúng tôi. Chúng tôi mua khí hóa lỏng với giá cắt cổ ở châu Âu, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của chúng tôi và nền kinh tế nói chung xuống đến mức 0. Các bạn muốn chúng tôi đưa tiền cho không? Hãy để chúng tôi tồn tại bình thường, để nền kinh tế của chúng tôi kiếm ra tiền, bởi tiền mà chúng tôi cho các bạn là từ đó”. Nhưng không, họ không làm vậy. Tại sao? Hãy hỏi họ nhé. (Gõ xuống bàn.) Những gì ở đây và những gì trong đầu họ - đều giống nhau. Những người ở đó rất bất tài.

Video: Ai đã cho nổ đường ống "Dòng chảy phương Bắc" (nguồn: sputnik)

T. Carlson: Có lẽ thế giới hiện nay đang chia thành hai bán cầu: một bán cầu có năng lượng rẻ, bán cầu kia thì không. Tôi muốn hỏi Ngài một câu: thế giới hiện nay là đa cực, Ngài có thể mô tả các liên minh, các khối, theo Ngài thì ai đứng về phía nào?

Vladimir Putin: Nghe này, bạn nói thế giới chia thành hai bán cầu. Bộ não người cũng được chia thành hai bán cầu: một bán cầu chịu trách nhiệm về lĩnh vực hoạt động, bán cầu kia sáng tạo hơn và v.v… Nhưng dù sao vẫn là một cái đầu. Cần để thế giới là thống nhất, có an ninh chung. Và khi đó - chỉ trong trường hợp này - thế giới sẽ ổn định, bền vững và có thể tiên liệu được. Còn chừng nào cái đầu vẫn bị chia làm hai phần thì đó là một căn bệnh, bệnh hiểm nghèo. Thế giới đang trải qua thời kỳ bệnh tật hiểm nghèo này.

Nhưng tôi cho rằng, nhờ có báo chí trung thực, các nhà báo làm việc như những bác sĩ, có lẽ bằng cách nào đó có thể khắc phục được.

T. Carlson: Tôi xin dẫn cho Ngài một ví dụ. Đồng USD đã kết nối cả thế giới theo nhiều cách. Vậy Ngài có nghĩ là đồng USD sẽ biến mất như là một ngoại tệ dự trữ hay không? Các lệnh trừng phạt đã thay đổi vị thế của đồng USD trên thế giới như thế nào?

Vladimir Putin: Bạn biết đấy, đây là một trong những sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất của ban lãnh đạo chính trị Mỹ - sử dụng đồng USD làm công cụ đấu tranh của chính sách đối ngoại. Đồng USD là nền tảng sức mạnh của Mỹ. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu rất rõ điều này: cho dù in ra bao nhiêu USD, chúng vẫn phân tán khắp thế giới. Lạm phát của Mỹ ở mức tối thiểu, theo tôi, khoảng 3% hay 3,4%, là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với Mỹ. Và tất nhiên là họ in không ngừng. Khoản nợ 33 nghìn tỷ nói lên điều gì? Điều đó cũng liên quan đến việc phát hành đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn là vũ khí chính để duy trì sức mạnh của Mỹ trên thế giới. Một khi ban lãnh đạo chính trị Mỹ quyết định sử dụng đồng USD làm công cụ của cuộc đấu chính trị, thì họ đã giáng đòn tấn công vào chính sức mạnh này của nước Mỹ. Tôi không muốn dùng bất kỳ cách biểu đạt phi văn học nào đó, nhưng đây là sự ngu ngốc và sai lầm to lớn.

Hãy xem điều gì đang xảy ra trên thế giới. Ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng đang cắt giảm dần dự trữ bằng USD. Nhìn thấy thực tế này, tất cả đều bắt đầu tìm cách tự vệ. Nhưng việc Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế như hạn chế thanh toán, đóng băng tài sản, v.v. đối với một số quốc gia, đã gây ra mối quan ngại sâu sắc và là một hồi chuông cảnh báo vang rền đối với toàn thế giới.

Chuyện gì đang xảy ra với chúng tôi? Cho đến năm 2022, khoảng 80% thanh toán ngoại thương của Nga là bằng USD và euro. Đồng thời, USD chiếm khoảng 50% các khoản thanh toán của chúng tôi với các nước thứ ba. Nhưng hiện tại, theo tôi thấy, chỉ còn lại 13%. Không phải chúng tôi cấm sử dụng USD, chúng tôi không cố làm việc này, mà chính Mỹ đã quyết định hạn chế các thanh toán của chúng tôi bằng USD. Tôi cho rằng làm vậy là hoàn toàn vô nghĩa, bạn hiểu chứ, từ góc độ quan điểm lợi ích của chính Mỹ, của những người đóng thuế ở nước Mỹ. Bởi động thái này giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ và làm suy yếu sức mạnh cùng uy tín của nước Mỹ trên thế giới.

Nhân tiện cần nói luôn, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của chúng tôi từng chỉ ở mức xấp xỉ 3%. Nhưng hiện giờ chúng tôi thanh toán 34% bằng đồng ruble và cũng chừng đó, hơn 34% một chút, bằng đồng nhân dân tệ.

Tại sao Mỹ làm điều này? Tôi chỉ có thể giải thích rằng là do sự kiêu ngạo. Có lẽ họ nghĩ rằng mọi thứ sẽ sụp đổ, nhưng đã chẳng có gì sụp đổ cả. Hơn nữa, hãy nhìn xem, các nước khác, kể cả các quốc gia sản xuất dầu, cũng đang chấp nhận thanh toán cho việc bán dầu bằng đồng nhân dân tệ. Bạn có hiểu điều gì đang diễn ra không? Ở Mỹ có ai hiểu được điều này không? Các vị đang làm gì thế? Tự cắt xẻ chính mình... Hãy hỏi tất cả các chuyên gia, bất kỳ người thông minh và biết nghĩ nào ở Mỹ rằng đồng USD là cái gì đối với Mỹ? Chính tay các vị đang giết nó.

T. Carlson: Tôi nghĩ đây là một đánh giá thực sự công bằng. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Và liệu có thể Ngài đã đổi quyền lực này để lấy quyền lực khác, nhưng nhẹ nhàng hơn? Liệu BRICS có nguy cơ bị nền kinh tế Trung Quốc thống trị hoàn toàn không? Theo Ngài thì điều này có tốt cho chủ quyền không? Ngài có lo ngại về điều này chăng?

Vladimir Putin: Chúng tôi biết rõ những chuyện này. Chúng tôi và Trung Quốc là hàng xóm của nhau. Hàng xóm cũng như người thân thì không ai được chọn. Chúng tôi với họ có đường biên giới chung dài hàng nghìn km. Đây là điểm thứ nhất.

Thứ hai, chúng tôi đã quen cùng tồn tại, cùng sống chung trong nhiều thế kỷ.

Thứ ba, triết lý chính sách đối ngoại của Trung Quốc là không hiếu chiến, luôn tìm kiếm sự thoả hiệp và chúng tôi thấy điều đó.

Điểm tiếp theo là thế này. Người ta luôn nói với chúng tôi, và bây giờ bạn cũng cố gắng trình bày câu chuyện ở dạng nhẹ nhàng, nhưng tuy nhiên nó vẫn là cùng một câu chuyện: khối lượng hợp tác với Trung Quốc đang tăng lên. Nhịp độ tăng trưởng hợp tác của Trung Quốc với châu Âu đang ngày càng lớn và cao hơn nhịp độ tăng trưởng hợp tác Trung - Nga. Bạn hãy hỏi người châu Âu: họ có sợ không? Có thể họ sợ, tôi không biết, nhưng họ đang cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc bằng mọi cách, nhất là khi họ đang phải đối mặt với những vấn đề của nền kinh tế. Và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang thâm nhập thị trường châu Âu.

