Báo chí phương Tây bị thao túng?

Cựu dẫn chương trình Fox News, nhà báo Mỹ Tucker Carlson đã có cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 2 giờ với Tổng thống Nga Vladmir Putin tại Điện Kremlin. Cuộc phỏng vấn được phát trên kênh YouTube của Carlson vào ngày 9 tháng 2 và đã thu được 18 triệu lượt xem, một con số đáng kinh ngạc. Cuộc phỏng vấn này không chỉ cung cấp cho khán giả cách nhìn về các vấn đề nóng của thế giới mà còn bộc lộ cách thức hoạt động của báo chí phương Tây, việc các nền tảng truyền thông toàn cầu đã bị lợi dụng để rao giảng những câu chuyện một chiều và thân phương Tây về tình hình thế giới.

Nhà báo Mỹ Carlson và Tổng thống Nga Putin đã thảo luận một số vấn đề bao gồm lịch sử Nga và Ukraine, hoàn cảnh thế giới dẫn đến chiến tranh Nga-Ukraine, trật tự đã thay đổi, bầu cử Mỹ, vụ nổ Dòng chảy phương Bắc,... đô la hóa, phi phát xít hóa chính phủ Ukraine, Elon Musk và các công nghệ mới nổi, Cơ đốc giáo Chính thống cùng những vấn đề khác. Tổng thống Putin khẳng định rằng leo thang căng thẳng ở Ukraine là do hành động của Mỹ và phương Tây, đặc biệt là ý định kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato), điều này sẽ đe dọa an ninh của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận xét: “Nói về mạng lưới các phương tiện truyền thông rộng lớn của Phương Tây, các kênh truyền hình, các tờ báo lớn, không hề tỏ ra khách quan về tình hình. Đây đều là những phương tiện truyền thông có quan điểm đặc biệt phiến diện. Tất nhiên, không ai mong muốn giao tiếp với các phương tiện truyền thông như vậy và nó hầu như không có ý nghĩa và khó có thể hữu ích."

Khi được hỏi tại sao tổng thống Putin lại đồng ý trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Carlson, người phát ngôn điện Kremlin Peskov nói rằng quan điểm của nhà báo người Mỹ này trái ngược với phần lớn các phương tiện truyền thông phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết:  "Quan điểm của ông Carlson khác với những người khác. Quan điểm đó không hề thân Nga, không thân Ukraine - mà thân Mỹ, nhưng ít nhất nó khác hẳn với quan điểm của các phương tiện truyền thông Anglo-Saxon truyền thống."

Và sau khi cuộc phỏng vấn diễn ra, để lại thành công vang dội, báo chí phương Tây lập tức chê bai rằng nhàm chán, vô nghĩa, với nhiều từ ngữ xúc phạm cuộc phỏng vấn. Ví dụ, CNN lên án ông Carlson vì đã trao diễn đàn cho người gây ra cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine, không có những câu hỏi thách thức và cũng không kiểm chứng những phát biểu của tổng thống Putin. Cơn giận dữ của giới truyền thông chính thống phương Tây sau cuộc phỏng vấn Carlson với Tổng thống Putin là điều đáng buồn, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhà báo Mỹ Tucker Carlson chia sẻ: Trước hết, vì đó là công việc của chúng tôi, chúng tôi làm báo nên nhiệm vụ của chúng tôi là thông tin cho mọi người. Hai năm sau cuộc chiến đang định hình lại toàn bộ thế giới, hầu hết người Mỹ đều không có thông tin. Họ không biết thực sự điều gì đang xảy ra ở khu vực này, tại Nga hay cách đó 600 dặm ở Ukraine.”

