Bà Harris thay đổi lập trường về một số chính sách

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 29/8 đã đưa ra lời giải thích lý do tại sao bà thay đổi một số lập trường của mình về vấn đề khai thác khí đá phiến và nhập cư. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, bà Harris nói rằng các giá trị của bà không thay đổi, nhưng thời gian làm Phó Tổng thống đã mang đến góc nhìn mới về một số vấn đề cấp bách nhất của đất nước.

Sự thay đổi lập trường của bà Harris

Đây là cuộc phỏng vấn truyền hình lớn đầu tiên của bà Kamala Harris với tư cách là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Xuất hiện cùng với liên danh tranh cử, Thống đốc bang Minnesota Tim Walz, bà Kamala Harris đã được hỏi lý do vì sao bà lại đảo ngược quan điểm của mình về một số vấn đề như lệnh cấm đối với fracking (công nghệ khai thác dầu đá phiến) và hợp pháp hóa việc vượt biên trái phép.

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc phỏng vấn của CNN vào ngày 29/8/2024. Ảnh: CNN

Trả lời câu hỏi, bà Harris xác nhận rằng bà không muốn cấm khai thác khí đá phiến, một quy trình khai thác năng lượng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tiểu bang dao động Pennsylvania.

“Là Phó Tổng thống, tôi không cấm khai thác khí đá phiến. Là Tổng thống, tôi sẽ không cấm khai thác khí đá phiến”, bà Harris trả lời. “Chúng ta có thể phát triển ... một nền kinh tế năng lượng sạch thịnh vượng mà không cần cấm khai thác khí đá phiến.”

Phát biểu này cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của bà Harris. Trước đó, trong một cuộc thảo luận về khủng hoảng khí hậu vào tháng 9/2019 do CNN tổ chức, bà Harris khi đó đã được hỏi liệu bà có cam kết thực hiện lệnh cấm liên bang đối với fracking trong ngày đầu tiên nhậm chức hay không. Bà trả lời “Không có nghi ngờ gì về việc tôi ủng hộ cấm fracking, và bắt đầu với những gì chúng ta có thể làm vào ngày đầu tiên trên cương vị mới”.

Theo ông Kevin Book, giám đốc điều hành tại ClearView Energy Partners, một công ty nghiên cứu tại Washington, quan điểm thay đổi của Harris cho thấy bà đang “cố gắng cân bằng giữa những cử tri ủng hộ khí hậu và những người ủng hộ ngành công nghiệp”, ngay cả khi chiến dịch tranh cử của bà có “lập trường đối đầu” với ngành dầu khí nói chung.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, Phó Tổng thống Mỹ cũng bảo vệ thành tích của chính quyền trong vấn đề nhập cư, lưu ý rằng bà được giao nhiệm vụ cố gắng giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” ở các quốc gia khác đã thúc đẩy tình trạng vượt biên, song cũng cảnh báo “chúng tôi có luật phải tuân thủ và thực thi, giải quyết và xử lý những người vượt biên trái phép, và phải có hậu quả”, bà Harris nói.

Phó Tổng thống Mỹ khẳng định dù quan điểm thay đổi, nhưng giá trị của bà không thay đổi. “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong quan điểm và quyết định chính sách là các giá trị của tôi không thay đổi. Bạn hỏi về Thoả thuận Xanh mới. Tôi luôn tin rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là có thật. Đó là một vấn đề cấp bách mà chúng ta nên sử dụng các số liệu”, bà nói.

Bà cũng nhấn mạnh Đạo luật giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Joe Biden về cung cấp các khoản đầu tư kỷ lục nhằm chống lại biến đổi khí hậu, để khẳng định rằng bà vẫn là người ủng hộ các biện pháp nhằm đối phó với khủng hoảng khí hậu.

“Chúng tôi đã đặt mục tiêu cho Mỹ và mở rộng hơn là toàn cầu, khi chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định để giảm lượng khí thải nhà kính. Giá trị đó không thay đổi”, bà nói.

Cuộc phỏng vấn với CNN diễn ra khi cử tri Mỹ vẫn đang cố gắng tìm hiểu thêm về ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong một khoảng thời gian ngắn bất thường kể từ khi Tổng thống Joe Biden bất ngờ rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng cách đây 5 tuần.

Cuộc phỏng vấn chủ yếu tập trung vào chính sách, khi bà Harris tìm cách chứng minh rằng bà đã áp dụng lập trường ôn hòa hơn trong các vấn đề mà đảng Cộng hòa cho là cực đoan.

Để thực hiện lời hứa trở thành Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, bà Harris nói trong cuộc phỏng vấn, rằng bà sẽ bổ nhiệm một người của đảng Cộng hòa vào nội các của mình nếu đắc cử, dù hiện tại bà chưa nghĩ đến cái tên cụ thể nào.

