Ấu thơ và ô cửa màu xanh

Trong một buổi trưa mùa hạ mướt xanh khi cơn mưa rào chợt đến, có một người mẹ trẻ đã tìm thấy lại chính mình trong những kí ức và xúc cảm ấu thơ sau một thời gian dài bận rộn với công việc, bận rộn với những lo âu, muộn phiền.

Các con biết không, mùa hạ ngày xưa của mẹ không khủng khiếp như bây giờ. Bởi thế, mẹ đâu có sợ cái nóng mà giam mình trong điều hòa như các con ngày nay. Mẹ, các bác và dì gần như không biết đến ngủ trưa, hoặc nếu có thì cũng chỉ là vài cái chớp mắt. Tất cả cũng chỉ tại sự vẫy gọi của ô cửa màu xanh đó.

Mẹ, cùng các bác và dì sẽ để cho căn nhà yên ắng ít lâu, rồi lặng lẽ chạy ra vườn chơi biết bao trò. Ô ăn quan, dính ve bằng nhựa mít, đu trên chiếc đu bằng dây và que đay tự chế, hoặc dựng ngôi nhà bằng lá chuối, rồi cứ thế chui ra chui vào đầy mãn nguyện.

Mẹ, cùng các bác và dì lặng lẽ chạy ra vườn chơi biết bao trò. Ảnh minh hoạ.

Nhưng đâu chỉ có thế thôi, ô cửa màu xanh ấy còn gợi lên biết bao điều. Ngày đó mẹ không cắt nghĩa nổi và đến giờ vẫn thế. Nó mãi mãi là một bí mật về những cảm xúc, cảm giác, những mơ ước khát khao và hơn nữa đó là cả những thứ rất mơ hồ mẹ không thể nào và thực sự không muốn gọi thành tên. Bởi vậy, ô cửa màu xanh ấy mãi mãi là thế giới tuyệt đẹp lung linh trong thẳm sâu lòng mẹ.

Khi còn ở nhà ngoại, dù bé xíu hay đã lớn lên, mỗi lần vào căn buồng, mẹ lại bật tung ô cửa ấy. Sáng hay chiều, mẹ rất thích thả hồn mình ra ngoài ô cửa. Ngắm thế giới màu xanh miên man đan xen những chùm hoa khế tím li ti như những vạt sao trời. Ngắm những tia nắng, những hạt mưa tinh nghịch, trốn tìm trong vòm lá. Ngắm những chùm khế chín vàng ươm lúc lỉu trên cây với bao nỗi khát thèm. Tối hay đêm, mẹ cũng chẳng quên ngắm nhìn ô cửa ấy. Ngắm nhà hàng xóm lên đèn, ríu ran dùng bữa tối. Ngắm những anh đom đóm chuyên cần lặng lẽ dệt gấm hoa cho mảnh vườn đen thẫm. Ngắm những vì sao trên bầu trời thăm thẳm cứ miệt mài tỏa sáng mà chẳng biết dưới trần có cô bé nhà kia cũng đang được thắp lên những ước mơ. Và hơn nữa, ngắm những đêm trăng cứ bàng bạc lung linh như cổ tích mà ngỡ ngàng mình đang sống ở cõi nào: mơ hay thực?

Sáng hay chiều, mẹ rất thích thả hồn mình ra ngoài ô cửa. Ảnh minh hoạ.

Mỗi khung cảnh đem đến cho mẹ những xúc cảm khác nhau. Nhưng có lẽ mẹ nhớ và yêu nhất là những buổi hoàng hôn nắng hắt vào khung cửa. Dẫu bận rộn thổi cơm, quét dọn sân vườn, mẹ cũng cố nán lại ngắm nhìn thêm một chút. Và hơn cả, là những đêm mẹ thao thức không ngủ được, hoặc vô tình thức giấc giữa đêm khuya, thấy ánh trăng hắt vàng ô cửa nhỏ, mẹ lại miên man ngắm nhìn. Những lúc ấy cả căn buồng bừng sáng và mẹ chẳng thể nào ngủ lại.

Rồi ô cửa ấy đã theo mẹ lớn lên, hay nói đúng hơn mẹ đã lớn lên từ ô cửa ấy. Thời học sinh sống trong căn nhà trọ, bàn học của mẹ lúc nào cũng hướng ra một ô cửa nhỏ mà ngoài kia là vương vít dạ hương, mùi hương quánh đặc mẹ tưởng có thể giơ tay ra nắm lấy, nhét vào ba lô để gửi về cho ngoại chốn quê nghèo. Khi vào khu nội trú của trường Năng khiếu, giường tầng của mẹ cũng sát kề bên cửa sổ. Nằm trên tầng hai, mẹ có thể nhìn thấy cây bằng lăng tím đến xôn xao. Nó nhắc mẹ học bài đi, tuổi học trò sắp khép lại rồi. Và đưa mắt nhìn về phía bên này, mẹ bắt gặp dáng lưng còng của ngoại, cái dáng còng như dấu hỏi mà suốt đời mẹ trả lời hết được đâu.

