Bão số 4 lại vào Việt Nam | Hà Nội tin mỗi chiều

Trong khi Hà Nội và cả nước vẫn còn đang khắc phục hậu quả của bão số 3 và hoàn lưu của bão, thì gần Biển Đông đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 ngày 17/9 vào Biển Đông, mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.

Trên biển, ngày 17/9 dự báo vùng áp thấp nhiệt đới sẽ vào và mạnh lên thành bão số 4. Chiều 17/9, áp thấp ở vùng Bắc Biển Đông với hướng di chuyển phía Tây, tốc độ 15-20 km/h. Sau đó, hình thái này di chuyển hướng Tây Tây Nam với tốc độ 20 km/h và mạnh lên thành bão.

Dự báo ngày 18/9, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía Đông Đông Nam. Từ sáng 17/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50 - 61 km/h), giật cấp 9 (75 - 88 km/h), biển động.

Dự báo trong 24 dến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia.

Nhận định về áp thấp nhiệt đới này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định: "Sau khi di chuyển vào Biển Đông, khoảng ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới sẽ trở thành cơn bão số 4 năm 2024. Tuy nhiên, bão số 4 sẽ không có cường độ mạnh như bão số 3 bởi điều kiện môi trường hiện nay không thuận lợi và phải chia sẻ năng lượng với một cơn bão đang hoạt động ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương".

"Cạnh đó, khi vào Biển Đông, bão vẫn chịu tác động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới. Ngoài ra, bão còn chịu một tác động nữa là khối không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến nước ta sau ngày 19/9. Chính vì vậy, đường đi của áp thấp nhiệt đới sẽ rất phức tạp", ông Hưởng nhận xét, và dự báo hai kịch bản khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết – Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Kịch bản thứ nhất, khi mạnh lên thành bão số 4, sẽ di chuyển thẳng vào khu vực Trung Trung Bộ.

Kịch bản thứ hai, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão có khả năng đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây, Tây - Bắc và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ - tức là đi về phía khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tất cả những mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều nhận định cường độ của áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão sẽ không thể mạnh như bão Yagi, tức bão số 3. Trước mắt, với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và sau đó là khả năng cao thành bão số 4, cơ quan khí tượng lưu ý:

Đầu tiên là lưu ý gió mạnh, sóng lớn trên biển ở khu vực phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, vùng phía Đông của kinh tuyến 114, phía Bắc của vĩ tuyến 14. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng này đều coi là vùng nguy hiểm và đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Tác động trên đất liền thì cần phải theo dõi tiếp vì khả năng bão sẽ có nhiều thay đổi sau khi đi vào Biển Đông và khi di chuyển đến khu vực giữa Biển Đông.

Nếu theo kịch bản số 2 ở trên thì tác động của bão sẽ ảnh hưởng vào đất liền vào cuối tuần này. Còn theo kịch bản số 1, tức là khi di chuyển vào khu vực Trung Trung Bộ thì tác động có thể sớm hơn so với khi kịch bản số 1 từ một đến 2 ngày.

Liên tiếp trong 20 năm vừa qua, Việt Nam đã phải hứng chịu hàng trăm cơn bão, trong đó có các cơn bão lớn, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.

Bão số 3, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua, đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản.

Tính đến ngày 15/9, bão số 3 đã khiến 353 người chết và mất tích, khoảng 1.900 người bị thương. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 15/9, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng. Khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.

Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh: QĐND.

Thiệt hại do bão Yagi gây ra vẫn chưa dừng lại, bởi lẽ một số địa phương vẫn còn ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao. Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Ninh, bão Yagi đã làm địa phương này thiệt hại hơn 23.700 tỷ đồng, Hải Phòng khoảng 11.000 tỷ đồng. Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tính tăng trưởng có thể đạt 6,8-7% khi không có bão Yagi.

Rất nhiều những cơn bão lớn liên tục xảy xa trong những năm gần đây. Đáng lo ngại là nhiều quy luật về bão đã bị phá vỡ gây khó khăn cho công tác dự báo và phòng, chống. Trước đây, bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016, cơ quan khí tượng đã phải bổ sung cấp siêu bão, tức là cấp 16 trở lên.

Căn nhà bị đổ sập sau lũ dữ tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN.

Các nhà khoa học nhận định, đại dương nóng hơn do biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão mạnh lên và nhanh hơn. Sự gia tăng nhanh chóng của bão nhiệt đới trong khí hậu ấm hơn là điều đáng lo ngại. Đặc biệt, rất khó dự đoán đường đi của bão nhiệt đới, dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt mối nguy hiểm cho cư dân ven biển, nên thiệt hại sẽ gia tăng.

