Bà Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình
Toàn bộ mức án của 86 bị cáo
16h41: Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 17 năm tù
Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 17 năm tù về 2 tội Tham ô tài sản và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB - hiện đang bỏ trốn) 19 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, mức án chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là chung thân.
16h31: Cựu Cục trưởng thanh tra lĩnh án chung thân
Tòa tuyên phạt bà Đỗ Thị Nhàn mức án chung thân về tội "Nhận hối lộ". Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, người trực tiếp chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra. Quá trình thanh tra, bị cáo phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng của SCB, thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém, đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, bị cáo đã hai lần gặp gỡ bà Lan bàn bạc, trao đổi và có thỏa thuận về việc che giấu thực trạng của SCB.
Bị cáo Nhàn đã 4 lần nhận 5,2 triệu USD của SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng Giám đốc SCB để bao che, bưng bít sai phạm của SCB, để ngân hàng không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước cho tái cơ cấu.
Tòa cho rằng đáng lẽ phải xử lý bị cáo mức án cao nhất, song bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Liên quan vụ án, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước), bị phạt 11 năm tù.
Bị cáo là người ký quyết định thực hiện thanh tra SCB. "Bị cáo vì động cơ cá nhân, nhận tiền từ SCB, chỉ đạo đoàn thanh tra che giấu, bưng bít sai phạm của SCB, báo cáo không trung thực, đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về thực trạng của ngân hàng này, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu.
15h45: HĐXX tuyên bà Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình
Chiều 11/4, TAND TP. HCM tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ"; 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và tử hình về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Trước đó, HĐXX đã đưa ra quan điểm đánh giá hành vi phạm tội của bà Lan và 85 bị cáo khác - hầu như chấp nhận toàn bộ quan điểm cáo buộc của Viện Kiểm sát, bác toàn bộ quan điểm của các bị cáo và luật sư.
Tòa đánh giá bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch... Tuy nhiên, bị cáo phạm tội với vai trò cầm đầu, phạm tội có tổ chức trong thời gian dài; với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi nên phải xử lý nghiêm.
"Hành vi của bị cáo không chỉ phạm đến quyền quản lý tài sản của các cá nhân, tổ chức mà còn đẩy SCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; sói mòn niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước", bản án nhận định.
Về thiệt hại của vụ án, HĐXX xác định, bản chất số tiền bị cáo Lan chiếm đoạt để sử dụng, nên có nghĩa vụ bồi thường cho SCB. Tuy nhiên, đến nay đã có một số khoản vay đã được tất toán, bị cáo Lan cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng. Tòa cũng tuyên tiếp tục kê biên các tài sản để đảm bảo thi hành án.
Với căn biệt thự cổ 110 - 112 Võ Văn Tần (Q.3) hiện chưa thu giữ được sổ đỏ, con gái bị cáo Trương Mỹ Lan là Chu Duyệt Phấn xin hủy kê biên. Theo tòa, cổ đông công ty sở hữu tòa nhà này thực chất là con cháu của Trương Mỹ Lan nên đây là tài sản của bị cáo. Do đó, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo. Tài sản này UBND TP.HCM chỉ cho trùng tu, không được thay đổi hiện trạng.
Đồng thời, đối với tòa nhà ở 75 Nguyễn Huệ mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho SCB thuê, HĐXX xác định đây là tài sản của Trương Mỹ Lan, nên tuyên tiếp tục kê biên nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Đối với loạt bất động sản tại các Q.1, 7, 4, Phú Nhuận, HĐXX cũng tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ dân sự của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần TH Hạ Long và Công ty Âu Lạc đã nhận từ Trương Mỹ Lan hơn 6.090 tỷ đồng để chuyển nhượng 18 triệu cổ phần. HĐXX cho rằng bị cáo Lan có nghĩa vụ rất lớn phải thực hiện, tiền bị cáo đưa cho 2 công ty trên là tiền từ SCB. Do đó, HĐXX cho rằng phải thu hồi về cho SCB, nên buộc Công ty cổ phần TH Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại 6.090 tỷ đồng.
