Bão xuất hiện dồn dập càn quét thế giới

Năm 2024 được đánh dấu là một năm biến đổi khí hậu khắc nghiệt khi có thêm sự tác động từ El Nino và sắp tới đây sẽ là La Nina, với nhiều trận bão lớn hoành hành ở khắp các châu lục.

Bão xuất hiện dồn dập tại các châu lục

Khi Yagi, cơn bão khác thường mạnh nhất châu Á năm nay, vừa mới đi qua và để lại thiệt hại nghiêm trọng trên những khu vực mà nó càn quét thì những cơn bão mới lại tiếp tục xuất hiện. Giới khoa học nhận thấy sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến bão mạnh lên nhanh hơn, hình thành siêu bão với sức tàn phá lớn như bão Yagi.

Yagi, cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay, hình thành ngày 30/8 ở khu vực cách Tây Bắc Palau khoảng 540 km. Philippines là nơi đầu tiên bão Yagi quét qua, gây thiệt hại khoảng 4 triệu USD và khiến 16 người thiệt mạng.

Tôi tin rằng Yagi là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực này trong những thập kỷ gần đây. Nó đã đi qua Philippines như một áp thấp nhiệt đới. Khi đó, nó tương đối yếu, nhưng đã nhanh chóng mạnh lên thành bão khi đi qua Philippines. Thật bất ngờ khi cơn bão này tăng tốc nhanh đến vậy.

Cô Nadia Bloemendall, nhà khoa học về khí hậu.

Bão Yagi mạnh lên rất nhiều sau khi rời Philippines. Nó đổ bộ vào khu vực miền Nam Trung Quốc ngày 6/9 với sức gió lên đến 234 km/h. Đảo Hải Nam bị tổn thất 1,67 tỷ USD trong ngành nông, ngư nghiệp. Bốn người tại đây đã thiệt mạng.

Các quốc gia lân cận như Myanmar, Lào, Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng từ bão Yagi. Mực nước sông Mekong và các nhánh chính dâng cao sau nhiều ngày mưa lớn.

Lũ lụt sau bão Yagi ở Myanmar khiến số người thiệt mạng tăng lên hơn 200 người, trong khi hơn 630.000 người đang chịu ảnh hưởng. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đánh giá đây là trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử Myanmar hiện đại.

Myanmar hứng chịu lũ lụt kinh hoàng sau bão Yagi. Ảnh: EPA-EFE.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 17/9, bão Yagi và hoàn lưu của nó đã làm 291 người chết, 38 người mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước khoảng 40.000 tỷ đồng.

Sau Yagi, sáng 16/9, một cơn bão mạnh khác là Bebinca đã đổ bộ vào thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, đồng thời vượt qua cơn bão Gloria, trở thành cơn bão nhiệt đới mạnh nhất tấn công trực tiếp vào thành phố này trong 75 năm qua.

Theo thống kê từ Trung tâm dữ liệu bão nhiệt đới của Cục Khí tượng Trung Quốc, bão Bebinca cũng là cơn bão mạnh đầu tiên đổ bộ vào Thượng Hải kể từ khi có hồ sơ ghi chép khí tượng. Tính đến ngày 16/9, bão Bebinca đã làm 4 ngôi nhà bị hư hại, 1 người bị thương, hơn 10.000 cây xanh bị quật ngã, hơn 53 ha đất nông nghiệp bị ngập, 153 nơi xảy ra mất điện.

Trong khi đó, bão Boris đổ bộ vào khu vực Trung và Đông Âu từ ngày 14/9, gây mưa lớn và lũ quét, ảnh hưởng trực tiếp tới một loạt quốc gia. Một số khu vực của Cộng hòa Séc và Ba Lan đang phải hứng chịu những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong gần ba thập kỷ qua. Có nơi lượng mưa trong 24 giờ tương đương với một tháng.

Tại Cộng hòa Séc, mực nước sông Morava dâng cao qua đêm đã nhấn chìm Litovel, một thành phố cách thủ đô Prague 230 km về phía Đông, với dân số gần 10.000 người.

Lực lượng cứu hộ đưa người dân ra khỏi một con phố bị ngập lụt sau trận mưa lớn ở Jesenik (Cộng hòa Séc). Ảnh: Reuters.

Khu vực Ostrava, Đông Bắc Séc đã buộc phải đóng cửa một nhà máy điện và hai nhà máy hóa chất. Chính phủ Séc đã triệu tập cuộc họp bất thường vào hôm 16/9 yêu cầu sơ tán 12.000 người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Tại Romania, một số cây cầu bị sập và nhà cửa bị phá hủy, trong khi nhiều ngôi làng và thị trấn ở miền Đông Romania cũng bị nước nhấn chìm. Thống kê ban đầu đã có sáu người thiệt mạng. Còn tại Ba Lan, chính phủ đã phải nhóm họp trong ngày 16/9 để ban bố tình trạng thảm họa. Một số đập chắn lũ đã bị vỡ gây ra hậu quả tàn khốc.

