Ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại 'sân sau' của Mỹ

Với chiến lược kiên trì và linh hoạt, Trung Quốc đang từng bước xây dựng ảnh hưởng sâu rộng tại Mỹ Latinh, khiến Mỹ phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại khu vực vốn được xem là liên minh truyền thống của Washington.

Ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Peru

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến công du kéo dài một tuần đến Mỹ Latinh - khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Bắc Kinh đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng với hầu hết các nước Mỹ Latinh, như một phần trong nỗ lực nhằm thay thế Washington trở thành đối tác thương mại chủ chốt của khu vực.

Theo các nhà phân tích, tận dụng thời điểm Mỹ ngày càng thờ ơ với Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đã và đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Mỹ phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại khu vực vốn được xem là liên minh truyền thống của Washington.

Peru là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đồng thời là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên ký thỏa thuận thương mại tự do với Bắc Kinh. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Mỹ Latinh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Thủ đô Lima, Peru. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự lễ khánh thành cảng nước sâu Chancay, một trong những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Nằm cách Lima khoảng 80 km, Chancay là một cảng nước sâu 15 bến, được xem là khởi đầu thành công của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” và là một phần của mạng lưới toàn cầu gồm 18 cảng mà Trung Quốc nắm giữ cổ phần, nhằm mở rộng phạm vi và ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Siêu cảng Chancay do Tập đoàn Cosco Shipping Ports xây dựng đã thu hút 1,3 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc cho giai đoạn đầu tiên và dự kiến thu hút thêm hàng tỷ USD nữa khi Bắc Kinh và Lima quyết tâm biến Chancay thành một trung tâm vận chuyển lớn giữa châu Á và Nam Mỹ.

Chancay sẽ là cánh cửa mở cho hoạt động thương mại của Peru đến Trung Quốc nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Chúng ta phải nhớ rằng APEC có 21 nền kinh tế, không chỉ riêng Peru và Trung Quốc.

Ông Jose Tam Perez, Chủ tịch Phòng thương mại Peru - Trung Quốc.

Trong quá khứ, việc thiếu các cảng lớn đã hạn chế hoạt động thương mại giữa châu Á và châu Mỹ Latinh, khi thời gian vận chuyển có thể mất nhiều tháng. Nhưng giờ đây, với cảng Chancay, thời gian vận chuyển giữa Trung Quốc và Peru rút xuống chỉ còn 23 ngày. Theo các ước tính mới nhất, chỉ riêng việc xây dựng giai đoạn đầu tiên của dự án này sẽ tạo ra hơn 8.000 việc làm; 4,5 tỷ USD doanh thu và giảm hơn 20% chi phí hậu cần hàng năm cho Peru, khi hàng hóa từ Chile, Ecuador, Colombia và thậm chí cả Brazil dự kiến sẽ đi qua đây.

Theo các nhà phân tích, cảng Chancay không chỉ là hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Peru mà còn là cửa ngõ kết nối châu Á với Mỹ Latinh, mang lại lợi ích cho cả hai bờ Thái Bình Dương và đưa họ lại gần nhau hơn.

Đối với Peru, cảng Chancay đại diện cho một cơ hội kinh tế và công nghệ to lớn. Đây không chỉ là một cảng thông thường mà còn là cảng sử dụng các công nghệ tiên tiến. Chúng tôi mong muốn tìm hiểu các công nghệ như vậy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc.

Tổng thống Peru Dina Boluarte.

Ngoài dự án cảng Chancay, dấu ấn đầu tư của Trung Quốc ở Peru còn nằm ở dự án xây đường cao tốc ở các khu vực miền núi của quốc gia Nam Mỹ. Tỉnh Huanuco nằm cách Thủ đô Lima của Peru khoảng 350 km, được bao quanh bởi dãy núi Andes hùng vĩ, với độ cao trung bình trên 4.000 m.

Cơ sở hạ tầng đường bộ hạn chế ở Huanuco từ lâu là rào cản để phát triển kinh tế và du lịch địa phương. Để giải quyết khó khăn này, dự án đường cao tốc Andes, khởi công từ vào năm 2019 do Trung Quốc làm chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ giảm một nửa thời gian di chuyển cho khoảng 270.000 người tại 243 thị trấn dọc theo con đường. Dự án dự kiến sẽ mất 11-12 năm để hoàn thành.

Bên cạnh các khoản đầu tư vào khai khoáng, cảng biển và cơ sở hạ tầng, mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Peru còn được ghi nhận ở ẩm thực địa phương.

“Chifa”, sự kết hợp giữa ẩm thực Trung Quốc và Peru, dùng nhiều loại rau, thịt và các loại gia vị, ăn cùng với cơm. Tại khu phố người Hoa ở Lima, từng hàng dài người dân và du khách xếp hàng chờ thưởng thức chifa.

Người Peru thích món cơm mà người Trung Quốc mang đến. Ở Peru, không có bữa sáng nào không có bánh mì, cũng giống như không có bữa trưa hay bữa tối nào không có cơm. Peru sẽ ra sao nếu không có cơm với vịt hoặc gà? Bạn có thể tưởng tượng không?

