Bánh chưng trong kí ức tuổi thơ
Chiều nay, mời bạn cùng Hường vào miền ký ức của Nhung Phạm ngày được cùng cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng.
Nhớ khi còn bé, tôi mê Tết lắm. Mà lý do của một đứa trẻ thì đơn giản biết nhường nào. Một bộ quần áo mới tinh. Những phong bao lì xì đỏ chót. Những chuyến đi chơi xa. Tết mới được thỏa thê ăn mứt kẹo, giò chả, bánh chưng, chứ đâu có quanh năm như bây giờ. Tôi vào Sài Gòn, nơi hội tụ văn hóa, ẩm thực trăm miền, chỉ riêng bánh chưng cũng đã thấy đủ loại: bánh chưng gù Quảng Trị, bánh chưng tiêu xứ Huế, bánh chưng vị Bắc, bánh chưng Đà Lạt… Nếu mà kể thêm các loại nhân nữa thì đúng là hoa cả mắt, chóng cả mặt. Nhưng dù thuộc thương hiệu danh tiếng trăm năm hay thơm ngon thế nào, cũng không cho tôi xúc cảm như chiếc bánh chưng mà cả nhà tất bật cùng nhau chuẩn bị những ngày cuối năm. Chiếc bánh ấy có thể quên muối, có thể lỏng tay, nhưng gói ghém hương vị thật riêng của tình thân.
Độ sau ngày hai tư, hai lăm trở đi, ở quê tôi, làng trên xóm dưới bắt đầu tưng bừng nhộn nhịp hẳn lên. Những người con từ phương xa lần lượt trở về. Loa đài trong thôn rộn rã những bản nhạc tươi vui gợi bao niềm hứng khởi. Ấy là lúc nhà nhà, người người cùng gói bánh chưng. Nhà này í ới sang nhà kia mượn khuôn, mượn nồi, chỉ chuyện bánh chưng đã có biết bao rộn ràng thân tình.
Nhà tôi thường gói bánh chưng sát Tết, khoảng ngày hai tám. Buổi sớm, khi chị em tôi còn cuộn tròn trong chăn ấm, mẹ và mấy cô bác trong xóm đã đạp xe xuyên qua màn sương lạnh giá để đi chợ huyện. Mẹ mang về nào rau củ, thịt cá, mắm muối…dành cho mấy ngày Tết, thêm hai bó lá dong màu xanh đậm, được buộc gọn bằng sợi lạt mềm. Mẹ nói gói bằng lá dong loại bánh tẻ, bánh sẽ ngon và đẹp mắt hơn, nhất là phải chọn được những chiếc lá lành lặn, không bị sâu. Cũng có năm, vườn lá dong nhà bác tôi được mùa. Bác cười hỉ hả mang xuống cho nhà tôi một bó rõ to, thế là mẹ không phải mua.
Mẹ bận rộn chuẩn bị nguyên liệu, còn tôi lon ton nhận một chân rửa lá. Tôi chọn cái giẻ sạch, hì hục múc những gàu nước giếng trong veo đổ đầy vào hai cái chậu to. Hào hứng là thế, nhưng khi đôi tay nhúng vào làn nước lạnh như đá, tôi cũng phải cắn răng vượt qua cái lười. Đặt từng chiếc lá vào trong chậu, tôi dùng giẻ lau bụi bẩn bám trên bề mặt và kẽ lá, lật úp, lau mặt dưới rồi đặt sang chậu nước sạch. Cứ thế luân phiên ba lần nước là chiếc lá dong được xếp vào rổ. Lá ráo nước, tôi xếp vào cái nia tròn rồi cẩn thận gấp lá để lúc gói bánh mẹ chỉ việc xếp vào khuôn.