Với tài sản kê biên của bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan), tòa nhận định bị cáo được Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nuôi nấng từ nhỏ, bản chất tài sản là của Trương Mỹ Lan nên tuyên tiếp tục kê biên đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
12h00: Tòa không chấp nhận bà Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả thay cho bị cáo Trương Huệ Vân
Với đề nghị của bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn chuyển 1.350 tỷ đồng (do Nguyễn Cao Trí và Tạ Quốc Hùng Việt chuyển trả) sang cho Trương Huệ Vân để khắc phục thiệt hại, HĐXX xét thấy bà Lan có nghĩa vụ bồi thường rất lớn, tài sản của bị cáo chưa đủ để khắc phục nên đề nghị này không có cơ sở chấp nhận.
Ngoài các luật sư bào chữa cho các bị cáo Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn đề nghị xem xét lại tội danh tham ô tài sản dối với các bị cáo, luật sư của các bị cáo đều đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ cho thân chủ của mình.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ kết quả điều tra, hội đồng xét xử cho rằng sự vắng mặt của 5 bị cáo (Đinh Văn Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Chiêm Minh Dũng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Trầm Thích Tồn - thành viên HĐQT Ngân hàng SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ - nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB; Nguyễn Thị Thu Sương - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) thì các cơ quan tiến hành tố tụng đã kêu gọi ra đầu thú nhưng các bị cáo đã từ bỏ quyền tự bào chữa của mình.
Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đảm bảo quyền lợi của 5 bị cáo, chỉ định luật sư bào chữa.
Mặt khác, tại phiên tòa không có ai khiếu nại về sự vắng mặt của 5 bị cáo nên hội đồng xét xử xét xử vắng mặt đối với các bị cáo là đúng quy định pháp luật.
11h30: Tòa nêu quan điểm về tội danh Trương Mỹ Lan
Theo HĐXX, toàn bộ hành vi của Trương Mỹ Lan trong 10 năm đã phạm tội tham ô tài sản, nhưng trước năm 2018, chưa xử lý tội tham ô tài sản đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vì thế, Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo ở 2 tội danh ở 2 giai đoạn trước và sau ngày 1/1/2018 là phù hợp. Vì thế, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng, việc xử lý 2 tội danh đối với bị cáo Lan là bất lợi cho bị cáo.
Bị cáo đã chỉ đạo tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức cho 304 khách hàng vay 368 khoản, còn dư nợ tổng số tiền hơn 132.000 tỷ đồng. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên xác định hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay trên 67.600 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo tạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút và chiếm đoạt tiền của SCB. Đến ngày 17/10/2023, các khoản vay này còn dư nợ gốc hơn 415.600 tỷ, dư nợ lãi hơn 129.300 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, Trương Mỹ Lan và đồng phạm liên quan phạm tội tham ô tài sản theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng dư nợ gốc, và gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng là lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên.
Trước đó, vào cuối giờ sáng nay, sau khi nghe HĐXX nhận định xong hành vi của mình, Trương Mỹ Lan gây ồn ào nên HĐXX phải nhắc nhở, đề nghị cảnh sát đảm bảo trật tự phiên tòa.
11h25: HĐXX tiếp tục nêu quan điểm toàn diện về vụ án
Về hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại SCB, HĐXX nhận định, quá trình thanh tra, Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), Trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời bị cáo chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn.
Ngoài ra, phía SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD.
Từ đó, Đỗ Thị Nhàn che giấu, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB theo hướng giảm nhẹ, có lợi cho SCB để ngân hàng này không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện được tái cơ cấu.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo trong đoàn thanh tra vì vụ lợi đã chỉ đạo, lập các báo cáo không trung thực, không đầy đủ, bao che sai phạm của SCB. Việc này dẫn đến không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân hàng này.
Tại tòa, bị cáo Nhàn nêu lý do nhận 5,2 triệu USD nhằm bảo vệ gia đình... Song, HĐXX thấy lời trình bày này "không có căn cứ". Bởi, quá trình nhận tiền của bị cáo thực hiện trong thời gian dài. Nếu không muốn nhận thì bị cáo có thể không nhận tiền, hơn nữa bị cáo còn cho mật khẩu nhà để Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền vào nhà cho bị cáo.
