An cư lạc nghiệp… còn xa vời? | Hà Nội tin mỗi chiều
Từ xưa đến nay, quan điểm "an cư lạc nghiệp" vẫn nằm trong top ưu tiên của người Việt bởi sở hữu một căn nhà mang ý nghĩa ổn định, khẳng định sự trưởng thành cho mỗi người. Và trên thực tế, căn nhà chính là nền móng cho một tổ ấm tương lai vững chắc.
Thử tưởng tượng khi bạn có kế hoạch lập gia đình và có kế hoạch sinh con nhưng vẫn phải chen chúc trong dãy nhà trọ chật chội sẽ ra sao? Hay khi bạn đã trưởng thành và muốn tìm cho mình một khoảng không gian riêng để có thể tự do làm điều mình thích nhưng chưa thể thực hiện được.
Thế nhưng hiện nay, thu nhập của người lao động không theo kịp với mức tăng của giá nhà, thậm chí chênh lệch quá lớn khiến việc sở hữu được căn nhà, một căn chung cư ngày càng trở nên khó khăn hơn với người dân ở những thành phố lớn như Hà Nội, thậm chí là không tưởng với nhiều người thu nhập thấp.
Theo Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, trong vòng 4 năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội tăng khoảng 6%/năm. Trong khi đó, giá căn hộ tăng 13%/năm, nghĩa là mức tăng của thu nhập chưa bằng một nửa tốc độ tăng của giá nhà.
Càng ngày giá nhà càng cao, việc tiếp cận trở nên khó hơn. Người dân cũng sẽ mất nhiều thời gian để có thể thu xếp, sở hữu nhà. Giá nhà tăng nhanh một phần nguyên nhân là do nguồn cung sụt giảm. Nửa đầu năm nay, Hà Nội chỉ có thêm khoảng 5.600 căn hộ mới, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ 7% trong số đó có giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Hiện nay các căn hộ bán với giá trên 50 triệu đồng/m2 đang chiếm trên 80 - 90%. Căn hộ đang được bán trực tiếp từ chủ đầu tư có giá từ dưới 25 triệu đồng ít, khiến những người lao động khó có thể tiếp cận. Những tòa chung cư mới là giấc mơ gần như không tưởng đối với nhiều người đang sống ở Thủ đô khi giá nhà ở đã gấp hơn 18 lần thu nhập, theo báo cáo của Viện Đất đai Đô thị.
Chính tôi, khi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, với thu nhập của mình, tôi cũng tự hỏi liệu bao giờ mới tiết kiệm đủ tiền để mua được một căn nhà đứng tên mình. Nhiều đồng nghiệp và những người bạn của tôi dù đã đi làm cả chục năm, nhưng vẫn phải sống trong cảnh thuê nhà để ở, bởi với đồng lương của công nhân viên chức hay nhân viên văn phòng bình thường thì cũng khó lòng mua được một căn chung cư trong thời buổi hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình.
Tôi đã nghe một cậu bạn tâm sự rằng 30 tuổi, không đủ điều kiện để sở hữu nổi một căn chung cư ở Hà Nội, lâu lâu ba mẹ người yêu lên chơi cũng không dám mời qua vì ngại. Rồi chưa có nhà, cũng chẳng có nổi dũng khí để lập gia đình nữa, người yêu thì tuổi xuân có hạn, cũng xót cho cô ấy, thà mình độc thân thì tạm bợ sao cũng được nhưng lấy nhau về, có con cái, đi ở nhà thuê , có khi một năm phải chuyển nhà mấy lần còn khổ hơn nữa.
Hay như câu chuyện của chị họ tôi, sau 8 năm lên Hà Nội đi làm, chị tích cóp được 500 triệu. Có tiền, cũng bắt đầu đi tìm nhà để mua, nhưng với số tiền đó chẳng dám mơ nhà ở các quận Trung tâm. Nhưng căn hộ ở những quận xa, … nhỏ nhất giá cũng cỡ 1 tỷ 3 trở lên; trừ khoản tiền đã có, vay ngân hàng 70% trong chục năm, mỗi tháng sẽ phải trả mười mấy triệu/tháng, thu nhập cũng không kham nổi khoản nợ này. Bởi thu nhập của chị dù được 20 triệu nhưng sau khi trả nợ ngân hàng thì chỉ còn vài triệu đồng, dư lại mỗi tháng, không đủ để sống giữa thành phố Hà Nội đắt đỏ này.