Bà tôi thường nói, hạt gạo là hạt ngọc của trời. Khi xưa, chàng hoàng tử Lang Liêu được thần mách bảo, đã khéo léo kết hợp gạo với các nguyên liệu dễ kiếm để làm nên bánh chưng, bánh dày, biểu lộ cho sự hòa hợp của âm dương ngũ hành và lòng biết ơn của con người với trời đất. Mỗi vùng miền có cách gói, công thức khác nhau. Người quê tôi thường gói bánh chưng vuông, nhân mặn. Bề rộng bánh chừng hai mươi phân, dày độ năm phân. Bánh gồm có gạo, đậu xanh, thịt lợn và hành tím.
Những hạt gạo nếp cái hoa vàng tròn mây mẩy, trắng đục màu sữa được ngâm khoảng năm tiếng, để ráo rồi trộn thêm muối trắng. Đậu xanh bỏ vỏ, nấu chín đến tơi, được nắm lại thành từng viên tròn tròn. Thịt lợn phải có nạc có mỡ, vị bánh mới hài hòa. Mẹ tôi thường dùng thịt ba chỉ, thái thành từng miếng dài, to bằng ba đốt ngón tay, ướp chút muối, hạt tiêu và hành tím. Lạt được chẻ mỏng ra từ những khúc giang già, dài chừng bốn mươi lăm phân.
Sau bữa tối, cả nhà ngồi quanh chiếc nia. Năm nào cũng xem gói bánh nhưng trẻ con thì mau nhớ mau quên, thế nên lại tíu tít hỏi mẹ đủ chuyện. Mẹ cười rạng rỡ, kể cho chúng tôi nghe cả những chuyện từ khi mẹ còn nhỏ xíu, trong lúc đôi tay vẫn thoăn thoắt gói bánh. Nào. Đặt hai cái lạt theo hình chữ thập bên dưới khuôn, đặt lá dong vào bốn góc. Nhớ nhé. Nhất thiết phải có hai miếng lá lót bên dưới và bên trên để lúc luộc xong bánh vẫn phẳng đẹp. Mẹ đổ một lớp gạo vào trong khuôn, dàn đều, rồi bóp tơi đậu xanh, đặt hai miếng thịt, thêm ít hành, cuối cùng là một lớp gạo, gấp lá, buộc hai sợi lạt vào nhau. Vậy là xong. Chúng tôi cứ thắc thỏm nhắc, chỉ sợ mẹ quên, mặc dù thế nào thì mẹ cũng cố tình để thừa ra một chút gạo, thịt, đậu để gói những chiếc bánh nho nhỏ, gọi là bánh rùa. Thế rồi, là tranh nhau cái này của chị, cái này của em.
Bố xếp phần lá thừa xuống đáy nồi, rồi chèn chặt bánh vào, để khi đổ nước bánh không nổi phập phùng. Bố kê ba chồng gạch làm kiềng rồi lom khom xếp củi và nhóm lửa. Những thanh củi to nhất được để dành luộc bánh. Củi to sẽ đượm lửa và lâu tàn. Trong đêm đông giá rét căm căm, bên góc bếp bập bùng ánh lửa, chúng tôi trải chiếu nằm nghe ông kể chuyện. Tách một cái, tàn lửa từ thanh củi bắn trúng vào chân tôi. Tôi rú lên trong khi thằng em nhe răng cười khoái chí. Nhưng rồi tôi lại quên ngay lập tức khi ông cời ra từ đống than những củ khoai lang đen thui, mà bóc ra ngọt bùi đến nức cả lòng. Chúng tôi khoan khoái chìm vào giấc ngủ tự lúc nào, bên mũi cứ vấn vít mùi khói bếp xen lẫn mùi thơm nức của gạo nếp hòa quyện với lá dong. Thấp thoáng bóng bố tôi mở nắp, châm thêm nước vào nồi bánh đang sôi lục bục.
