LIVE Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội vào 9h00, ngày 21/10/2024.

● 10:56: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo. Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình. Ảnh: Báo Chính phủ

Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 35/35 kiến nghị, đạt 100%. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được Quốc hội đặc biệt chú trọng, nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tới.

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.112/2.162 kiến nghị, đạt 97,7%. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời trước thời hạn, chất lượng giải quyết, trả lời ngày càng được nâng lên.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 27/27 kiến nghị, đạt 100%.

Ảnh: Báo Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chỉ rõ một số hạn chế như việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 7 của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.

Qua giám sát cho thấy, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của Nhà nước như: Từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”. Cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Cử tri tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ tính giá dịch vụ y tế…

Từ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đến nay, cử tri nhiều địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109 về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc. Do đó, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ nêu trên.

● 10:39: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 63/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; 48/63 báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội; 15 báo cáo của các tổ chức thành viên; báo cáo của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Báo Chính phủ

Cử tri và nhân dân bày tỏ tiếc thương vô hạn trước sự việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đồng thời bày tỏ đau xót trước sự tàn phá nặng nề của thiên tai, bão lũ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là cơn bão số 3. Bên cạnh đó, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trong năm 2025, cho rằng Đảng và Nhà nước đã có một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, tạo được hiệu ứng xã hội rất tốt, tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ảnh: Báo Chính phủ

Cử tri và nhân dân tin tưởng sâu sắc vào sự đoàn kết thống nhất, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.

Cử tri và nhân dân đồng thuận, thống nhất cao với Đảng và Nhà nước đã quan tâm hơn trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa để giữ gìn hồn cốt của dân tộc, tuy nhiên chưa hài lòng vì hoạt động của các nhà văn hóa, nhất là ở cấp xã, thôn, bản chưa đem lại hiệu quả thiết thực.

Ảnh: Báo Chính phủ

Băn khoăn, lo lắng về cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, đời sống của nhân dân sẽ khó khăn hơn, nguy cơ tái nghèo cao, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước có chủ trương, giải pháp, chính sách căn cơ hơn để đảm bảo an toàn cho Nhân dân trước tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo xử lý một số bất cập trong việc tăng lương đối với một số ngành nghề; tiếp tục điều chỉnh tăng lương hưu tương xứng với tăng lương cho cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm đối với người có trách nhiệm không tổ chức tiếp công dân hoặc tiếp mang tính chất chiếu lệ, chưa chân thành lắng nghe, thật lòng giải quyết kiến nghị của người dân.

Trong thời gian tới, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước cần sớm dành nguồn lực gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để Nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền nhất là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Cùng với đó đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thương Trung ương hướng dẫn cụ thể để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và phong trào cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2025.

Từ những hạn chế nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri; đảm bảo thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri kịp thời, đúng quy định. Đồng thời đề nghị Chính phủ, Bộ ngành ở Trung ương: tập trung giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; tiếp tục quan tâm hơn nữa việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

● 10:17: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Đề cập về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).

Ảnh: Báo Chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Báo Chính phủ.

Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024. Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với trước đại dịch Covid-19.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Cục diện thế giới dự báo sẽ có những diễn biến, chuyển động, thay đổi khó lường hơn. Ở trong nước, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ.

Ảnh: Báo Chính phủ

Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo báo cáo của Chính phủ. Để tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Kiểm soát lạm phát, tỷ giá. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

● 09:35: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực. Giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Báo Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương.

Triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Rà soát, đánh giá tình hình và dự kiến kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, từ đó có giải pháp đột phá theo tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”.

Ảnh: Báo Chính phủ.

Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Lập các Ban Chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” và “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”.

Tạo động lực, truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quan tâm, triển khai tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội. Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập úng trên phạm vi cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Về kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 01/7/2024).

Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD  (tính đến 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm ; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Về văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy; tổ chức tốt các ngày lễ lớn. An sinh xã hội được bảo đảm. Thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tín dụng chính sách xã hội được đẩy mạnh.

Ảnh: Báo Chính phủ

Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2,15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” càng tỏa sáng mạnh mẽ.

Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước. Tăng cường kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phế liệu nhập khẩu. Huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.

