Bánh đa kê - Hương vị tuổi thơ không bao giờ quên
Người bán bánh đa kê chẳng cần nhiều đồ nghề. Trên ghi đông xe, túi bánh đa đã nướng giòn treo lủng lẳng. Sau xe lại là nồi kê được chằng dây vô cùng chắc chắn, thêm chiếc âu nhựa đựng đỗ xanh đã đồ chín cùng chai đường kính. Chỉ giản đơn vậy thôi nhưng nó đã trở thành một quán ăn di động mà không người Hà Nội nào là không biết đến.
Bánh đa kê như một món quà quê mộc mạc, giản dị mà đầy ý nghĩa. Nhiều người nói rằng, cái ngon của miếng bánh đa kê đôi khi không chỉ đến từ hương vị của những thứ nguyên liệu giản dị, mà còn bởi nó đã khiến người thưởng thức như được trở về những năm tháng ấu thơ.
Giờ đây, giữa chốn phồn hoa thị thành với nhiều món ăn mới nhưng dường như hương vị bánh đa kê chưa khi nào bị rơi vào quên lãng. Nếu may mắn bạn có thể sẽ gặp một, hai người đang gánh hàng rong rao bán bánh đa kê. Đặc biệt hơn, giữa lòng Thủ đô còn có một địa chỉ cố định để những thực khách yêu thích hương vị tuổi thơ này có thể tìm đến. Đó là cửa hàng "Ai kê nào" (quận Hoàng Mai) - một địa chỉ lưu giữ món bánh đa kê nguyên bản, trọn vị của chị Phạm Thị Vân Khánh.
Giữa muôn vàn những món quà vặt mang đậm vị đồng quê, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Hà Nội, bánh đa kê vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng nhiều thực khách, đặc biệt là thế hệ 7x, 8x như chị Vân Khánh. Đây cũng chính là lý do khiến chị quyết định học nghề này để giữ lại một ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ.
Những hạt kê màu vàng ươm, nhỏ như trứng cá, rơi đều trên giá dưới bàn tay của các bà, các mẹ sàng sẩy, không ngờ lại làm nên món quà vặt rất thơm ngon. Món bánh đa kê là sự tổng hòa của kê đã nấu chín rồi phết lên miếng bánh đa nướng giòn, rải thêm một lớp đậu xanh đã đồ (rồi thái tơi), lại rắc tiếp một lớp đường nữa. Cắn một miếng bánh đa kê vừa làm xong, thấy lạo xạo những hạt đường còn khô, thực khách có thể cảm nhận ngay vị ngầy ngậy của kê hòa lẫn với vị bùi của đậu xanh đã đồ. Tuy vậy, để bánh đa kê ngon, chị Khánh vô cùng tỉ mỉ trong khâu chọn lựa nguyên liệu.
"Quan trọng nhất là hạt kê. Bởi vì cái hạt kê bây giờ nơi trồng rất ít, chị bán nhỏ nhỏ này thì số lượng có thể đảm bảo được nhưng mà nhiều hơn thì rất khó. Vì giống cũ sản lượng thấp cho nên bây giờ ít người trồng", chị Vân Khánh chia sẻ.
Món ăn rất đỗi bình dị này được chế biến khá cầu kỳ. Những hạt kê chín vàng được đãi sạch, ngâm khoảng 2 giờ rồi được vớt ra cho vào nồi có đáy dày. Để kê có mùi thơm ngậy và quánh, người nấu phải quấy thật đều tay sao cho kê không bị nát hay quá khô. Và kỵ nhất là không được để kê bén nồi, nếu không mùi khê sẽ át hết vị ngậy và thơm. Đậu xanh được ngâm cho nở, sau đó đãi sạch vỏ và cho vào nồi hấp. Đậu chín được cho ra bát rồi dùng muỗng nghiền nhuyễn và nắm tròn như trái cam.
Nếu có bận chưa ăn được ngay, để chừng mươi phút nữa, miếng bánh đa dễ bị mềm ra. Bánh dai dai, vị ngọt quyện với đường và đậu xanh cũng tạo nên một cảm giác khoái khẩu khác, rất đặc biệt. Tuy nhiên, để bánh đa kê đến tay khách không bị ỉu, chị Khánh cũng đã có những cách làm riêng, đảm bảo chất lượng ngon nhất khi khách hàng thưởng thức.