Nằm trên tầng hai, mẹ có thể nhìn thấy cây bằng lăng tím đến xôn xao. Ảnh minh hoạ.

Khi mẹ vào đại học, trên tầng năm của kí túc nhà 14, mẹ lại không quên chọn cho mình một chiếc giường tầng hai kề ngay khung cửa sổ. Để được ngắm nhìn phố thị lúc lên đèn, ngắm cuộc sống nhiều nhọc nhằn, lam lũ mà tươi vui của những người dân miền trung du ấy. Ngắm đồi Thằn Lằn sau những cơn mưa, trong buổi hoàng hôn, hoặc những đêm trăng mờ, trong làn mưa bụi giăng mắc, hoặc trong cái rét căm căm của mùa đông. Nghe tiếng chổi tre quèn quẹt trên con đường khuya vắng mà thầm nhủ: Xà cừ ơi ngưng trút lá được không? Nghe hương sữa nồng nàn len lỏi khắp không gian, mà nhớ bàn tay ai vụng về hái chùm hoa sữa, lặng lẽ gài lên giá sách của mẹ một chiều thu muộn. Nghe tiếng sáo bổng trầm da diết của chàng trai phong lưu phố thị mà nhớ nhà tha thiết, không biết giờ này bố mẹ đã nghỉ chưa?

Giảng đường mẹ học cũng trông ra là những khung cửa sổ. Ảnh minh hoạ.

Giảng đường mẹ học cũng trông ra là những khung cửa sổ. Nơi ấy mẹ và cô bạn thân cùng lớp biết bao lần cùng ngắm hoa Tigon, giàn hoa đẹp như mơ ấy đã lặng lẽ nuôi dưỡng tình bạn của mẹ lớn lên. Giờ, mẹ và cô ấy ở rất xa nhau, ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng nhưng mẹ biết, cả mẹ và cô ấy vẫn luôn nhớ về nhau, nhất là mỗi độ thu về.

Cũng từ những ô cửa đó, mẹ trông ra cành ngọc lan thơm ngát. Nhắc mẹ luôn nhớ về người đã âm thầm hái những bông lan tặng mẹ, lẽo đẽo theo mẹ sau những buổi tan trường, hay bên mẹ trong những buổi chiều mưa loáng ướt, những tối mùa đông lạnh thấu vai gầy.

Đến giờ, khi đã hơn mười năm đứng trên bục giảng, dẫu có lúc mệt nhoài vì bài vở, vì học trò quậy phá, mẹ cũng vẫn dành một phút nào đó nhìn ra ô cửa mướt xanh để thấy lòng mình dịu dàng trở lại, mà bao dung và yêu hơn những học trò.

Nhưng con ơi, khoảnh khắc đó là quá mong manh trong bộn bề thời gian của mẹ. Có phải là ngụy biện không, khi mẹ nói với con rằng mùa hè giờ quá nóng? Mẹ giam mình trong bốn bức tường, giam mình trong phòng lạnh, và đương nhiên khóa kín cả lòng mình, mà lâu dần mẹ cũng không biết nữa. Ngay cả mấy hôm nay, khi về nhà ngoại, mẹ cũng trói mình trong chiếc điều hòa. Ông yếu bà đau, tiếng cãi vã của các con khiến mẹ không và chẳng dám nghĩ đến những điều viển vông ấy nữa. Nhưng tháng sáu mà con, nên cơn mưa cũng biết dỗi hờn. Nó chợt đến rồi đi, khiến em con chẳng ngoan lành mà ngủ yên trong lòng mẹ.

Cơn mưa rào mùa hạ chợt đến mà chẳng chợt đi. Ảnh minh hoạ.

Điều hòa tắt.

Em tinh nghịch trèo lên, bật tung cửa sổ. Và thế giới màu xanh ấy chợt ùa về ngập tràn lòng mẹ. Thế đấy con!

Và rồi, có một cơn mưa đã ngang qua lòng mẹ. Đó là cơn mưa rào mùa hạ, nhưng chợt đến mà chẳng chợt đi. Xối xả, ào ạt như muốn nhấn chìm mẹ trong cơn lũ bâng khuâng, khắc khoải. Mẹ già cỗi đến thế ư? Mẹ đã tự hỏi lòng mình mà chẳng thể trả lời.

Mẹ thương các con vì nhà mình chẳng có ô cửa màu xanh ấy. Nhưng nhà mình vẫn có ô cửa màu xanh khác phải không con? Hãy yêu những gì các con từng gắn bó, hãy yêu ngôi nhà của mẹ dù nó đẹp hay không. Hãy dành một phút thôi để tâm hồn nhìn ra ô cửa mỗi ngày. Và hãy luôn mở cửa sổ cho lòng mình con nhé! Bởi các con rồi sẽ lớn lên, rời xa ngôi nhà xưa cũ ấy, sẽ đối mặt với bao căn phòng kín đặc của đời mình, ngột ngạt lắm biết không?

Vậy, hãy bắt đầu nhé các con, từ những ô cửa màu xanh ấy!!!

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.