Vậy sao, chẳng lẽ sự hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc ở Mỹ còn ít chăng? Đúng, có những quyết định mang tính chính trị đến mức họ đang cố gắng hạn chế hợp tác với Trung Quốc.

Tucker, bạn đang làm điều có hại cho chính mình khi hạn chế hợp tác với Trung Quốc. Đây là lĩnh vực nhạy cảm và ở đây không có giải pháp viên đạn bạc nào, giống như với đồng USD.

Vì vậy, trước khi đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nào - bất hợp pháp theo quan điểm của Hiến chương Liên Hợp Quốc - cần suy nghĩ kỹ lưỡng. Theo tôi, những người đưa ra quyết định đều gặp vấn đề với chuyện này.

T. Carlson: Cách đây một phút Ngài đã nói rằng thế giới ngày nay sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu như không có hai liên minh cạnh tranh đấu đá với nhau. Có thể chính quyền Mỹ hiện tại, như Ngài nói, như Ngài cho là đang chống lại Ngài, nhưng biết đâu, chính quyền kế tiếp ở Mỹ, Chính phủ sau Joe Biden, sẽ muốn thiết lập quan hệ với Ngài và Ngài cũng sẽ muốn thiết lập liên hệ với họ? Hay là điều đó không đóng vai trò nào?

Vladimir Putin: Bây giờ tôi sẽ nói.

Nhưng để tôi kết thúc vấn đề với câu hỏi trước. Chúng tôi, cùng với người đồng cấp, người bạn của tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, đã đặt mục tiêu năm nay chúng tôi cần đạt kim ngạch thương mại 200 tỷ USD với Trung Quốc. Và chúng tôi đã vượt hơn mức này. Theo dữ liệu của chúng tôi, con số này hiện nay đã là 230 tỷ, còn theo thống kê của Trung Quốc là 240 tỷ USD.

Và một điều rất quan trọng: chúng tôi có kim ngạch thương mại cân bằng và bổ sung cho nhau cả trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, nghiên cứu và phát triển khoa học. Rất cân đối.

Đối với BRICS, khi Nga giữ cương vị Chủ tịch BRICS trong năm nay, các nước BRICS đang phát triển với nhịp độ rất nhanh chóng.

Hãy nhìn xem, nếu tôi nhớ không nhầm, thì vào năm 1992, tỷ trọng của các nước G7 trong nền kinh tế thế giới là 47%, còn vào năm 2022, tỷ lệ này đã giảm xuống đâu đó khoảng 30%, tôi nhớ như vậy. Tỷ lệ này của các nước BRICS vào năm 1992 chỉ là 16%, nhưng hiện nay đã cao hơn mức của nhóm G7. Và điều đó không liên quan đến bất kỳ sự kiện nào ở Ukraine. Các xu hướng phát triển của thế giới và nền kinh tế toàn cầu như tôi vừa nói là tất yếu. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra, cũng giống như khi mặt trời mọc thì không thể ngăn cản được mà cần phải thích nghi với nó.

Còn Mỹ thích nghi như thế nào? Với sự hỗ trợ của vũ lực: trừng phạt, gây sức ép, ném bom, sử dụng lực lượng vũ trang. Điều này gắn với thói tự mãn kiêu ngạo thái quá. Những người trong giới tinh hoa chính trị của bạn không hiểu rằng thế giới đang thay đổi do hoàn cảnh khách quan và cần đưa ra những quyết định đúng đắn một cách kịp thời, đúng lúc, để duy trì vị thế của mình, ngay cả khi ai đó khao khát, hãy tha thứ cho tôi, đến mức thống trị. Những hành động lỗ mãng như vậy, kể cả trong mối quan hệ với Nga và các nước khác, sẽ phản tác dụng. Đây là sự thật hiển nhiên, và ngày nay đã trở nên rõ ràng.

Bây giờ bạn hỏi tôi: liệu một nhà lãnh đạo khác đến thì có thay đổi gì hay không? Việc không phải ở người lãnh đạo, không phải về tính cách của một con người cụ thể. Ví dụ, tôi đã có quan hệ cá nhân rất tốt với ông Bush. Tôi biết rằng ở Mỹ, người ta mô tả ông ấy như là một gã nhà quê không biết gì nhiều về mọi thứ. Tôi cam đoan với bạn rằng hoàn toàn không phải như vậy. Tôi cho rằng ông ấy cũng đã mắc rất nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga. Tôi đã kể cho bạn nghe về năm 2008 và quyết định ở Bucharest, mở cửa NATO cho Ukraine và v.v... Đó là chuyện xảy ra dưới thời ông ấy, ông ấy đã gây áp lực với người châu Âu.

Nhưng nhìn chung, ở cấp độ con người, tôi có mối quan hệ rất thân thiện và tốt lành với Bush. Ông ấy không tệ hơn bất kỳ chính trị gia Mỹ, Nga hay châu Âu nào khác. Tôi đảm bảo với bạn rằng ông ấy hiểu việc mình đang làm, cũng như những người khác. Tôi và ông Trump cũng có quan hệ cá nhân như vậy.

Việc không phải ở tính cách của nhà lãnh đạo - mà là ở tâm thế của giới tinh hoa. Nếu chiếm ưu thế trong xã hội Mỹ là ý tưởng thống trị bằng bất cứ giá nào và với sự trợ giúp của vũ lực, thì sẽ chẳng có gì thay đổi – mọi sự sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Còn nếu cuối cùng nhận ra được rằng thế giới đang thay đổi theo bối cảnh khách quan và cần kịp thời thích ứng đúng lúc, sử dụng những ưu thế mà Mỹ vẫn có ngày nay, thì may chăng sẽ có gì đó thay đổi.

Hãy nhìn xem, nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới tính theo sức mua tương đương; về mặt khối lượng, họ đã vượt qua Mỹ từ lâu. Sau Trung Quốc là Mỹ và tiếp theo là Ấn Độ - với dân một tỷ rưỡi người, rồi đến Nhật Bản, và Nga ở vị trí thứ năm.

Trong năm qua, Nga đã trở thành nền kinh tế số một ở châu Âu, bất chấp mọi lệnh trừng phạt và hạn chế. Theo quan điểm của bạn thì điều này có bình thường không? Các lệnh trừng phạt, hạn chế, việc không thể thanh toán bằng USD, ngắt kết nối với SWIFT, trừng phạt đối với tàu chở dầu của chúng tôi, hạn chế đối với máy bay – những lệnh trừng phạt trong mọi lĩnh vực, ở mọi nơi. Số lượng các biện pháp trừng phạt áp đặt để chống Nga là lớn nhất trong tất cả các loại trừng phạt đang thi hành trên thế giới. Nhưng chúng tôi đã trở thành nền kinh tế dẫn đầu châu Âu chính trong thời gian này.

Các công cụ mà Mỹ đang dùng không có tác dụng. Cần phải suy nghĩ xem nên làm gì. Nếu nhận thức này đến với giới tinh hoa cầm quyền, thì đúng vậy, khi đó nhân vật số 1 của Nhà nước sẽ hành động để đoán trước những gì cử tri và những cộng sự đưa ra quyết định ở các cấp khác nhau trông đợi ở nhà lãnh đạo. Khi đó, có lẽ điều gì đó sẽ thay đổi.

T. Carlson: Ngài mô tả hai hệ thống khác nhau, Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo hành động vì lợi ích của cử tri, nhưng đồng thời, một số quyết định nào đó lại do giai cấp thống trị đưa ra. Ngài đã lãnh đạo đất nước nhiều năm, Ngài nghĩ sao, với kinh nghiệm của Ngài thì ai sẽ là người thông qua quyết định ở nước Mỹ?