Ông Luis Yong, Chủ nhà hàng Chifa ở Lima, Peru.

Thậm chí, văn hóa Trung Quốc có thể được cảm nhận ở hầu hết mọi nơi, kết hợp với văn hóa địa phương, trở thành một phần bản sắc hiện đại của Peru. Theo các nghiên cứu, tại Peru, ít nhất 10% dân số có nguồn gốc Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong 10 năm liên tiếp, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất và nguồn hàng nhập khẩu lớn nhất, trong khi Peru là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc tại Mỹ Latinh. Giới quan sát nhận định, điều này thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc vượt ra ngoài châu Á, qua đó thúc đẩy thế giới hướng tới một trật tự đa cực hơn.

Quan hệ nồng ấm giữa Trung Quốc và Brazil

Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Brazil. Trong nửa thế kỷ qua, hai quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể trong hợp tác kinh tế và thương mại. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil trong 15 năm liên tiếp và là nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng, trong khi Brazil từ lâu là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh.

Theo thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Brazil sang Trung Quốc trong những năm qua luôn ở mức trên 100 tỷ USD. Nhân dịp chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua, Trung Quốc và Brazil đã nâng cấp quan hệ song phương, đồng thời ký kết gần 40 thỏa thuận hợp tác bao trùm nhiều lĩnh vực. Sự kiện không chỉ mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước, mà còn ghi dấu mối quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh và Brasilia trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt ở khu vực.

Trung Quốc và Brazil đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên cộng đồng chia sẻ tương lai vì một thế giới công bằng hơn và một hành tinh bền vững hơn. Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Brazil là một “đối tác vàng” của Bắc Kinh, để giúp đỡ nhau cùng thành công.

Mối quan hệ giữa hai nước đang ở thời điểm tốt nhất lịch sử, thể hiện ảnh hưởng toàn cầu, chiến lược và lâu dài, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển chung tay vì sự tiến bộ chung và hợp tác thống nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài nâng cấp quan hệ, hai bên đã ký 37 thỏa thuận trong các lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác công nghệ, thương mại và đầu tư, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, năng lượng và khai khoáng. Đáng chú ý, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 690 triệu đô la với Ngân hàng Phát triển kinh tế và xã hội Quốc gia Brazil. Cùng với đó là các thỏa thuận tiền tệ song phương cho phép hai nước giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, qua đó làm suy yếu sự thống trị của đồng USD trong khu vực.

Giới quan sát đánh giá quan hệ nồng ấm này xuất phát từ nhu cầu kinh tế chung của hai nước. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào quặng sắt, đậu nành, thịt bò, dầu và các mặt hàng khác của Brazil, đến mức Brazil là quốc gia hiếm hoi có thặng dư thương mại với Trung Quốc. Đổi lại, Brazil lại có nhu cầu về chất bán dẫn, phân bón, thép, phụ tùng ô tô, hóa chất và xe cộ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù Trung Quốc đã củng cố vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, với giá trị thương mại song phương đạt gần 160 tỷ USD vào năm 2023, nhưng cho đến nay, chính quyền Tổng thống Brazil Lula da Silva vẫn duy trì một cách tiếp cận thận trọng, củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh mà không gây mất lòng Washington. Quyết định không tham gia dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường phản ánh một chiến lược nhằm duy trì sự linh hoạt về ngoại giao của Brazil. Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành ảnh hưởng ở Nam Mỹ, Brazil có khả năng lớn sẽ được hưởng lợi. Nếu Trung Quốc chịu thiệt hại về kinh tế do cuộc chiến thuế quan của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, các hoạt động kinh tế sẽ đổ dồn về Nam Mỹ, trong đó có Brazil.

Cùng với Brazil, Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư tại khoảng 40 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, nơi sinh sống của hơn 660 triệu người, cùng với các quốc đảo như Jamaica và Cuba. Đến nay, Trung Quốc là một khách hàng mua số lượng lớn lithium của Argentina, hay dầu thô từ Venezuela. Theo nghiên cứu của AidData, Trung Quốc đã đầu tư 286,1 tỷ USD vào khu vực, với các dự án như tuyến tàu điện ngầm ở Colombia, Mexico và các đập thủy điện ở Ecuador. Những dự án này vừa giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, vừa là công cụ gia tăng ảnh hưởng văn hoá, xã hội, đồng thời tăng cường sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn thúc đẩy mô hình quản trị và phát triển khác biệt, nhằm phá vỡ trật tự hậu chiến do Mỹ lãnh đạo. Việc Trung Quốc liên tục xây dựng các dự án lớn đã củng cố hình tượng của một đối tác đồng hành lâu dài và tạo ra hình mẫu mới cho các nước Nam bán cầu, vốn đang tìm kiếm sự tự chủ và đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc đã tận dụng linh hoạt khi đàm phán với các đối tác địa phương, không phân biệt về chính trị hoặc ý thức hệ. Điều này đã giúp Trung Quốc trở thành đối tác dễ chịu và đáng tin cậy hơn trong mắt các quốc gia trong khu vực.