Công tác phòng, chống thiên tai được tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, mạnh nhất trong 70 năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo sát tình hình, ứng phó từ sớm, từ xa với nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, phòng ngừa ở mức cao nhất, sẵn sàng phương án cho mọi tình huống ; xử lý bản lĩnh, khoa học, hiệu quả các tình huống khẩn cấp về đê điều, hồ đập; qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Kịp thời động viên thăm hỏi; chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động kinh tế, xã hội, không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được đến trường, người bệnh được cứu chữa.

Ảnh: Báo Chính phủ

Trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy; các lực lượng tuyến đầu cơ sở, nhất là quân đội, công an luôn là lực lượng xung kích, đi đầu, không quản ngại gian khổ, hy sinh để cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân, đã để lại những hình ảnh ấn tượng, tình cảm sâu nặng trong lòng nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Ảnh: Báo Chính phủ

Thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài”; việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa được xử lý kịp thời.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây… Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm. Ảnh: Báo Chính phủ.

Rút ra bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần nêu cao tinh thần đại đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; triển khai chủ động, quyết liệt, hiệu quả, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với vấn đề mới, vấn đề khó; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài, là quyết định; ngoại lực là quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử. Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi. Các cấp quyết liệt cải cách hành chính, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; đẩy mạnh phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn... Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; các cháu học sinh phải được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Ảnh: Báo Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chúng ta đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng ngày mai, vì thế hệ tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước ta tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

● 09:19: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm phát biểu

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Ảnh: Báo Chính phủ.

Để tạo tiền đề chuẩn bị ngay về mọi mặt để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ Nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện Đoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế dự phiên khai mạc kỳ họp và toàn thể cử tri, nhân dân, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài lời chào, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc kỳ họp thành công tốt đẹp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, vừa qua Hội nghị lần thứ X, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công rất tốt đẹp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đến cấp cơ sở quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao, Hội nghị Trung ương 10 đã thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, thống nhất nhận thức, hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII, chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Báo Chính phủ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao, thời gian qua hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, với ba chức năng quan trọng.

Về lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 03 pháp lệnh. Ngay trong Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự án luật, 03 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật, trong đó có 01 luật sửa 03 luật trong lĩnh vực đầu tư; 01 luật sửa 07 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản. Có những dự án luật rất mới phù hợp với xu thế phát triển như Luật Dữ liệu, Luật Công nghiệp công nghệ số…thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội. Chính phủ cũng khẩn trương quán triệt triển khai thực hiện ngay chủ trương của Hội nghị Trung ương 10. Các văn bản này sẽ góp phần quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội đảm bảo quyền con người và phục vụ phát triển đất nước.

Ảnh: Báo Chính phủ.

Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không ngừng được cải tiến, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ. Quốc hội cũng đã đồng hành cùng Chính phủ quyết định ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối ngoại của Quốc hội cũng được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, Quốc hội được bầu  ở nhiều vị trí quan trọng ở các diễn đàn lớn, uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nêu rõ, trong tổ chức hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Cùng với đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài.

Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập… Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo giữa lập pháp và hành pháp; chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước…

Tổng Bí thư. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung nhấn mạnh 03 vấn đề:

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Các quy định của pháp luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định, để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ hai, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần sớm nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, phù hợp với thực tiễn, tránh trùng giẫm với hoạt động của các cơ quan Nhà nước khác, gây lãng phí. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật, chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đổi mới quy trình quyết định ngân sách nhà nước, bảo đảm thực chất, đi đôi với việc giám sát việc thực hiện ngân sách; từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách…

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội; coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai, thuộc bài, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao, gương mẫu đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng trong xây dựng thể chế, phát triển đất nước, với tinh thần đổi mới, cải cách hết lòng, hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

● 09:09: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công rất tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21/10 đến ngày 30/11/2024; chia làm hai đợt. Đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11. Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu quan trọng.

Theo chương trình của kỳ họp, về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.

”Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.  Ảnh: Báo Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định…đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Ảnh: Báo Chính phủ.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.

Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh: Báo Chính phủ.

Về giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Ảnh: Báo Chính phủ.

Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

● 09:03: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng nay (21/10).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp nối thành công của Hội nghị lần thứ X Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, căn cứ quy định của Hiến pháp, pháp luật và tình hình thực tiễn, sau quá trình chuẩn bị tích cực, khẩn trương, kỹ lưỡng và trách nhiệm, hôm nay, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Báo Chính phủ.