Vladimir Putin: Tôi không biết. Mỹ là một đất nước phức tạp, một mặt bảo thủ, mặt khác lại thay đổi nhanh chóng. Không dễ để chúng tôi phân rõ điều này.

Ai sẽ đưa ra quyết định trong cuộc bầu cử ư? Mỗi bang đều có luật riêng, mỗi bang tự điều chỉnh và ai đó có thể bị loại khỏi các cuộc bầu cử ở cấp bang. Đó là hệ thống bầu cử hai cấp, đối với chúng tôi điều này khá khó hiểu. Tất nhiên, có hai đảng đang chiếm ưu thế là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Và trong khuôn khổ hệ thống đảng phái này có các trung tâm ra quyết định và chuẩn bị giải pháp.

Tiếp theo, hãy xem, tại sao trong quan hệ với Nga lại thực hiện chính sách gây sức ép, theo tôi là sai lầm, thô thiển, hoàn toàn vô căn cứ như vậy sau khi Liên Xô sụp đổ? Bởi đó là chính sách gây áp lực. Việc mở rộng NATO, hỗ trợ phe ly khai ở Kavkaz, thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa, đều là những yếu tố gây áp lực. Áp lực, áp lực, áp lực...

Toàn thế giới đang hết sức quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Sau đó lôi kéo Ukraine vào NATO. Tất cả vẫn là áp lực, áp lực. Tại sao? Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là vì năng lực sản xuất dư thừa. Trong cuộc chiến chống Liên Xô, nhiều trung tâm khác nhau đã được thành lập và có các chuyên gia về Liên Xô không biết làm gì khác. Có vẻ như họ đang thuyết phục giới lãnh đạo chính trị: cần tiếp tục dồn ép Nga, cố gắng làm Nga sụp đổ hơn nữa, tạo ra một vài trạng thái gần như Nhà nước trên lãnh thổ này và khuất phục các thực thể này dưới dạng chia rẽ, sử dụng tiềm năng tổng hợp của họ cho cuộc chiến trong tương lai với Trung Quốc. Đây là sai lầm, bao gồm cả tiềm năng dư thừa của những ai từng làm việc cho phe đối đầu với Liên Xô. Cần loại bỏ điều này, phải có những lực lượng tươi mới, những con người biết nhìn về tương lai và hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới.

Hãy xem Indonesia đang phát triển như thế nào! 600 triệu người. Indonesia đang tham gia vào Câu lạc bộ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, dù có ai đó thích hay không.

Đúng, chúng tôi hiểu và xác định rõ rằng Mỹ, bất kể mọi vấn đề kinh tế, vẫn đang duy trì tình hình bình thưởng và tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng 2,5% GDP, nếu tôi không nhầm.

Nhưng nếu muốn đảm bảo cho tương lai thì chúng ta cần thay đổi lối tiếp cận tới những gì đang thay đổi. Như tôi đã nói, thế giới vẫn sẽ thay đổi bất kể các sự kiện ở Ukraine kết thúc thế nào. Thế giới đang thay đổi. Tại chính Mỹ, các chuyên gia viết rằng Mỹ đang dần thay đổi vị thế của mình trên thế giới – đó là do chính các chuyên gia của Mỹ viết, tôi đọc được. Câu hỏi duy nhất là điều này sẽ diễn ra như thế nào: đau đớn và nhanh chóng, hay nhẹ nhàng và từ từ? Và điều này do những người không theo quan điểm bài Mỹ viết ra, đơn giản là họ nhìn vào nhịp độ phát triển trên thế giới. Vậy thôi.

Để đánh giá các xu thế và thay đổi chính sách, cần có những người biết tư duy, nhìn xa trông rộng về phía trước, có thể phân tích và đề xuất những quyết sách ở cấp lãnh đạo chính trị.

T. Carlson: Tôi cần hỏi điều này. Ngài đã nói rõ ràng rằng việc mở rộng NATO về phía Đông là vi phạm lời hứa hồi những năm 90 và là mối đe dọa đối với đất nước của Ngài. Trước khi Nga đưa quân tới Ukraine, tại một hội nghị về an ninh, Phó Tổng thống Mỹ đã ủng hộ cố gắng gia nhập NATO của Tổng thống Ukraine. Ngài có nghĩ rằng điều này cũng kích động chiến sự?

Vladimir Putin: Tôi nhắc lại một lần nữa: chúng tôi đã nhiều lần đề xuất tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nảy sinh ở Ukraine sau cuộc đảo chính năm 2014 bằng biện pháp hòa bình. Nhưng chẳng ai nghe chúng tôi. Và hơn thế nữa, ban lãnh đạo Ukraine, vốn nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Mỹ, bất ngờ tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện các thỏa thuận Minsk - họ không thích bất cứ điều gì ở đó - và tiếp tục hoạt động quân sự trên lãnh thổ này.

Song song đó, các cơ cấu quân sự của NATO tăng cường thâm nhập lãnh thổ này dưới vỏ bọc của nhiều trung tâm huấn luyện và tái đào tạo nhân sự. Thực chất là họ bắt đầu tạo lập căn cứ ở đó. Vậy thôi.

Ukraine thông qua đạo luật tuyên bố rằng người Nga là một dân tộc không có chính danh, đồng thời thông qua luật hạn chế quyền của các quốc gia không có chính danh. Đó là Ukraine, sau khi nhận được tất cả các lãnh thổ vùng đông nam này như một món quà từ nhân dân Nga, đã bất ngờ tuyên bố rằng người Nga trên lãnh thổ này là một dân tộc không chính danh. Thế là bình thường không? Tất cả những điều này đã cùng dẫn đến quyết định chấm dứt cuộc chiến do những kẻ tân phát-xít phát động ở Ukraine vào năm 2014 bằng con đường vũ trang.

T. Carlson: Ngài có nghĩ rằng ông Zelensky có quyền tự do để tiến hành đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột này không?

Vladimir Putin: Tôi không biết. Khó mà đánh giá được. Nhưng tôi nghĩ rằng, đã từng như vậy. Ông ta có người cha đã chiến đấu chống phát-xít Đức trong Thế chiến II, tôi đã từng nói chuyện với ông ta về điều này. Tôi nói: “Volodya, cậu đang làm gì vậy? Tại sao ngày nay cậu lại ủng hộ chủ nghĩa phát-xít mới ở Ukraine khi cha cậu chiến đấu chống chủ nghĩa phát-xít? Ông ấy là người lính tiền tuyến”. Tôi sẽ không kể lại câu trả lời của ông ta, đây là một chủ đề riêng, và tôi cho rằng không phù hợp ở đây.

Nhưng về quyền tự do lựa chọn - tại sao lại không? Ông ta lên nắm quyền dựa trên kỳ vọng của người dân Ukraine rằng ông ta sẽ dẫn dắt Ukraine đến hòa bình. Ông ta cũng đã nói về điều này – nhờ đó mà ông ta đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với ưu thế rất lớn. Nhưng sau khi đã nắm quyền, theo cách nhìn của tôi, ông ta đã hiểu ra hai điều. Thứ nhất, tốt hơn hết là không nên tranh cãi với những người theo chủ nghĩa phát-xít mới và những người theo chủ nghĩa dân tộc, bởi vì những đối tượng này rất hung hãn và rất kích động, họ có thể làm bất cứ điều gì. Và thứ hai, phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, ủng hộ các đối tượng trên và sẽ luôn hỗ trợ những ai chống lại Nga – như vậy có lợi và an toàn cho họ. Vì thế, ông ta đã giữ lập trường tương ứng, mặc dù đã hứa hẹn với người dân của mình là sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông ta đã lừa dối các cử tri của mình.