Từ những phân tích trên, HĐXX nhận định Trương Mỹ Lan cấu thành tội đưa hối lộ, còn Đỗ Thị Nhàn tội nhận hối lộ.
11h00: HĐXX tiếp tục đọc bản án
Theo HĐXX trong vụ án này không cần bắt buộc xác định thiệt hại phải thông qua hội đồng định giá trong tố tụng hình sự.
HĐXX cho biết nếu xác định thiệt hại theo cách lấy giá trị tài sản đảm bảo trừ đi dư nợ của các khoản vay thì sẽ gây bất lợi cho các bị cáo, số tiền quy buộc trách nhiệm cho từng bị cáo sẽ bị tăng lên vì nếu theo cách tính đó thì giá trị tài sản đảm bảo sẽ không được cấn trừ cho các khoản vay khác nên cách xác định thiệt hại theo cáo trạng truy tố của VKS là áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.
Đối với vấn đề lệch 20 mã tài sản đảm bảo, HĐXX cho biết có 20 mã tài sản là trùng lặp giữa các giai đoạn nên các mã tài sản theo xác định của VKS là chính xác.
Với năm bị cáo đang bị truy nã và xét xử vắng mặt, tòa án đã tống đạt các quyết định tố tụng hợp pháp và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng các bị cáo vẫn vắng mặt tại tòa.
10h00: HĐXX nhận định lời khai tại tòa của các bị cáo đa số thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng
Các lời khai phù hợp với nhau, phù hợp người làm chứng, người liên quan và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Đồng thời, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Do đó HĐXX không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc thực tế bị cáo chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của bị cáo và 2 người con gái. Quá trình điều tra, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên dùm Trương Mỹ Lan.
Cũng theo HĐXX, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, theo quy định pháp luật, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi số đông cổ đông biểu quyết thông qua. Vì vậy, việc chiếm trên 91,5% cổ phần tại SCB nên Trương Mỹ Lan thực tế đã chi phối và thực chất điều hành toàn bộ hoạt động tại ngân hàng này.
Bị cáo từng bước nắm giữ, chi phối đến 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Các bị cáo trong vụ án bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB), bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ 91,5% cổ phần.
Thiệt hại của vụ án tính đến ngày xét xử là bao nhiêu?
Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM xác định Trương Mỹ Lan gây thiệt hại, và sử dụng toàn bộ tiền chiếm đoạt nên về trách nhiệm dân sự, đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ hơn 677.000 tỷ đồng cho SCB.
Song, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, cơ quan tố tụng đã trừ đi các giá trị tài sản đảm bảo của bà Lan mà SCB đang nắm giữ, theo kết quả định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, thì thiệt hại của SCB còn khoảng 498.000 tỷ đồng.
Theo Viện kiểm sát, thiệt hại của SCB là hơn 677.000 tỷ đồng hay khoảng 498.000 tỷ đồng sẽ do HĐXX quyết định.
Trong khi đó, SCB đề nghị HĐXX xác định thiệt hại của ngân hàng này tính đến ngày xét xử sơ thẩm (5.3.2024) là 761.802 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 484.000 tỷ đồng, nợ lãi, phí tạm tính là hơn 277.800 tỷ đồng. Đồng thời, SCB đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải có trách nhiệm liên đới khắc phục toàn bộ thiệt hại.
