Bão tố Xô Viết phần 1: Chiến dịch Barbarossa

Mùa xuân năm 1941, phát xít Đức đang thống trị châu Âu. Pháp và Ba Lan đang bị chiếm đóng. Chỉ còn nước Anh còn tiếp tục chiến đấu. Giờ đây, nước Đức Quốc xã quyết định xoay trục về hướng Đông, mục tiêu là Liên bang Soviet, vùng đất mà Hitler vẫn hằng mơ ước để xây dựng đế chế mới.

Mùa xuân năm 1941, Đức Quốc xã vẫn đang là đồng minh với Liên Xô. Nhưng ai cũng biết, mối quan hệ này không thể kéo dài. Các máy bay do thám của Đức bay lượn ở độ cao 10.000 m trên đất Liên Xô và thường không bị phát hiện. Nhưng vào ngày 15/4/1941, do sự cố động cơ, một chiếc Junker 86 đã bị mất độ cao. Nó nhanh chóng bị ngăn chặn và bắn hạ.

Qua thẩm vấn, các phi công nói họ đang bay đến Krakow, vùng đất thuộc Ba Lan mà Đức đang chiếm đóng. Điều này rất khó thuyết phục vì máy bay bị bắn rơi gần Kiev, tức là cách Krakow tới 480km, sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Xô Viết.

Các phi công thuộc phi đội "Rowel" làm nhiệm vụ trinh sát từ trên cao. Họ đã bí mật chụp ảnh các vùng lãnh thổ Liên Xô, nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược của phát xít Đức.

Mười ngày sau, một bản báo cáo mật được gửi về Moscow bởi Thiếu tướng Tupikov, tùy viên quân sự Liên Xô tại Berlin. Trong báo cáo, ông này nêu ra hai kết luận: “Một là, người Đức đang có kế hoạch gây chiến với Liên Xô và hai là họ có kế hoạch tấn công sớm và chắc chắn trước khi kết thúc năm nay”.

Các phi công thuộc phi đội "Rowel" làm nhiệm vụ trinh sát từ trên cao bị bắn hạ hé lộ âm mưu của Đức quốc xã

Vào mùa xuân năm 1941, cả Tupikov lẫn bất cứ điệp viên Liên Xô nào cũng đều không thể nói chính xác khi nào cuộc xâm lược của Đức sẽ diễn ra. Điệp viên giỏi nhất của Stalin, Richard Sorge, đã tuyên bố: Cuộc xâm lược sẽ bắt đầu vào tháng 3, sau khi thu hoạch. Thế nhưng, sau đó, ông Sorge lại đính chính là phải cuối tháng 5. Khi thời điểm đó trôi qua, ông ta nói trung tuần tháng 6.

Nội dung các báo cáo của điệp viên Liên Xô đầy hỗn loạn và mâu thuẫn. Tóm lại, không ai ở Moscow biết chắc có hay không, và khi nào thì phát xít Đức xâm lược Liên bang Xô viết.

Về sau này, có tin đồn rằng kế hoạch xâm chiếm của Hitler đã sớm nằm trên bàn Stalin ngay khi nó vừa được ký xong. Nhưng trên thực tế, không có bản kế hoạch nào bị đánh cắp. Mạng lưới tình báo Xô Viết nhận được một khối thông tin khổng lồ, nhưng chỉ có một ít báo cáo được phân tích theo đúng cách. Rất nhiều thông tin có giá trị đã bị thất lạc.

Năm tháng trước, tháng 12 năm 1940, Hitler đã ban hành Chỉ thị số 21 lệnh cho lực lượng vũ trang Đức chuẩn bị xâm lược Liên Xô. Chiến dịch có mật danh là “Barbarossa”. 

Quân Đức lên kế hoạch di chuyển về hướng Đông để chiếm lĩnh các vị trí thuận lợi dọc biên giới Liên Xô.

Một mặt, Hitler tuyên bố: “Một lực lượng Hồng quân đông đảo đang đóng quân dọc biên giới để sẵn sàng xâm lược nước Đức”. Do đó, ông ta khẳng định, chiến dịch Barbarossa sẽ là đòn tấn công phủ đầu, một hành động tự vệ hợp pháp. Song, ai cũng biết đó chỉ là luận điệu tuyên truyền cổ điển của nhà nước Quốc xã.

