Bánh giò Hà Nội vào Sài Gòn
Hồi đó, tôi chỉ biết đến bánh giò qua những câu chuyện kể của ba. Ở nơi xa đó giữa xô bồ tấp nập, người dân tứ xứ đổ về nhiều lắm mà không quên đặc sản quê nhà. Họ đem đến Sài Gòn những sản vật quê hương để bày bán, quảng bá đến du khách gần xa. Và trong vô vàn những món ngon đó, ba tôi gặp bánh giò - một thứ quà quê mà người Hà Nội đã mang vào cho mảnh đất Sài Gòn.
Năm đó, ba đi ôn thi với giấc mộng làm bác sĩ. Ba ở chung với vài người bạn trong một căn nhà trọ nhỏ hẹp. Đêm là thời gian yên tĩnh để ba học bài thì tiếng rao “bánh giò đây” lại rấm rứt trong dạ, khiến ba cồn cào đói. Ba buông sách đứng lên đi tìm người bán bánh giò với những chiếc bánh nóng hôi hổi được bỏ trong thùng xốp phía sau xe. Bên trong lớp lá chuối là lớp bánh màu trắng đục, béo ngậy với mùi thơm đặc trưng. Nghe người bán bánh nói, người ta pha nước dùng gà và heo để hòa làm vỏ bánh. Nhân bánh thì dùng thịt bằm với nấm mèo cắt nhỏ, thêm chút gia vị cùng mấy quả trứng cút bóc vỏ trắng nõn nà, nằm gọn bên trong.
Ba tôi bảo ngày đó học bài khuya mà nghe tiếng rao "bánh giò đây" là phải chạy ra, mua một cái về ăn cho ấm bụng rồi mới học được tiếp. Sài Gòn về đêm nhiệt độ thường xuống thấp. Nó không lạnh như ở miền Bắc khi vào đông mà gió từ biển lùa theo từng cơn, xuyên qua từng thớ vải khiến người ta không khỏi rùng mình, trong dạ thì nao nao. Người dân tứ xứ như ba, khi vào Sài Gòn ngày đầu còn chưa quen thời tiết, nên cứ thấp thỏm nhìn đất trông mây. Sau, cũng quen dần, lại thấy Sài Gòn dễ thương. Sáng nắng chút xíu rồi bất chợt kéo mưa. Mưa như xả hơi nửa chừng rồi mưa ngưng, gió ào về theo nhiều hướng, lùa hết những oi bức của bụi bặm, ồn ào tấp nập sang một bên. Tiết trời sau mưa lại trở nên âm ẩm lành lạnh, dễ chịu vô cùng. Đêm mưa Sài Gòn mà có cái bánh giò nóng ăn khuya thì thấy ấm bụng lạ lùng.
Câu chuyện của ba cứ mãi trong tiềm thức của tôi cho tới ngày tôi lên Sài Gòn lập nghiệp. Một mình với những chuỗi ngày tăng ca, có hôm ca làm kết thúc lúc hai ba giờ sáng. Nhớ ba, nhớ cả câu chuyện ba kể, lòng tôi bỗng dưng mong ngóng tiếng rao của người bán bánh giò vang lên ở đâu đó giữa phố phường. Sài Gòn với tôi là thành phố không ngủ, ban đêm người ta cũng đi chơi, có người bán buôn suốt cả ngày lẫn đêm. Hôm nào tan ca muộn mà nghe tiếng rao của người bán bánh giò, tự dưng tôi mừng quýnh. Bữa nào người ta bán hết hay gặp bữa tan ca muộn, không nghe thấy tiếng rao "bánh giò đây" lại nổi cơn buồn vô cớ.
Chú bán bánh giò bảo với tôi, bánh trông vậy mà không khó làm, quan trọng nhất là khâu trộn bột, khuấy bột làm vỏ bánh. Bột không được quá cứng vì sẽ bị khô không ngon. Khi dáo bột thì vừa phải, nếu chín quá thì mất đi độ ngon của bánh. Sống quá thì lại khó tạo hình, làm mãi thì quen. Chú làm theo kinh nghiệm, món bánh gia truyền từ đời ông bà nội đến ba má rồi đến đời chú, nay mai chú sẽ truyền cho con. Dù là sống ở nơi đất lạ quê người nhưng vẫn luôn gìn giữ cái hồn của Hà Nội - quê hương chú. Chú kể, từ thời mới vào Nam lập nghiệp, người trong này không biết tới bánh giò. Nhiều hôm bán ế, đành phải ăn bánh thay cơm. Bây giờ thì khác, bánh giò Hà Nội đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều người dân Sài Gòn, kể cả khách phương xa tới họ cũng thích. Hàng ngày chú bánh bán rất chạy, cảnh phải ăn bánh thay cơm không còn nữa.
Chú bảo có người góp ý nên điều chỉnh để món ăn hợp vị người Sài Gòn, nhưng chú cứ khăng khăng giữ nguyên hương vị xưa cũ. Có lẽ là để nhớ lại những ký ức thân quen đã qua bên món bánh bình dị, trong chái bếp khói bay cay xè mắt, trong vách nhà tranh đầm ấm yêu thương. Gắn bó với nghề qua bao thăng trầm, chú bảo sẽ không bao giờ bỏ nghề. Dù cuộc sống đã khá hơn xưa rất nhiều, nhưng chú sẽ giữ mãi nghề này giữa Sài Gòn hoa lệ.
Giờ tôi đã hiểu tại sao ngày ấy ba tôi lại thích ăn bánh giò tới vậy. Cái dẻo bùi của bột gạo, cái beo béo đặc trưng của bánh giò, chỉ đơn giản vậy, mà sao khiến người ta nhớ mãi. Hóa ra, ăn bánh không chỉ để no, mà còn thưởng thức tình quê trong từng chiếc bánh. Nỗi nhớ Hà Nội da diết được người bán bánh giò gói trong chiếc bánh ấy vẫn bừng lên ấm áp nơi thành phố trăm vạn ánh đèn đêm.
Thùy Mỵ
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
Trong tiết trời thu Hà Nội, một bát xôi chè là món quà tuyệt vời mà phố cổ Hà Nộidành tặng cho những tâm hồn lữ khách. Xôi chè không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức, là sợi dây kết nối giữa thực tại và quá khứ.
Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.
Tháng Mười về, mùa đông rồi cũng sẽ về, sự thay đổi tưởng như chỉ là quy luật ấy lại cho ta những khoảnh khắc xao lòng và lưu luyến với thu, khi mà đâu đó hương hoa sữa dịu dàng miên man trong gió, khi mà ngoài kia những con phố nhỏ thoáng bóng dáng ai đang nâng niu hít hà hương cốm hoặc trầm tư bên ly cà phê trong sương mai.
0