Nhà báo Tucker Carlson chia sẻ về cuộc phỏng vấn tổng thống Nga Putin

Nguồn lực mạnh mẽ có được từ các cuộc chiến tranh, cho phép báo chí Phương Tây mở các văn phòng ở mọi nơi trên thế giới, các phương tiện truyền thông truyền thống của phương Tây luôn được hưởng độc quyền trong việc định hình câu chuyện về các sự kiện toàn cầu nhằm thúc đẩy các lợi ích và chương trình nghị sự cụ thể, thậm chí gây phương hại đến công lý và hòa bình toàn cầu. Công chúng liên tục bị nhồi nhét những tin tức ủng hộ phương Tây.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, các phương tiện truyền thông toàn cầu đã quảng bá câu chuyện rằng Tổng thống Putin và Nga đang có ý định sáp nhập Ukraine, để từ đó hồi sinh Liên Xô. Nga được coi là một cường quốc hiếu chiến có hành động phá hoại hòa bình và ổn định toàn cầu. Tất cả những điều này được rêu rao mà không bao giờ cho nhà lãnh đạo Nga cơ hội để giải thích quan điểm của ông về câu chuyện, do đó vi phạm một trong những giá trị cơ bản nhất mà họ vẫn tuyên bố là họ trân trọng: đó là quyền được trả lời báo chí.

Nhà báo Mỹ Tucker Carlson giải thích: “Cuộc chiến này đã định hình lại hoàn toàn các liên minh quân sự và thương mại toàn cầu cũng như các lệnh trừng phạt sau đó. Tóm lại, những diễn biến đó đã đảo lộn nền kinh tế thế giới. Trật tự kinh tế sau Thế chiến II, hệ thống đảm bảo sự thịnh vượng ở phương Tây trong hơn 80 năm, đang tan rã rất nhanh, và cùng với đó là sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Đây không phải là những thay đổi nhỏ. Đó là những diễn biến làm thay đổi lịch sử, sẽ quyết định cuộc sống của con cháu chúng ta. Hầu hết thế giới đều hiểu rất rõ điều này, họ có thể nhìn thấy nó. Hãy hỏi bất kỳ ai ở Châu Á hoặc Trung Đông xem tương lai sẽ như thế nào.Tuy nhiên, người dân ở các quốc gia nói tiếng Anh dường như hầu như không nhận thức được điều đó, họ cho rằng thực sự không có gì thay đổi. Không ai nói với họ điều đó. Báo chí nói dối độc giả và người xem, chủ yếu bằng cách bỏ qua thông tin. Ví dụ, kể từ ngày chiến tranh ở Ukraine bắt đầu, các phương tiện truyền thông Mỹ đã phỏng vấn rất nhiều người Ukraine và họ đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với Tổng thống Ukraine Zelenskiy. Bản thân chúng tôi đã đưa ra yêu cầu phỏng vấn ông Zelenskiy và chúng tôi hy vọng ông ấy chấp nhận. Nhưng những cuộc phỏng vấn mà ông ấy đã thực hiện ở Mỹ không phải là những cuộc phỏng vấn truyền thống. Nó dụng ý thúc đẩy yêu cầu của ông Zelenskiy rằng Mỹ phải tham gia sâu hơn vào cuộc chiến ở Đông Âu và phải trả tiền cho cuộc chiến đó. Đó không phải là báo chí. Đó là sự tuyên truyền của chính phủ Mỹ”

Tổng thống Ukraine Zelensky tại diễn đàn an ninh Munich

Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng không kiểm chứng câu chuyện do giới tinh hoa chính trị phương Tây đưa ra, giống như họ đòi hỏi ông Carlson phải kiểm chứng lời kể của ông Putin. Thêm vào đó, họ còn vi phạm quyền tự do báo chí một cách đáng xấu hổ. Ví dụ, phương Tây loại bỏ Russia Today, mạng tin tức thuộc sở hữu nhà nước của Nga, khỏi nền tảng của họ, do đó tước đi quyền của người dân phương Tây được nghe Nga nói về những gì đang xảy ra ở Ukraine. Người ta đặt ra câu hỏi tại sao phương Tây lại lo lắng ý kiến đa chiều trong không gian truyền thông.