T. Carlson: Ngài có cho rằng vào thời điểm này, tháng 2 năm 2024, ông ấy có quyền tự do nói chuyện với Chính phủ của Ngài và cố gắng giúp đỡ đất nước của mình bằng cách nào đó hay không? Liệu ông ấy có thể làm điều đó không?

Vladimir Putin: Tại sao lại không? Ông ta coi mình là nguyên thủ quốc gia, ông ta đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. Mặc dù chúng tôi ở Nga cho rằng cuộc đảo chính là nguồn gốc dẫn đến mọi chuyện xảy ra sau năm 2014, ngay cả Chính phủ hiện tại cũng có thiếu sót. Nhưng ông ta coi mình là Tổng thống, và với tư cách này, ông ta có sự công nhận của Mỹ, toàn bộ châu Âu và gần như tất cả phần còn lại của thế giới. Vậy thì tại sao lại không? Ông ta có thể.

Chúng tôi đã đàm phán với Ukraine ở Istanbul, chúng tôi đã thoả thuận, ông ta biết về điều đó. Hơn nữa, trưởng phái đoàn đàm phán, theo tôi nhớ họ của ông ấy là ông Arakhamia, cho đến nay vẫn lãnh đạo đảng cầm quyền, đảng của Tổng thống trong Rada. Ông ấy vẫn đứng đầu phe Tổng thống ở Rada - trong Quốc hội của đất nước, đến nay ông ấy vẫn giữ ghế ở đó. Ông ấy thậm chí còn ký sơ bộ vào văn kiện mà tôi vừa nhắc đến. Nhưng sau đó ông ta công khai tuyên bố với cả thế giới: “Chúng tôi sẵn sàng ký văn bản này nhưng ngài Johnson khi đó là Thủ tướng Anh đã đến, can ngăn chúng tôi và nói rằng tốt hơn hết là chiến đấu với Nga. Họ sẽ cung cấp cho chúng tôi mọi thứ để chúng tôi có thể giành lại những gì đã mất trong cuộc đụng độ với Nga. Và chúng tôi đồng ý với đề xuất này”. Hãy nhìn xem, phát ngôn của ông ta được đăng tải rộng rãi. Ông ta đã nói điều này một cách công khai.

Vậy họ có thể trở lại với đàm phán hay không? Câu hỏi là đây là họ có muốn hay không.

Sau đó, Tổng thống Ukraine đã ban hành sắc lệnh cấm thương lượng với chúng tôi. Cứ để ông ta hủy bỏ nghị định này. Chúng tôi chưa bao giờ từ chối đàm phán. Chúng tôi luôn nghe thấy: liệu Nga có sẵn sàng? Đúng, chúng tôi không từ chối! Còn họ công khai từ chối. Thôi được, hãy để ông ta hủy bỏ sắc lệnh của mình và tiến hành đàm phán. Chúng tôi không bao giờ từ chối.

Còn việc họ phục tùng những đòi hỏi hoặc sự thuyết phục của ngài Johnson cựu Thủ tướng Anh, thì tôi cho rằng như vậy thật vô lý và có thể nói là rất đáng buồn. Bởi vì, như ông Arakhamia đã nói, “một năm rưỡi trước, lẽ ra chúng tôi có thể chấm dứt những hoạt động chiến sự này, chấm dứt cuộc chiến này, nhưng người Anh đã thuyết phục chúng tôi và chúng tôi đã từ chối khả năng đó”. Ngài Johnson bây giờ ở đâu? Còn cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

T. Carlson: Đây là câu hỏi hay. Tại sao ông ta làm như vậy?

Vladimir Putin: Ai mà biết được, chính tôi cũng không hiểu nổi. Đã có bối cảnh chung. Vì sao đó, mọi người đều ảo tưởng rằng có thể đánh bại nước Nga trên chiến trường - vì kiêu ngạo, thuần tuý vì tình cảm chứ không phải từ sự lý trí.

T. Carlson: Ngài đã mô tả liên hệ giữa Nga và Ukraine, bạn mô tả Nga là đất nước Chính thống giáo, Ngài đã nói như vậy. Điều đó có nghĩa gì đối với Ngài? Ngài là nhà lãnh đạo của một nước theo đạo Cơ đốc, như Ngài tự mô tả. Điều này có ảnh hưởng gì đến Ngài chăng?

Vladimir Putin: Bạn biết đấy, như tôi đã nói, vào năm 988, Quận vương Vladimir đã được rửa tội, bản thân Quận vương được rửa tội theo tấm gương của bà mình, nữ Quận chúa Olga, và sau đó ông rửa tội cho tùy tùng của mình, và dần dần, trong vài năm, ông rửa tội cho cả xứ Rus. Đó là một quá trình lâu dài - từ dân ngoại giáo đến tín đồ theo đạo Cơ đốc, phải mất nhiều năm. Nhưng cuối cùng thì đây là Chính thống giáo, Cơ đốc giáo phương Đông, nó đã thẩm thấu sâu vào tiềm thức của nhân dân Nga.

Khi Nga mở rộng và tiếp nhận các dân tộc khác theo đạo Hồi, đạo Phật và Do Thái giáo, Nga luôn rất khoan dung với những người theo các tín ngưỡng khác. Đây là sức mạnh của nước Nga. Điều này là hoàn toàn rõ ràng.

Và thực tế là trong tất cả các tôn giáo trên thế giới mà tôi vừa nói đến và những tôn giáo truyền thống của Liên bang Nga, về bản chất, những luận đề chính, những giá trị chính đều rất tương tự, nếu không nói là rất giống nhau. Và chính quyền Nga luôn rất thận trọng trong thái độ với văn hóa và tín ngưỡng của những dân tộc đã nhập vào thành phần Đế chế Nga. Theo tôi, điều này tạo thành nền tảng cho an ninh và sự bền vững ổn định của Nhà nước Nga. Bởi vì tất cả các dân tộc sinh sống ở Nga về cơ bản đều coi đất nước này là Tổ quốc của mình.

Ví dụ: có những người chuyển từ Châu Mỹ Latinh hoặc Châu Âu đến chỗ bạn, hay dễ hiểu hơn, là họ từ quê hương Tổ quốc lịch sử đến chỗ bạn hoặc các nước Châu Âu. Những người theo các tôn giáo khác nhau ở Nga đều coi Nga là Tổ quốc, họ không có Tổ quốc nào khác. Chúng tôi ở bên nhau, là một đại gia đình. Và các giá trị truyền thống của chúng tôi rất giống nhau. Khi tôi nói “đây là một gia đình lớn”, nhưng mỗi người trong đó đều có gia đình riêng của mình và đó là nền tảng của xã hội chúng tôi. Và nếu chúng tôi nói rằng Tổ quốc và gia đình cụ thể có mối liên hệ gắn bó rất chặt chẽ với nhau, thì đúng là như vậy. Không thể đảm bảo có tương lai bình thường cho con cháu và cho gia đình chúng ta, nếu như chúng ta không mang lại một tương lai bình thường, bền vững cho cả đất nước, cho Tổ quốc. Đó là lý do tại sao chủ nghĩa yêu nước rất phát triển ở Nga.

T. Carlson: Nếu cho phép, thì tôi xin nói các tôn giáo có khác biệt với nhau. Cơ đốc giáo tôn giáo không ủng hộ bạo lực, Chúa Kitô nói: “hãy đưa nốt cả má bên kia”, “không được giết người” và v.v… Vậy làm sao một nhà lãnh đạo có thể là một tín đồ Cơ đốc giáo nếu anh ta phải giết ai đó? Làm thế nào có thể dung hòa điều này trong bản thân mình?

