Ấn Độ chi lớn mua máy bay trực thăng nội địa

Mặc dù máy bay chiến đấu do Ấn Độ phát triển vẫn chưa được xuất khẩu, nhưng chính sách ‘Make in India’ (Sản xuất tại Ấn Độ) hay 'Atmanirbhar Bharat' của chính phủ nước này đã được thúc đẩy với đơn đặt hàng lớn cho máy bay trực thăng chiến đấu hạng nhẹ (LCH) Prachand, theo The Eurasian Times.

Trong nỗ lực tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội, đặc biệt khi hoạt động ở độ cao lớn, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã gửi Yêu cầu đề xuất tới nhà sản xuất máy bay Hindustan Aeronautics Limited để mua 156 máy bay trực thăng chiến đấu hạng nhẹ Prachand.

Theo các quan chức giấu tên đã nói chuyện với giới truyền thông Ấn Độ, chi phí dự kiến ​​cho những chiếc trực thăng mới, gồm 90 chiếc cho Quân đội Ấn Độ và 66 chiếc cho Lực lượng Không quân Ấn Độ, là 6 tỷ USD. Đơn đặt hàng này được kỳ vọng sẽ giúp Ấn Độ tiến gần hơn tới mục tiêu tự lực về quốc phòng và mở rộng hoạt động sản xuất vũ khí trong nước.

Máy bay trực thăng chiến đấu hạng nhẹ Prachand do Ấn Độ sản xuất

Cho đến nay, Hindustan Aeronautics Limited mới chỉ sản xuất 15 chiếc LCH Prachand, trong đó có 10 chiếc Không quân Ấn Độ và 5 chiếc cho Quân đội với năng lực sản xuất hàng loạt hạn chế. Tuy nhiên, với đơn đặt hàng mới, loại trực thăng này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt. Theo các quan chức, Hindustan Aeronautics Limited có kế hoạch thực hiện đơn đặt hàng trong vòng 5 đến 6 năm sau khi hợp đồng được ký kết.

Với tốc độ tối đa 463km/giờ và bán kính chiến đấu 500 km, LCH Prachand là máy bay trực thăng chiến đấu đa năng nội địa đầu tiên của Ấn Độ có khả năng tấn công mặt đất và chiến đấu trên không mạnh mẽ. Loại máy bay này đã được tùy chỉnh để đáp ứng yêu cầu hoạt động ở sa mạc và vùng núi của lực lượng vũ trang Ấn Độ. LCH Prachand cũng là máy bay trực thăng duy nhất hoạt động ở độ cao 5.000 mét với lượng vũ khí và nhiên liệu đáng kể.

LCH Prachand có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm các hoạt động chống nổi dậy trong môi trường đô thị và rừng rậm, phá hủy các boongke trên cao, phá hủy hệ thống phòng không của đối phương và hỗ trợ lực lượng mặt đất. Nó cũng có thể nhắm mục tiêu và tiêu diệt máy bay được điều khiển từ xa và máy bay di chuyển chậm.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, LCH Prachand nổi lên như một sản phẩm tiêu biểu trong chính sách nội địa hóa ‘Make in India’ của Ấn Độ. Đơn đặt hàng giữa Bộ Quốc phòng Ấn Độ và nhà sản xuất máy bay Hindustan Aeronautics Limited diễn ra chỉ vài tháng sau khi Lực lượng Không quân nước này có một đơn đặt hàng lớn cho máy bay phản lực LCA Tejas Mk1A.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong buồng lái máy bay phản lực LCA TejasMk1A

Vào tháng 4 năm 2024, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã trao thầu cho Hindustan Aeronautics Limited mua 97 máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA Mk-1A) nhằm tăng cường sức mạnh của Không quân nước này. Loại máy bay đang được mua với giá xấp xỉ 8 tỷ USD.

Không quân Ấn Độ hiện đang vận hành hai phi đội máy bay phản lực Tejas Mk1. Đơn đặt hàng 83 chiếc LCA Mk1A đã được đưa ra từ năm 2021. Dự kiến lô LCA Mk1A đầu tiên ​​​​sẽ được giao cho Lực lượng Không quân Ấn Độ vào đầu năm 2024, nhưng việc bàn giao đang bị chậm tiến độ.

Tiêm kích Tejas Mk1A do Ấn Độ sản xuất.

Với một đơn đặt hàng lớn khác cho phiên bản Tejas Mk1A, loại máy bay được sản xuất nội địa này sẽ trở thành một phần quan trọng trong đội bay của Ấn Độ. Ấn Độ đã mất gần 40 năm để đưa một máy bay chiến đấu có chức năng tự chế tạo vào lực lượng không quân của mình, với ít nhất hai phi đội Tejas LCA hiện đang thực hiện các nhiệm vụ hoạt động thường xuyên.

Việc mở rộng sản xuất cả hai loại máy bay này - biểu tượng cho sự tự lực về quốc phòng của Ấn Độ - cũng mang ý nghĩa quan trọng, vì cả LCA Tejas và LCH Prachand đều chưa ra mắt trên thị trường xuất khẩu.

Ấn Độ đang hướng tới việc cung cấp hai loại máy bay trực thăng này cho các thị trường Mỹ Latinh, Châu Phi và Đông Nam Á. Tuy nhiên, các hợp đồng mua bán vẫn chưa được hoàn tất./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các nhân vật rối Teletubbies vừa trở lại, nhưng thay vì qua chương trình truyền hình, bộ tứ đa sắc màu đang lan tỏa thông điệp về niềm vui và sự hòa nhập thông qua một dự án nghệ thuật quốc tế lưu động.

Trên trang web của mình, NATO cho biết các nước đồng minh của tổ chức này đã tập trung tham gia cuộc tập trận REPMUS 24 tại bán đảo Troia của Bồ Đào Nha từ ngày 9 đến ngày 27 tháng 9 năm 2024.

Hai cha con người Bulgaria đã cùng nhau chèo thuyền vượt Bắc Băng Dương với hy vọng lập kỷ lục thế giới mới. Họ đã hoàn thành hành trình này sau 33 ngày đầy thử thách ở một trong hai vùng biển giá lạnh nhất hành tinh.

Siêu bão Helene đã đổ bộ vào khu vực Đông Nam nước Mỹ vào ngày 27/9, gây ra ngập lụt diện rộng. Đã có ít nhất 17 người thiệt mạng, hàng triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện khi cơn bão quét qua bang Florida và tiếp tục tiến lên phía Bắc.

Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản hôm nay đã bầu ông Shigeru Ishiba làm Ttân Chủ tịch đảng thay thế cho Thủ tướng Fumio Kishida.

Bão Helene đã đổ bộ vào nhiều khu vực đất liền của Mỹ, gây ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt tại khu vực Big Bend của Florida từ đêm muộn 26/9 (theo giờ địa phương).