Hitler muốn các quốc gia khác, đặc biệt là các nước trung lập tin rằng, cuộc tấn công của hắn là đúng đắn. Nhưng chỉ ít kẻ bị lừa mà thôi. Trong khuôn khổ thu hẹp, Hitler đã thẳng thắn hơn về lý do xâm lược Liên Xô của mình: “Chỉ cần khả năng Nga tham chiến, điều đó sẽ mang hy vọng đến cho nước Anh, Và nếu hy vọng đó bị dập nát, thì Anh chắc chắn sẽ phải cầu hòa”.

Barbarossa là một kế hoạch xâm lược đầy tham vọng, nó dựa trên chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng”, vốn đã phát huy hiệu quả tối đa khi tiến công vào Pháp và Anh năm 1940. Cuộc tấn công được giao cho 4 Cụm tập đoàn quân xe tăng Panzer Gruppe. Tăng và các sư đoàn bộ binh cơ giới sẽ nhanh chóng đột kích mạnh và thọc sâu vào lãnh thổ đối phương để hợp vây và tiêu diệt bất kỳ đơn vị Hồng quân nào bảo vệ biên giới. Chỉ huy 4 Cụm tập đoàn quân này là các tướng Ewald von Kleist, Eric Hoepner, Heinz Guderian và Hermann Hoth. Mục tiêu cuối cùng là chiếm Moscow và toàn bộ phần lục địa châu Âu thuộc Nga. Những chiến lược gia người Đức tin rằng, với sự ưu việt về quân sự, họ sẽ giành chiến thắng chỉ trong vòng từ 3 đến 4 tháng.

Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược, quân đội Đức được chia thành ba cụm: Cụm tập đoàn quân phía Bắc tiến về hướng Leningrad; cụm tập đoàn quân Trung tâm nhằm thẳng hướng Moscow, và Cụm tập đoàn quân phía Nam tiến về Kiev và Donetsk. Tập đoàn quân phía Bắc và Nam, mỗi cụm đều có một tổ hợp tăng Panzer. Với Tập đoàn quân Trung tâm, có tới hai tổ hợp Panzer hỗ trợ. Riêng Panzer Gruppe số 3 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hermann Hoth. Đại tướng Hoth vốn là người hùng trong chiến dịch xâm lược Ba Lan và Pháp. Ông ta đã 56 tuổi, và binh lính Đức đều trìu mến gọi ông ta là “Bố già” Hoth.

Quân đôi phát xít có thể dựa vào nhiều chỉ huy có kinh nghiệm, khác hẳn với đối thủ, khi các tướng lĩnh Liên Xô hầu hết chỉ ở độ tuổi bốn mươi. Bộ 3 chỉ huy các Tập đoàn quân của Đức đều dạn dày trận mạc: Guderian đã 53, Hoepner 55 tuổi, còn Ewal von Kleist thậm chí đã bước sang tuổi lục tuần.

Chỉ huy và bộ tổng tham mưu các Cụm Tập đoàn quân phát xít đã áp ở sát biên giới Liên Xô trong mùa Đông năm 1940. Ban đầu, chỉ có sĩ quan tham mưu và các đơn vị thông tin được điều đến đây. Tất nhiên, phải tới trước khi tấn công xe tăng mới được đưa tới để tham chiến.  Bằng cách giấu thứ vũ khí chủ lực của mình ở phía sau, Hitler muốn đánh lạc hướng đối phương, vờ như hắn vẫn đang tập trung cho cuộc xâm lược nước Anh và ở phía Đông, nước Đức chỉ lo phòng thủ mà thôi. Nhờ kế “giương Đông kích Tây”, một đạo quân xâm lược khổng lồ đã âm thầm tập trung trước ngưỡng cửa nước Nga.

