Bản hòa âm của đất trời

Mùa hè thường làm người ta nhớ đến bởi cái nắng nhưng tôi lại có hảo cảm với những cơn mưa. Sau những ngày dài làm cho lồng ngực ta co ngót trong cái nóng, mùa hè sẽ chọn một ngày đẹp trời để xoa dịu ta bằng một trận mưa.

Thế nhưng để ngắm được cơn mưa thì cũng có phần nhọc nhằn bởi mùa hè rất biết cách đòi hỏi và tạo ra những cao trào. Nó đòi hỏi người ta phải biết chịu đựng cái nắng, phải thèm khát giọt mưa. Rồi khi ta không còn thiết tha nghĩ về cái nóng đang nung mình đến bốc hơi trong từng nhịp thở thì những đám mây đen mang nặng những hạt không khí ẩm, sẵn sàng bay nhảy thỏa thuê trong bản hòa ca của nhân gian.

Đối với tôi, mưa là lúc trời, đất và vạn vật dung hòa trong cùng một thời khắc. Những chuyển biến từ giai đoạn sắp mưa, đang mưa và sau mưa tạo nên một chuỗi những cảnh tượng huyền ảo trong trí tưởng tượng của một người có tâm hồn phong phú. Mưa là chất xúc tác cho tâm tư của biết bao thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nói chung và cũng là hạt giống cho những suy tư của chính tôi.

Vừa nghe mưa rơi lộp bộp ngoài cửa sổ, tôi đã lao ra sân với tốc độ của một người vừa trúng tuyển đại học đang ăn mừng kết quả bằng màn chạy đua nước rút. Tôi ngước mắt mình lên bầu trời trắng xóa, tạm ngưng mọi âm thanh đang lao xao trong đầu cho tâm trí mình đủ yên tĩnh để nghe được tiếng mưa rơi. Cuối cùng cũng mưa, tôi nghĩ bâng quơ. Trời đã nắng nóng lâu đến nỗi tôi không nhớ cơn mưa cuối cùng mình được ngắm, được nghe, được thưởng thức là từ hồi nào. Tiếng mưa đầu mùa chảy vào tai tôi, đọng lại thành một bản hòa âm của vạn vật dung hòa.

Ảnh minh hoạ: Báo Nam Định.

Mưa đầu mùa làm tôi nhớ ngày mình còn nhỏ. Tôi thường chìm đắm trong thế giới của riêng mình trên những trang nhật ký. Lần nọ, sau cơn mưa tháng năm náo nhiệt cả đất trời, tôi mang nhật ký của mình - khi ấy là cô bé mười tuổi, ra hiên nhà, ngồi ghi chép lại những cảm xúc lâng lâng bất chợt sau mưa mà bây giờ nghĩ lại có đôi phần ngớ ngẩn.

“Hôm nay trời mưa, tiếng mưa nghe lộp độp, rồi ầm ầm, rồi lộp độp, rồi lại ầm ầm…”, tôi đã viết như thế bằng tất cả sự ngây ngô của một đứa trẻ. Mặc dù tôi nghĩ mình có chút ngớ ngẩn nhưng những quan sát của cô bé mười tuổi ấy có lẽ không sai. Vốn dĩ mưa đâu có phát ra âm thanh. Những tiếng mưa mà ta nghe được chính là âm thanh phát ra khi nước mưa rơi xuống, đáp lên bề mặt của vật nào đó. Ấy là âm thanh lẹp bẹp khi mưa đáp xuống mặt đường nhựa, là tiếng lộp bộp vọng xuống từ mái hiên, tiếng lịch bịch trên mặt đất cứng, hay là đì đùng khi mưa lao mình xuống mái tôn, nghe như tiếng sấm.

Ảnh minh hoạ: Báo Quảng Ngãi.

Ngoài ra, ở nơi có nhiều cây, tiếng mưa sẽ hòa cùng âm thanh của những tán lá đang xô vào nhau trong cơn gió nghe xào xạc. Khi tất cả những âm thanh ấy reo lên cùng lúc, mọi dây thần kinh trong cơ thể tôi bắt đầu hưởng ứng và rung lên theo nhịp mưa. Nếu dây thần kinh có thể gảy được như dây đàn thì tôi sẽ dùng suy nghĩ để đánh một bản hòa tấu thật êm tai.