Vladimir Putin: Rất dễ dàng nếu chuyện nói về yêu cầu bảo vệ bản thân và gia đình, quê hương Tổ quốc mình. Chúng tôi không tấn công bất cứ ai. Những sự kiện ở Ukraine bắt đầu từ cái gì? Từ cuộc đảo chính và từ khởi đầu hoạt động chiến sự ở Donbass, mọi chuyện bắt đầu như thế. Và chúng tôi bảo vệ người của mình, bảo vệ bản thân, bảo vệ Tổ quốc và và tương lai của chúng tôi.

Còn về tôn giáo nói chung, bạn biết đấy, nó không phải là những biểu hiện bên ngoài, không phải là việc đi nhà thờ mỗi ngày hay đập đầu xuống sàn hành lễ. Tín ngưỡng ở trong trái tim. Và ở chúng tôi có nền văn hóa với định hướng tới con người. Dostoevsky rất nổi tiếng ở phương Tây như một thiên tài về văn hóa, văn học Nga, đã nói rất nhiều về đề tài này, về tâm hồn Nga.

Suy cho cùng, xã hội phương Tây thực dụng hơn. Người dân Nga nghĩ nhiều hơn về cái vĩnh hằng, về những giá trị tinh thần đạo đức. Tôi không biết, có thể bạn sẽ không đồng ý với tôi, nhưng dù sao văn hóa phương Tây vẫn thực dụng hơn.

Tôi không nói như vậy là xấu, điều đó giúp họ có thể đạt được thành công tốt đẹp trong sản xuất, kể cả trong khoa học và v.v… như ngày nay. Ở đây không có gì sai, tôi chỉ đơn giản nói rằng chúng ta trông có vẻ giống nhau, nhưng tâm trí chúng ta ít nhiều có khác nhau.

T. Carlson: Vậy Ngài có cho rằng có điều gì siêu nhiên đang tác động ở đây? Khi Ngài nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới, Ngài có thấy Chúa Trời đang làm gì hay chăng? Ngài có khi nào tự nhủ rằng ở đây có sự tác động của một thế lực siêu phàm nào đó hay không?

Vladimir Putin: Không, thành thật mà nói, tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng cộng đồng thế giới phát triển theo những quy luật nội tại của nó và nó luôn như vậy. Không có cách nào tránh khỏi điều này; luôn luôn là như vậy trong lịch sử nhân loại. Một số dân tộc và đất nước đã trỗi dậy, trở nền hùng mạnh và rộng lớn hơn, sau đó họ rời bỏ vũ đài quốc tế, đánh mất vị trí mà họ đã quen thuộc. Có lẽ tôi không cần phải dẫn ra những ví dụ này: bắt đầu với những thế lực chinh phục Orda (Oát Nhi Đáp), với Thành Cát Tư Hãn, sau đó với Hãn quốc Kim Trướng, kết thúc với Đế chế La Mã vĩ đại. Trong lịch sử nhân loại, dường như không có gì sánh bằng Đế chế La Mã vĩ đại.

Tuy nhiên, tiềm năng của những bộ lạc dần dần được tích lũy, họ trở nên lớn mạnh hơn về dân số cũng như kinh tế. Từ đó Đế chế La Mã sụp đổ, và chế độ mà Đế chế La Mã vĩ đại áp đặt lên thế giới đã sụp đổ. Quả thực là phải mất một thời gian dài để sụp đổ - 500 năm. Sự khác biệt với tình hình ngày nay là ở chỗ quá trình thay đổi ngày nay diễn ra nhanh hơn nhiều so với thời kỳ của Đế chế La Mã vĩ đại.

T. Carlson: Nhưng khi nào đế chế của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ bắt đầu?

Vladimir Putin: Bạn đang đẩy tôi vào những câu hỏi ngày càng phức tạp hơn. Để trả lời, tất nhiên phải là chuyên gia trong lĩnh vực số lớn, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo này.

Nhân loại đang đối mặt với nhiều mối đe dọa: nghiên cứu trong lĩnh vực di truyền có thể tạo ra siêu nhân, một dạng con người đặc biệt, một chiến binh hình người, một nhà khoa học hình người, một vận động viên hình người. Bây giờ có tin rằng ở Mỹ, Elon Musk đã cấy một con chip vào não của người nào đó.

T. Carlson: Ngài nghĩ sao về chuyện này?

Vladimir Putin: Tôi nghĩ không thể ngăn cản nổi Musk, dù thế nào ông ấy vẫn sẽ làm những gì mà tự ông ấy cho là cần thiết. Nhưng cần phải bằng cách nào đó thương lượng với ông ta, cần tìm phương thức nào đó để thuyết phục ông ta. Tôi cho rằng ông ấy là một người thông minh. Cần đạt được thỏa thuận với ông ấy vì nghiên cứu đó cần tuân thủ những thể lệ quy tắc nào đó.

Tất nhiên, nhân loại phải suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra nhờ thành quả của những nghiên cứu và công nghệ mới nhất về di truyền học hoặc trí tuệ nhân tạo. Có thể dự đoán đại khái sẽ xảy ra điều gì. Khi loài người cảm nhận mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân đối với sự tồn tại của mình, tất cả chủ sở hữu vũ khí hạt nhân bắt đầu thương lượng với nhau vì họ hiểu ra rằng việc sử dụng bất cẩn thứ vũ khí này có thể dẫn đến sự diệt vong của nhân loại.

Khi hiểu ra rằng sự phát triển không giới hạn và không kiểm soát được của trí tuệ nhân tạo, di truyền học hoặc một số xu hướng hiện đại khác là không thể ngăn cản, thì những nghiên cứu này vẫn sẽ diễn ra, cũng như không thể che giấu được thuốc súng là gì trước nhân loại. Nhưng nếu nhân loại cảm thấy mối đe dọa với chính mình, thì tôi cho rằng đó sẽ là thời kỳ đi tới sự thống nhất ở cấp độ liên quốc gia về cách chúng ta điều chỉnh tình trạng này như thế nào.

T. Carlson: Cảm ơn Ngài rất nhiều vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Tôi muốn hỏi thêm một câu hỏi nữa. Evan Gershkovich, 32 tuổi, là nhà báo người Mỹ của Wall Street Journal, anh ta đã ở tù hơn một năm, đây là câu chuyện có tiếng vang lớn ở Mỹ. Tôi muốn hỏi Ngài: Ngài có sẵn sàng thực hiện một cử chỉ thiện chí, ân xá phóng thích Evan Gershkovich để chúng tôi có thể đưa anh ấy về Mỹ được không?

Vladimir Putin: Chúng tôi đã làm rất nhiều cử chỉ thiện chí, nhiều đến nỗi tôi cho rằng dường như chúng tôi đã vượt quá mọi giới hạn. Chưa một ai đáp lại những cử chỉ thiện chí của chúng tôi bằng cử chỉ tương tự. Nhưng về nguyên tắc, chúng tôi sẵn sàng nói rằng không loại trừ khả năng chúng tôi có thể làm điều này nếu có sự phản hồi tương xứng từ phía các đối tác của mình.

Và khi tôi nói “đối tác”, ý tôi trước hết là về đại diện của các cơ quan đặc nhiệm. Họ có liên lạc với nhau và họ đang thảo luận về chủ đề này. Chúng tôi không có điều cấm kỵ nào để không giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề, nhưng có một số điều kiện nhất định, sẽ được thảo luận thông qua các kênh đối tác. Tôi cho rằng chúng ta có thể thoả thuận về chuyện này.

Evan Gershkovich, phóng viên báo The Wall Street Journal, bị giam giữ vì nghi làm gián điệp ở Nga (Ảnh: Getty Image)

T. Carlson: Tất nhiên, mọi thứ diễn ra trong nhiều thế kỷ, một nước bắt được điệp viên, giam giữ và sau đó trao đổi anh ta lấy ai đó. Tất nhiên, đây không phải việc của tôi, nhưng tình huống này khác biệt ở chỗ người này chắc chắn không phải là gián điệp, cậu ta đơn thuần chỉ là một đứa trẻ. Và tất nhiên, cậu ta có thể đã vi phạm luật pháp của nước Ngài, nhưng cậu ta không phải là gián điệp và hoàn toàn chắc chắn không làm gián điệp. Có lẽ cậu ta vẫn thuộc hạng mục khác? Có lẽ sẽ không công bằng nếu đổi cậu ta lấy ai đó?