STT | Họ và tên | Tội danh | Mức án VKS đề nghị | Mức án tuyên |
1 | Đinh Văn Thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB 2014-2020 | Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | Tù chung thân; 20 năm | Chung thân |
2 | Tạ Chiêu Trung Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính Việt Vĩnh Phú (thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) | Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 15-16 năm; 7-8 năm; tổng hợp 22-24 năm | 20 năm tù |
3 | Trương Khánh Hoàng Nguyên Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB | Tham ô tài sản | 19-20 năm | 18 năm tù |
4 | Nguyễn Văn Thanh Hải Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 15-16 năm | 13 năm tù |
5 | Chiêm Minh Dũng Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 16-17 năm | 17 năm tù |
6 | Hoàng Minh Hoàn Nguyên Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3 năm tù treo | Trả tự do |
7 | Bùi Nhân Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB 2020-2022 | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 11-12 năm | 9 năm tù |
8 | Diệp Bảo Châu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB 2012-2021 | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 10-12 năm | 10 năm tù |
9 | Khổng Minh Thế Nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 6-7 năm | 6 năm tù |
10 | Trần Hoàng Giang Nguyên Phó Giám đốc Khối phê duyệt tín dụng Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 4 năm | 3 năm tù |
11 | Mai Hồng Chín Nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 9-10 năm | 10 năm tù |
12 | Mai Văn Sáu Nhở Nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 11-12 năm | 12 năm tù |
13 | Lương Thị Hồng Quế Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3-4 năm | 3 năm tù |
14 | Nguyễn Cửu Tính Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 11-12 năm | 11 năm tù |
15 | Lê Anh Phương Nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB CN Sài Gòn
| Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 8-9 năm | 7 năm tù |
16 | Phan Tấn Khôi Nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB Đông Sài Gòn | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 6-7 năm | 7 năm tù |
17 | Lưu Chấn Nguyên Nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB Củ Chi | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3 năm tù treo | Trả tự do |
18 | Hồ Bảo Ngọc Nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB CN Phạm Ngọc Thạch | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 5-6 năm | 6 năm tù |
19 | Nguyễn Anh Thép Nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB CN Sài Gòn | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 5-6 năm | 6 năm tù |
20 | Nguyễn Ngọc Tú Phó Giám đốc Ngân hàng SCB CN Cống Quỳnh kiêm Giám đốc Hub cho vay bất động sản Hồ Chí Minh 2 | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3-4 năm | 4 năm tù |
21 | Huỳnh Thiên Văn Nguyên Giám đốc Kênh Kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng
| 3-4 năm | 4 năm tù |
22 | Phạm Thế Quảng Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng SCB CN Bến Thành | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3-4 năm | 2 năm tù |
23 | Lê Văn Chánh Nguyên Giám đốc Định giá và tài sản đảm bảo SCB | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3-4 năm | 5 năm tù |
24 | Bùi Đức Khoa Cựu nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 4-5 năm | 11 năm tù |
25 | Nguyễn Thị Khánh Vân Cựu nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 5-6 năm | 4 năm tù |
26 | Nguyễn Thanh Tùng Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đông Phương | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 6-7 năm | 5 năm tù |
27 | Đào Chí Kiên Phó Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Đông Phương | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 4-5 năm | 3 năm tù |
28 | Nguyễn Thị Thu Sương Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB 2012-2014 | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 16-17 năm | 17 năm tù |
29 | Uông Văn Ngọc Ẩn Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB 2012 | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 3 năm tù treo | Trả tự do |
30 | Nguyễn Thị Phương Loan Nguyên Thành viên HĐQT ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụn | 3 năm tù treo | 3 năm tù treo |
31 | Võ Thành Hùng Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB 2012-2014 | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 3 năm tù treo
| 3 năm tù treo |
32 | Trầm Thích Tồn Nguyên Thành viên HĐQT ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 15-16 năm | 16 năm tù |
33 | Phạm Văn Phi Nguyên Phó Tổng Giám đốc ngân hàng SCB 2012-2016 | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 7- 8 năm | 8 năm tù |
34 | Nguyễn Anh Phước Nguyên Phó Tổng Giám đốc ngân hàng SCB 2014-2018 | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 3 năm tù treo | Trả tự do |
35 | Trần Thuận Hòa Nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB 2012 | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 4-5 năm | 4 năm tù |
36 | Võ Triệu Lân Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Chợ Lớn | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 5-6 năm | 5 năm tù |
37 | Phạm Mạnh Cường Nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB 2015 | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 3 năm tù treo | 3 năm tù treo |