“Tôi còn 68 ngày để chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, vì vậy tôi không cầm đèn chạy trước ô tô. Nhưng tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng. Tôi đã dành sự nghiệp của mình để ủng hộ việc bày tỏ những ý kiến đa dạng. Điều quan trọng là có những người mang quan điểm khác nhau cùng ngồi lại để thảo luận về những quyết định quan trọng nhất. Tôi nghĩ việc có một thành viên của đảng Cộng hoà trong nội các của tôi là điều có lợi cho người dân Mỹ”, bà Harris nói.

Bà cũng bác bỏ điều mà đối thủ Donald trump nói tại một hội nghị của các nhà báo da màu rằng bà thay đổi chủng tộc của mình theo thời gian.

“Vẫn một vở kịch cũ, mệt mỏi!”, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói.

Cuộc khủng hoảng bản sắc của ông Trump

Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vừa qua tại Chicago diễn ra tốt đẹp. Sự kiện này được coi là dịp giúp củng cố đoàn kết trong nội bộ đảng và dành trọn sự ủng hộ cho bà Kamala Harris và đối tác tranh cử, Thượng nghị sĩ Tim Walz trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Đêm 22/8, đại hội khép lại với bài phát biểu chấp nhận đề cử của Phó Tổng thống Kamala Harris để trở thành ứng viên đại diện đảng cho cuộc đua vào Nhà Trắng, đánh dấu một cột mốc quan trọng của bà Harris sau khi bà trải qua một tháng bận rộn tập hợp sự ủng hộ của đảng để thay thế Tổng thống Joe Biden, người trước đó đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua. Việc chấp nhận đề cử đưa bà Harris đã trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên nhận được đề cử của một đảng lớn.

Thời gian sẽ trả lời liệu đảng Dân chủ có thành công với lựa chọn của mình hay không, nhưng những gì diễn ra thời gian qua đã cho thấy tài năng chính trị và thái độ nghiêm túc của bà Harris. Những gì được bà Harris nỗ lực thể hiện trong khoảng thời gian rất ngắn vừa qua đã khiến nhiều người, trong đó có cả đối thủ Donald Trump, phải suy nghĩ lại khi đưa ra nhận định “tuần trăng mật kéo dài” của ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ chỉ là nhờ sự ưu ái của giới truyền thông.

Từng hi vọng sẽ đánh bại ông Biden, 81 tuổi, với hàng loạt dấu hiệu chậm chạp do tuổi tác và đã không còn khiến cử tri hứng thú, chiến dịch tranh cử của ông Trump giờ đây đang phải điều chỉnh chiến lược sau thành công của bà Harris tại đại hội Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hoà thời gian qua cũng đang khiến người ta đặt câu hỏi liệu chủ nghĩa Trump có còn là cuộc nổi dậy chống lại giới tinh hoa và tình trạng hiện tại của nước Mỹ trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 không? Hay phong trào này đang đi theo những mô hình bảo thủ quen thuộc và từ bỏ xu hướng hậu tân tự do lần đầu tiên được chính ông Trump công bố vào năm 2016?

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà Mỹ và cuộc khủng hoảng bản sắc. Ảnh: Getty Images

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một chính quyền Trump 2.0 sẽ bảo thủ hơn là cấp tiến hoặc dân túy. Sự chuyển dịch từ chủ nghĩa dân túy sang chủ nghĩa bảo thủ một phần có thể xuất phát từ thành công của chính quyền Trump 1.0. Năm 2016, sự phản đối của ông Trump đối với toàn cầu hóa tân tự do và thương mại tự do đã gây bất ngờ và là điều gì đó mới mẻ.

Tuy nhiên, 8 năm sau, lời chỉ trích của ông đối với toàn cầu hóa đã trở thành điều thông thường trong giới cầm quyền. Nhóm tranh cử của Tổng thống Biden đã mở rộng thuế quan được áp đặt dưới thời ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, thậm chí còn bổ sung một loạt các chiến lược công nghiệp nhằm đảm bảo sự độc lập của sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực bán dẫn và xanh. Về chống độc quyền, chính quyền Tổng thống Biden vào mùa hè này đã kết thúc thành công một vụ kiện chống lại Google được đưa ra dưới thời Trump. Theo giới quan sát, chính quyền của Tổng thống Biden ở nhiều khía cạnh đã tiếp nối các chính sách chính quyền Trump trước đó.

Chiến lược gia đảng Cộng hòa Ryan James Girdusky từng nói rằng: “Một phần của năm 2016 là những năm tháng suy tàn của chính quyền Obama - một kỷ nguyên gắn liền với cuộc khủng hoảng tài chính và các gói cứu trợ ngân hàng. Nhưng năm 2016 đã là lịch sử xa xưa. Hiện ông Trump có thể đứng ngoài cuộc như một người theo chủ nghĩa dân túy ở đâu bây giờ?”