Vladimir Putin: Bạn biết đấy, bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn về thế nào là gián điệp và thế nào không phải là gián điệp, nhưng có những thứ nhất định được xét theo pháp luật. Nếu một người nhận được thông tin mật, làm việc đó một cách bí mật, thì như thế gọi là hoạt động gián điệp. Đây chính xác là những gì anh ta đã làm: anh ta nhận thông tin mật, giấu kín và anh ta đã làm điều đó một cách bí mật. Tôi không biết, có thể anh ta đã bị lôi kéo, ai đó đã có thể lôi kéo anh ta vào việc này, có thể anh ta đã thực hiện mọi việc một cách bất cẩn, tự phát theo ý riêng. Nhưng trên thực tế, điều này được gọi là hoạt động gián điệp. Và mọi chuyện đã được chứng tỏ, bởi anh ta bị bắt quả tang khi nhận thông tin này. Nếu đây là những thứ xa vời nào đó, tự nghĩ ra, thiếu chứng cớ thì đó sẽ là câu chuyện khác. Anh ta đã bị bắt quả tang khi nhận được thông tin mật trên cơ sở bí mật. Vậy thì đây là cái gì?

Vladimir Putin:T. Carlson: Ngài nói rằng cậu ta làm việc cho Chính phủ Mỹ, cho NATO, hay cậu ta chỉ đơn giản là một nhà báo nhận những thông tin lẽ ra không được trao vào tay? Tôi cho rằng dù sao vẫn có sự khác biệt giữa hai thể loại này.

Vladimir Putin: Tôi không biết anh ta làm việc cho ai. Nhưng tôi nhắc lại một lần nữa: nhận thông tin mật trên cơ sở bí mật thì gọi là gián điệp, còn anh ta làm việc phục vụ cho lợi ích của cơ quan tình báo Mỹ, cho một số cơ cấu khác. Tôi không nghĩ anh ta làm việc cho Monaco, khó lòng có chuyện Monaco quan tâm đến chuyện nhận những thông tin này. Đó là các cơ quan tình báo phải thoả thuận với nhau, bạn hiểu không? Có những người, mà theo quan điểm của chúng tôi, cũng không dính líu đến các cơ quan đặc nhiệm.

Có một câu chuyện thế này: có một người phải ngồi tù ở một nước, một quốc gia là đồng minh của Mỹ, vì lý do yêu nước người đó đã tiêu diệt một kẻ xấu ở một thủ đô Châu Âu. Trong thời gian các sự kiện ở Kavkaz, bạn có biết kẻ xấu này đã từng làm gì không? Tôi không muốn nói ra, nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ kể: anh ta xếp những người lính của chúng tôi bị bắt làm tù binh ra ngoài đường, rồi lái xe cán qua đầu họ. Đây là loại người gì và liệu có phải là con người nữa không? Nhưng có một người yêu nước đã loại bỏ anh ta tại một thủ đô Châu Âu. Anh này chủ động làm việc đó theo ý mình hay không lại là câu chuyện khác.

T. Carlson: Evan Gershkovich không làm điều gì như vậy, đó là chuyện hoàn toàn khác.

Vladimir Putin: Anh ta đã làm việc khác.

T. Carlson: Cậu ấy chỉ đơn thuần là một nhà báo.

Vladimir Putin: Anh ta không chỉ là một nhà báo, tôi nhắc lại một lần nữa. Đó là một nhà báo đã nhận thông tin mật trên cơ sở bí mật.

Đúng, đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi chỉ đơn giản đang nói về những người thực tế đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Mỹ, dù họ đang ngồi tù ở đâu chăng nữa, và đang diễn ra cuộc đối thoại giữa các cơ quan tình báo. Việc này cần được giải quyết một cách yên lặng, bình tĩnh và ở tầm chuyên nghiệp. Họ vẫn đang làm việc với nhau, cứ để họ làm.

Tôi không loại trừ khả năng người mà bạn nhắc đến, Gershkovich, có thể sẽ được về quê hương. Tại sao lại không? Việc giữ anh ta ít hay nhiều trong nhà tù ở Nga là vô nghĩa. Nhưng hãy cứ để đồng nghiệp của chúng tôi, các sĩ quan đặc nhiệm phía Mỹ cũng suy nghĩ về cách giải quyết những vấn đề đặt ra trước cơ quan tình báo của chúng ta. Chúng tôi không hề đóng cánh cửa dành cho đàm phán. Hơn thế nữa, những cuộc đàm phán này hiện đang diễn ra và đã có nhiều trường hợp đạt thỏa thuận. Có thể đi đến thỏa thuận bây giờ, nhưng cần thương lượng.

T. Carlson: Tôi hy vọng Ngài sẽ thả cậu ta. Xin cảm ơn Ngài rất nhiều, thưa Tổng thống.

Vladimir Putin: Tôi cũng muốn cuối cùng anh ta sẽ được về nhà. Tôi nói điều này hoàn toàn chân thành. Nhưng tôi nhắc lại, cuộc đối thoại vẫn đang tiếp diễn. Chúng ta càng công khai những chuyện như thế này thì việc giải quyết càng phức tạp hơn. Mọi chuyện nên bình tĩnh.

T. Carlson: Thành thật mà nói, với chiến tranh, tôi không biết liệu có hiệu quả hay không. Nếu Ngài cho phép, tôi xin hỏi thêm một câu nữa. Có thể Ngài không muốn trả lời vì lý do chiến lược, nhưng Ngài không lo ngại rằng những gì xảy ra ở Ukraine có thể dẫn đến hệ quả quy mô hơn và đáng sợ hơn nhiều hay sao? Và Ngài đã sẵn sàng đến đâu, liệu Ngài có động lực để gọi điện, chẳng hạn như cho Mỹ và nói: Nào ta hãy thương lượng hay không?

Vladimir Putin: Bạn nghe này, tôi đã nói rồi: chúng tôi không từ chối đàm phán. Chúng tôi không từ chối, mà đó là phía phương Tây, còn Ukraine ngày nay hiển nhiên là chư hầu của Mỹ. Điều đó quá rõ ràng. Quả thật, tôi không muốn để điều này nghe giống như xúc phạm đối với ai đó, nhưng chúng ta đều hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Hỗ trợ tài chính 72 tỷ USD đã được trao, Đức ở vị trí thứ hai, tiếp đó là các nước châu Âu khác. Hàng chục tỷ USD đổ vào Ukraine. Có lượng lớn vũ khí đang được mang đến.

Hãy khuyên các lãnh đạo Ukraine hiện tại ngồi xuống, đàm phán, hủy bỏ sắc lệnh hoặc nghị định trước đó. Chúng tôi không từ chối.

T. Carlson: Vâng, Ngài đã nói về điều này rồi. Tất nhiên, tôi hiểu rất rõ rằng đây không phải là lời xúc phạm. Thật ra có thông tin cho rằng Ukraine đã bị ngăn cản ký kết hòa bình theo chỉ thị của cựu Thủ tướng Anh, người hành động theo lệnh từ Washington. Vì thế cho tôi hỏi, tại sao Ngài không trực tiếp giải quyết những vấn đề này với chính quyền của ông Biden, hiện đang kiểm soát tình hình, chứ không phải ông Zelensky ở Ukraine?