Vào năm 1941, quân đội Đức đang ở đỉnh cao sức mạnh. Các sư đoàn quân phát xít được biên chế đầy đủ, với tinh thần chiến đấu rất cao sau những chiến thắng thuyết phục ở mắt trận phía Tây. Lính Đức được huấn luyện chuyên sâu để triển khai chiến thuật "Chiến tranh chớp nhoáng". Ngược lại, Hồng quân khi ấy phải căng mình phân tán lực lượng trên khắp lãnh thổ rộng lớn. Nhiều đơn vị vẫn giữ quân số thiếu trong trạng thái thời bình. Các lực lượng bảo vệ biên giới dành phần lớn thời gian ngồi học các lớp chính trị và phải mất từ 2 đến 3 tuần mới có thể triển khai đây đủ lực lượng hoặc tăng cường cho họ.

Trên thực tế, Hồng quân gần như không mấy chuẩn bị cho việc phòng ngự. Suy cho cùng, nhiều người luôn cho rằng lúc nào quân đội Soviet cũng là phía tấn công trước. Thêm nữa, Stalin cũng không vội chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại phát xít Đức. Bản thân ông biết rõ thực trạng đất nước. Khi ấy, Liên Xô vẫn chưa hề sẵn sàng cho một cuộc chiến.

Năm 1939, Đức Quốc xã và Liên Xô đã ký kết một Hiệp ước không tấn công lẫn nhau. Mặc dù vậy, Josip Stalin không hề nuôi ảo tưởng. Ở trong nước, Hồng quân hối hả xây dựng và củng cố tổ chức. Quân đôi Soviet đã phát triển từ 1,5 triệu người lên tới 5 triệu binh sĩ.

Mùa hè năm 1941, lực lượng vũ trang Liên Xô vẫn trong quá trình tái tổ chức và mở rộng. Hệ thống pháo đài vẫn đang xây dựng, sân bay được cải tạo, nhiều đơn vị mới được thành lập. Cho đến trước khi công tác chuẩn bị hoàn tất, Stalin tìm mọi cách để tránh bất kỳ cuộc xung đột nào với nước Đức của Hitler. Thế nhưng, các nguồn tin tình báo ngày càng cho thấy tình hình đang xấu đi rất nhanh. 

Đầu tháng 6/1941, quân Đức bắt đầu di chuyển, các sư đoàn xe tăng và môtô 3 bánh bắt đầu di chuyển đến biên giới. Chỉ cần để ý là thấy, những hành động này không phải là sự cuẩn bị cho một cuộc phòng thủ. Tám ngày trước khi bị xâm lược, cơ quan Thông tấn Liên Xô, Tass, đã phát đi một bài viết, trong đó ghi rõ: “Nước Anh và một số quốc gia khác đang đồn đoán về một cuộc chiến sắp xảy ra giữa Liên Xô và Đức. Song, nước Nga tin rằng, những thông tin thất thiệt này hoàn toàn vô căn cứ”

Stalin đã gửi lời mời đám phán tới Hitler để giải quyết sự khác biệt của hai nước thông qua thương lượng. Nhưng câu trả lời chỉ là sự im lặng chết người. Cuối cùng, Stalin đã ra lệnh điều quân tăng cường cho khu vực biên giới. Thậm chí, 3 ngày sau thông điệp được phát đi bởi TASS, khi điệp viên Liên Xô Richard Sorge có báo cáo rằng cuộc xâm lược sẽ được hoãn cho đến cuối tháng Sáu, Josip Stalin vẫn hy vọng có thể tránh được chiến tranh. Thế nhưng mọi thứ đã quá muộn, cuộc tấn công sẽ bắt đầu trong vòng chưa đầy một tuần nữa.

Vào ngày 22/6, Hồng quân đã triển khai thành ba tuyến, kéo dài đến sông Dnepr. Hầu hết các đơn vị này chỉ vừa khởi hành di chuyển về phía Tây để đương đầu với mối đe dọa của Đức Quốc xã. Ngược lại, các binh lính phát xít đã tập trung dày đặc suốt dọc biên giới để sẵn sàng cho cuộc  tấn công chớp nhoáng.

Vào giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, tại vùng Baltic, 21 sư đoàn Hồng quân phải đối mặt với 34 sư đoàn Đức.