Tiến sĩ Ben Clarke, thuộc Đại học Hoàng gia London và là thành viên của Tổ chức đánh giá về thời tiết trên thế giới WWA cho rằng: Sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn. Châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo.

Việc mất rừng trong những năm qua cũng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi. Rừng, vốn được coi là lá chắn bảo vệ tự nhiên, đã suy giảm nghiêm trọng, khiến khả năng hấp thụ nước và giảm thiểu nguy cơ lũ lụt bị yếu đi.

Việc mất rừng trong những năm qua cũng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi. Ảnh: Vietnam+.

Sự mất mát này không chỉ làm tăng nguy cơ xói mòn đất mà còn khiến hiện tượng lũ quét xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, đặc biệt tại các vùng đồi núi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn trực tiếp tác động đến sinh kế của người dân sống dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp.

Việt Nam và  Philippines là hai quốc gia thường xuyên hứng chịu thiệt hại nặng nề từ những cơn bão trên Thái Bình Dương, đặc biệt là bão nhiệt đới. Nguyên nhân là do cả hai nước nằm trên dọc theo vành đai bão và đường vành đai lửa Thái Bình Dương.

Philippines hứng chịu gần như toàn bộ sức mạnh của mỗi cơn bão trước, sau đó tới Việt Nam, tuy rằng sức mạnh của bão khi vào nước ta đã giảm đi phần nào những vẫn gây ra thiệt hại về người và của vô cùng nghiêm trọng.

Hiện trường vụ lở đất do mưa lớn gây ra ở tỉnh Rizal, Philippines, ngày 2/9/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể hình thành khoảng 11 - 13 cơn. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới giống như mọi năm, có khả năng sẽ tập trung nhiều nhất từ tháng 9 đến tháng 11.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý: Công tác chống lũ sau bão phức tạp, khó khăn hơn. Nguyên nhân là dự báo bão dễ hơn, có độ chính xác cao hơn. Dự báo mưa sau bão cực khó dẫn đến những trường hợp, thiệt hại không thể lường trước.

Để chủ động ứng phó với những diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 16/9 đã có công điện đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương và bộ, ngành liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời tiến hành trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về bộ.

Về lâu dài, để giảm thiểu thiệt hại do các cơn bão như bão Yagi gây ra, việc đầu tư vào một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả là vô cùng cấp thiết. Một hệ thống cảnh báo sớm hiện đại, kết hợp các công nghệ tiên tiến như radar Doppler, vệ tinh khí tượng, sẽ giúp chúng ta theo dõi sát sao diễn biến của các cơn bão, từ đó đưa ra những dự báo chính xác và kịp thời. Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới trạm quan trắc rộng khắp và nâng cao khả năng truyền thông sẽ giúp thông tin cảnh báo đến được với mọi người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa.

Và hơn hết, đã đến lúc con người thực sự cần nhìn lại bản thân mình. Chỉ nên sử dụng và tận dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên mới có thể có được cuộc sống tốt đẹp và bền vững. Hủy hoại thiên nhiên, kỳ thực chính là cách con người đang tự hủy đi tương lai của chính mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội bắt đầu những ngày mùa đông. Hà Nội bước vào những ngày lãng đãng sương mù. Nhiều người sẽ nói rằng đây đúng “chất” Hà Nội rồi đây.

Đông trùng hạ thảo Kovi đã trải qua nhiều năm nghiên cứu để chọn ra những cá thể tốt nhất rồi nhân giống cây trồng thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất công nghiệp. Đông trùng hạ thảo Kovi đã thành công nuôi cấy và sản xuất đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo, góp phần làm nên thành công trong công cuộc nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm đông trùng hạ thảo nhân tạo có chất lượng như ngoài tự nhiên. Và mục tiêu là đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, với giá cả hợp lý có thể dễ dàng mua và sử dụng.

Chân trần nhưng chí thép; Ngàn lá cờ Tổ quốc vì Trường Sa thân yêu; Thủ tướng dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ; Hungary đề xuất giải pháp trung chuyển khí đốt qua Ukraine;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 15h00 hôm nay.

Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng có một truyền thống văn hóa, lịch sử rất đáng tự hào, kết tinh của lòng yêu nước, ý thức tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của bao thế hệ tiền nhân. Và đó là những bài học lịch sử sinh động được nhiều nhà trường “truyền lửa” tới các em học sinh, thông qua nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

Nhiệt độ Hà Nội đang lên mức cao nhất trong ngày khoảng 22-23 độ. Độ ẩm giảm thấp dưới 40%.

Quân đội Nhân dân Việt Nam - đội quân cách mạng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; Thu ngân sách của Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước; Hàng trăm nghìn người Cuba biểu tình phản đối Mỹ cấm vận;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin ngày hôm nay.