Vladimir Putin: Nếu chính quyền Zelensky ở Ukraine từ chối đàm phán, tôi cho rằng họ làm theo chỉ thị của Washington. Nếu những người ngồi ở Washington thấy đây là quyết định sai lầm thì hãy từ bỏ, kiếm một lý do tế nhị nào đó không gây khó chịu cho ai và tìm ra giải pháp. Không phải là chúng tôi đã đưa ra những quyết định này, mà là họ đã đưa ra quyết định, vậy thì hãy để họ làm. Thế thôi.

Nhưng họ đã quyết định sai lầm, giờ đây chúng ta phải tìm lối thoát khỏi việc đó, sửa chữa sai lầm của họ? Họ đã thực hiện thì hãy cứ để họ sửa chữa. Chúng tôi ủng hộ.

T. Carlson: Tôi muốn đảm bảo rằng tôi hiểu đúng ý Ngài. Tức là Ngài muốn thương lượng để đạt được giải pháp cho những gì đang xảy ra hiện nay ở Ukraine, đúng không?

Vladimir Putin: Đúng. Nhưng chúng tôi đã đạt được điều này, chúng tôi đã tạo lập văn kiện lớn ở Istanbul, có chữ ký tắt của người đứng đầu phái đoàn Ukraine. Chữ ký của ông ấy ở trên một đoạn trích từ thỏa thuận này, không phải trên mọi thứ, mà là trên một đoạn trích. Ông ấy ký tên rồi sau đó nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng ký, và chiến tranh lẽ ra đã kết thúc từ lâu rồi, từ một năm rưỡi trước đây. Nhưng ông Johnson đã đến và thuyết phục chúng tôi từ bỏ việc đó, và chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội này“. Họ đã bỏ lỡ, họ đã phạm sai lầm, cứ để họ trở lại với điều này, thế thôi. Tại sao chúng tôi lại phải sửa chữa lỗi lầm của ai đó?

Tôi biết có người nói rằng đó là sai lầm của chúng tôi khi chúng tôi đẩy mạnh hành động và quyết định chấm dứt cuộc chiến này bằng vũ lực, như tôi đã nói, bắt đầu vào năm 2014 ở Donbass. Nhưng tôi sẽ đưa bạn trở lại sâu hơn nữa, tôi đã nói về vấn đề này rồi, bạn và tôi vừa thảo luận. Khi đó, chúng ta trở lại năm 1991, khi người ta hứa với chúng tôi là sẽ không mở rộng NATO. Hãy trở lại năm 2008, khi cánh cổng gia nhập NATO mở ra, hãy trở lại Tuyên ngôn Độc lập của Ukraine, khi nước này tuyên bố là một Nhà nước trung lập. Ta hãy trở lại thực tế là các căn cứ của NATO, Mỹ và Anh bắt đầu xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine, tạo ra những mối đe dọa đối với chúng tôi. Ta hãy trở lại với thực tế là cuộc đảo chính được thực hiện ở Ukraine vào năm 2014. Có quá nhiều điều phải? Họ đã chấm dứt đàm phán. Sai lầm ư? Đúng. Hãy sửa. Chúng tôi sẵn sàng. Còn gì nữa?

T. Carlson: Ngài có cho rằng sẽ quá nhục nhã đối với NATO nếu bây giờ công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với lãnh thổ hai năm trước thuộc về Ukraine hay không?

Vladimir Putin: Tôi đã nói rồi: cứ để họ nghĩ cách làm điều đó. Nếu họ muốn, họ luôn có lựa chọn.

Cho đến bây giờ, họ vẫn ồn ào gào thét: phải hạ gục Nga về mặt chiến lược, cần đánh bại trên chiến trường... Nhưng giờ đây, rõ ràng, người ta nhận ra rằng thực hiện điều này hoàn toàn không dễ, nếu như có thể. Theo tôi, điều này nhất định là không thể, sẽ không bao giờ diễn ra. Tôi cho rằng, có vẻ bây giờ những người nắm quyền ở phương Tây đã nhận thức được điều này. Nhưng nếu đúng thế và nếu đã nhận thức được như vậy, họ phải nghĩ xem sẽ làm gì tiếp theo. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại.

T. Carlson: Liệu Ngài có sẵn sàng nói rằng : “Chúc mừng NATO, các vị đã thắng”. Và tiếp tục duy trì tình hình như hiện tại không ?

Vladimir Putin: Bạn biết đấy, đây là chủ đề đàm phán mà không ai muốn tiến hành, hay nói chính xác hơn là họ muốn nhưng không biết làm thế nào. Tôi biết họ muốn gì, tôi không chỉ nhìn thấy mà còn biết họ muốn gì, nhưng họ không sao tìm ra cách để làm điều đó. Họ đã đưa mọi chuyện đến tình trạng hiện nay. Không phải là chúng tôi, mà là các “đối tác” và đối thủ của chúng tôi đã làm việc đó. Được thôi, bây giờ cứ để họ nghĩ cách xoay chuyển tình thế theo phía khác. Chúng tôi không từ chối.

Sẽ thật nực cười nếu như không đáng buồn đến thế. Cuộc tổng động viên bất tận ở Ukraine, cơn cuồng loạn, những vấn đề nội bộ... Sớm hay muộn tất cả cũng sẽ đi đến thỏa thuận. Nghe có vẻ kỳ quặc trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng quan hệ giữa các dân tộc rồi sẽ được khôi phục. Phải mất một thời gian dài, nhưng sẽ hồi phục.

Tôi sẽ đưa ra một số ví dụ. Hiện đang có trận đụng độ trên chiến trường, một ví dụ thực tế: Lính Ukraine rơi vào vòng vây, các chiến sĩ của chúng tôi hét lên với họ: “Không còn cơ hội đâu, đầu hàng đi! Bước ra sẽ sống, đầu hàng đi ! “. Và đột nhiên những người lính Ukraine hét lên bằng tiếng Nga, tiếng Nga chuẩn xác: “Người Nga không đầu hàng!” rồi tất cả đều chết. Cho đến lúc đó họ vẫn cảm thấy mình là người Nga.

Những gì đang xảy ra, ở một mức độ nhất định, là thành tố của cuộc nội chiến. Và mọi người ở phương Tây đều nghĩ rằng người Nga đã bị chia cắt mãi mãi bởi các hoạt động chiến sự. Không phải vậy. Họ sẽ đoàn tụ. Sự đoàn kêt vẫn đang ở đây.

Tại sao chính quyền Ukraine lại cướp đi Nhà thờ Chính thống giáo Nga? Bởi vì Nhà thờ kết nối không phải lãnh thổ mà là linh hồn, và không ai có thể chia cắt nổi linh hồn.

Chúng ta kết thúc ở đây hay còn gì nữa?

T. Carlson: Đó là tất cả những gì tôi muốn hỏi. Xin cảm ơn Ngài rất nhiều, thưa Tổng thống.

Video: Cuộc phỏng vấn tổng thống Nga Putin của Tucker Carlson

Nhóm dịch : Hiền Thảo-Minh Thúy-Ngọc Bích
Đồ họa: Thanh Nga

User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa bày tỏ sự ủng hộ việc cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ trong ít nhất một thời gian ngắn và nói rằng, ông đã nhận được hàng tỷ lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội này trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.

Tại ngôi làng Ponikla ở Cộng hòa Séc, nghề thổi thủy tinh có truyền thống hơn 150 năm tuổi vẫn đang được duy trì. Nhà xưởng Rautis, đơn vị duy nhất trên thế giới còn sản xuất đồ trang trí Giáng sinh từ cát thủy tinh, không chỉ đang bảo tồn một nghề thủ công truyền thống mà còn góp phần đưa kỹ thuật này đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố mới đây cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã mua dầu từ Nga với tổng trị giá 687,5 triệu euro (khoảng 735,6 triệu USD), mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Albania công bố lệnh cấm TikTok trong vòng một năm do lo ngại về ảnh hưởng của mạng xã hội lên trẻ em. Quyết định được đưa ra sau vụ một thiếu niên 14 tuổi bị bạn học đâm chết vì những tranh cãi qua lại trên mạng xã hội.