Đến tham dự phiên khai mạc kỳ họp, về phía các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách mời có: đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí Thư; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương; các đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Về phía Quốc hội có: đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và các vị đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

● 09:00: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc

Sau khi tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự kỳ họp; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp.

Trước khi diễn ra phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quốc hội tiến hành mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua. Ảnh: Báo Chính phủ.
Quốc hội làm Lễ Chào cờ. Ảnh: Báo Chính phủ.

● 08:00: Đoàn ĐBQH viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc

Dự lễ viếng có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Tham dự lễ viếng có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu dự lễ viếng.

Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

Trong tiếng quân nhạc trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng biết ơn vô hạn, lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất.

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết thúc lễ viếng, các đại biểu họp trù bị chuẩn bị cho Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra lúc 9h sáng cùng ngày.

Vòng hoa viếng của đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

Ngay sau Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ phát biểu. Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo chương trình dự kiến kỳ họp trình Quốc hội thông qua tại phiên trù bị, tại ngày đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự bầu chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp.

Các đại biểu chụp ảnh trước toà Nhà Quốc hội.
User
Ý KIẾN

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Santo Dominigo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.

Hà Nội giao các đơn vị liên quan hạ ngầm đường dây cáp đi nổi, đặc biệt tại 4 quận nội đô hoàn thành trong năm 2026. Việc hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi sẽ được giao trách nhiệm thực hiện cho các địa phương.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) ngày 21/11 cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngày 22/11, Công an thành phố Hà Nội cho biết đã vào cuộc xác minh và tìm ra những học sinh liên quan đến clip được đăng tải trên mạng xã hội vào sáng 20/11 về nhóm thanh thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, mặc đồng phục học sinh, cầm theo cờ điều khiển xe máy trên phố.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ (17/11/1954 - 17/11/2024) vào tối 21/11, tại Hà Nội.

Trung tâm Thông tin - Truyền thông Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến với chủ đề “Mỗi tấm gương một khát vọng cống hiến”.

Ngày 22/11, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, thủ đoạn cài đặt phần mềm dịch vụ công “giả mạo" tuy không mới, nhưng vẫn còn nhiều người dân ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí, mất cảnh giác nên đã "sập bẫy" thủ đoạn này.

Sáng nay, 22/11, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả” tại địa chỉ số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Sáng 22/11, Công an thành phố Hà Nội thông tin, khoảng 22 giờ 15 phút ngày 21/11, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố nhận được tin báo xảy ra cháy nhà dân tại tổ 12 phường Thạch Bàn (quận Long Biên).

Chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.

Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Thanh Trì phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố cùng công an các quận giáp ranh Hoàng Mai, Hà Đông đã triệu tập, tạm giữ hàng chục thanh thiếu niên có hành vi gây rối trật tự.

Chiều 21/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khai trương Dự án chính quyền số thành phố Hải Phòng và khai mạc triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ năm 2024.

Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22/12, tuyến tàu điện này sẽ bắt đầu chạy thương mại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1286 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, quy định việc sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã.

Trong chương trình thăm chính thức nước Cộng hoà Dominicana, chiều 21/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu chính sách tại Học viện Giáo dục cấp cao về Đào tạo ngoại giao và lãnh sự Cộng hòa Dominicana với chủ đề: “Nâng tầm cao mới trong quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominicana: Nhịp cầu hữu nghị, hợp tác giữa Đông Nam Á và Mỹ Latinh".

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực huy động nhân lực và xuồng máy tìm kiếm trên đoạn sông ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, nơi xảy ra vụ tai nạn xe chở rác va vào lan can cầu treo và rơi xuống sông, làm 2 người trên xe mất tích vào sáng 21/11.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ đã tiếp nhận, đưa 5 thuyền viên gặp nạn trên biển vào bờ an toàn. Hiện sức khỏe của các thuyền viên đều ổn định.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa phối hợp với Cục An Toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Trong tương lai gần, việc chuyển đổi sang du lịch thông minh không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn đòi hỏi một sự thay đổi theo hướng tiếp cận kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra thông tin dự báo thời tiết ngày hôm nay (22/11), Thủ đô Hà Nội sẽ duy trì thời tiết không mưa, tuy nhiên nhiệt độ sẽ hạ thấp.

Chiều 21/11, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khuyến cáo công dân Việt Nam về tình hình Ukraine.