Dù đã đi vay người thân người quen để giảm tiền vay ngân hàng nhưng từ ngày ôm vào mình đống nợ mua nhà, chị ấy thường stress. Mỗi tháng, thông báo đóng tiền nhà của ngân hàng là thứ áp lực nhất. Để co kéo cuộc sống, chị cắt giảm tối đa những chiếc váy đẹp, những buổi lượn phố ăn hàng với bạn bè, thậm chí phải từ chối khéo cả những đám cưới trong nhà hàng sang trọng của đám bạn. Khi nhận căn nhà, tưởng tượng căn hộ nhỏ sẽ là chốn đi về đầy thoải mái và xinh xắn. Tuy nhiên, tiền nhà đã biến ngôi nhà thành nỗi ám ảnh. Không chịu nổi, sau hai năm chị họ tôi phải bán lỗ căn nhà và đi chọn một căn chung cư mini, ít tiền và ít áp lực hơn.
Nhu cầu về nhà ở thì ngày một gia tăng nhưng thực tế để sở hữu một căn nhà nhỏ ấm cúng để có thể yên tâm sinh sống và làm việc với người thu nhập thấp thì cứ như hai đường thẳng song song.
Theo dự báo của Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình, nhưng nguồn cung nhà ở chỉ đáp ứng được hơn một nửa. Vậy câu hỏi đặt ra là xây thêm nhiều nhà hay chung cư có phải là lời giải cho bài toán thiếu nhà ở, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp hay không?
Gần nhà tôi, nằm ở ngay mặt đường Tố Hữu, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn 32 tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm sau được nhiều người quan tâm. 4 tháng trước, khi dự án mở bán, hơn 1.300 người đến bốc thăm giành quyền mua 149 căn hộ, nhưng không phải dự án nào cũng hút khách dù loại hình nhà ở này đang rẻ bằng 1/3 so với giá nhà trong cùng khu vực.
Nhiều dự án nhà ở xã hội quá xa trung tâm, có nơi đến gần 20km, dù giá rẻ nhưng vẫn ít thu hút được người mua nhà hơn. Bởi nó xa công sở, cơ quan, trường học, nhiều dịch vụ tiện ích khác. Hà Nội đang triển khai 54 dự án nhà ở xã hội và 5 khu đô thị - nhà ở xã hội tập trung. Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ bổ sung thêm hơn 90.000 căn hộ, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố. Tuy nhiên, nếu chỉ tăng chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội thì không thể giải quyết được hoàn toàn bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp.
Dù nhà ở xã hội sẽ giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị, nhưng để người có nhu cầu thật sự tiếp cận được với loại hình nhà ở này cần có một quy hoạch tổng thể, tương thích với sự phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, xã hội của thành phố. Hơn ai hết, người mua nhà vẫn mong có nhiều chính sách ưu đãi để họ sớm tiếp cận với việc mua được nhà. Một khi có chỗ ở ổn định rồi thì mới yên tâm lạc nghiệp, tiếp tục làm việc để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cây cầu vượt bộ hành. Số vốn đầu tư để xây dựng một cầu vượt đường bộ là 3 đến 5 tỷ, thậm chí 10 tỷ. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không sử dụng cầu bộ hành, mà băng ngang trực tiếp dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Lý do là bởi các cây cầu này đã trở thành những điểm tụ tập vui chơi, ăn nhậu và xả rác.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Ghé vào nhà sách thân thuộc, tôi bắt gặp từng tốp học sinh tiểu học đang viết nắn nót những dòng chữ đầy yêu thương tới thầy cô giáo của mình. Tấm thiệp nhỏ xinh, dòng chữ ngay ngắn và cả nụ cười của các em giòn râm ran một góc nhỏ. Vậy là một mùa hiến chương nhà giáo nữa lại về.
Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.
Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.
Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.
0