Ở Belarussia, 26 sư đoàn Hồng quân phải chống lại 36 sư đoàn phát xít.

Còn ở Ukraine, 45 sư đoàn Soviet sẽ phải chống đỡ lại 57 sư đoàn Quốc xã.

Với tương quan lực lượng thế này, Hồng quân bị áp đảo hoàn toàn, mặc dù họ có nhiều hơn xe tăng và máy bay, nhưng thực tế chiến đấu đã chứng minh, số khí tài đó phát huy không nhiều giá trị. 

Vào đêm ngày 21/6, Bộ Tư lệnh tối cao Đức truyền đi tín hiệu mật mang tên "Dortmund", xác nhận chiến dịch Barbarossa sẽ được mở đầu vào sáng hôm sau.

Xe tăng, thiết giáp và xe tải bắt đầu vào vị trí tập kết. Tối hôm đó, sĩ quan Đức đã tập trung binh lính để công bố mệnh lệnh của Quốc trưởng đến tất cả các đơn vị: “Số phận của Đế chế Đức giờ đây trong tay các bạn

Trong những ngày tiếp theo, lính Đức sẽ được hướng dẫn bởi các chỉ thị đó, ví như lời kêu gọi của Tướng Hoepner: “Cuộc chiến đấu của các bạn phải nhằm mục tiêu biến nước Nga thành đống đổ nát

Nhưng không phải người lính nào cũng sẵn sàng tham gia vào cái gọi là “Cuộc thập tự chinh cho nền văn minh”. Anh lính Alfred Liskow, một đảng viên cộng sản, đã bí mật vượt biên giới. Anh ta đã vượt sông Bug và đầu hàng lính biên phòng Soviet. Lắp bắp trong sự kích động, Liskow nói rằng vào bình minh ngày mai, Đức quốc xã sẽ tấn công.

Trước khi bị giải đi, lời của anh ta được báo lên cho Stalin. Thông tin tương tự cũng đến từ một điệp viên Liên Xô trong Đại sứ quán Đức, Gerhard Kegele. Bào sớm ngày 21/6, ông ta báo cáo về: Chiến tranh sẽ nổ ra trong vòng 48 tiếng nữa.

Tại điện Kremlin, các Tướng Georghe Zhukov, Nguyên soái Semyon Tymoshenko và Tướng Nikolai Vatutin đã thuyết phục Stalin phải có hành động cần thiết. Các đơn vị được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, nhưng kèm theo đó là một cảnh báo: Có thể người Đức cố tình khiêu khích. Mệnh lệnh này lập tức bay tới chiến tuyến. 1 giờ sáng hôm đó, tại Minsk, tướng Dmitry Pavlov, chỉ huy Quân khu đặc biệt Belorussia đã đến trụ sở của mình vào giữa đêm. Tại đây, đang chờ ông là bản báo cáo được gửi đi từ thị trấn Grodno, gần biên giới. Trong đó viết: “Đã cấp phát đạn dược. Chúng tôi đang chiếm lĩnh vị trí phòng ngự. Ký tên: Tư lệnh Tập đoàn quân số 3 Vasily Kuznetsov”.

Vasily Ivanovich Kuznetsov nhập ngũ và tham gia Thế chiến thứ Nhất. Sau đó, ông thăng chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh trong thời Nội chiến. Khi Đệ Nhị thế chiến nổ ra, ông đã 47 tuổi. Kuznetsov phải chịu đựng gánh nặng đè lên vai từ những ngày đầu tiên cho đến phút cuối cùng. Những lời cảnh báo về cuộc xâm lược của nước Đức phát xít không hề khiến Kuznetsov ngạc nhiên. Suốt nhiều giờ qua, các chiến sĩ của ông đã nghe tiếng động cơ gầm rú từ bên kia biên giới dội lại. Điều đó chỉ có thể hiểu theo một ý nghĩa duy nhất: Những tên lính phát xít đầu tiên sớm muộn sẽ vượt qua biên giới.