Toàn bộ câu chuyện xung quanh cuộc chiến Nga-Ukraine đều tập trung vào việc đả kích tổng thống Putin mà không đặt câu hỏi về việc Mỹ và các chính sách bành trướng của NATO đã góp phần như thế nào vào cuộc chiến ở Ukraine. Các phương tiện truyền thông đang rao giảng một câu chuyện không thúc đẩy sự hòa giải và giải quyết hòa bình cho cuộc xung đột. Thay vào đó, Nga, Ông Putin và các đồng minh của họ được miêu tả là mối nguy hiểm cho trật tự toàn cầu và phương Tây cao cả phải làm hết khả năng của mình để ngăn cản họ và cứu lấy thế giới.

Ông Carlson là nhà báo Mỹ đầu tiên mà Tổng thống Nga Putin nhận lời trả lời phỏng vấn kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây gần 2 năm. Sau cuộc phỏng vấn, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông khá bất ngờ khi nhà báo Mỹ Tucker Carlson không đặt ra những câu hỏi hóc búa trong cuộc phỏng vấn.

Nhà báo Tucker Carlson phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai vào ngày 12 tháng 2 năm 2024

Ông Carlson, 54 tuổi, từng là người dẫn chương trình nổi tiếng ở Mỹ, với quan điểm bảo thủ. Chủ nhân Điện Kremlin cho biết thêm trong cuộc phỏng vấn ông Carlson "đã một số lần tìm cách ngắt lời" nhưng nhìn chung nhà báo Mỹ vẫn kiên nhẫn một cách đáng ngạc nhiên và lắng nghe những câu trả lời dài dòng, đặc biệt là những đoạn liên quan đến lịch sử.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Tôi nghĩ Carlson là người nguy hiểm. Tôi tưởng ông ấy sẽ quyết liệt hơn, đưa ra những câu hỏi hóc búa hơn... Nhưng ông ấy đã chọn một chiến thuật khác. Tôi không hoàn toàn hài lòng với cuộc phỏng vấn này"

Cuộc phỏng vấn của ông với Tổng thống Putin khiến giới chức Mỹ và phương Tây quan ngại. Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ và hiện là thành viên Nghị viện châu Âu, nói việc ông Carlson tới Nga phỏng vấn Tổng thống Putin có thể khiến nhà báo này gặp rắc rối với Liên minh châu Âu (EU). Ông kêu gọi EU xem xét lệnh cấm đi lại với ông Carlson trên cơ sở lệnh trừng phạt những người hỗ trợ Nga. Bình luận về phản ứng của phương Tây đối với cuộc phỏng vấn, ông Putin nói: "Thật tốt khi các nhà lãnh đạo ở đó theo dõi và lắng nghe những gì tôi nói, nhưng sẽ rất tệ nếu họ cảm thấy cần phải bóp méo lời của tôi". Khi được hỏi liệu ông Carlson có thể phải đối mặt với sự trả thù ở phương Tây hay không, Tổng thống Putin chỉ ra rằng ông chủ WikiLeaks Julian Assange vẫn đang bị giam trong nhà tù ở Anh.

Ông Assange, 51 tuổi, công dân Australia, bị Mỹ truy tố theo Đạo luật Gián điệp, với cáo buộc tấn công máy tính của chính phủ để thu thập và tiết lộ trái phép lượng lớn tài liệu quân sự mật và các bức điện ngoại giao trên trang WikiLeaks. Các công tố viên Mỹ cho rằng vụ rò rỉ đã gây nguy hiểm đến tính mạng của các đặc vụ của họ và không có lý do gì để bào chữa cho hành động phạm tội của ông này. Nhiều người ủng hộ Assange ca ngợi ông như một anh hùng chống chính quyền và một nhà báo, người đang bị đàn áp vì vạch trần những hành vi sai trái của Mỹ.

Biểu tình đòi trả tự do cho ông Assange ở Paris, Pháp

Ông Antoine Chuzeville, Tổng thư ký Liên minh Nhà báo SNJ yêu cầu: "Bởi vì Julian Assange đã cho phép thông tin này được công bố, nên ông ấy đang bị bức hại, ông ấy đang bị một số nước truy đuổi, bao gồm cả Mỹ và các đồng minh Anh của họ. Vì vậy, hôm nay, chúng tôi tập trung ở đây, và hàng chục thành phố ở Pháp, khắp châu Âu và trên toàn thế giới, để ủng hộ Julian Assange, để chứng tỏ rằng công việc của ông là cần thiết vì tự do báo chí, để công chúng được cung cấp thông tin. Chúng tôi  kêu gọi Tòa án Công lý Tối cao, nơi đang xét xử vụ án của Julian Assange trả tự do cho ông ấy."