Bánh luộc độ chừng chín tiếng là vừa chín rền. Bố vớt những chiếc bánh nóng giẫy cho vào thau nước lạnh. Mẹ nhanh nhẹn xoa mặt bánh để rửa sạch lớp mỡ nhờn. Nhân lúc bánh còn mềm, mẹ cẩn thận nắn lại bốn góc cho thật vuông vức rồi mới xếp lên bàn. Xong xuôi, bố đặt một tấm gỗ lớn lên trên để ép cho bánh róc nước, bí kíp giữ bánh lâu thiu và không bị nát.
Chị em tôi sung sướng reo hò khi những chiếc bánh rùa được vớt ra. Đứa nào cũng mau mắn muốn được ăn ngay. Mẹ nhắc phải mời các cụ trước đã. Thành kính đặt hai chiếc bánh chưng lên ban thờ, thắp nén hương thơm, mẹ lâm râm mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Khi hương đã tàn, chúng tôi mới được phép bóc bánh rùa. Bánh mới bao giờ cũng dẻo, rền, thơm ngon nhất. Miếng bánh thấm màu xanh từ lá dong, béo ngậy của thịt lợn, cay nồng của hạt tiêu, dinh dính đọng lại vị ngòn ngọt của gạo nếp nơi hàm răng. Đúng là thơm ngon đến miếng cuối cùng.
Sớm nay thức dậy nghe Sài Gòn se lạnh, ngửi mùi hương trầm thoảng đến từ nhà bên, lòng người con xứ Bắc lại nao nao gợn lên những niềm nhớ. Mới hay, Tết đang đến thật gần./.
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
Dạo gần đây mạng xã hội nổi rần rần về chữa lành. Chỉ cần mở YouTube, 10 podcast thì 9 cái nói về việc chữa lành. Có người nói với tôi, muốn hạnh phúc phải yêu chính mình trước đã, phải chiều chuộng bản thân, làm gì mình thích để chữa lành. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, nghĩ đến bản thân nhiều hơn, đặt gánh nặng trách nhiệm trên vai xuống để đi chữa lành cho đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng hơn...
Đêm ở biển, thanh âm của biển, vị của biển, giữa một màu đen bát ngát bao la. Lòng bình yên lắng dịu. Biển vắng giữa đêm mùa thu thật lạ mà thật quen. Ngỡ như ta đã gặp đâu đó một thời xa lắm. Nhớ về một đêm biển vắng năm nào, ngồi ở một căn chòi nhỏ, lặng nghe tiếng mưa rơi... Biển vẫn vậy, dịu dàng quá đỗi. Ta khác rồi, liệu đã thâm trầm như biển ngày xưa?
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng một lần theo đuổi điều gì đó tưởng chừng vĩ đại, tưởng chừng hoàn hảo. Đó có thể là những giấc mơ lớn lao hay chỉ là những điều giản dị, bé nhỏ mà tâm hồn chúng ta đã khắc khoải tìm kiếm. Với tôi, hành trình ấy bắt đầu từ những buổi chiều thơ bé, nơi tôi đắm mình giữa đồng cỏ xanh rì, tìm kiếm chiếc lá cỏ hoàn hảo - một thứ biểu tượng đẹp đẽ mà tôi tin rằng khi tìm thấy, cuộc đời tôi sẽ trọn vẹn theo cách kỳ diệu nhất. Có một người cũng giống như tôi.
Có một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quãng thời gian mà người ta vẫn ưu ái gọi tên "đẹp nhất của đời người" - thời trung học của cô đã gắn với mảnh đất cổ kính, nên thơ này. Từ lâu, Hà Nội đối với cô đã vượt lên cả một miền ký ức, trở thành một phần hiện hữu trong cuộc đời.
Cuộc sống vội vã trôi, cuốn mỗi người chúng ta vào guồng quay không ngừng nghỉ. Để tới một lúc nào đó, ta bỗng phát hiện ra dường như mình đã quên mất những điều bình dị, ấm áp xung quanh, quên mất rằng ta và người ấy vẫn cần lắm những nồng ấm, yêu thương…
0