Một câu trả lời là nghiêng hẳn về lập trường ủng hộ người lao động, chống doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Trump đã từ chối đi theo con đường này. Trong một cuộc trò chuyện với tỷ phú Elon Musk được tổ chức trên X vào tháng này, ông Trump đã khen ngợi ông chủ Tesla một cách hài hước vì đã sa thải những công nhân đình công. Phát biểu này của ông Trump đã khiến Chủ tịch công đoàn Teamsters Sean O'Brien trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, buộc phải lên án hai ông Trump và Musk vì đã tiến hành “khủng bố kinh tế” chống lại người lao động.

Ngay cả về vấn đề nhập cư, ông Trump cũng có vẻ kỳ lạ theo chủ nghĩa tân tự do. Gần đây, ông tuyên bố rằng trí tuệ nhân tạo có nghĩa là “chúng ta cần nhiều người hơn” và do đó cần nhiều người nhập cư hơn. Trước đó, ông đã cam kết cấp thẻ xanh cho tất cả sinh viên đại học nước ngoài sau khi tốt nghiệp, ngay cả những người hoàn thành chương trình hai năm. “Không thể tin được”, một nhà hoạt động chống nhập cư kỳ cựu ở Washington đã nói vào thời điểm đó - nhưng điều đó hoàn toàn có thể tin được khi xem xét nhu cầu của các ông trùm công nghệ về một nhóm lao động giá rẻ.

Chắc chắn, ông Trump sẽ đề xuất áp dụng mức thuế phổ cập 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ . Đồng thời, việc ông bảo vệ các chương trình phúc lợi như Medicare và An sinh xã hội cũng khiến ông khác biệt với chủ nghĩa bảo thủ thông thường. Tuy nhiên, có điều gì đó không ổn trong thông điệp của ông, ngay cả những nhân vật như Chris Ruddy, bạn của ông Trump và là giám đốc điều hành của mạng lưới Newsmax ủng hộ Trump, cũng đã nhận thấy điều đó.

Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ trên đường đua

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: Getty Images/Reuters

Trong hơn một tháng qua kể từ khi được Tổng thống Joe Biden bất ngờ giới thiệu, bà Harris đã giành được những thành công hiếm có và bứt phá ngoạn mục trong cuộc đua với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, kể cả ở một số bang “chiến trường”. Mặc dù vậy, quãng thời gian khoảng 2 tháng nữa từ nay đến ngày bầu cử vẫn đủ để mọi kịch bản có thể xảy ra.

Ông Girdusky, một người nổi tiếng bi quan về đảng của Cộng hoà, đã đưa ra cơ hội chiến thắng chung của ông Trump là 65%. Một chiến lược gia cấp cao khác của đảng Cộng hoà, người đã yêu cầu bình luận ẩn danh vì ông gần gũi với chiến dịch tranh cử của ông Trump, cũng có quan điểm tích cực tương tự, cho rằng: “Sự bất mãn với nền kinh tế đang ở mức cực kỳ cao. Nền kinh tế luôn là vấn đề số một. Và vấn đề nhập cư đã nhảy vọt lên vị trí thứ hai, một điều chưa từng có”. Và đây đều là những cuộc chiến khó khăn đối với bà Harris.

Nhìn tổng thể, có thể nói cuộc đua giữa bà Harris và ông Trump hiện không chỉ là sự đối đầu giữa hai cá nhân, mà còn là cuộc tranh luận về tương lai của nước Mỹ, trong đó bà Harris đại diện cho một tầm nhìn mới hơn, hướng nhiều tới tương lai với những thay đổi mạnh mẽ, còn ông Trump bảo thủ hơn, tiếp tục hướng về quá khứ với thông điệp “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” như 8 năm trước.

Khi ngày bầu cử 5/11 đến gần, mỗi cử tri Mỹ sẽ phải đối mặt với quyết định quan trọng không chỉ cho bản thân mà còn cho tương lai của đất nước mình./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thăm Viện Vũ khí Hạt nhân và cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí. KCNA không tiết lộ địa điểm của các cơ sở hoặc thời điểm chuyến thị sát.

Nền kinh tế tại Gaza đang bị tàn phá nặng nề sau gần một năm xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, biến phần lớn Dải Gaza thành đống đổ nát.

"Chúng ta đã có một chiến thắng to lớn trước bà Kamala Harris", ông Trump nói, dù ông bị chỉ trích về màn trình diễn kém cỏi trong cuộc tranh luận với ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris tối 10/9 theo giờ Mỹ.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản hôm 12/9 đã chốt danh sách ứng cử viên tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng này, với số ứng cử viên cao kỷ lục là 9 người. Theo quy định, Chủ tịch mới của LDP, đảng nắm đa số ghế tại Quốc hội, sẽ trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản, sau khi Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida từ chức. Với 9 ứng viên tranh cử, cuộc bầu cử sắp tới của LDP được dự báo sẽ vô cùng gay cấn.

Theo Tổng thống Nga, các cuộc tấn công tầm xa vào nước này sẽ có nghĩa là tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nga sẽ đáp trả thích đáng những hành động đó.

Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi đáng kể vụ thu hoạch nho tại các quốc gia trong khu vực Balkan tại châu Âu. Nhiều nông dân đã phải hái nho sớm hơn so với dự định.