Ngày 20/2, một tòa án của Anh đã bắt đầu phiên tòa kéo dài 2 ngày nhằm xem xét đơn kháng cáo cuối cùng của nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ. Nếu bị kết án ở Mỹ, Assange phải đối mặt với mức án tối đa là 175 năm tù. Năm 2019, Nga cho rằng vụ bắt giữ ông Assange đã đi vào lịch sử như trường hợp vi phạm quyền của các nhà báo và tấn công vào tự do ngôn luận và nước này sẽ đưa ra trước các tổ chức quốc tế.

Sự thiên vị của các phương tiện truyền thông phương Tây đã bị vạch trần khi đưa tin về cuộc xung đột Palestine-Israel đang diễn ra. Việc đưa tin đã tìm cách giải thích, biện minh và hợp pháp hóa vụ bắn phá tàn bạo của Israel vào người Palestine kể từ tháng 10 năm ngoái. Chiến dịch của Israel đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người và hàng triệu người khác phải di dời. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã bơm hàng tỷ USD để hỗ trợ và tiếp tay cho cuộc tấn công dữ dội của Israel ở Gaza.

Tòa án Công lý quốc tế

Có lẽ sự việc quan trọng nhất phơi bày sự thiên vị của truyền thông phương Tây trong cuộc xung đột là khi các hãng truyền thông lớn của phương Tây như CNN, BBC, Sky News, và France 24 cùng nhiều hãng khác phớt lờ và không phát sóng bài thuyết trình ngày 11 tháng 1 của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cáo buộc Israel nuôi dưỡng ý định diệt chủng trong các hành động và chính sách của mình đối với Gaza.

Tuy nhiên, chính các mạng truyền thông này đã phát sóng trực tiếp bài thuyết trình của phía Israel vào ngày hôm sau nhằm tìm cách bác bỏ những cáo buộc do Nam Phi đưa ra đối với Israel. Có vẻ như những mạng lưới này và những người kiểm soát chúng không muốn khán giả nghe được câu chuyện từ phía bên kia của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Rất may, các phương tiện truyền thông mới đang dân chủ hóa không gian truyền thông toàn cầu và phá vỡ sự thống trị độc quyền của các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây. Nhà báo Tucker Carlson, được trang bị các nền tảng truyền thông xã hội với lượng người theo dõi đông đảo, là minh chứng của cách truyền thông xã hội đã giúp thách thức những câu chuyện toàn cầu một chiều bằng cách quảng bá những câu chuyện từ chiều ngược lại. Để giữ được lòng tin của khán giả, các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây cần khách quan và cho phép những tiếng nói trái chiều được thể hiện./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Công ty năng lượng Gazprom vẫn đang vận chuyển khí đốt tự nhiên tới châu Âu qua Ukraine ở mức bình thường, dù cắt đứt quan hệ với một trong những đối tác lâu năm nhất của mình là OMV, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Áo.

Sáng 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu 2024.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Chris Wright, một nhà tài trợ chiến dịch và giám đốc điều hành công ty nhiên liệu hóa thạch làm Bộ trưởng năng lượng trong chính quyền sắp tới của ông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cuộc hội đàm với Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden về nhiều vấn đề, từ xung đột, thương mại, đến tội phạm mạng, Đài Loan (Trung quốc) và Nga.

Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã tới thăm Ukraine và có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Andrii Sybiha, trong đó hai bên nhất trí khởi động khuôn khổ đối thoại chính sách an ninh cấp cao với sự tham gia của các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao hai nước.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về nhiều vấn đề từ xung đột, thương mại, đến tội phạm mạng, Đài Loan (Trung quốc) và Nga.