Theo tờ Maariv của Israel, các lực lượng quân sự Israel đang gặp phải những thách thức đáng kể trong việc đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái từ nhóm Houthi.

Ngày 22/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "khả thi", nhưng Kiev sẽ phải nỗ lực thuyết phục các đồng minh để điều này thành hiện thực.

Ngày 22/12, lãnh tụ Tối cao của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Seyyed Ali Khamenei, đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc rằng Iran đã mất các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực Tây Á.

Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết” nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.

Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.

Một chiếc trực thăng đã đâm vào một bệnh viện ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Chủ nhật, khiến bốn người thiệt mạng, gồm hai phi công, một bác sĩ và một nhân viên trên máy bay. Không có ai bên trong tòa nhà hoặc trên mặt đất bị thương.

Cảnh sát Nigeria ghi nhận đã có ít nhất 13 người thiệt mạng trong hai vụ giẫm đạp nhận quà từ thiện tại nước này, đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế Mark Burnett làm đặc phái viên của ông tại Vương quốc Anh. Lựa chọn này cần được Thượng viện Mỹ phê duyệt.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này đang đàm phán với Nga và Ukraine về giải pháp duy trì trung chuyển khí đốt qua Ukraine, đồng thời khẳng định Budapest không muốn từ bỏ tuyến đường này.

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck-soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt thêm thuế quan với Liên minh châu Âu nếu lục địa già không tăng cường mua dầu khí của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật - dự luật cấp ngân sách cho Chính phủ liên bang đến giữa tháng 3/2025, tránh được nguy cơ phải đóng cửa một phần chỉ vài ngày trước dịp lễ Giáng sinh.

Truyền thông Đức cho biết nghi phạm bị cáo buộc trong vụ lao xe vào đám đông ở một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg, đông bắc nước này, là Taleb Al Abdulmohsen, một công dân Ả Rập Xê-út. Đáng chú ý, nghi phạm là một bác sĩ tâm lý được đánh giá cao về chuyên môn.

Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp vừa công bố số liệu cho thấy nợ công của nước này tiếp tục tăng trong quý III/2024.

Tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa thay đổi yêu cầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên của khối tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, gấp 2,5 lần so với mức hiện tại là 2%.

Tại Slovenia, hang động đá vôi Postojna là một điểm đến không thể bỏ lỡ mỗi dịp Giáng sinh. Đến với hang động này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh chúa Giesu ra đời.

Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa tổ chức mít tinh và diễu hành ở trung tâm Seoul, một tuần sau khi Tổng thống Hàn Quốc bị kiến nghị luận tội vì lệnh thiết quân luật hồi đầu tháng này.

Trước tình trạng khoai tây đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và biến đổi khí hậu, các nhà khoa học tại Trung Quốc - nước sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới - đang nỗ lực nghiên cứu giống khoai tây chịu nhiệt, nhằm bảo vệ nguồn cung cấp lương thực.

Con số cập nhật mới nhất cho thấy, có 5 người thiệt mạng, bao gồm một trẻ em và ít nhất 200 người bị thương sau khi chiếc xe BMW lao vào đám đông tại chợ Giáng sinh Magdeburg của Đức.

Ngày 21/12, một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa một xe buýt chở khách và một xe tải trên đường cao tốc tại Brazil đã khiến ít nhất 30 người tử vong.

Sau Hạ viện, Thượng viện Mỹ hôm nay 21/12, đã thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn nhằm duy trì hoạt động của chính phủ liên bang tới tháng 3 năm sau.

Tư lệnh Tình báo quốc phòng Hàn Quốc, Thiếu tướng Moon Sang Ho đã bị bắt giữ ngày 20/12, với cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong việc ban bố thiết quân luật đêm 3/12.

Công đoàn IG Metall thông báo đã đạt được bước đột phá trong cuộc đàm phán thương lượng tập thể với Volkswagen. Theo đó, thỏa thuận này sẽ ngăn chặn việc đóng cửa các nhà máy và sa thải nhân viên.

Chính quyền Croatia cho biết có kế hoạch tổ chức quốc tang vào hôm nay (21/12) cho các nạn nhân của vụ tấn công bằng dao chưa từng có tại một trường học ở thủ đô Zagreb.

Chính phủ Nhật Bản cho hay, nước này sẽ cung cấp vaccine đậu mùa khỉ cho Cộng hòa dân chủ Congo và đã cử một đoàn chuyên gia y tế đến thực địa để khảo sát cách tiến hành tiêm chủng. Động thái này nhận được sự hoan nghênh từ Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, vào ngày 27/12 tới, ông sẽ ra quyết định liệu có giải tán quốc hội hay không.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã chia sẻ những nội dung trên mạng xã hội nhằm gửi lời chia buồn về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại chợ Giáng sinh ở thành phố Madeburg của Đức, khiến hơn 60 người thương vong.

Ngày 20/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố 12 thay đổi trong Nội các, theo đó đưa vào 8 bộ trưởng mới và chuyển đổi vị trí của 4 bộ trưởng cũ. Đây được coi là một trong những đợt cải tổ Nội các lớn nhất kể từ khi ông Trudeau lên nắm quyền cách đây 9 năm.

Một đối tượng đã lái xe đâm vào đám đông ở chợ Giáng sinh Magdeburg, miền đông nước Đức, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 60 người bị thương. Các quan chức địa phương xác nhận đây là một vụ tấn công khủng bố.

Với tỷ lệ phiếu áp đảo 366 phiếu ủng hộ trên 34 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu sửa đổi để không đẩy chính phủ Mỹ rơi vào tình cảnh phải đóng cửa một phần.

Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ ở Trung Đông ngày 20/12 thông báo đã tiêu diệt một thủ lĩnh của Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) trong một cuộc không kích ở Syria.

Ngày 20/12, một xe ô tô đã lao vào một khu chợ Giáng sinh ngoài trời đông đúc ở thành phố Magdeburg, miền Đông nước Đức, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và hơn 60 người khác bị thương. Chính quyền địa phương gọi đây là một vụ tấn công khủng bố.

Công ty khởi nghiệp Energy Miner của Bavaria (Đức) đã phát triển một công nghệ tiên tiến nhằm khai thác thủy điện theo cách mới mà không cần xây đập hoặc đổ bê tông. Công ty này đang mong muốn hướng đến một cuộc cách mạng về thủy điện.

Từ một vườn thú, BuinZoo tại thủ đô Santiago (Chile) đã bắt đầu quá trình chuyển đổi thành công viên sinh thái, hướng đến mục tiêu bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái.

Tháng 1/2025, Bỉ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thuộc EU cấm bán thuốc lá điện tử dùng một lần, nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em lạm dụng thuốc lá điện tử, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc lá điện tử đối với môi trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây khẳng định, Nga đã đạt được các mục tiêu của mình tại Syria, bác bỏ những tuyên bố cho rằng sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad sẽ làm yếu đi sức mạnh của Nga.

Dự báo từ nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus cho biết, thị trường dịch vụ hàng không dân dụng của Trung Quốc sẽ trở nên lớn nhất thế giới trong vòng hai thập kỷ tới, với giá trị thị trường gần gấp ba lần so với hiện tại.

Tổng thống Joe Biden vừa đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: giảm khí thải nhà kính của Mỹ hơn 60% vào năm 2035, trong nỗ lực bảo vệ di sản chống biến đổi khí hậu của mình.

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định sẵn sàng thảo luận với chính quyền của ông Donald Trump về việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.