Trung đoàn Brandenburg, đơn vị biệt kích đặc biệt tinh nhuệ của Đức, kết hợp các thủ đoạn "tàng hình" và bất ngờ, đã chiếm được chiếc cầu bắc qua sông Bug. Không quân Quân Đức bắt đầu cất cánh, đích đến là những thành phố lớn cùng các sân bay của Liên Xô ở phía Tây.

Những chiếc phi cơ của không quân Liên Xô vẫn xếp hàng gọn gàng tại căn cứ như không biết điều gì sẽ xảy ra với chúng. Khi chiến đấu cơ của Đức bay tới, phi công là người đầu tiên thấy mặt trời mọc vào buối sớm định mệnh đó. 4 giờ sáng, cửa khoang chứa bom mở ra và trút như mưa những “kiện hàng” hủy diệt từ trên không trung xuống mặt đất

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nước Nga đã bắt đầu.

Bình minh ngày 22/6/1941, các sân bay Liên Xô bị tấn công. Đại úy Berkal, phi đội trưởng, nhanh chóng bấm chuông báo động và đưa tiêm kích của mình cất cánh càng sớm càng tốt. Khi chiến đấu cơ Soviet lấy được độ cao, họ chợt nhận ra rằng những chiếc cường kích của phát xít Đức rất dễ bị hạ.

Sân bay Mlynuv ở Ukraine trở thành nghĩa trang cho máy bay ném bom Quốc xã. Tại đây một phi đội Luftwaffe đã mất một lúc 7 chiếc máy bay. Song đó chỉ là chiến thắng nhỏ nhoi trong một ngày thảm họa của Không quân Soviet. Một số sân bay sót lại sau đòn đánh phủ đầu đầu tiên của quân Đức. Nhưng rồi, các phi công của Luftwaffe không dừng lại ở đó, họ quần thảo liên tục không ngơi nghỉ. Sau 5, 6 lượt tấn công liên tiếp, hầu hết các căn cứ không quân của Liên Xô ở phía Tây đã bị tê liệt. Trên bầu trời, mặc dù Hồng quân có nhiều máy bay tiêm kích tốt hơn, nhưng do các phi công thiếu kinh nghiệm chiến đấu, nên khi đối đầu với những chiếc Messerschmitt, họ đều chịu thua thiệt.

Thiếu tướng Kopets, Tư lệnh Không quân của Phương diện quân phía Tây, đã cất cánh bay một vòng để kiểm tra về những thiệt hại tại các sân bay. Sau khi hạ cánh, ông đã dùng súng lục để tự sát.

Không quân Xô Viết bị thiệt hại nặng nề ngay trong ngày đầu của cuộc chiến.

Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, Liên Xô đã mất 700 máy bay tại Belarussia, tương đương một nửa lực lượng không quân. Ở Ukraine, 300 máy bay bị phá hủy, chiếm 17%. Còn tại vùng Baltic thiệt hại khoảng 100 chiếc, chiếm 10%. Cuộc tàn sát đầu tiên của Đức cho thấy mức độ áp đảo hoàn toàn. Không quân Liên Xô phải gánh chịu thiệt hại vô cùng nặng nề, gần như tê liệt hoàn toàn và phải mất rất nhiều tháng trước khi trở lại tham chiến.

Lục quân Đức bắt đầu xuất phát tấn công lúc 4 giờ 15 phút sáng. Xe tăng của Hermann Hoth đã tiến được từ 50 - 70km trên mặt trận Baltic. Quân phát xít chiếm các cây cầu quan trọng trong vùng Alytus và Merkine. Trong hồi ký của mình, Hoth đã ghi lại: “Ba chiếc cầu vượt sông Neiman chiếm được đều còn nguyên vẹn. Mọi việc diễn ra hoàn toàn bất ngờ”.

Các tướng lĩnh phát xít mau chóng mơ về một phần thưởng lớn. Hoth nhớ lại: “Mọi người đều khao khát tiến vào và chiếm được Moscow càng sớm càng tốt”.

Lúc này, các sư đoàn xe tăng Panzer của Hoth bắt đầu tiến công nhằm bao vây Hồng quân tại Belarussia từ phía Bắc. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên, mọi thứ diễn ra không như kế hoạch đã định. Tại một địa điểm nằm trên biên giới Belarussia, một sự kiện đã xảy ra khiến cho cả đôi bên đều bất ngờ.

