Bánh tôm hồ Tây, thức quà đi cùng năm tháng
Người Hà Nội vốn nổi tiếng về thanh lịch và sành điệu trong giao tiếp và cả trong việc ăn uống. Vẻ nhẹ nhàng, cầu kỳ, "trọng chất chứ không trọng số" đã trở thành đặc trưng trong nghệ thuật ẩm thực Hà Nội.
Một trong những món ăn nổi tiếng của xứ kinh kỳ là bánh tôm hồ Tây.
Trong "Hà Nội băm sáu phố phường", nhà văn Thạch Lam đã viết "Cái bánh bột vàng dần, vàng dần, con tôm co lại, nhát khoai nở ra... Một mùi thơm ngậy tỏa nhẹ lên không khí...".
Ai đã từng đến Hà Nội chắc hẳn sẽ háo hức được một lần thưởng thức bánh tôm hồ Tây - thứ đặc sản trứ danh của mảnh đất này. Bởi một lẽ ăn bánh tôm hồ Tây đâu phải chỉ là thưởng thức một món ăn, mà còn để ngắm trời, ngắm đất, ngắm người, ngắm cảnh.
Mặc cho nhịp sống hối hả ra sao, hồ Tây vẫn nguyên vẻ bình yên theo năm tháng như là nơi để tìm sự thư thái, quên đi những lo toan bộn bề. "Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về...", câu hát trong bài "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" không ít lần vang vọng trong trái tim người Hà Nội.
Nhiều người cảm nhận rằng hồ Tây cùng con đường Cổ Ngư xưa nay là đường Thanh Niên, là con đường nên thơ nhất của Hà Nội.
Được làm từ nguyên liệu chính là tôm tươi và bột mì, bánh tôm hồ Tây giòn tan bên ngoài, mềm mịn bên trong cùng mùi vị thơm ngon khó quên.
Bánh tôm hồ Tây không chỉ là một món ăn ngon mà còn chứa đựng biết bao nhiêu ký ức đẹp đẽ, gắn liền với tuổi thơ của người Hà thành, thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực Hà Nội xưa, vừa bình dị vừa lôi cuốn.
Bánh tôm thì ở đâu cũng có thể làm, nhưng hương vị bánh tôm hồ Tây thì chỉ Hà Nội mới có, vì những con tôm là tôm của chính hồ Tây, giống tôm nhỏ con nhưng chắc thịt, vỏ mềm, thịt rất ngọt, thêm vào đó là một chút khoai lang ở đồng bãi sông Hồng thái sợi làm cho bánh giòn và có mùi thơm nhẹ.
Thuở xưa, bánh tôm được gánh trên những gánh hàng rong bán dọc theo con đường Cổ Ngư (nay gọi là đường Thanh Niên). Bà Nguyễn Thị Hồng Luyến, chủ một cửa hàng bánh tôm cạnh phủ Tây hồ chia sẻ: "Chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản, món bánh này đã đốn tim bao tín đồ ẩm thực đất Hà thành".
Nói về ẩm thực Hà Nội thì bánh tôm ra đời muộn - vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Ban đầu đây chỉ là món ăn chơi bình dân thời bao cấp, về sau này bánh tôm hồ Tây mới trở nên nổi tiếng khi Công ty ăn uống Ba Đình tập trung những người bán bánh tôm nhỏ lẻ thành tổ hợp bánh tôm hồ Tây.
Lên hồ Tây ăn bánh tôm hay ăn bánh tôm ở hồ Tây đã trở thành khẩu ngữ quen thuộc không chỉ với rất nhiều người Hà Nội mà cả những du khách có cơ hội về với Thủ đô.
Vòng vèo qua quán bánh tôm
Trót quen hơi ngọn gió nồm Cổ Ngư
Mắt hồ xanh bỗng đỏ lừ
Áo em trắng bỗng hồng như ráng chiều.
Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy về thú đi ăn bánh tôm của người Hà Nội đủ để người ta thấy bánh tôm hồ Tây không chỉ là một món ăn ngon mà còn chứa đựng biết bao ký ức đẹp đẽ của người Hà thành, thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực Hà Nội xưa, vừa bình dị vừa lôi cuốn.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết - một chuyên gia ẩm thực Hà thành, sở dĩ bánh tôm hồ Tây được lòng người dân Thủ đô bởi nguyên liệu chính là tôm trước đây được đánh bắt tại hồ. Tôm hồ Tây cỡ vừa phải, thịt tôm chắc ngọt cho ra món bánh rán với tôm mang hương vị không đâu sánh được.
Trước khi rán bánh tôm, bao giờ cũng phải làm nóng khuôn. Khuôn được đặt vào chảo ngay lúc dầu nguội để dầu ngấm từ từ đến khi dầu sôi. Làm nóng khuôn như vậy thì dầu ngấm sâu cả khuôn, khi bánh chín sẽ dễ lấy ra khỏi khuôn mà không làm bánh vỡ.
Làm nóng khuôn cũng là để canh lượng dầu vừa đủ. Khi thả khuôn bánh vào rán thì dầu cao ngập hơn mặt bánh một chút, bánh sẽ chín giòn. Múc bột vào khuôn cũng không được đầy quá, khi chín, bánh sẽ nổi phồng lên là vừa. Sau đó cho một vài sợi khoai lang lên bột, tiếp đến đặt tôm lên trên rồi thả cả khuôn vào dầu đang sôi.
Chiếc bánh tôm vừa chín tới có màu vàng đẹp mắt, nổi màu đỏ au của tôm tươi, phảng phất hương thơm của khoai lang. Nhấc chiếc bánh lên là đã muốn thưởng thức ngay.