Ông Darek Krzysztan, người dân Ladek Zdroj, Ba Lan chia sẻ: “Tôi đã trải qua ba cơn bão và đây là cơn bão mạnh nhất. Tôi chưa từng thấy nước lũ lớn như vậy ở Ladek từ khi sinh sống ở đây”.

Mây đen bao phủ bầu trời khi bão Francine bắt đầu đổ bộ thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ ngày 11/9. Ảnh: Reuters.

Tại châu Mỹ, bão Francine đổ bộ bang Louisiana, Mỹ vào ngày 11/9, với sức gió khoảng 160 km/h đã gây lũ quét và mất điện ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người. Thậm chí, chỉ trong một ngày, New Orleans phải hứng chịu lượng mưa lớn tương đương một tháng.

Mưa lũ trên diện rộng gần đây cũng đã gây thiệt hại trên khắp miền Tây và Trung châu Phi, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy, hơn 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Quy mô của thảm họa khiến chính quyền các địa phương khó cập nhật đầy đủ thiệt hại về người và tài sản.

Đáng chú ý, lũ lụt đã làm sập tường tại nhà tù ở Maiduguri, Đông Bắc Nigeria, khiến gần 300 tù nhân trốn thoát. Từ đầu tuần trước, Maiduguri - thủ phủ của bang Borno, đã phải hứng chịu trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Lượng mưa lớn đã khiến một con đập bị vỡ, tàn phá một vườn thú thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời cuốn trôi các động vật nguy hiểm như cá sấu và rắn vào các khu dân cư.

Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão mạnh hơn

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hồi tháng 8 vừa qua đã cảnh bảo nhiệt độ nước biển ở khu vực Thái Bình Dương đang tăng với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ.

Phân tích của các nhà nghiên cứu từ tổ chức đánh giá về thời tiết trên thế giới WWA cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu và việc đốt nhiên liệu hóa thạch khiến tốc độ của các cơn bão như Gaemi hay Yagi nhanh hơn và lượng mưa cao hơn thông thường.

Các nhà khoa học đều nhất trí rằng các cơn bão nhiệt đới đang trở nên dữ dội hơn, ẩm ướt hơn, các đợt nước dâng do bão đang gia tăng, nguyên nhân là do sự kết hợp giữa việc các cơn bão trở nên dữ dội hơn và mực nước biển dâng cao - đó là ba yếu tố mà giới khoa học nhìn chung là nhất trí.

Cô Nadia Bloemendall, nhà khoa học về khí hậu.

Không chỉ gây ra những cơn bão mạnh hơn, hiệu ứng nhà kính còn làm tăng mực nước biển dâng, gia tăng nguy cơ ngập lụt ở các vùng ven biển. Khi các cơn bão kết hợp với hiện tượng nước biển dâng, hậu quả sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo nghiên cứu “Những thay đổi về quỹ đạo của xoáy thuận nhiệt đới ở Đông Nam Á trong điều kiện khí hậu ấm lên” đăng tải trên tạp chí nghiên cứu Climate and Atmospheric Science vào tháng 7/2024, các nhà khoa học đã chỉ rõ biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia Đông Nam Á. Đáng chú ý là các mối nguy hiểm ven biển, trong điều kiện khí hậu ấm lên, đặc biệt đáng lo ngại ở khu vực này.

Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận khoa học nào về cách biến đổi khí hậu tác động đến số lượng cơn bão trong một mùa. Nhưng thời điểm xảy ra các cơn bão đang thay đổi khi nhiệt độ ấm hơn - ngay cả trong những tháng mùa đông - tạo ra các điều kiện để các cơn bão dữ dội hơn phát triển.

Từ nay đến hết năm 2024, nguy cơ bão và áp thấp nhiệt đới sẽ diễn ra dồn dập. Ảnh EPA.

Căng thẳng địa chính trị âm ỉ, cũng như cường độ và tần suất ngày tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong đó có các cơn bão đã làm trầm trọng thêm những rủi ro tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu.

Thiên tai đã đánh trực diện vào nền kinh tế, gây tổn thất lớn về cơ sở hạ tầng, hoạt động nông nghiệp và sinh kế của người dân. Một số nghiên cứu cho thấy GDP toàn cầu có nguy cơ giảm khoảng 10% vào năm 2100 khi tính đến các rủi ro như sự sụp đổ của thềm băng Greenland. Các mô hình khác chỉ ra rằng nếu hiện tượng nóng lên trên toàn cầu không được kiểm soát, thu nhập trung bình toàn cầu có thể thấp hơn 23% vào năm 2100.

Thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu

Bão không chỉ là một thảm họa tự nhiên mà còn là một bài học đắt giá về sự mong manh của môi trường và nền kinh tế. Lũ lụt và sạt lở đất đã tàn phá hệ sinh thái, gây ra ô nhiễm môi trường và làm giảm năng suất nông nghiệp. Đồng thời, các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Những hậu quả này đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác khắc phục và phát triển bền vững, làm sao để ứng phó với các thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.

Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm tác động của các cơn siêu bão, chúng ta cần có những giải pháp toàn diện. Trước hết, việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện là vô cùng cấp thiết.

Để ứng phó biến đổi khí hậu, đầu tiên cần ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực dự báo thời tiết và thiên tai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả sẽ giúp giảm thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, đầu tư vào các công trình hạ tầng chống chịu thiên tai, trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái cũng là những giải pháp quan trọng. Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và khuyến khích mọi người thay đổi hành vi tiêu dùng là điều cần thiết để đạt được mục tiêu chung

Giải pháp chuyển đổi hệ thống năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió sẽ giúp làm giảm lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu. Số lượng quốc gia cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang ngày càng lớn mạnh; tuy vậy, vẫn phải cắt giảm khoảng một nửa lượng phát thải hiện tại chậm nhất vào năm 2030 để duy trì tình trạng tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5°C. Sản lượng nhiên liệu hoá thạch phải giảm khoảng 6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030.

Giải pháp thích nghi với hậu quả liên quan đến khí hậu sẽ giúp bảo vệ con người, nhà cửa, hoạt động kinh doanh, sinh kế, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái tự nhiên. Giải pháp này bảo vệ chúng ta khỏi các tác động hiện hữu cũng như các tác động có thể xảy ra trong tương lai. Nơi nào cũng cần phải triển khai giải pháp thích nghi, nhưng phải ưu tiên ngay bây giờ đối với những người dễ bị tổn thương nhất và có ít nguồn lực nhất để đối phó với hiểm hoạ khí hậu. Hiệu quả mang lại có thể là rất cao.

Ví dụ: hệ thống cảnh báo sớm thảm hoạ giúp cứu sống con người và bảo vệ tài sản, đồng thời có thể mang lại lợi ích gấp 10 lần chi phí bỏ ra ban đầu.

Đài Loan đang sử dụng AI để dự đoán đường đi của bão. Ảnh: AFP.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa ngành dự báo thời tiết. Tại Đài Loan, Trung Quốc, AI đã được chứng minh là một công cụ hữu hiệu trong việc dự đoán đường đi của các cơn bão, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai.

Khi cơn bão nhiệt đới Bebinca hung dữ dần tiến về vùng biển ngoài khơi phía Bắc Đài Loan, sức gió ngày càng mạnh lên, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân địa phương. Đứng trước tình hình cấp bách này, các nhà dự báo thời tiết tại Đài Loan đã nhanh chóng triển khai một công cụ dự báo hoàn toàn mới và đầy hứa hẹn, đó là trí tuệ nhân tạo.

Với khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu khí tượng hải văn trong thời gian ngắn, các mô hình AI hiện đại đang được sử dụng để phân tích chi tiết các thông số của bão Bebinca, từ tốc độ gió, hướng di chuyển cho đến lượng mưa dự kiến. Nhờ đó, các nhà dự báo có thể đưa ra những dự đoán chính xác hơn về quỹ đạo, cường độ của bão và vùng ảnh hưởng tiềm tàng, từ đó hỗ trợ các cơ quan chức năng và người dân địa phương lên kế hoạch ứng phó hiệu quả.

Một cuộc cách mạng đang diễn ra trong lĩnh vực dự báo thời tiết. Nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ AI và sức mạnh tính toán khổng lồ từ các con chip hàng đầu, các dự báo thời tiết giờ đây chính xác hơn đáng kể so với các phương pháp truyền thống, đặc biệt là trong việc dự đoán đường đi của các cơn bão.

Các mô hình dự báo thời tiết AI hiện đại đang ngày càng đa dạng và mạnh mẽ. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như FourCastNet của Nvidia, Google, GraphCast, Pangu-Weather của Huawei, và hệ thống học sâu của Trung tâm dự báo thời tiết tầm trung châu Âu. Những công cụ này đã và đang góp phần đáng kể vào việc nâng cao độ chính xác của dự báo thời tiết toàn cầu

Biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng và cần được quan tâm và giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả. Sự gia tăng về cường độ và sức mạnh của các cơn bão là một trong những tác động rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu. Việc hiểu rõ nguyên nhân khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn là cần thiết để phát triển những biện pháp ứng phó và giảm tác động tiêu cực lên môi trường và cuộc sống của con người. Chúng ta cần hợp tác và đồng lòng trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và hạn chế biến đổi khí hậu, từ đó giảm sự gia tăng về cường độ của các cơn bão và bảo vệ an toàn cuộc sống của chúng ta.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani vừa bị truy tố tại New York, Mỹ với cáo buộc âm mưu hối lộ và gian lận trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và giàu thứ 22 tại châu Á, với tổng tài sản gần 70 tỷ USD.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.

Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.

Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.