Pháo đài Brest được người Nga xây dựng từ thế kỷ 19. Nơi đây được cho là có đơn vị Hồng quân đồn trú, chỉ cỡ một Tiểu đoàn. Nhưng khi cuộc xâm lược bắt đầu, các đơn vị của 2 sư đoàn Soviet với tổng số khoảng 7.000 quân đã tử thủ tại đây. Vào sáng ngày 22/6, pháo đài liên tục bị pháo binh và máy bay Quốc xã tấn công. Nhiều binh sĩ đã tới đây trú ẩn và bị kẹt lại sau các đợt oanh kích. Quân Đức dự kiến sẽ chiếm pháo đài chỉ trong vài giờ. Thế nhưng thay vào đó là một cuộc bao vây đẫm máu suốt nhiều ngày trời. Đơn vị đồn trú pháo đài đã kiên cường bảo vệ từng tấc đất. Họ chiến đấu theo từng nhóm nhỏ độc lập và từ chối đầu hàng.

Sau bốn ngày, quân Đức đã chiếm được các công sự ngoại vi. Hồng quân bèn rút lui vào trong thành. 400 người còn sống sót do thiếu tá Pyotr Gavrilov chỉ huy, đã đẩy lùi 7 đến 8 cuộc tấn công mỗi ngày. Ngày 29/6, quân phát xít bắt đầu một đợt tiến công kéo dài 2 ngày liên tục vào pháo đài và cuối cùng chiếm được tòa thành cổ. Lúc này, những người bảo vệ thành đã cạn nước uống và lương thực, song họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Phải mất 1 tháng trời kể từ khi xâm lược, quân Đức mới bắt được Pyotr Gavrilov. Viên bác sĩ chăm sóc cho Gavrilov nhớ lại: “Ông ta gần như bất tỉnh vì kiệt sức, thậm chí không còn sức để nuốt bấy cứ thứ gì”. Thế nhưng, chỉ một giờ trước đó, Gavrilov đã chiến đấu quên mình. Ông ném lựu đạn tiêu diệt và làm bị thương rất nhiều lính phát xít. Bất chấp sự kháng cự anh dũng của thiếu tá Gavrilov và binh sĩ của ông, Tổ hợp tăng Panzer do Heinz Guderian chỉ huy đã tìm ra lối vòng qua pháo đài Brest và vượt sông Bug.

Lúc này Hồng quân có vẻ đang nắm giữ lợi thế lớn khi sở hữu khoảng 10.000 xe tăng tại các Quân khu phía Tây. Nhưng với những chiếc chiến xa hạng nhẹ như T-26 hay BT-7, đó sẽ là một cuộc chiến ngắn ngủi và đẫm máu.

Giáp trước của tăng T-26 chỉ dày 15mm, còn BT-7 cũng chẳng khá hơn là bao, chỉ 22mm. Cả hai đều rất dễ bị pháo của Đức tiêu diệt. Thêm nữa, pháo 45 ly trang bị cho chúng lại không đủ mạnh để xuyên thủng những chiếc xe tăng hiện đại của Đức, ngoại trừ ở cự ly bắn thẳng. Với thiết kế lạc hậu, đạn của Liên Xô bị vỡ tan khi tiếp xúc với giáp xe tăng Đức. Với Hồng quân, cuộc đụng độ đầu tiên này là một cú sốc khủng khiếp.

Giai đoạn đầu của cuộc chiến, các xe tăng hạng nhẹ của Xô Viết nhanh chóng bị đè bẹp.

Vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tăng Hồng quân đã giao chiến với một sư đoàn Panzer của Đức ở gần Pruzhany. Cuộc chiến lập tức biến thành một vụ thảm sát. Chỉ sau vài giờ giao chiến, hơn 100 xe tăng T-26 bị phá hủy.

Đến ngày thứ ba, khoảng 250 chiếc tăng T-26 bị phá hủy gần Voynitsa.