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, chiều 20/11, theo giờ địa phương, tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng bí thư Đảng Phòng trào Cánh tả Thống Nhất (MIU), Bộ trưởng Chính sách Hội nhập khu vực của Chính phủ Cộng hòa Dominicana.

Ngay sau Lễ đón trọng thể tại Phủ Thủ tướng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Công an quận Thanh Xuân vừa truy xét, bắt giữ đối tượng cướp giật tài sản của cụ bà hơn 80 tuổi. Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Văn Vương (sinh năm 2001, trú tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Công an quận Hà Đông phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội ngày 3/11, đã tạm giữ hình sự hai đối tượng về hành vi cướp tài sản; đồng thời, giao một đối tượng có liên quan dưới 14 tuổi về Công an phường để quản lý giáo dục.

Chiều 20/11, TAND TP.HCM đã thẩm vấn bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil để làm rõ về hành vi gây thất thoát tài sản Nhà nước khi không nộp tiền Quỹ bình ổn giá và Thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 21/11, phiên tòa xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 47 người và các đơn vị, tổ chức liên quan, tiếp tục với phần bào chữa cho nhóm bị cáo thuộc Đoàn thanh tra về các sai phạm tại SCB.

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố". Lộ trình thực hiện đề án bắt đầu từ năm 2025, mục tiêu đến năm 2035 sẽ sử dụng 100% xe buýt điện.

Tình huống nguy hiểm trên xảy ra ngày 20/11 trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu, Hòa Bình và được chính camera hành trình trên xe ô tô con bị nạn ghi lại.

Gần đây tại quận Thanh Xuân, câu chuyện về những chiếc barie dựng tại các ngõ nhỏ vào giờ cao điểm đã thu hút sự chú ý. Mục đích ban đầu là để kiểm soát lưu lượng giao thông, thế nhưng sự xuất hiện của chúng cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi từ những người đi lại thường xuyên qua đây.

Sáng nay, ngày 21/11/, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã khởi động dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 21/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng thống Philippines ký ban hành đạo luật các vùng biển, đạo luật về luồng Hàng hải vùng nước quần đảo của Philippines và việc Trung Quốc công bố thông báo tên gọi tiêu chuẩn một phần các đảo, bãi của Trung Quốc ở Nam Hải gồm 64 thực thể tại biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các bên giải quyết các tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 21/11, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình leo thang xung đột nguy hiểm hiện nay tại Ukraine khiến đại sứ quán một số nước tại Ukraine có thể sẽ đóng cửa.

Chiều nay, 21/11, Đài Hà Nội và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác tăng cường truyền thông về giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân trên Đài Hà Nội.

Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, sản phẩm trí tuệ nhân tạo do Cục Thuế thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển đã được Tổng cục Thuế tổ chức ra mắt sáng nay, 21/11.

Ngày 20/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao. Thông tin được nêu tại Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra chiều 21/11.

Sáng 21/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Còn nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm.

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominicana theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Dominicana Luis Abinader Corona, ngày 20/11, theo giờ địa phương, tại Cung Quốc gia ở thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Luis Abinader Corona cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước đã có cuộc hội đàm rất thành công.

Chiều 21/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đến thủ đô Phnom Penh, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) từ ngày 21-24/11.

Sáng nay, 21/11, tại Phủ Thủ tướng, Trung tâm hành chính Putrajaya, Malaysia, Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân sang thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia thăm chính thức.

Hôm nay, 21/11, Thành ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Đi vào đường cấm như đường cao tốc, vành đai trên cao, đường một chiều,… là hành vi nguy hiểm và vi phạm luật giao thông đường bộ. Thực tế cũng đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, tuy nhiên vẫn có một số người dân ý thức chấp hành luật chưa tốt.

Quốc Oai là địa bàn trung chuyển các mặt hàng vật liệu xây dựng như đất, đá từ Hòa Bình vào trung tâm thành phố và các quận, huyện lân cận. Do vậy, địa phương này gặp nhiều áp lực về tình trạng xe qua khổ, quá tải hoạt động.

Từ ngày 1/1/2025 việc sử dụng, quản lý thiết bị giám sát hành trình với các ô tô sẽ có nhiều quy định mới.

Liên quan đến việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi vào hôm qua (20/11), chiều nay 21/11, cơ quan chức năng đã làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.