Bắc Ninh: Một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế bị tố lừa đảo nhiều đối tác với số tiền hàng chục tỷ đồng

Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, những cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này bị xử lý nghiêm minh thì tại Hà Nội, Bắc Ninh, hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân bị dính bẫy đặt mua hàng chục tỷ đồng tiền găng tay y tế có nguy cơ bị mất trắng.

Báo Công lý nhận được nhiều đơn thư phản ánh từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước về việc, từ năm 2020, khi dịch bùng phát mạnh, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh và môi giới đã ký hợp đồng mua găng tay y tế của Công ty Cổ phần Thiết bị Nguyên phụ liệu Khẩu trang Việt Nam (gọi tắt là Công ty VN Gloves). Địa chỉ: Phố Chẹm, thôn Ngọc Nội, Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị Nguyên phụ liệu Khẩu trang Việt Nam tại Thuận Thành- Bắc Ninh.

Tuy nhiên, sau khi hợp đồng được ký kết, số tiền cọc, tiền hàng lên tới hàng chục tỉ đồng đã được chuyển nhưng công ty không giao hàng và cũng không trả lại tiền cho khách hàng; xưởng sản xuất, văn phòng đại diện thì đóng cửa, và giám đốc công ty thì “không liên lạc được”. Khi tìm đến nơi, văn phòng đã dỡ biển, đóng cửa; nhà xưởng đã bị chủ cho thuê đóng cửa, niêm phong không hoạt động.

Ông Trương Thành, Chủ tịch Công ty TNHH TVP Việt Nam, trụ sở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, do có nhu cầu mua găng tay y tế Nitrile không bột để cung cấp cho đối tác kinh doanh, thông qua mối quan hệ xã hội, ông đã ký hợp đồng mua 1.300 thùng với Công ty VN Gloves với giá trị hơn 2 tỷ đồng. Trước khi đàm phán ký kết hợp đồng, Vũ Đình Định – giám đốc công ty này khẳng định Công ty VN GLOVES có dây chuyền sản xuất và có khả năng cung cấp số lượng hàng hóa nói trên. Cùng với đó, ông Định trưng ra rất nhiều loại giấy tờ thể hiện Công ty VN GLOVES có đầy đủ điều kiện sản xuất găng tay y tế, đã công bố hợp chuẩn chất lượng trên cổng thông tin của Bộ Y tế và xuất khẩu được vào các bệnh viện cũng như thị trường chung của Mỹ để tạo lòng tin.

Hai bên cùng tiến hành ký hợp đồng với điều khoản: sau 20 ngày, phía công ty nhân được 100% số tiền hàng thì công ty VN Gloves sẽ chuyển hàng. Tuy nhiên, sau khi bên mua chuyển tiền theo đúng hợp đồng thì phía công ty VN GLOVES không giao hàng cũng không hoàn trả lại tiền hàng, tiền phạt và đền bù thiệt hại cho công ty TVP như thỏa thuận hai bên đã ký kết.

Cho đến nay, sau rất nhiều lần hứa hẹn, ông Định không có bất cứ hành động nào để hoàn trả số tiền trên. Phía công ty TVP cũng đã liên lạc nhiều lần nhưng ông Định không bắt máy.

Quá bức xúc, đại diện công ty mua găng tay đã tìm đến Văn phòng Công ty Cổ phần Thiết bị Nguyên phụ liệu Khẩu trang Việt Nam tại địa chỉ LKC34, Embassy Garden, Tây Hồ Tây, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và cả nhà máy sản xuất của công ty VN GLOVES tại Khu công nghiệp Khai Sơn-Thuận Thành 3, Bắc Ninh nhưng không gặp ai và nhà xưởng hiện tại đang bị khóa và niêm phong.

Ông Trương Thành cho biết thêm, trong quá trình qua lại để giải quyết hợp đồng ông mới biết vào thời điểm VN Gloves ký hợp đồng bán găng tay y tế với công ty ông, đơn vị này chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền để được phép sản xuất hay đóng gói găng tay y tế; cũng không có dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị và nhân lực đáp ứng điều kiện để được sản xuất găng tay y tế. Ngày 07/01/2021, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh có phiếu đánh giá hậu kiểm hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng đối trang thiết bị y tế loại A gồm mười mục (trong đó có găng tay) thì VN Gloves đều không đạt mục nào.

Nhà xưởng hiện đang bị niêm phong và công ty dừng hoạt động.

Cùng với tình trạng trên, ông Vũ Đình Định và Công ty VN Gloves đã ký hợp đồng cung cấp găng tay không bột với Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Thái An, với số tiền tỷ đồng 8.250.000.000 đồng nhưng đến nay cũng ở tình trạng tương tự.

Ông Hà Anh Tú, Chủ tịch HĐQT công ty Thái An (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, năm 2020, do có mối quan hệ từ trước, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ông Định đã chủ động quảng cáo với ông Tú về việc có khả năng sản xuất, cung ứng khẩu trang, găng tay y tế cho thị trường Việt Nam và trên thế giới nên công ty Thái An ký hợp đồng mua găng tay cao su với Công ty VN Gloves trị giá 8.250.000.000 đồng để cung cấp cho đối tác. Tuy nhiên, sau khi đã chuyển tiền đầy đủ theo hợp đồng ký kết, phía công ty không giao hàng như đã hẹn; cũng không có động thái hoàn lại số tiền trên.