Biết bao thức quà của Hà Nội đi vào thi ca. Hàng trăm món ăn tưởng đã thất truyền từ xưa cũng đã được "phục dựng". Phố cổ Hà Nội tràn ngập hàng quán gia truyền từ vài chục đến gần trăm tuổi nhưng để tìm được một hàng bán bánh đa kê như cửa hàng của chị Khánh là khá hiếm. Nắm bắt được điều đó, bên cạnh việc giữ gìn hương vị truyền thống của món ăn, chị Khánh cũng có thêm nhiều cải tiến để phù hợp với khẩu vị của khách hàng trong giai đoạn hiện nay với việc không sử dụng đường trắng tinh luyện.
Thế hệ 7x, 8x không lạ gì với bánh đa kê bởi đó chính là thức quà gắn liền với tuổi thơ của đám trẻ con Hà Nội cách đây 15 - 20 năm. Nhưng chỉ trong 10 năm trở lại đây, món ăn này trở thành cái tên chỉ còn trong trí nhớ của thế hệ này. Lớn lên với bánh phô mai, trà sữa, thế hệ 9x và 10x chưa từng nghe, chưa từng nếm bánh đa kê. Vì vậy, với việc kinh doanh bánh đa kê trên nền tảng mạng xã hội, chị Khánh hy vọng có thể đưa món ăn đến gần hơn với các bạn trẻ.
Bên những món quà vặt hấp dẫn hơn, bắt mắt hơn của cuộc sống hiện đại ngày hôm nay thì bánh đa kê vàng giản dị vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí và niềm yêu thích của nhiều người Hà Nội.
Tuy bánh đa kê có bán quanh năm nhưng thời gian thích hợp nhất có lẽ vẫn là mùa thu. Màu vàng óng của kê quyện trong sắc thu khiến ta có cảm giác dịu ngọt, thanh bình, thấy chậm lại trong nhịp sống thành thị đang hối hả từng giờ, từng phút. Giờ đây, thi thoảng, đâu đó vẫn thấy vang lên tiếng rao bán bánh đa kê. Chỉ thế thôi cũng thấy Hà Nội vẫn còn đó nét đẹp ẩm thực riêng có. Tuy chỉ còn ít người miệt mài với việc bán bánh đa kê, họ vẫn có những khách hàng "ruột" mê món ăn bình dị này.
Đôi khi, sức hấp dẫn của miếng bánh đa kê không chỉ đến từ hương vị của những thứ nguyên liệu giản dị, mà còn bởi cảm giác khiến người ta như được trở về những năm tháng ấu thơ với hương vị đồng quê thơm mùi kê mới.
Khi cái lạnh se sắt len lỏi vào từng góc phố thủ đô, những hàng chè nóng đã trở thành một lựa chọn đầy thú vị, một món quà ăn không thể thiếu trong nhịp sống của người dân.
Giáng sinh đang rất gần. Phố Hàng Mã, Nhà thờ Lớn hay những khu vực trung tâm đều trở thành những điểm được du khách đổ về tham quan, chụp ảnh và tận hưởng bầu không khí vui tươi, ấm áp của dịp lễ hội cuối năm.
Những bề bộn của cuộc sống có thể làm cái 'chất' Hà Nội bị pha loãng hơn. Tuy nhiên, trong sự thay đổi ấy, vẫn có những giá trị cốt lõi được giữ gìn và tiếp nối qua các thế hệ. 'Chất' người Hà Nội, dù có biến chuyển, vẫn là thứ không thể mất đi, chỉ cần thời gian và sự bồi đắp đúng cách để trở lại mạnh mẽ hơn trong một Hà Nội hiện đại và năng động.
Càng tới gần ngày Giáng sinh, phố phường của quận trung tâm Hoàn Kiếm được trang trí nhiều sắc màu lung linh, ngập tràn không khí lễ hội vui tươi.
Hà Nội trở lạnh trong những ngày cuối năm cũng là lúc người dân chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và thời khắc chuyển giao giữa năm cũ - năm mới. Khắp đường phố, không khí Giáng sinh ngập tràn, đặc biệt là con phố Hàng Mã, nơi được mệnh danh là "thủ phủ" của đồ trang trí, đồ chơi lễ hội.
Bước ra từ cuộc chiến khốc liệt, hơn ai hết, những cựu chiến binh hiểu rõ giá trị của hòa bình cho Tổ quốc và giá trị của yên bình với mỗi người. Bình yên của người cựu chiến binh, chẳng cần to tát hay xa vời, chỉ là những buổi chiều đi bộ trên phố phường tấp nập, nhìn nắng nhạt xuyên qua những tán cây.
0