Tới hôm sau, phía Liên Xô tổ chức phản công ở thị trấn Poshile vùng Baltic. Buổi sáng, sư đoàn tăng số 28 của Liên Xô có 130 chiếc. Đến cuối ngày, chỉ còn lại 50 xe. Niềm tự hào của Hồng quân giờ chỉ còn là đống tro tàn và bốc khói nghi ngút dọc theo tuyến đường xâm lược của Đức Quốc xã

Phía Đức điều động khoảng 4.000 xe tăng và pháo tự hành cho cuộc xâm lược Liên Xô. Một nửa trong số này là tăng  hạng nhẹ PZ-I và PZ-II đã lỗi thời. Chỉ có 1.400 chiếc là thế hệ mới PZ-III và PZ-IV.

Mỗi sư đoàn Panzer được biên chế  200 chiếc xe tăng và hơn 2.000 lính bộ binh cùng các loại xe hỗ trợ. Trong khi đó, một sư đoàn tăng Liên Xô có số lượng gần gấp đôi, nhưng ít xe hỗ trợ hơn. Điều này đã chứng minh người Đức tính toán hoàn toàn chính xác. Nếu không đủ xe tải hỗ trợ để cung cấp hậu cần, đạn dược ít ỏi và thiếu phụ tùng thay thế sẽ  khiến hàng trăm xe tăng Liên Xô trở nên vô dụng, buộc phải bị bỏ lại trên đường ra chiến trường.

Đoàn xe tăng Đức bước vào trận chiến với đầy sự tự tin về tính ưu việt của mình. Nhưng chờ đợi họ lại là một bất ngờ khó chịu. Pháo thủ Sư đoàn tăng số 11 của Đức, Gustav Schrodek tham chiến gần Radekhov nhớ lại: “Chúng tôi bắn quả đạn đầu tiên trúng vào tháp pháo của chúng. Quả thứ hai cũng trúng đích, nhưng nó vẫn tiếp tục tiến lên. Sao lại kỳ lạ như vậy? Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau rằng, chỉ cần phun nước bọt vào xe tăng Nga là nó sẽ nổ tu

Các báo cáo khác bắt đầu nói về mẫu xe tăng mới của Liên Xô mà dường như có khả năng chống lại được đạn pháo Đức. Trong trận Raseinjai, loại tăng hạng nặng mới này của Liên Xô không hề hấn gì trước nhiều phát đạn của địch. Ngay lập tức sau đó, chúng đã tràn các vào vị trí quân Đức, nghiền nát súng, pháo, xe tải và các loại phương tiện mà nó đi qua. Cách duy nhất để ngăn chặn con quái vật này là súng phòng không Pak-88 ly đầy uy lực.

Các xe tăng đời mới của Xô Viết giành lại thế trận cho Hồng quân

Các xe tăng đời mới của Liên Xô có tên là T-34 và KV-1. Đây là những cái tên khiến lính Đức sợ mất vía. Trong khi giao tranh nổ ra dọc theo biên giới, Tập đoàn quân số 3 của Kuznetsov là đơn vị duy nhất nghĩ cách đưa pháo ra chặn bước tiến của quân Đức. Tại Grodnog Hồng quân đã buộc Tập đoàn quân số 9 của Đức phải khựng lại. Tướng Eugen Ott viết: “Các cuộc kháng cự kiên cường của người Nga buộc chúng tôi phải chiến đấu mà bất tuân theo những quy tắc quân sự thông thường. Tại Ba Lan và ở nhiều nước khác, chúng tôi có thể đủ khả năng tự do và hành động theo đúng nguyên tắc. Nhưng bây giờ thì không thể”  

Vasily Kuznetsov cũng là chỉ huy đầu tiên của Hồng quân khởi xướng phản công bằng thiết giáp. Quân đoàn cơ giới 6 sở hữu gần 1.000 chiếc xe tăng trong đó có 350 chiếc T-34 và KV-1 loại mới. Việc chọn vị trí để phản công phải được quyết định sớm. Khi nhận được báo cáo về sự tập trung của rất nhiều xe tăng Đức ở gần Grodnog, nơi Tập đoàn quân số 3 của Kuznetsov đang chiến đấu, Tướng Dmitry Pavlov đã quyết định đòn phản công phải diễn ra ở đây. Điều này dẫn đến một thảm họa: Quân đoàn Cơ giới 6 coi như bị xóa sổ. Hầu hết các xe tăng buộc phải bỏ lại vì không đủ nhiên liệu để hoạt động do các kho hậu cần đã bị phá hủy sau những trận không kích. Khi quân Đức bao vây số xe tăng còn lại, kíp lái đã cho nổ tung và rút lui.