Quá bức xúc và lo lắng, ông Tú đã tìm về địa chỉ công ty của ông Định ở Khu công nghiệp Thuận Thành 3- Bắc Ninh; Văn phòng đại diện ở Hà Nội nhưng không gặp, nhà xưởng đã bị niêm phong.

Ngoài những đơn vị trên, Báo Công lý cũng nhận được đơn của một số DN như: Công ty TNHH Sent Technology (Vương Quốc Anh); Công ty Jovana Louis International, LLC (Mỹ); Công ty ENDEPO INC (Mỹ); Công ty Asia Resources Thailand (Thái Lan) và một số cá nhân và công ty khác cũng ký kết hợp đồng mua găng tay y tế với Công ty VN Gloves trị giá hàng trăm ngàn USD, nhưng đến nay cùng trong tình trạng tương tự như công ty của Việt Nam.

Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Cổ phần Thiết bị Nguyên phụ liệu Khẩu trang Việt Nam. Địa chỉ: Phố Chẹm, thôn Ngọc Nội, Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, hiện không có công ty nào hoạt động ở địa chỉ nêu trên. Tìm về Khu công nghiệp Khai Sơn- Thuận Thành 3, nơi mà ông Định thuê nhà xưởng thì thấy nhà xưởng đã bị khóa niêm phong, không hoạt động. Gần đó là một kho nhỏ tập kết nhiều bao găng tay y yế đã qua sử dụng.

Ông Trịnh Đình Cường, đại diện Công ty cổ phần đầu tư TM hợp nhất Thuận Thành (đơn vị cho thuê nhà xưởng) cho biết, đơn vị cho công ty của ông Vũ Đình Định thuê nhà xưởng từ năm 2020. Ông Vũ Đình Định thuê nhưng không trả tiền thuê xưởng nên đơn vị đã tiến hành niêm phong lại và yêu cầu ông Định di chuyển một số máy móc ra ngoài, trả lại mặt bằng, nhưng ông Định vẫn chưa di chuyển.

Ông Cường cũng cho biết, nhà xưởng ông Định thuê để để một số máy móc dập quai khẩu trang, không phải máy sản xuất găng tay y tế. Khu nhà xưởng từ lâu không có hoạt động gì.

Đại diện Chi cục Thuế huyện Thuận Thành cũng cho biết, báo cáo tài chính của doanh nghiệp này từ khi thành lập đến nay chưa phát sinh tiền thuế phải nộp với Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc nêu trên, đai diện Công an huyện Thuận Thành cho biết, đơn vị này cũng đã nhận được đơn thư của một số cá nhân, doanh nghiệp tố cáo ông Vũ Đình Định và Công ty Công ty Cổ phần Thiết bị nguyên phụ liệu Khẩu trang Việt Nam (VN Gloves) về hành vi trốn thuế; lừa đảo để ký hợp đồng bán găng tay y tế với số tiền hàng chục tỷ đồng. Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Thuận Thành đang tiến hành điều tra và đã báo cáo vụ việc lên Công an tỉnh Bắc Ninh.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, ngày 03/11/2020 khi Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Công an huyện Thuận Thành kiểm tra đột xuất nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam và kho chứa hàng của công ty này tại thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, đã phát hiện có 9.5 tấn găng tay cao su không rõ nguồn gốc, tái chế, trị giá khoảng 85,5 triệu đồng và lưu hành 195 thùng găng tay y tế không phù hợp với tiêu chuẩn y tế áp dụng trị giá khoảng 200 triệu đồng.

Những bao găng tay y tế tái chế còn sót lại trong khu nhà xưởng mà công ty Vn GLOVES thuê tại Khu công nghiệp Khai Sơn- Thuận Thành 3 Bắc Ninh.

Tiếp theo, ngày 9/8/2021, Đội quản lý thị trường số 22 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã đột xuất kiểm tra Công ty cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam (địa chỉ LKC34, Embassy Garden, Tây Hồ Tây, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ 17.100 khẩu trang 3M 1860 giả. Hiện vụ việc vẫn đang được CQĐT Công an quân Bắc Từ Liêm tiếp tục điều tra mở rộng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thời điểm cuối năm hoạt động giao thông diễn ra đông đúc, tấp nập, đặc biệt là tại các khu vực cửa ngõ ra vào thành phố. Vì vậy các vi phạm có thể diễn biến phức tạp nếu không được kiểm soát. Để đảm bảo ATGT cho người dân đón Tết, lực lượng CSGT đã tăng cường ra quân xử lý vi phạm.

Phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Đó là chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội nhằm từng bước hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch trên địa bàn thủ đô.

Theo kế hoạch dự kiến của tỉnh Kiên giang, Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc sẽ đưa vào hoạt động vào trung tuần tháng 2/2025, ngày 17 tháng Giêng tết Ất Tỵ 2025.

Khuyến khích các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh để thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây là ý kiến của Chính phủ tại Thông báo số 08 liên quan tới chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh.

Theo báo cáo của Bộ lao động Thương Binh và xã hội, trong năm năm 2024; tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm giao thông có xu hướng gia tăng. Thực tế này đòi hỏi cần phải có quy chế chặt chẽ hơn nữa để kiểm soát tình trạng giao xe cho thanh thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, chỉ trong 1 năm, trên 4 tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý đã có hơn 590.000 ô tô hết tiền trong tài khoản ETC.