Điển hình là việc Brazil hợp tác với Trung Quốc đưa ra đề xuất chấm dứt xung đột ở Ukraine, điều này nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc định hình lại trật tự thế giới. Điều này cũng cho thấy các quốc gia tại Mỹ Latinh đang dần hướng đến việc đa dạng hoá quan hệ quốc tế, thoát khỏi ảnh hưởng tiền lệ của Mỹ.

Cạnh tranh Mỹ - Trung ở Mỹ Latinh

Thế giới đang chứng kiến sự chuyển đổi sang một trật tự đa cực hơn, nơi các cường quốc mới nổi như Trung Quốc ngày càng có nhiều ảnh hưởng. Xu hướng này thách thức các giả định lâu đời về cấu trúc quyền lực toàn cầu. Quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và nhiều nước Mỹ Latinh trở nên gắn kết hơn. Sự hợp tác của họ vừa là biểu tượng cho lợi ích của hợp tác Nam - Nam, vừa là điềm báo cho sự phức tạp ngày càng tăng của quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI. Điều này dường như khiến Mỹ không thể “thờ ơ” thêm nữa trước vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Có thể nói, Trung Quốc đã từng bước tạo dựng một mạng lưới ảnh hưởng phức tạp và đa chiều tại Mỹ Latinh, không chỉ giới hạn trong kinh tế mà còn mở rộng sang chính trị và quân sự. Chính sự hiện diện của Bắc Kinh đã gây ra những chuyển dịch đáng kể trong cán cân quyền lực tại khu vực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng, sự phụ thuộc vào đầu tư và thị trường Trung Quốc có thể khiến các quốc gia Mỹ Latinh dễ bị tổn thương trước các biến động chính trị và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi các mối quan hệ quốc tế trở nên căng thẳng.

Trong khi đó, Mỹ vẫn còn cơ hội để tái khẳng định vị thế nếu có sự thay đổi trong chiến lược và thái độ đối với Mỹ Latinh. Việc gia tăng các chương trình hỗ trợ kinh tế, mở rộng hợp tác về giáo dục, văn hóa và đưa ra các cam kết dài hạn có thể giúp Washington giành lại lòng tin từ các quốc gia trong khu vực.

Để làm được điều này, Mỹ cần thể hiện rõ rằng họ không chỉ coi Mỹ Latinh là “sân sau”, mà là đối tác quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Gần đây nhất, tại Hội nghị G20, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng tài chính khí hậu lên 11 tỷ USD hàng năm và đóng góp 50 triệu USD cho Quỹ Amazon của Brazil.

Trước vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng của Peru, đặc biệt là cảng Chancay, một cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là đã đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa đi qua cảng mới của Peru hoặc bất kỳ cảng nào do Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Tuy nhiên, tương lai của Mỹ Latinh như thế nào phụ thuộc vào cách thức mà hai cường quốc thế giới tiếp tục cạnh tranh và hợp tác trong khu vực.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Mỹ Latinh là một bức tranh phức tạp với nhiều yếu tố địa chính trị, kinh tế và văn hóa đan xen. Những động thái của hai cường quốc không chỉ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực tại khu vực mà còn định hình tương lai của Mỹ Latinh trong nhiều thập niên tới. Đối với các quốc gia Mỹ Latinh, việc cân bằng giữa hai cường quốc này đòi hỏi sự khéo léo và chiến lược thông minh, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và sự phát triển bền vững trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án hàng loạt các cuộc không kích mới đây của Israel vào thủ đô Sanaa và thành phố cảng Hodeidah của Yemen bên bờ Biển Đỏ, gây nhiều thương vong.

Ngân sách quốc phòng kỷ lục 895 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden vừa ký vài ngày trước không bao gồm khoản viện trợ cho Ukraine, trong khi ở các năm trước, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) đã dành một phần ngân sách cho việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục khuấy động truyền thông và mạng xã hội bằng những tuyên bố táo bạo về mở rộng lãnh thổ, từ mua hòn đảo Greenland, kiểm soát kênh đào Panama cho đến sáp nhập Canada thành tiểu bang của Mỹ.

Sau quá trình trung tu để bảo vệ di sản, hành lang Vasari - một công trình nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc thời kỳ Phục hưng ở thành phố Florence, Italia, đã mở cửa trở lại đón du khách.

Nepal lần đầu tiên tổ chức lễ hội khinh khí cầu quốc tế, quảng bá du lịch mạo hiểm ở quốc gia thuộc dãy Himalaya, nơi có 8 trong số 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, trong đó có đỉnh Everest.

Băng và tuyết đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá đối với ngành du lịch ở khu vực phía Bắc và phía Đông Trung Quốc. Chính quyền các địa phương đã mở rộng các điểm tham quan, khuyến khích các hoạt động theo chủ đề mùa đông để thu hút du khách.