38 | Nguyễn Lâm Anh Vũ Nguyên Phó giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng | 12-13 năm | 13 năm tù |
39 | Nguyễn Huỳnh Lan Chi Nguyên Giám đốc Phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB | Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
| 3 năm tù treo | Trả tự do |
40 | Trần Văn Nhị Phó Giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC (người môi giới thẩm định giá tài sản cho Ngân hàng SCB) | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng
| 4-5 năm | 3 năm tù |
41 | Trần Thị Kim Ngân Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3 năm tù treo | Trả tự do |
42 | Trần Tuấn Hải Thẩm định viên Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3-4 năm | 2 năm tù |
43 | Hồ Bình Minh Phó giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 5-6 năm | 6 năm tù |
44 | Lê Huy Khánh Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới
| Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 4-5 năm | 5 năm tù |
45 | Đỗ Xuân Nam Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Dịch vụ Bất động sản DATC | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3 năm tù treo | Trả tự do |
46 | Lê Kiều Trang Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá E XIM | Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng | 3 năm tù treo | 3 năm tù treo |
47 | Phạm Thu Phong Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB 2012-2018 | Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
| 3 năm tù treo | 3 năm tù treo |
48 | Lưu Quốc Thắng Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB 2019-2022 | Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
| 3 năm tù treo | 3 năm tù treo |
49 | Nguyễn Thị Phụng Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 4-5 năm | 4 năm tù |
50 | Nguyễn Tuấn Anh Nguyên Công chức Vụ Thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng trong nước (Vụ I), Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3-4 năm | 3 năm tù |
51 | Vũ Khánh Linh Nguyên Phó phòng Thanh tra ngân hàng Thương mại cổ phần, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3 năm tù treo | Trả tự do |
52 | Bùi Tuấn Khoa Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3-4 năm | 3 năm tù |
53 | Vương Đỗ Anh Tuấn Nguyên Trưởng phòng Thanh tra, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước
| Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3 năm tù treo | 3 năm tù treo |
54 | Trần Văn Tuấn Nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ II, Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ I), TTCP | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3-4 năm | 3 năm tù |
55 | Lê Thanh Hà Nguyên Trưởng phòng Kiểm toán Ngân hàng 1, KTNN chuyên ngành VII làm Tổ trưởng | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3-4 năm | 3 năm tù |
56 | Nguyễn Văn Thùy Nguyên Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3-4 năm | 3 năm tù |
57 | Trương Việt Hưng Nguyên Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3-4 năm | 3 năm tù |
58 | Nguyễn Duy Phương Nguyên Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ | Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
| 3-4 năm | 2 năm tù |
Bà Trương Mỹ Lan xin lỗi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước
Nói lời sau cùng, bà Trương Mỹ Lan cho rằng bước ngoặt định mệnh dẫn đến kết cục bà phải đối diện với mức án tử hình hôm nay chính là do bà tham gia vào quá trình hợp nhất ba ngân hàng yếu kém, trong khi bà hoàn toàn không có sự hiểu biết hay kinh nghiệm gì trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Bà gửi lời xin lỗi đến Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền vì đã không thực hiện được lời hứa sẽ vực dậy SCB.
Đồng thời bà xin hội đồng xét xử, dựa trên đường lối xử lý khoan hồng và chính sách hình sự nhân đạo để giảm nhẹ cho chồng là ông Chu Lập Cơ và cháu là Trương Huệ Vân, vì họ chỉ vì tin tưởng mà làm theo ý kiến của bà để rồi nay vướng vòng lao lý.
Ngày 17/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Mê Linh, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Phong (sinh năm 1984; trú tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh) về tội “Trộm cắp tài sản”.
Tổ công tác Y9/141 - Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ tại tuyến đường Trần Hưng Đạo - khu vực trước cửa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì phát hiện hai nam thanh niên đi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, vào dip cuối năm, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của người dân để lấy đi tài sản có giá trị; điều này đòi hỏi mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.
Xe máy đi vào cao tốc là hành vi vô cùng nguy hiểm và vi phạm luật giao thông, tuy nhiên một số cá nhân vẫn cố tình vi phạm.
Sau khi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt hội nhóm đi xe đạp lưu thông trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp đi sân bay Nội Bài, từ đầu tháng 11 trở lại đây, vi phạm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, lực lượng CSGT vẫn ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm.
Dù lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền và ra quân xử lý nhưng đến nay, nhiều trường hợp xe máy vẫn ngang nhiên đi vào cao tốc Đại lộ Thăng Long - tuyến đường cấm xe máy lưu thông.
0