Sự phức tạp của tiếng mưa không chỉ có thế, nó còn thay đổi theo từng loại mưa khác nhau. Mưa phùn như lớp màn mỏng bay phấp phới trong không khí, là kiểu mưa lãng mạn thường xuất hiện trên phim truyền hình và gần như không phát ra âm thanh vì giọt nước rất nhỏ. Đứng dưới cơn mưa phùn, người ta ướt từ hồi nào chẳng hay. Mưa rào thì nặng hạt, trút xuống vạn vật bỗ bã và ồn ào hơn. Mưa rào khiến người ta phải chạy tán loạn tìm chỗ trú nếu lỡ quên mang ô khi ra ngoài.

Ảnh minh hoạ: Báo Đảng Cộng sản.

Tiếng mưa rơi, khi vắng thì thấy nhớ, nghe nhiều thì có phần e ngại. Nhỡ đâu mưa dai, mưa làm chậm lại những cuộc gặp gỡ, làm dang dở những chuyến đi. Nhỡ đâu mưa to kéo dài, mưa chẳng dứt nước, mưa trôi trọc mảnh đồi, mưa làm lụt con sông. Mưa làm ta trông chờ những ngày nắng quay lại.

Cơn mưa giúp tâm hồn tôi tĩnh lặng nhưng cũng làm tôi nghĩ nhiều. Vậy nên, tôi chỉ mong mình ngây ngô như hồi mười tuổi, chỉ đơn giản là nghe tiếng mưa bên tai và cảm thấy vui ở hiện tại. Làm người lớn đôi khi hơi khó khăn nên tôi luôn nhắc nhở mình phải dành một góc tâm hồn cho đứa trẻ mười tuổi ngày ấy, để nhìn thế giới bằng đôi mắt trong veo đầy tò mò, để giữ cho trí tưởng tượng luôn bay bổng. Tôi nhắc mình nhìn đời bằng đôi mắt lên mười, dành trọn tâm hồn để nghe những giai điệu của mưa hòa vào nhau như đang nghe một bản nhạc du dương của trời đất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một người rời Hà Nội để theo chồng về Phú Thọ sinh sống vào một ngày cuối hạ. Điều mà cô luyến tiếc nhất là phải chia xa mùa thu Hà Nội, khi ấy đang cận kề. Không còn được nhấm nháp mỗi sáng gói cốm của bà lão ở cổng làng Vòng, không còn hoàng hôn đạp xe quanh hồ Tây se lạnh heo may, không còn cuối tuần ngắm màn lá vàng rơi thành thảm dày ở phố Hoàng Diệu…

Lần đầu bước chân lên Hà Nội, có người đã tự hỏi: Không biết thành phố này có gì để người ta bám trụ nhiều đến thế? Xô bồ, khói bụi, ồn ào, đắt đỏ… dường như thành phố quá chật để ta có thể nới rộng tâm hồn. Rồi một ngày nào đó, nỗi lo vật chất sẽ cuốn đi mọi rung cảm tinh thần. Thủ đô liệu có phải chỉ dành cho những ai nhiều tiền, lắm của?

Sáng sớm nay có cơn gió đổi chiều thật đẹp. Là gió heo may. Gió heo may đã về loang trong tim ai đó từng vệt nhớ, nhớ niềm vui tươi mới của tuổi thơ trong ngày khai trường xa xưa.

Sớm nay bỗng có người thấy tâm hồn sao khác lạ, cứ lâng lâng một cảm giác yên lành. Ngập ngừng cảm nhận bước chân xa của mùa gần tới. Thấp thoáng trên phố, chị hàng cốm đi qua để lại tiếng rao nghe rất đỗi quen thuộc. Không biết có thu thì mới có cốm hay chính hương cốm gọi thu về cho Hà Nội.

Tháng Tám vừa ghé xuống bên thềm, cái bỏng rát, khô khát của mùa hè cũng dần vơi. Hãy tạm quên đi những nỗi buồn, những đứt gãy, những không trọn vẹn để đến với tháng Tám nồng nàn yêu thương.

Sau bao năm bận việc, Trung thu này, có người được ở nhà. Ngồi pha ly trà, thấy đứa cháu chạy lon ton, lòng cô tự nhiên cũng rạo rực nỗi niềm đoàn tụ. Nhưng ở nhiều nơi vùng lũ lụt, nhiều gia đình đã chẳng thể chúc nhau câu Trung thu vui vẻ.