Bánh tôm ngon mà nước chấm pha không khéo là hỏng mất cả đĩa bánh. Nước chấm ăn bánh tôm có phần giống nước mắm ăn bún chả, bún nem Hà Nội. Nó hội tụ đầy đủ các hương vị mặn, ngọt, chua, cay của nước mắm, giấm, đường, tỏi, ớt pha loãng để có thể dìm cả chiếc bánh ngập trong nước chấm thấm đều mới ngon.
Ăn kèm bánh tôm có dưa góp làm từ đu đủ, cà rốt, su hào được trộn với giấm đường, muối cho mềm và bớt hăng, sau đó được thả vào bát nước chấm khiến món ăn đậm đà.
Trước kia ở Hà Nội, mỗi lần muốn ăn bánh tôm là phải ra hồ Tây. Còn giờ đây, có rất nhiều nơi làm và bán món bánh này. Ấy vậy nhưng bánh tôm hồ Tây đã trở thành thương hiệu riêng của loại bánh đặc biệt xuất xứ từ Hà Nội, đến độ hễ nói đến bánh tôm là người ta nghĩ ngay đến bánh tôm hồ Tây.
Nhiều người Hà Nội vẫn nhớ kỷ niệm về những buổi trưa hè, đạp xe thật nhanh ra hồ Tây, ngồi bệt xuống vệ cỏ ven hồ cùng bạn bè ăn miếng bánh tôm mới ngon làm sao. Chỉ thế thôi mà đã trở thành kỷ niệm, thành nỗi nhớ đến tận bây giờ.
Thời bao cấp, quán bánh tôm hồ Tây là nơi liên hoan lý tưởng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, là nơi hẹn hò của nhiều mối tình đầu đời, nơi chia ly giữa một cô gái Hà Nội và một anh lính ngày mai ra trận.
Ăn bánh tôm lại ngắm không gian bao la của mặt hồ Tây, ta sẽ thấy lòng thanh thản, ấm áp. Phải chăng sự thanh bình của không gian sông nước đã quyện vào hương vị của miếng bánh để làm nên một món ăn nổi tiếng đất Hà thành - bánh tôm hồ Tây.
Bà Phạm Thị Thìn,một thực khách của quán bánh tôm hồ Tây chia sẻ: "Đối với nhiều người Hà Nội hoặc có những gắn bó với Hà Nội thì bánh tôm hồ Tây không chỉ đơn thuần là một món ăn. Đôi khi nó còn là kỷ niệm".
Không phải vô tình mà hình ảnh quán bánh tôm hồ Tây hiện diện trong những dấu mốc quan trọng hay những câu chuyện cuộc đời của nhiều người Hà Nội đến vậy. Hình ảnh như gợi nhắc kỷ niệm và làm nên bao nỗi nhớ, niềm thương về Hà Nội trong trái tim người đi xa.
Đối với người dân Thủ đô, bánh tôm hồ Tây không chỉ là một món ăn mà nó còn gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm gia đình trước đó. Vừa thưởng thức bánh tôm nóng giòn, thơm ngọt, vừa ngắm mặt nước hồ Tây yên bình, phẳng lặng thì không còn buổi chiều nào tuyệt diệu hơn.
Bánh tôm hồ Tây ăn ngon nhất khi bánh vừa mới được vớt khỏi chảo để cho ráo mỡ, sau đó cắt ngay vào đĩa. Bánh tôm được bán quanh năm nhưng đầu đông và dịp tết Nguyên đán là đông khách nhất. Đó là món ăn mà ai đến đây cũng muốn một lần nếm thử bởi hương vị thơm ngon cùng giá cả vô cùng phải chăng.
Trong nhịp sống hối hả, biết bao người đã bỏ lại phía sau những nét tinh tế của nghệ thuật ẩm thực. Nhưng cùng với thời gian, bánh tôm hồ Tây vẫn là một trong những thức quà giản dị mà nổi tiếng của đất Hà thành. Một thức quà thanh tao, nhẹ nhàng mà níu lòng khách thập phương, người xa xứ tìm về.
Ký ức tuổi thơ thường là những mảnh ghép giản dị nhưng đầy ắp cảm xúc, những hương vị quen thuộc mà mỗi lần nhớ lại, lòng người lại bâng khuâng khó tả. Trong vô vàn những kỷ niệm ấy, có một thứ không thể không nhắc đến, đó chính là ang mỡ lợn - món ăn mà dù qua bao nhiêu năm tháng, vẫn mãi đọng lại trong tâm hồn mỗi người.
UBND quận Hoàn Kiếm chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu, bộ tiêu chuẩn và danh mục di sản ẩm thực Hoàn Kiếm. Sự kiện đánh dấu thành quả đầu tiên của Đề án "Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng 2030".
46 địa chỉ ẩm thực đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được UBND quận Hoàn Kiếm lập danh sách và công bố để quảng bá di sản ẩm thực và hoạt động du lịch.
Sự kiện công bố bộ nhận diện thương hiệu, bộ tiêu chuẩn và danh mục di sản ẩm thực Hoàn Kiếm đã đánh dấu thành quả đầu tiên của Đề án “Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng 2030”.
Phở bò là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024 do Taste Atlas công bố mới đây.
Phở, từ khi được bán tại những gánh hàng rong giản dị đã trở thành một phần văn hóa Việt. Câu chuyện về phở đã được làm sống động bởi những nghệ nhân phở gia truyền, những người gìn giữ và phát huy giá trị ẩm thực độc đáo của phở qua nhiều thế hệ.
0