Thực tế, chỉ có bộ binh Đức đóng quân ở gần Grodnog chứ chẳng có chiếc xe tăng nào cả, nhưng Quân đoàn cơ giới số 6 thì coi như đã tự tiêu diệt. Nhờ vậy, binh sĩ của Hermann Hoth tiến vào Vilnius mà không gặp phải sự cản trở nào.

Do người Đức đã kiểm soát bầu trời nên các tướng lĩnh Liên Xô tại Belarussia không dám cho máy bay cất cánh để trinh sát. Và thế là lực lượng bộ binh chủ yếu phải đoán mò cách bối trí lực lượng của đối phương. Pavlov ước tính quân của ông sẽ phải đối đầu với chỉ 1 hoặc 2 Sư đoàn xe tăng Đức. Nhưng đến ngày thứ 3 giao chiến, một đơn vị trinh sát Đức bị phục kích gần Slonim. Sau trận đánh, Hồng quân đã thu được bản đồ của một sĩ quan Đức và lập tức gởi về sở chỉ huy cho Dmitry Pavlov. Vừa liếc vào chiến lợi phẩm, Pavlov chợt nhận ra mình đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp. Thay vì 1 hoặc 2 sư đoàn xe tăng, toàn bộ Tổ hợp Panzer Gruppe số 2 do Heinz Guderian chỉ huy, gồm 5 Sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn bộ binh cơ giới đều đang tiến về Minsk và Bobruisk. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ lực lượng của Pavlov sắp sửa bị bao vây. Ngay lập tức, ông ra lệnh cho toàn bộ quân của mình phải rút về những cánh rừng ở phía Đông. Nhưng mọi thứ đã quá muộn! Các sư đoàn xe tăng của Guderian ùa vào Slonim chặn đứng con đường duy nhất từ Bialystok quay về Minsk. Với địa hình đầm lầy và rừng rậm ở Belarussia, việc kiểm soát một con đường độc đạo như thế này có thể mang tính quyết định. Các đường rút lui khác đơn giản là không hề tồn tại.

Lúc này, các xe tăng Đức dường như có thể di chuyển tùy thích. Chỉ huy Đức giờ đây có thể toàn tâm tập trung tìm ra những điểm yếu trên phòng tuyến kẻ thủ, chọc thủng chúng, tiến công thần tốc và uy hiếp đối phương bằng chiến thuật hợp vây.  Để duy trì đà tiến công, quân phát xít bỏ qua những ổ đề kháng ngoan cường. Chúng sẽ được các sư đoàn bộ binh phía sau xử lý.

Xe bọc thép, bộ binh cơ giới và xe tải chở bộ binh đi theo sau. Các đơn vị trinh sát dẫn đường sẽ giao chiến trước với đối phương. Cuối cùng là sự hiệp đồng chặt chẽ giữa không quân với các lực lượng trên mặt đất khiến cho năm 1941, Wehrmacht trở thành đạo quân không có đối thủ.

Các Tổ hợp Panzer Gruppe 2 và 3 của Guderian và Hoth nhằm hướng Moscow thẳng tiến. Nhưng giờ đây họ nhận được một mệnh lệnh khác: Minsk trở thành ưu tiên mới. Cả hai vị tướng đều cảm thấy bực mình vì họ vẫn xem Thủ đô nước Nga chính là phần thưởng lớn nhất.

(Còn tiếp...)

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.

Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?

Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.

Thủ tướng Israel Netanyahu mới đây đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cho thấy mức độ chia rẽ nghiêm trọng trong nội các Israel. Động thái này cũng khiến cho những hy vọng về việc đạt được một lệnh ngừng bắn với Hamas và đưa các con tin trở về nhà ngày càng xa vời.