Bạch Mã, một trong những ngôi đền thiêng ở Hà Nội

Đền Bạch Mã xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, là cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng, còn nay là số nhà 76 - 78 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Là một trong trong những địa danh lịch sử nổi tiếng và linh thiêng tại Hà Nội, đền Bạch Mã được mệnh danh là "trấn Đông thành Thăng Long", là điểm đến để rất nhiều du khách tham quan tìm hiểu. Với hơn 1.000 năm tuổi, đền Bạch Mã là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, là một trong những chứng tích quan trọng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cũng như đời sống tinh thần của Hà Nội ngay trong lòng phố cổ.

Theo một số tài liệu ghi lại, đền Bạch Mã có từ năm 866, thờ thần Long Đỗ - vị thần đã làm thất bại các pháp thuật của viên quan đô hộ thời Bắc thuộc là Cao Biền, chính Cao Biền cũng phải phong thần Long Đỗ làm "Đô phủ thành hoàng thần quân".

Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, tìm hiểu về "Thăng Long tứ trấn", ta có thể tìm hiểu từ khi Vua Lý Thái Tổ dời đô, khi Thăng Long trở thành kinh đô của một nước độc lập và như vậy Đền Bạch Mã lại có một sự tích khác.

Đền có tên Bạch Mã tức là ngựa trắng - biểu tượng thần thoại của mặt trời xuất phát từ tích xưa. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Khi dựng thành, không hiểu vì sao cứ xây lên rồi lại đổ. Vua liền sai người tới cầu đảo, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đi đến chỗ nào thì để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại vào trong đền thì biến mất. Vua liền theo dấu chân ngựa mà đắp thì dựng được thành, nên thờ làm thành hoàng Thăng Long.

Bên ngoài đền Bạch Mã. (Ảnh: Internet)

Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua bèn tôn phong thần Long Đỗ làm "Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương" và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là "Bạch Mã linh từ" tức là đền thiêng ngựa trắng.

Đền Bạch Mã đã trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu. Cuối thế kỷ 17, đền được tôn nền cũ và mở rộng. Năm 1781, chúa Trịnh cho dân các giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu chung quanh đền Bạch Mã được sắm sửa tế lễ, không cần chịu các hình thức sưu dịch khác.

Năm 1829, đền được tu sửa thêm phần hoa mỹ. Năm 1839, văn chỉ được dựng ở cánh tả, còn phương đình dùng làm nơi cúng lễ các tuần tiết. Diện mạo ngày nay của đền Bạch Mã thể hiện phong cách kiến trúc đặc trưng của thế kỉ 19 thời Nguyễn. Điểm nhấn rất riêng của ngôi đền cổ này chính là mái vòm hình mai con cua, có tác dụng khép kín các đơn nguyên kiến trúc.

Đền Bạch Mã giữ trọn vẻ đẹp trang nghiêm giữa lòng Thủ đô. (Ảnh: Phương Mai)

Trong không gian linh thiêng ấy, đền Bạch Mã lưu giữ 15 văn bia với nội dung đề cập sự tích của đền, thần, nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu tôn tạo. Đồng thời nhiều hiện vật quý cũng có mặt tại đây như cỗ Long ngai có hàng chữ ghi tên vị thần được thờ chính ở đây là "Long Đỗ Thần quân quảng lợi Bạch mã Đại Vương", bức hoành phi "Đông trấn linh từ", đồ thờ gồm các vũ khí thời cổ như xích, đao, thương, câu liêm… được sơn son thếp vàng, chạm trổ cầu kỳ.

Hiện đền Bạch Mã vẫn giữ nguyên cấu tạo nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc Tam nguyên đồng hóa, tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu. Hàng năm, cứ đến ngày 13/2 âm lịch, phố Hàng Buồm trở nên nhộn nhịp bởi hội đền Bạch Mã.

Ngày 18/1/2022, Thăng Long tứ trấn gồm bốn di tích tiêu biểu, trấn giữ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa, trong đó có đền Bạch Mã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam vừa tái bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, được đánh giá một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Mông Cổ mang tên “Sông Thami trong xanh”.

Đình Tự Nhiên ở huyện Thường Tín được xây dựng từ năm 1702. Đây là di tích lịch sử nổi tiếng được nhà nước xếp hạng bởi kiến trúc độc đáo gắn liền với truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử.

Trong bối cảnh nhiều hình thức giải trí mới lên ngôi, các sân khấu kịch buộc phải thay đổi để bắt kịp xu hướng và thu hút khán giả. Từ việc đầu tư vào kịch bản, dàn dựng đến các hình thức quảng bá, các sân khấu kịch TP.HCM không ngừng nỗ lực thổi luồng sinh khí mới, gần gũi và hấp dẫn hơn.

Hội Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức buổi triển lãm tranh của nhóm họa sĩ Ngẫu hứng Sài Gòn, mang đến cho công chúng những hình ảnh đa sắc màu về con người và cuộc sống qua góc nhìn mới mẻ của những người từng tham gia kháng chiến.

Tiếp nối thành công của triển lãm "Showcasing Vietnam Art" tại Kuwait, nơi Ngô Đức Hoàng giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam ra bạn bè quốc tế, "Hồn dó" tiếp tục khai thác chất liệu giấy dó truyền thống để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Nhân kỷ niệm 20 năm phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024)) và 20 năm hoạt động của không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức 20 hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật để tôn vinh những giá trị di sản.